Tăng trưởng GDP 2021 Việt Nam đạt 2,58%: FDI và Dịch vụ y tế là cứu cánh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Số liệu GDP ước tính cả năm 2021 vừa công bố không gây ngạc nhiên cho thị trường, đạt 2,58% trong bối cảnh nền kinh tế phong tỏa tại nhiều trung tâm thương mại và công nghiệp từ một nửa quý 2 cho tới hết quý 3. Tiêu dùng suy giảm kỷ lục trong lịch sử. GDP tăng trưởng dựa vào đóng góp tăng đột biến của ngành công nghiệp chế tạo (nơi các doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn) và dịch vụ y tế.

GDP tăng mạnh trở lại vào quý IV (5,2%) sau khi lần đầu tiên tăng trưởng âm ở quý III (-6,2%). Tính cả năm, GDP chỉ đạt 2,58%; nằm trong mức tăng theo dự báo của NTDVN đưa ra hồi tháng 5/2021 tháng 9/2021.

Tăng trưởng GDP 2021 đạt 2,58%: FDI và Dịch vụ y tế là cứu cánh
Tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam đạt 2,58%, mức thấp nhất trong 3 thập kỷ trở lại đây. (Nguồn: NTDVN tổng hợp)

Trong 3 khu vực chính của nền kinh tế là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, so với mức tăng năm 2020, GDP tăng cao hơn ở cả nông nghiệp và công nghiệp. Riêng ngành dịch vụ suy giảm trầm trọng. Tuy nhiên, tăng trưởng ngành Y tế tăng đột biến; tăng trưởng ngành tài chính - ngân hàng và viễn thông vẫn duy trì mức khá đã trở thành cứu cho khu vực dịch vụ.

Tăng trưởng GDP 2021 đạt 2,58%: FDI và Dịch vụ y tế là cứu cánh
So với năm 2020, tăng trưởng duy trì mức khá hơn ở khu vực công nghiệp và nông nghiệp, suy giảm mạnh ở khu vực dịch vụ trong năm 2021 (Nguồn số liệu: TCTK, NTDVN tổng hợp)

FDI và Y tế trở thành cứu cánh cho tăng trưởng

Tuy nhiên, đáng lưu ý là mức tăng trưởng GDP năm 2021 đạt được trên nền GDP rất thấp trong năm 2020.

Tăng trưởng GDP 2021 đạt 2,58%: FDI và Dịch vụ y tế là cứu cánh
Top 6 ngành có mức tăng cao nhất năm 2021. (Nguồn: số liệu TCTK, NTDVN tổng hợp)

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo luôn là động lực chính cho tăng trưởng. Năm 2020, ngành này đóng góp 16,7% cho tăng trưởng GDP, mức cao kỷ lục tính đến thời điểm đó. Tuy nhiên, năm 2021, ngành công nghiệp chế biến chế tạo thậm chí tăng đột xuất, đóng góp tới 25% vào GDP của toàn nền kinh tế; tăng gấp đôi mức đóng góp vào GDP chỉ trong một thập kỷ. Với ngành này, đóng góp chủ yếu nhờ doanh nghiệp FDI.

Với ngành dịch vụ, tăng trưởng đột biến của ngành y tế (tăng 42,75% so cùng kỳ), mức tăng khá của ngành ngân hàng - tài chính (9,42%) đã gánh đỡ chủ yếu cho phần còn lại của ngành dịch vụ.

Ở chiều ngược lại, ngành dịch vụ lưu trú, khai khoáng, vận tải kho bãi là những ngành suy giảm mạnh nhất, tiêu cực nhất trong đại dịch.

Tăng trưởng GDP 2021 đạt 2,58%: FDI và Dịch vụ y tế là cứu cánh

Tiêu dùng tiêu điều sau hai năm đại dịch

Sau hai năm đại dịch, nền kinh tế suy giảm trầm trọng đã khiến tiêu dùng trở thành một trong những chỉ tiêu ảm đạm nhất. Sau khi loại trừ yếu tố giá, năm 2021 chứng kiến năm thứ hai liên tiếp tiêu dùng suy giảm âm (-6,2%), mức giảm sâu hơn năm 2020 (-1,2%).

Tăng trưởng GDP 2021 đạt 2,58%: FDI và Dịch vụ y tế là cứu cánh
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm năm thứ hai liên tiếp (Nguồn: TCTK, NTDVN tổng hợp)

Đại dịch là đòn đánh tiêu cực vào nhóm dân cư có thu nhập trung bình và thấp. Sau hai năm với hàng trăm ngàn doanh nghiệp giải thể, hàng triệu lao động mất việc làm, thu nhập suy giảm đã bào mòn sức tiêu dùng của phần đa người Việt.

Sức tiêu dùng khó phục hồi trong ngắn và trung hạn. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch bất thường, chế độ phúc lợi xã hội yếu, sức tiêu dùng suy giảm sẽ là một trong các nhân tố cản trở sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022.

Điểm sáng của nền kinh tế là xuất siêu nhờ vào khu vực FDI

Theo TCTK, tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD (năm trước xuất siêu 19,94 tỷ USD). Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29,36 tỷ USD.

Tăng trưởng GDP 2021 đạt 2,58%: FDI và Dịch vụ y tế là cứu cánh
Năm 2021, ước tính nền kinh tế xuất siêu 4 tỷ USD, mặc dù giảm nhiều so với 2020 nhưng là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng và ổn định tỷ trong năm. (Nguồn: TCTK)

Một trong những đặc trưng kinh tế thế giới 2021 là tăng trưởng thương mại toàn cầu tăng mạnh, tăng cao hơn nhiều so với tăng trưởng GDP toàn cầu. Các giai đoạn trước, tăng trưởng thương mại toàn cầu thường có mức tăng tương đương với tăng GDP. Nguyên nhân được cho là do cầu quốc tế phục hồi sau một năm 2020 phong tỏa, suy giảm vì đại dịch.

Hòa chung với xu hướng này, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tăng mạnh sang Mỹ và EU trong khi hơn ⅓ kim ngạch nhập khẩu đến từ Trung Quốc.

Xuất khẩu hàng hóa Việt tăng mạnh nhờ vào khu vực FDI, chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Đây là lý do đóng góp của ngành công nghiệp chế biến chế tạo vào GDP tăng đột biến (tăng khoảng 9 điểm phần trăm) so với năm 2020, ở mức 25% như đã đề cập ở trên.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Tăng trưởng GDP 2021 Việt Nam đạt 2,58%: FDI và Dịch vụ y tế là cứu cánh