Tài chính xanh 'đổ thêm dầu vào lửa' khủng hoảng tài chính?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cổ phiếu, công cụ nợ đổ vào "dự án xanh", "nền kinh tế xanh" đang có nguy cơ phát nổ bởi các kích thích quá liều, quá dễ dãi, trong khi sự can thiệp của khu vực công vào nền kinh tế luôn có kết cục tồi tệ về hiệu quả vận hành...

Hàng thập kỷ theo đuổi các dự án hạn chế thải carbon bằng nguồn tiền từ thuế và tiết kiệm dân cư, các chính trị gia nhiệt tình với môi trường tin rằng các dự án xanh, dưới sự thúc đẩy của chính quyền và khu vực công, sẽ tạo thêm việc làm bù đắp vào sự suy giảm của khu vực khác do tăng thuế môi trường mang lại.

Tuy nhiên, tài chính xanh đang có nguy cơ phát nổ bởi các kích thích quá liều, quá dễ dãi, trong khi sự can thiệp của khu vực công vào kinh tế, luôn có kết cục tồi tệ về hiệu quả... Rất có thể, tài chính xanh và các công cụ nợ của nó đang đóng vai trò 'lửa đổ thêm dầu' trong cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính đang rình rập chúng ta hôm nay.

Cổ phiếu năng lượng sạch có thể phát nổ như vụ Dotcom 2001

Khi sự nhiệt tình đối với đầu tư thân thiện với khí hậu lên cơn sốt, các nhà phân tích cảnh báo rằng các nhà đầu tư đang bơm tiền mặt vào bất kỳ thứ gì có vẻ “xanh” - đẩy định giá của các công ty 'khoác chiếc áo' thân thiện với môi trường lên lên quá cao so với giá trị thật của họ và làm dấy lên lo ngại về bong bóng.

Patrick Pouyanné, giám đốc điều hành của Total, một trong những công ty dầu khí lớn nhất thế giới, hồi tháng Hai đã nhận định rằng “có bong bóng” trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và việc giá các cổ phiếu xanh ngày nay “thật điên rồ”; giá đã vượt quá xa so với giá trị của cổ phiếu

Dòng vốn toàn cầu đổ vào các quỹ hoán đổi (ETF) năng lượng sạch đã tăng khoảng 11 lần trong 6 tháng gần đây khi chính quyền ông Biden cam kết bảo vệ môi trường. Dòng vốn cho cổ phiếu năng lượng sạch tăng từ 1,3 tỷ USD trong cùng thời kỳ 2019-2020 lên 14,7 tỷ USD trong sáu tháng tính đến cuối tháng 3, theo dữ liệu từ Morningstar.

Chỉ số Năng lượng Sạch Toàn cầu S&P, theo dõi giá cổ phiếu của 30 công ty, đã tăng 150% trong năm qua tính đến cuối tháng 3/2021, đẩy tỷ lệ P/E (giá cổ phiếu/thu nhập) toàn ngành lên trên 35, đưa ra mức định giá gấp 41 lần lợi nhuận kỳ vọng của các công ty, theo dữ liệu của Bloomberg. Ngược lại, cổ phiếu blue-chip của Mỹ tăng khoảng 16% trong năm qua và được định giá cao gấp 23 lần thu nhập kỳ hạn.

Những cổ phiếu như vậy đã được hỗ trợ bởi một lượng tiền lớn đổ vào các quỹ [đầu tư vào các công ty, dự án xanh] bền vững. Theo Morningstar, các quỹ đầu tư đã đổ hơn 230 tỷ USD vốn vào phân khúc này vào năm ngoái. Một loạt các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (Spac) xanh cũng đã tung ra thị trường để tìm kiếm các mục tiêu mua lại.

Các mô hình của MSCI dự báo rằng trong trường hợp xảy ra "cản trở kinh tế nghiêm trọng", chẳng hạn như bùng phát lạm phát đi kèm đình trệ, giá cổ phiếu năng lượng sạch sẽ giảm 42%, mức giảm mạnh nhất so với mức giảm 31% đối với các cổ phiếu của các nền kinh tế phát triển 20% cho các thị trường toàn cầu nói chung.

Anil Rao, giám đốc điều hành của bộ phận nghiên cứu các giải pháp cổ phiếu tại MSCI, cho biết: “Cổ phiếu ngành năng lượng tái tạo tăng nóng trong năm 2020, khi thị trường chứng khoán phục hồi từ mức thấp vào tháng 3 năm ngoái. “Sắc thái này tiếp tục xu hướng đi lên cho đến cuối năm và sang quý đầu tiên của năm 2021”.

Theo nhà cung cấp dữ liệu TrackInsight, gần chục ETF (quỹ hoán đổi danh mục) năng lượng sạch đã ra mắt kể từ đầu năm 2020, tăng quy mô tài sản gấp 10 lần, chỉ từ 2,4 tỷ USD vào cuối năm 2019 lên tới 22,4 tỷ USD trong năm nay.

Dòng vốn ồ ạt đổ vào cổ phiếu năng lượng tái tạo đang cảnh báo rằng các dòng chảy đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Gordon Johnson, giám đốc điều hành của GLJ Research, chia sẻ “Tôi nghĩ chúng ta 100% đã có bong bóng giá chứng khoán xanh". “Khá nhiều công ty năng lượng mặt trời mà tôi tham gia, số liệu tài chính của họ tồi tệ hơn nhiều so với giá cổ phiếu. Điều này không bình thường”. Cổ phiếu năng lượng tái tạo đang giống hệt cổ phiếu công nghệ năm 1999 ở Mỹ, trước khi Dotcom phát nổ năm 2001.

'Ngân hàng xanh' của ông Biden tạo ra cơ chế xin- cho và rủi ro đạo đức cực lớn

Trong khi đó tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Biden đang có kế hoạch dành hơn 1% của gói chi tiêu cơ sở hạ tầng 2,3 ​​nghìn tỷ USD để tạo ra “Máy tăng tốc năng lượng sạch và bền vững”, tương đương 27 tỷ USD, công cụ này sẽ “huy động đầu tư tư nhân” vào “nền kinh tế năng lượng sạch”.

Thông qua tiếng nói xanh, ông Biden đang đề xuất thành lập một ngân hàng do Bộ Tài chính Hoa Kỳ vận hành, đóng vai trò như một đường dẫn tài chính, chuyển tiền thuế của người Mỹ để trợ cấp cho các dự án năng lượng sạch được ưa chuộng về mặt chính trị. Nói cách khác, đó là một ngân hàng nhà nước, trực thuộc Chính phủ liên bang, bộ chủ quản là Bộ Tài chính Mỹ, rót tiền theo các dự án được chính phủ, các chính trị gia ưa thích, miễn là dự án đó có khoác danh "dự án xanh, năng lượng xanh.." Sẽ có một hệ thống các ngân hàng con tại các tiểu bang, trực thuộc ngân hàng nhà nước xanh liên bạng này.

Tốn kém và cực kỳ rủi ro

Dự luật thành lập “Ngân hàng Xanh Hoa Kỳ” và “Ngân hàng Khí hậu Quốc gia” này đang được vận động hành lang để Quốc hội thông qua. Nhưng con số ước tính cho Ngân hàng xanh hoạt động bằng ngân sách này có thể tiêu tốn gấp 40 lần so với 27 tỷ USD hiện được tô vẽ trong Kế hoạch việc làm Mỹ của ông Biden.

Ngân hàng xanh đề xuất bởi đảng Dân chủ và chính quyền ông Biden hết sức rủi ro. Các ngân hàng là những tổ chức tài chính được quản lý một cách thận trọng, được điều hành một cách chặt chẽ, chủ yếu tham gia vào hoạt động nhận tiền gửi ở bên nợ và cho vay ở bên có của bảng cân đối kế toán — cả hai đều không phải là trọng tâm trong hoạt động kinh doanh hỗn hợp của một ngân hàng xanh liên bang. Thay vào đó, theo tưởng tượng của Đảng Dân chủ, hoạt động kinh doanh cung cấp vốn cốt lõi của ngân hàng xanh liên bang sẽ bao gồm các hoạt động rủi ro cao như nhận cổ phần tư nhân không cần kiểm soát trong các dự án năng lượng xanh và tài trợ cho nghiên cứu về các công nghệ sạch đột phá mới.

Ngân hàng xanh' của ông Biden tạo ra cơ chế xin- cho và rủi ro đạo đức cực lớn cho hệ thống tài chính (Nguồn Getty Image)

Điều này có nghĩa, chỉ cần một dự án, một doanh nghiệp khoác chiếc áo xanh của môi trường, họ được nhận tiền mà không cần phải thẩm định hiệu quả cho hoạt động kinh doanh hay kế hoạch kinh doanh của họ. Điều gì xảy ra với các khoản "tài chính xanh" như vậy trong tương lai? Điều gì xảy ra nếu dòng tiền từ khoản nợ công, từ thuế của người Mỹ đổ vào các doanh nghiệp cánh hẩu của các đảng phái quyền lực và chính quyền, doanh nghiệp sân sau của các chính trị gia? Một thể chế xin - cho hệt như các nước XHCN đang được cổ vũ hình thành trên đất Mỹ.

Hiển nhiên, việc ra quyết định đầu tư của ngân hàng xanh sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi các yếu tố chính trị, phi thương mại, bao gồm yêu cầu 40% dòng vốn phải hướng đến “các cộng đồng thiệt thòi đang đối mặt với tác động khí hậu” và nhu cầu về các dự án do ngân hàng tài trợ để trả mức lương công đoàn hiện hành.

Việc cung cấp các khoản tài trợ để xây dựng quá trình phong hóa và lắp đặt bảng điều khiển năng lượng mặt trời, mua thiết bị giảm khí thải, trả tiền điện theo quy định để đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than ngay lập tức và chấp nhận quyên góp từ thiện từ các tỷ phú có ý tưởng xanh cũng sẽ là một phần của nhiệm vụ này.

Chính trị hóa tài chính sẽ tạo ra rủi ro đạo đức tồi tệ

Một ngân hàng khí hậu quốc gia như vậy không thể cung cấp bất kỳ động lực có ý nghĩa nào cho vốn đối ứng của khu vực tư nhân đối với các khoản đầu tư xanh do loại ngân hàng này thiếu chuyên môn thẩm định; nó đã chính trị hóa tài chính, kết quả sẽ hết sức tồi tệ.

Hầu hết các nhà quản lý cấp cao, giám đốc và cố vấn của ngân hàng này sẽ không bắt buộc phải có bất kỳ kinh nghiệm nào về ngân hàng, cho vay hoặc đầu tư; chứng chỉ lao động, nhiệt huyết trong hoạt động môi trường và phi lợi nhuận sẽ được đánh giá cao hơn trong hồ sơ xin việc. Nôm na là những người ra quyết định rót tiền thuế của người Mỹ sẽ là những kẻ chả có kiến thức gì về tài chính, hiệu quả dự án, hiệu quả vốn; nó không khác gì giao việc này cho những kẻ ngu dốt nhưng nhiệt tình. Kết quả sẽ là sự phá hoại khó tưởng tượng.

Và trong khi một ngân hàng xanh liên bang sẽ không được hưởng sự hậu thuẫn hoàn toàn bằng lòng tin và tín dụng của chính phủ Hoa Kỳ, thì việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ cấp vốn cổ phần hóa và có thư ký làm chủ tịch sẽ tạo ra một rủi ro đạo đức cho cơ quan bán liên bang không có bảo đảm này — đặc biệt nếu ngân hàng phát hành nợ dưới danh nghĩa của chính mình. Trên thực tế, hầu hết “vốn tư nhân” được một ngân hàng xanh liên bang tạo chất xúc tác thực tế sẽ được gia tăng bởi công cụ đòn bẩy nợ. Ngân hàng xanh như vậy có thể cho vay dựa trên đòn bẩy gấp 7 - 8 lần vốn tự có. Có nghĩa là bảng cân đối tài sản của nó sẽ nhanh chóng đạt 1 nghìn tỷ USD trong vòng 5 đến 10 năm năm.

Sự kết hợp giữa các tiêu chuẩn tín dụng dưới chuẩn và sự đảm bảo ngầm của chính phủ Hoa Kỳ gợi nhớ đến các gói cứu trợ thế chấp của Hiệp hội Thế chấp Quốc gia Liên bang (Fannie Mae) và Công ty Thế chấp Nhà Liên bang (Freddie Mac) trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Bên nợ của ngân hàng xanh tiềm ẩn cũng sẽ trở thành một vấn đề ngày càng tăng đối với các chính quyền tiểu bang và địa phương do đảng Dân chủ muốn phát triển hệ thống ngân hàng xanh như vậy trên toàn nước Mỹ, khoảng 21 ngân hàng như vậy đã hoạt động ở 15 tiểu bang và đặc khu Columbia.

Phong trào đầu tư bền vững hoặc ESG (môi trường-xã hội-quản trị) đang quét qua Phố Wall — được thúc đẩy bởi các cơ quan quản lý tài chính toàn cầu — đã thúc đẩy một lượng vốn đáng kể vào các dự án xanh và tái tạo ở mọi quy mô và mức độ phát triển thương mại và công nghệ.

Tài chính và các công cụ nợ của nó luôn là con dao hai lưỡi. Các chuẩn mực an toàn của tài chính chỉ đủ để giảm thiểu tính sát thương. Nhưng với tài chính xanh, vì có chữ xanh hợp thời, các chuẩn mực an toàn tài chính thông thường đều bị gạt bỏ đi, điều này sẽ khiến mũi dao tài chính sắc ngọt hơn bao giờ hết. Sẽ rất sớm 'mũi dao' tài chính xanh đang hướng vào bong bóng tài sản tài chính toàn cầu sẽ sát thương hệ thống có vẻ bề ngoài hào nhoáng nhưng đã hết sức ốm yếu này.

Thủy Tiên

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://www.ft.com/content/0a3d0af8-7092-44c3-9c98-a513a22629be
  2. https://www.ft.com/content/74baff9a-bce6-49a5-b7f5-7cbf84ac32c6
  3. https://www.wsj.com/articles/the-trouble-with-bidens-green-bank-11621785877#refreshed?mod=trending_now_opn_sf_pos5
  4. https://www.ft.com/content/c02a6e97-5505-4d4a-933f-a0e934ca6eda
  5. https://nhadautu.vn/de-che-7-ty-do-lung-danh-mot-thoi-sup-do-trong-vai-ngay-ca-the-gioi-soc-nang-d49581.html



BÀI CHỌN LỌC

Tài chính xanh 'đổ thêm dầu vào lửa' khủng hoảng tài chính?