Tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2022 phục hồi chậm, lạm phát tăng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Phục hồi kinh tế sau thời gian đóng cửa nền kinh tế được kỳ vọng diễn ra mạnh mẽ. Đáng tiếc tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, lạm phát bùng phát làm chậm lại sức phục hồi của nền kinh tế trong nước, lạm phát trong nước cũng gia tăng. Về cơ bản, tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 tăng khá so với cùng kỳ 2021 và 2020 nhưng chưa đạt được mức phục hồi trước đại dịch.

GDP 6 tháng đầu năm phục hồi tốt nhất trong 3 năm qua

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2022 đạt 6,42%, cao gấp 3 lần tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021, những giai đoạn nền kinh tế thu hẹp do phong tỏa chống Covid-19 tại các thành phố lớn, khu công nghiệp quan trọng.

Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm 2022 chưa đạt được mức phục hồi như năm 2018 và 2019 (mức tăng lần lượt là 7,28% và 6,98%).

Khu vực Nông, lâm, thủy hải sản tăng trưởng thấp hơn 6 tháng đầu năm 2022, chỉ tăng 2,78% so cùng kỳ, thấp hơn với cùng kỳ 2021 là 3,8%. Sản lượng thu lúa bị thu hẹp, các loại cây trồng ăn quả bị thu hẹp do giá bán đầu ra thấp, thiếu ổn định trong khi giá phân bón đầu vào tăng mạnh (như NTDVN đã đưa tin), đã tác động không tích cực tới khu vực này.

Khu vực tăng trưởng tốt nhất là du lịch và dịch vụ, khu vực này tăng tới 6,6% so cùng kỳ, đóng góp 46,6% vào tăng trưởng GDP. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, (đóng góp 48,33%), trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 9,66%.

Cán cân thương mại chuyển trạng thái

Việt Nam xuất siêu 0,28 tỷ USD vào tháng 6/2022, chuyển từ mức thâm hụt 0,56 tỷ USD trong tháng 5/2022. Xuất khẩu tăng nhiều hơn nhập khẩu trong bối cảnh cầu thế giới ổn định hơn, nguồn cung từ Trung Quốc rủi ro hơn. Xét trong nửa đầu năm, hàng hóa thương mại xuất siêu 0,71 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nhập khẩu tăng 15,5% lên 185,23 tỷ USD

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 55,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 61,3 tỷ USD.

Chỉ số giá tăng mạnh - Lạm phát là vấn đề đáng lo ngại

Chỉ số giá (CPI) so cùng kỳ của Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm qua, là 3,37% vào tháng 6/2022, từ mức 2,86% trong tháng 5/2022.

Chỉ số giá chủ yếu bị thúc đẩy bởi giá thực phẩm và dịch vụ ăn uống tăng nhanh hơn (2,27% so với 1,32%). Ngoài ra, giá nhà ở và vật liệu xây dựng tiếp tục tăng (1,53% so với 2,18%).

Chỉ số giá CPI trong tháng 6/2022 của Việt Nam tăng cao nhất trong hai năm qua (Nguồn: Trading Economics tổng hợp từ số liệu của TCTK, ảnh chụp màn hình).

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2022 phục hồi chậm, lạm phát tăng