Tăng trưởng GDP Quý 2 phục hồi chậm trên nền tảng thấp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, GDP tăng 5,64% so cùng kỳ 2020, chỉ số này năm 2020 chỉ đạt 1,81%. Mức tăng này thấp hơn mức tăng GDP của 3 năm trước đại dịch. Không chỉ khu vực sản xuất phục hồi chậm, tiêu dùng suy giảm mạnh trong khi Việt Nam tiếp tục đón tin xấu về thâm hụt thương mại cũng tác động đáng kể tới sự suy giảm GDP.

2020 là năm tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ do sự bùng phát của đại dịch. Với sự quay trở lại của Covid -19 trong tháng Tư đã khiến sức phục hồi yếu hơn kỳ vọng của Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đặt ra từ đầu năm là tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2021.

Cho tới nay, rất nhiều dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế về việc GDP của Việt Nam có thể mất đi 1 -2% so với kế hoạch năm 2021 nhưng chính phủ Việt Nam chưa có tuyên bố điều chỉnh mục tiêu kế hoạch này. NTDVN cũng dự báo hồi tháng Năm về việc virus viêm phổi Vũ Hán có thể thổi bay 1 - 2% GDP năm 2021 của Việt Nam, mức tăng trưởng có thể 4,5-5% GDP trong năm nay thậm chí thấp hơn tùy theo diễn biến trầm trọng hơn hay không của dịch bệnh.

Kết quả tăng trưởng nửa đầu năm 2021 cho thấy nền kinh tế có phục hồi so với 2020, nhưng là sức phục hồi yếu so với nền tảng tăng trưởng rất thấp của một năm trước đó. Bình quân 6 tháng đầu năm, tăng trưởng chỉ đạt 5,64% so cùng kỳ 2020 (cùng kỳ, mức tăng này chỉ đạt 1,81%). Mức phục hồi này thấp hơn tăng trưởng GDP so cùng kỳ của 3 năm trước đại dịch là 2017, 2018 và 2019.

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm của toàn nền kinh tế và một số khu vực kinh tế quan trọng cho thấy sức phục hồi bị cản trở rất lớn bởi đợt tấn công virus viêm phổi Vũ Hán vừa qua (Nguồn: TCTK, NTDVN tính toán)

Sức phục hồi yếu tiếp tục ghi nhận hầu hết các ngành, ngoại trừ ngành Công nghiệp chế biến và chế tạo và Ngành nông lâm nghiệp và thủy sản.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng mạnh nhất so cùng kỳ 2020, ở mức 11,42%, là ngành có mức tăng cao nhất, đóng góp tốt nhất vào GDP nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, nhìn vào số liệu cơ cấu đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất linh kiện, điện thoại... tăng trưởng tới 38%, là động lực dẫn dắt tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đóng góp chủ yếu bởi khu vực đầu tư nước ngoài.

Ngành nông lâm nghiệp và thủy sản luôn là cứu cánh cho tăng trưởng mỗi khi nền kinh tế có biến cố. Năm 2020, ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản duy trì mức tăng ít biến động nhất. Nửa đầu năm 2021, mức tăng 3,82% của khu vực này thậm chí còn trở thành mức tăng tốt thứ hai trong suốt một thập kỷ qua.

Sức tăng yếu được ghi nhận ở ngành Khai khoáng, giảm tới - 6,6% so với cùng kỳ 2020 (cùng kỳ đã giảm - 5,4%). Đây là kết quả đáng ngạc nhiên trong bối cảnh giá nguyên nhiên liệu, giá dầu thô toàn cầu tăng mạnh. Ngành khai thác than của Việt Nam suy giảm và thua lỗ triền miên đóng góp lớn nhất vào sự suy giảm của ngành Khai khoáng.

Ngoài ra, do sự tăng giá của vật liệu xây dựng, ngành xây dựng tiếp tục một năm khó khăn và không nhiều hy vọng cho tới hết năm 2021. Ngành xây dựng chỉ tăng nhẹ (5,59%) so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,5%), thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân của ngành này 5 năm trước khủng hoảng là 7,9%.

Không chỉ ở phía tổng cung của nền kinh tế. Phía tổng cầu cũng chứng kiến sự phục hồi chậm hơn kỳ vọng trong quý 2.

Sức tiêu dùng của người Việt trên đà suy giảm mạnh trong Quý 2/2021 (Nguồn: TCTK, NTDVN tính toán)

Sức tiêu dùng của người Việt trên đà suy giảm mạnh trong quý 2. Bình quân 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa (cộng dồn, đã loại trừ yếu tố giá) so cùng kỳ chỉ tăng 3,6%, mức tăng thấp nhất trong năm 2021. Xu hướng thặng dư thương mại trong quý 1 cũng chấm dứt, cán cân thương mại duy trì tình trạng thâm hụt kể từ tháng Tư cho tới nay.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Tăng trưởng GDP Quý 2 phục hồi chậm trên nền tảng thấp