Tái cấu trúc chuỗi cung ứng công nghệ cao: 4 lỗ hổng của Đài Loan mà Trung Quốc có thể khai thác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong nỗ lực ‘thoát Trung’, nước Mỹ đẩy mạnh tái cấu trúc chuỗi cung ứng công nghệ cao. Đài Loan, một mắt xích quan trọng, trở thành mục tiêu thâm nhập chính của Trung Quốc, qua đó giúp nước này phản kháng và chiếm quyền kiểm soát công nghệ tiên tiến. Theo ý kiến của chuyên gia, Đài Loan có 4 lỗ hổng mà Trung Quốc có thể tận dụng khai thác.

Trong 3 năm qua, ngày càng có nhiều công ty công nghệ trên thế giới ủng hộ nỗ lực tách khỏi Trung Quốc của Mỹ - một chiến dịch ‘thoát Trung’ nhằm loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng công nghệ cao do chính phủ của ông Trump khởi xướng.

Tại cuộc họp báo hôm 11/02, Tòa Bạch Ốc đã vạch ra Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và nêu bật các hành động cốt lõi của chính quyền Biden trong việc duy trì an ninh khu vực và tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, được xây dựng dựa trên nỗ lực của chính phủ cựu Tổng thống Trump.

Trong nỗ lực thoát Trung do Mỹ dẫn đầu, Đài Loan, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn (chip) lớn nhất thế giới và được cho là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng công nghệ cao, đã trở thành mục tiêu tiếp cận chính của Bắc Kinh.

Một tổ chức tư vấn của Đài Loan đã chỉ ra một số lỗ hổng ở Đài Loan có thể cho phép Trung Quốc có được những công nghệ then chốt có ý nghĩa quan trọng đối với chuỗi cung ứng công nghệ cao do Mỹ dẫn đầu.

Trong nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng công nghệ cao có 4 lỗ hổng của Đài Loan mà Trung Quốc có thể khai thác, Đài Loan trở thành mục tiêu thâm nhập chính của Trung Quốc để Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát công nghệ tiên tiến, các lệnh trừng phạt từ Mỹ cản trở nghiêm trọng sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, Trung Quốc nỗ lực phá rào phong tỏa của Mỹ, Mỹ đẩy mạnh nỗ lực thoát Trung
Một nhà máy của nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan TSMC ở Đài Trung, Đài Loan, ngày 25/3/2021. (Ảnh: Sam Yeh / AFP qua Getty Images)

Bốn lỗ hổng của Đài Loan

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, ông Lai Chung-Chiang, một luật sư Đài Loan và là đại diện của Liên minh Dân chủ Kinh tế (EDU) - một tổ chức tư vấn của Đài Loan, đã tiết lộ 4 tình huống có thể khiến các quy trình sản xuất chất bán dẫn quan trọng của Đài Loan rơi vào tay Bắc Kinh.

Ông Lai gọi chúng là "bốn lỗ hổng" và kêu gọi sự chú ý từ chính phủ Đài Loan.

Kẽ hở đầu tiên liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần. Trung Quốc có thể nắm quyền kiểm soát các cơ sở sản xuất của Đài Loan ở Trung Quốc bằng cách chuyển giao cổ phần kiểm soát các cơ sở sản xuất cho một công dân Trung Quốc và nắm quyền sở hữu các công nghệ chủ chốt của họ.

Kẽ hở thứ hai là việc Bắc Kinh sử dụng vốn nước ngoài để đầu tư vào các ngành công nghiệp nhạy cảm của Đài Loan. Các doanh nghiệp do Trung Quốc tài trợ ở Hong Kong hoặc ngoại quốc có thể qua mặt sự giám sát từ Ủy ban đầu tư của Đài Loan.

Lỗ hổng thứ ba là Trung Quốc có thể lợi dụng các kẽ hở quy định của Đài Loan. Chính sách trước đây do Bộ Kinh tế Đài Loan ban hành cho phép nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào các công ty Đài Loan với tỷ lệ cổ phần không vượt quá 33%. Mặc dù không có cổ phần chi phối, nhưng các nhà đầu tư Trung Quốc có thể sử dụng vị trí cổ đông lớn của mình để thu thập thông tin nhạy cảm từ các công ty Đài Loan.

Ông Lai cho biết đã có nhiều tiền lệ trong quá khứ. Ví dụ, vào năm 2012, Luxshare Precision, một công ty sản xuất Trung Quốc, đã khéo léo giữ cổ phần của mình trong Speed ​​Tech Corp. - một công ty công nghệ Đài Loan, ở mức 30,55% để qua mặt Ủy ban đầu tư của Đài Loan, cho phép họ thu thập thông tin nhạy cảm của công ty Đài Loan.

Lỗ hổng thứ tư nhắm mục tiêu vào các nhà cung cấp của các công ty công nghệ Đài Loan. Bắc Kinh có thể thâm nhập vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu bằng cách đầu tư vào các nhà cung cấp thiết bị hoặc vật liệu cho ngành này.

Ví dụ, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, mang tới Mỹ ít nhất 26 nhà cung cấp chính cho nhà máy sắp tới của họ ở Arizona.

Tuy nhiên, trong số các nhà cung cấp thiết bị tới Mỹ, Hua Yang Precision Machinery - một công ty thiết bị của Đài Loan - được đầu tư đáng kể bởi một công ty Trung Quốc có tên Shenzhen Liande Automation Equipment.

Hua Yang Precision Machinery cung cấp hệ thống kiểm tra mặt nạ, một thành phần quan trọng trong quy trình sản xuất chất bán dẫn của TSMC.

Tổng giám đốc Paul Hsiao của công ty nói với The Epoch Times rằng họ đang “liên tục thúc đẩy công ty Trung Quốc thoái vốn tại Hua Yang". Ông cho biết cổ phần thuộc về Trung Quốc hiện đã giảm xuống còn 9% và việc thoái hoàn toàn vốn của Trung Quốc là mục tiêu cuối cùng của công ty.

Tuy nhiên, luật sư Chen Hsu-Cheng của EDU chỉ ra rằng Chủ tịch của Hua Yang Precision Machinery, Terry Chiu, nắm giữ hơn 466.000 cổ phần tại Shenzhen Liande Automation Equipment; điều này tạo ra xung đột lợi ích.

EDU kêu gọi các nhà chức trách Đài Loan xem xét lại các luật và quy định liên quan càng sớm càng tốt để ngăn chặn một cách hiệu quả việc các ngành công nghiệp và công nghệ nhạy cảm bị các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại.

Nhà báo Liao Shiming của Hong Kong nói với The Epoch Times: “Đài Loan là một mắt xích quan trọng trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. An ninh của các ngành công nghệ cao của Đài Loan quyết định sự thành công hay thất bại của những nỗ lực do Mỹ dẫn dắt nhằm tách khỏi Trung Quốc”.

Nhà báo Liao nói thêm, trước đây, Bắc Kinh đã lợi dụng vị thế đặc biệt của Hong Kong để nhập khẩu các sản phẩm nhạy cảm, thậm chí cả công nghệ liên quan đến quân sự, từ Mỹ. Tuy nhiên, vào tháng 07/2020, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp hủy bỏ vị thế đặc biệt của Hong Kong. Hành động của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang cân nhắc về luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong.

Trong nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng công nghệ cao có 4 lỗ hổng của Đài Loan mà Trung Quốc có thể khai thác, Đài Loan trở thành mục tiêu thâm nhập chính của Trung Quốc để Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát công nghệ tiên tiến, các lệnh trừng phạt từ Mỹ cản trở nghiêm trọng sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, Trung Quốc nỗ lực phá rào phong tỏa của Mỹ, Mỹ đẩy mạnh nỗ lực thoát Trung
Khách tham quan tại gian hàng Đài Loan trong ngày khai mạc Hội chợ triển lãm và Hội nghị cấp cao Smart Asia 2018 kéo dài 3 ngày tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Bangalore, ngày 4/10/2018. (Ảnh: Manjunath Kiran / AFP qua Getty Images)

Các lệnh trừng phạt từ Mỹ cản trở nghiêm trọng sự phát triển công nghệ của Trung Quốc

Trở lại năm 2015, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố sáng kiến ​​“Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025). Mục tiêu là đầu tư mạnh vào phát triển công nghệ trong nước để chấm dứt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài; biến Trung Quốc thành cường quốc toàn cầu về công nghiệp công nghệ cao trong vòng 10 năm.

Tuy nhiên, ĐCSTQ đã hoàn toàn đi chệch hướng đối với riêng ngành chất bán dẫn. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, năm 2016, lần đầu tiên Trung Quốc nhập khẩu nhiều chip hơn dầu mỏ. Năm 2020, nhập khẩu chip của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đạt 380 tỷ USD. Và năm 2021, lượng chip nhập khẩu đã vượt quá 440 tỷ USD, nhiều hơn tổng giá trị nhập khẩu của dầu và đậu tương của Trung Quốc trong cùng năm.

Ngoài ra, nhà báo Liao tin rằng số liệu chính thức của ĐCSTQ về nhập khẩu có thể đã bị báo cáo thấp đi một cách đáng kể, phần nhiều là do buôn lậu chip. Ông trích dẫn sự khác biệt giữa số liệu xuất nhập khẩu do hải quan Hong Kong và hải quan Trung Quốc công bố. Con số của Hong Kong vào năm 2021 vượt hơn 300 tỷ USD so với con số của Trung Quốc.

Nhà báo Liao giải thích rằng thuế xuất nhập khẩu ở Hong Kong bằng 0; vì vậy những người trung gian không phải che giấu điểm đến của các giao dịch trung chuyển. Tuy nhiên, nhập khẩu chất bán dẫn vào Trung Quốc phải chịu thuế và do đó các nhà nhập khẩu có thể sử dụng các biện pháp khác, chẳng hạn như buôn lậu, để duy trì tỷ suất lợi nhuận.

Chẳng hạn, Thâm Quyến đã trở thành thị trường thu mua chip lớn nhất ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp tư nhân nhỏ ở chợ điện tử Huaqiangbei của Thâm Quyến đã thu về lợi nhuận khổng lồ trong 2 năm qua dựa vào mua bán chip, với phần lớn lượng chip đến từ Hong Kong.

Nhà báo Liao nói: “Tuy nhiên, buôn lậu [chip] sẽ không cứu được các ngành công nghệ cao của Trung Quốc".

Theo South China Morning Post (SCMP), một tổ chức tư vấn tại Đại học Bắc Kinh đã công bố một báo cáo kết luận rằng Trung Quốc có thể sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn khi lĩnh vực công nghệ tách rời khỏi Mỹ.

Một báo cáo dài 7.600 chữ do Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh công bố hôm 30/01 cũng cho thấy, thiệt hại của Trung Quốc tạo ra bởi sự tách rời trong lĩnh vực công nghệ có thể sẽ lớn hơn của Mỹ. Báo cáo viện dẫn nhiều lý do lớn bao gồm cả điểm nghẽn trong phát triển công nghệ cao và công nghệ sản xuất chip của Trung Quốc.

Ngày 11/01, nhà máy sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), đã tổ chức hội nghị trực tuyến báo cáo kết quả kinh doanh cho quý IV/2021. Giám đốc tài chính Gao Yonggang của công ty cho biết quyết định của Mỹ khi đưa công ty vào danh sách hạn chế thương mại Entity List có ảnh hưởng xấu tới sự phát triển công nghệ sản xuất chip cao cấp của SMIC, dù rằng phần lớn không ảnh hưởng tới các công nghệ cũ hơn, theo SCMP.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã cấm SMIC nhập khẩu các công cụ sản xuất chip tiên tiến nhất. Điều này cản trở sự phát triển của các chip dưới 10 nm, công nghệ thường được sử dụng trong các điện thoại thông minh đời mới nhất, buộc công ty phải tập trung vào công nghệ chip có kích thước 28 nm đã cũ được sử dụng trong các ứng dụng ô tô và công nghiệp.

Trung Quốc nỗ lực phá rào phong tỏa của Mỹ

Vào tháng 07/2021, Tập đoàn Tsinghua Unigroup dưới sự hậu thuẫn của nhà nước Trung Quốc đã vỡ nợ và bắt đầu tái cơ cấu với trung gian là tòa án. Tập đoàn từng đột phá dẫn đầu ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc bằng cách tham gia vào một loạt thương vụ mua lại.

Theo Financial Times, vào tháng 12/2021, Tsinghua Unigroup thông báo rằng một liên minh do Beijing Jianguang Asset Management (JAC Capital) và Wise Road Capital dẫn đầu sẽ trở thành các nhà đầu tư chiến lược để cứu trợ cho họ - nhà phát triển chất bán dẫn có trụ sở tại Bắc Kinh. Liên minh sẽ mua lại tất cả công ty con, bao gồm nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Trung Quốc Yangtze Memory và các công ty thiết kế chip lớn khác.

Hai quỹ của Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc mua lại các công ty liên quan đến sản xuất chất bán dẫn, thiết lập chuỗi cung ứng nội địa bao gồm các lĩnh vực như nguyên liệu thô; thiết kế, sản xuất, đóng gói và thử nghiệm chip.

Reuters đưa tin, cùng tháng đó, Wise Road Capital đã mua lại 4 nhà máy ở Trung Quốc thuộc ASE Group - công ty đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Đài Loan.

Đầu tháng 11, Wise Road Capital thông báo mua lại ePAK - nhà cung cấp vật tải chất bán dẫn xếp thứ 4 thế giới.

Tuy nhiên, theo SCMP, vào tháng 12, nỗ lực của Wise Road Capital để mua lại Magnachip của Hàn Quốc - nhà sản xuất chip điều khiển OLED lớn thứ 2 thế giới, đã bị dừng lại do sự can thiệp từ phía Mỹ.

Chiến lược mua bán và sáp nhập đầy tích cực của Trung Quốc dường như không hiệu quả trong ngành công nghiệp bán dẫn, thường dẫn đến phá sản và yêu cầu cứu trợ. Ngược lại, dây chuyền sản xuất chất bán dẫn mạnh mẽ của Đài Loan được xây dựng qua nhiều thập kỷ nghiên cứu và phát triển chứ không phải đi tắt đón đầu.

Trong nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng công nghệ cao có 4 lỗ hổng của Đài Loan mà Trung Quốc có thể khai thác, Đài Loan trở thành mục tiêu thâm nhập chính của Trung Quốc để Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát công nghệ tiên tiến, các lệnh trừng phạt từ Mỹ cản trở nghiêm trọng sự phát triển công nghệ của Trung Quốc, Trung Quốc nỗ lực phá rào phong tỏa của Mỹ, Mỹ đẩy mạnh nỗ lực thoát Trung
Chiến lược mua bán và sáp nhập đầy tích cực của Trung Quốc dường như không hiệu quả trong ngành công nghiệp bán dẫn, thường dẫn đến phá sản và yêu cầu cứu trợ. .(Ảnh: SAM YEH/AFP/Getty Images)

Mỹ đẩy mạnh nỗ lực thoát Trung

Cuộc họp của Tòa Bạch Ốc hôm 11/02 đã giới thiệu về khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF), trong đó nêu ra các ưu tiên chính của Mỹ nhằm liên kết với các đồng minh và đối tác nhằm cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc trong cuộc chạy đua công nghệ.

Chiến lược đề cập đến các hành vi mạnh mẽ và hiếu chiến hơn nhiều của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và tầm quan trọng của việc thiết lập chuỗi cung ứng công nghệ cao mà không có Trung Quốc.

Theo Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn của Trung Quốc, từ 14/05/2019 đến 08/04/2021, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 336 thực thể Trung Quốc, bao gồm cả cá nhân, vào danh sách hạn chế thương mại Entity List. Điều này hạn chế các thực thể này mua lại các các công nghệ nhạy cảm liên quan đến Mỹ. Danh sách trừng phạt bao gồm Huawei, SMIC và nhiều công ty công nghệ quan trọng như các trung tâm siêu máy tính thuộc sở hữu nhà nước trên khắp Trung Quốc.

Ngoài ra, hôm 07/02, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm 33 thực thể Trung Quốc vào “Danh sách chưa được xác minh” vì không thể xác minh liệu các bên này có phải là những bên đáng tin cậy để tiếp nhận hàng hóa Mỹ hay không; và do đó cấm họ mua một số sản phẩm nhất định của Mỹ.

Nỗ lực tách rời Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu tiếp tục được đẩy mạnh, với nhiều đồng minh và đối tác hơn cùng tham gia. Trong số đó, Đài Loan rõ ràng là một trong những đối tác quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất.

Trong một cuộc chiến về thâm nhập và ngăn chặn thâm nhập liên quan tới công nghệ cao, vẫn chưa rõ ai sẽ trở thành người đứng đầu.

Đức Duy

Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Tái cấu trúc chuỗi cung ứng công nghệ cao: 4 lỗ hổng của Đài Loan mà Trung Quốc có thể khai thác