Tại sao nên chia nhỏ các công ty đa quốc gia như HSBC?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các công ty tài chính đa quốc gia như HSBC không có sự năng động để tận dụng được các kỹ năng lao động tại các vùng miền khác nhau. Các chức năng của công ty đa phần mang tính khu vực, ngay cả bộ phận nhân lực cũng khó có thể được chia sẻ. Mâu thuẫn về chính trị, văn hóa và môi trường hoạt động giữa các khu vực cũng là một vấn đề lớn. Rõ ràng là khả năng chia nhỏ công ty nên được xem xét nghiêm túc.

Đây có lẽ là một câu hỏi vẫn luôn cần được đặt ra: Các tập đoàn đa quốc gia có nên phân tách thành các thực thể nhỏ hơn có liên quan với khu vực hoặc quốc gia, cấu trúc phù hợp hơn để giải quyết các thách thức kinh tế và địa chính trị từ địa phương hay không?

Gã khổng lồ ngân hàng toàn cầu HSBC Holdings PLC đang chịu áp lực từ cổ đông lớn nhất của mình để làm chính xác điều đó. Ping An, công ty bảo hiểm Trung Quốc và là cổ đông lớn nhất của HSBC, đã yêu cầu ngân hàng này tách rời hoạt động kinh doanh tại châu Á.

Công ty bảo hiểm lập luận rằng HSBC với tư cách là một tổ chức quốc tế không còn có thể đứng vững giữa phương Đông và phương Tây trong khi xoay sở hiệu quả giữa bối cảnh kinh tế và chính trị đang ngày càng trở nên khác biệt của cả hai khu vực.

Cũng có một số suy đoán rằng Ping An - và yêu cầu chia nhỏ ngân hàng - chỉ là một thực thể đại diện cho chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chúng tôi sẽ để độc giả suy đoán về điều đó; chúng tôi muốn tập trung phạm vi của bài viết này vào câu hỏi liệu việc phân tách HSBC hay các tập đoàn đa quốc gia khác có phải là một ý tưởng hay hay không.

Bức tranh kinh doanh của HSBC

Trước tiên, hãy tìm hiểu một số thông tin cơ bản. HSBC có lịch sử 157 năm. Đó là một ngân hàng của Anh có nguồn gốc từ châu Á (HSBC ban đầu là viết tắt của Hong Kong Shanghai Banking Corporation) hiện đang vận hành hoạt động kinh doanh trải rộng trên khắp các lĩnh vực ngân hàng tiêu dùng/bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư và quản lý đầu tư.

Tính đến cuối năm 2021, 33% giá trị tài khoản khách hàng của họ nằm ở Hong Kong, 31% ở Vương quốc Anh, phần còn lại ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Trung Đông và Châu Á. Không ngạc nhiên khi nó coi châu Á là động lực tăng trưởng. Trong hoạt động kinh doanh quản lý tài sản béo bở của nó, 63% doanh thu toàn cầu năm 2021 đến từ châu Á.

Giá cổ phiếu của HSBC trong 5 năm qua - có thể là thời hạn đầu tư mà các cổ đông lớn nhất của ngân hàng này tập trung nhiều hơn vào - giảm tới 38%, tụt dốc nghiêm trọng so với hiệu suất gần như đi ngang của Chỉ số Dow Jones Ngân hàng Mỹ (Dow Jones U.S. Banks Index) cũng như Chỉ số MSCI Ngân hàng Thế giới (MSCI World Banks Index), vốn đã tăng 0,6% trong cùng thời kỳ. Vào năm 2022, cổ phiếu của HSBC phần lớn không thay đổi, một kết quả vượt trội so với hầu hết các công ty cùng ngành.

Trước đây tôi đã đề cập đến con đường bấp bênh mà HSBC đang đi giữa bối cảnh chính trị châu Á và phương Tây. Đây là một trong những tập đoàn toàn cầu duy nhất vào năm 2020 đã ủng hộ cái gọi là “luật an ninh quốc gia” của Bắc Kinh đối với việc hình sự hóa việc bất đồng chính kiến ở Hong Kong. ĐCSTQ cũng cáo buộc HSBC chuyển giao thông tin cho chính quyền Mỹ trong vụ án của bà Mạnh Vãn Chu (CFO của Huawei, người đã bị giam giữ một thời gian ở Canada).

Tại sao nên chia nhỏ các công ty đa quốc gia như HSBC?
Một người đàn ông nói chuyện trên điện thoại di động khi đi ngang qua logo của HSBC bên ngoài một chi nhánh của ngân hàng này ở Hong Kong vào ngày 08/07/2014. (Ảnh: PHILIPPE LOPEZ/AFP qua Getty Images)

Gần đây, ngân hàng quốc tế này đã cắt giảm chi phí do hiệu quả tài chính đáng thất vọng và sự chỉ trích từ Ping An. Tháng trước, HSBC đã bán toàn bộ hoạt động tại Canada cho Ngân hàng Hoàng gia Canada. Gần đây, công ty cũng đã đóng cửa 114 chi nhánh tại Vương quốc Anh (25% số chi nhánh tại Vương quốc Anh) và đã thông báo rằng họ đang tìm hiểu việc bán lại hoạt động kinh doanh tại New Zealand. Năm ngoái, HSBC đã rút khỏi thị trường ngân hàng bán lẻ Mỹ bằng cách bán các chi nhánh ở bờ biển phía đông cho Citizens Bank và các chi nhánh ở bờ biển phía tây cho Cathay Bank.

Tại sao nên chia nhỏ các công ty đa quốc gia như HSBC?

Hãy quay trở lại với yêu cầu phân tách ngân hàng của Ping An. Về phần mình, HSBC đã tiến hành một chiến dịch công khai để đẩy chống lại ý định đó, bao gồm cả việc thuê ngân hàng đầu tư Goldman Sachs để bác bỏ một số lập luận kinh tế của Ping An về việc phân tách.

Một công ty sản xuất có thể lập luận rằng các bộ kỹ năng khác nhau ở các thị trường khác nhau có thể là cơ sở giúp tìm ra nguồn lao động có chi phí thấp nhất. Ví dụ: thông kỹ thuật thiết kế có thể được tạo ra bởi một nhóm sáng tạo ở Mỹ trong khi quá trình sản xuất có thể được thực hiện ở thị trường có chi phí thấp hơn như Thái Lan.

Các tổ chức tài chính không có sự năng động trong việc tận dụng lao động ở các thị trường khác nhau như vậy. Tài sản quý giá nhất của một tổ chức tài chính là những người đi thang máy và ra khỏi cửa hàng ngày. Đó là một doanh nghiệp hoạt động dựa trên niềm tin. Kiến thức chuyên môn mang tính vùng miền và việc xây dựng các mối quan hệ địa phương được coi trọng. Việc quản lý công ty từ cấp cao nhất được coi là một mối phiền toái hơn là sự giúp đỡ.

Tại sao nên chia nhỏ các công ty đa quốc gia như HSBC?
Một người bán thức ăn đường phố đi ngang qua một quầy ATM của HSBC ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 02/08/2011. (Ảnh: HOANG DINH NAM/AFP via Getty Images)

Cũng không có nhiều sự hỗ trợ từ bộ phận hậu cần trong các tổ chức tài chính đa quốc gia, thứ sẽ bị mất khi phân tách và bán bớt các đơn vị. Hoạt động tuân thủ mang tính cụ thể theo từng quốc gia. Pháp lý, kế toán, thuế và tài chính cũng vậy. Ngay cả nguồn nhân lực cũng khó có thể được chia sẻ giữa các công ty con do văn hóa địa phương, mức lương và kỳ vọng về kỹ năng.

Các nhà đầu tư Mỹ hoặc châu Âu không nên bị ép buộc phải góp vốn vào một tổ chức phải bẻ cong các chuẩn mực đạo đức và luân lý của phương Tây để có thể tiến hành hoạt động thương mại trong một môi trường nhất định. Mỗi doanh nghiệp khu vực sẽ được tự do tập trung vốn và nguồn lực phục vụ cho khách hàng và các bên liên quan trong thị trường đó. Chúng ta không còn cần đóng một cái chốt vuông vào một cái lỗ tròn nữa. Hãy để các nhà đầu tư địa phương từ châu Á hoặc Trung Đông, những người đã quen với cách hoạt động khác với phương Tây, làm điều đó một cách độc lập.

Đó là một hình thức xây dựng doanh nghiệp mang tính dân túy [ủng hộ người dân thường thay vì tầng lớp tinh hoa], ưu tiên cho quốc gia và cần được xem xét.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Fan Yu - The Epoch Times

Tác giả Fan Yu là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế, đã có nhiều bài phân tích về nền kinh tế Trung Quốc từ năm 2015.



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao nên chia nhỏ các công ty đa quốc gia như HSBC?