Suy giảm dân số Trung Quốc sẽ đi cùng với suy giảm kinh tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc đang ở rất gần với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, với những thách thức về nhiều mặt. Vấn đề dân số tại Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm những lo ngại về kinh tế.

Lần đầu tiên kể từ năm 1961, dân số Trung Quốc giảm. Năm nay, Ấn Độ đang leo lên vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới, đẩy Trung Quốc xuống vị trí thứ hai. Kinh tế của đất nước này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Với dân số ít hơn và nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, việc Trung Quốc đạt được tham vọng vượt qua Mỹ giờ đây càng trở nên xa vời.

Khủng hoảng nhân khẩu học

Tỷ lệ sinh năm ngoái ở mức thấp kỷ lục là 1,18 trẻ trên một bà mẹ, thấp hơn nhiều so với “tỷ lệ thay thế” (tỷ lệ sinh giúp duy trì dân số) là 2,1 trẻ trên một bà mẹ. Tỷ lệ sinh giảm đã dẫn đến cả dân số giảm và dân số già đi nhanh chóng, điều đang đẩy Trung Quốc đến gần hơn với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Năm ngoái, người ta ước tính rằng dân số Trung Quốc đã giảm 850.000 người. 20% dân số Trung Quốc đã đạt trên 60 tuổi và đến năm 2035, tổng số người cao tuổi dự kiến là 400 triệu người. Đây sẽ là gần một phần ba dân số.

Điều chỉnh tỷ lệ sinh giảm không phải là việc dễ dàng và chưa có quốc gia nào thành công trong việc này. Các quốc gia như Phần Lan, Estonia, Ý, Nhật Bản, Úc và Hungary đã thưởng tiền mặt cho công dân nếu họ sinh thêm con mà không có kết quả. Chi phí cho những đứa trẻ sinh thêm còn lớn hơn cả những khoản trợ cấp hào phóng nhất mà chính phủ đưa ra.

Vấn đề của Trung Quốc càng trở nên trầm trọng hơn vì đây là một trong sáu quốc gia có tỷ lệ giới tính mất cân bằng nhất. Người Trung Quốc vẫn ưa thích con trai hơn con gái. Chính sách một con được đưa ra vào năm 1980, kết hợp với các quy định tự do phá thai, đã dẫn đến việc sinh nhiều con trai hơn con gái. Dữ liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy từ năm 1970 đến năm 2020, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 51% sự mất cân bằng giới tính toàn cầu hay lượng phụ nữ “bị thiếu”. Năm 2015, khi chính sách một con được chuyển thành chính sách hai con, tỷ lệ sinh tăng nhẹ, nhưng gần như không đủ để đảo ngược xu hướng giảm dân số. Ngoài ra, các gia đình vẫn thích con trai hơn. Năm 2021, tỷ lệ sinh là 112 bé trai trên 100 bé gái. Trong cùng năm đó, Trung Quốc đã có nhiều hơn 30 triệu đàn ông so với phụ nữ.

Suy giảm dân số Trung Quốc sẽ đi cùng với suy giảm kinh tế
Một người phụ nữ lớn tuổi đang cõng một cậu bé dọc theo con phố ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 11/05/2020. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images)

Không chỉ là tỷ lệ sinh

Nhập cư đã cứu Mỹ khỏi rơi vào cuộc khủng hoảng già hóa tương tự. Những người nhập cư có xu hướng là những người lao động trẻ tuổi, những người sẽ kết hôn và lập gia đình sau khi ổn định cuộc sống, hoặc họ nhập cư cùng gia đình. Nhiều người đến từ các quốc gia nơi các gia đình có nhiều hơn hai con, điều này giúp cân bằng nhân khẩu học theo độ tuổi của Mỹ. Tuy nhiên, hầu như không có người nhập cư vào Trung Quốc để giúp cân bằng tình hình.

Vào năm 2021, 813.861 người nhập cư đã trở thành công dân Hoa Kỳ nhập tịch. Ngược lại, việc nhập tịch ở Trung Quốc gần như là không thể xảy ra, ngoại trừ công dân từ Đài Loan, Hong Kong và Ma Cao, cũng như những người gốc Hoa có thể chứng minh rằng họ có gia đình sống ở Trung Quốc. Trong hầu hết các năm, tổng số đơn xin nhập tịch nói chung là khoảng 1.500, với hầu hết trong số này đến từ Hong Kong.

Tệ hơn nữa, hàng trăm ngàn người Trung Quốc rời khỏi đất nước mỗi năm. Vào năm 2021, khi Trung Quốc và nhiều quốc gia khác vẫn còn những hạn chế nghiêm ngặt về COVID-19, 200.000 người Trung Quốc đã di cư. Và trong điều kiện không có COVID, trung bình là khoảng 300.000 mỗi năm. Sau ba năm qua, với chính sách phong tỏa và việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình siết chặt kiểm soát nền kinh tế, thậm chí nhiều người Trung Quốc hơn đang trong quá trình rời đi trong năm nay.

Và rất nhiều trong số này là những người trẻ tài giỏi, sáng giá nhất, có bằng cấp xuất sắc hoặc những doanh nhân thành đạt có vốn đầu tư. Dòng chảy của những người trẻ tuổi sẽ tiếp tục góp phần vào sự mất cân bằng nhân khẩu học của Trung Quốc. Nó cũng sẽ làm giảm quy mô lực lượng lao động của Trung Quốc. Việc mất đi các doanh nhân và người giàu sẽ làm suy giảm lượng vốn đầu tư và bí quyết kinh doanh, khiến khả năng phục hồi kinh tế thậm chí còn khó xảy ra hơn.

Hệ lụy kinh tế

Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 3%, mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Khi dân số già đi, sẽ có ít lao động hơn để đóng góp vào GDP. Ngoài ra, những người lớn tuổi ít có khả năng mua những thứ như nhà mới hoặc ô tô, vì vậy mức tiêu dùng dự kiến sẽ giảm. Nhưng nhiều người hưu trí và người già cần được chăm sóc sẽ làm tăng gánh nặng thuế đánh lên một nhóm dân số lao động nhỏ hơn. Các quốc gia như Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc đã có thể đối phó với lượng dân số trẻ đang giảm dần của họ bằng cách tăng cường phát triển công nghệ, cho phép ít người hơn làm được nhiều việc hơn. Nhưng Trung Quốc còn thua xa các quốc gia đó về phát triển công nghệ, và sự đổi mới của họ sẽ bị ảnh hưởng khi các kỹ sư có trình độ nhất của họ rời bỏ đất nước để theo đuổi sự nghiệp ở phương Tây.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Suy giảm dân số Trung Quốc sẽ đi cùng với suy giảm kinh tế