Tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2020 sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 44 năm qua do tác động của viêm phổi Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2020 dự kiến sẽ đạt tốc độ chậm nhất trong gần nửa thế kỷ, khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán làm đóng cửa các doanh nghiệp và đưa nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng bế tắc, một cuộc thăm dò của Reuters hôm thứ Ba cho thấy.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết sẽ thực hiện nhiều bước hơn để chống lại tác động từ đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Virus có vẻ như sẽ làm trì hoãn sự phục hồi của nền kinh tế đang bị tàn phá, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đang là mối đe dọa cho sự ổn định của xã hội.

Tăng trưởng trong năm 2020 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo chỉ ở mức 2,5%, theo trung bình của 62 nhà phân tích được Reuters khảo sát. Con số này sẽ đánh dấu sự tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 1976, năm cuối cùng của cuộc Cách mạng Văn hóa kéo dài một thập kỷ đã phá hủy nền kinh tế quốc dân.

Đó là một sự sụt giảm mạnh từ mức tăng trưởng 6,1% trong năm 2019, và thấp hơn mức dự báo tăng trưởng 5,4% trong cuộc thăm dò hồi tháng Ba.

CHINA-ECONOMY-TRADE
Các container xếp chồng lên nhau tại một cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, vào ngày 14 tháng 4 năm 2020. (STR / AFP qua Getty Images)

Khảo sát cũng dự đoán nền kinh tế Trung Quốc trong quý I sẽ thu hẹp 6,5% so cùng kỳ năm trước, lần đầu tiên kể từ năm 1992 khi nước này bắt đầu công bố dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng quý.

Nó cũng đánh dấu một sự đảo ngược từ mức dự báo tăng trưởng 3,5% trong cuộc khảo sát cuối cùng được thực hiện hồi tháng trước. Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu GDP quý đầu tiên vào ngày 17 tháng 4.

Tăng trưởng năm 2020 dự kiến sẽ yếu hơn so với tỷ lệ 3,9% vào năm 1990, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề sau cuộc đàn áp Thiên An Môn, nhưng vẫn tốt hơn so với mức giảm 1,6% vào năm 1976.

Các dự báo cũng nhấn mạnh những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt khi mà sự phục hồi ngay lập tức có vẻ sẽ khó xảy ra do đại dịch toàn cầu đang tấn công vào xuất khẩu.

Vào đầu thời điểm bùng phát, Bắc Kinh đã áp đặt các hạn chế du lịch hà khắc và đóng cửa nhà máy để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh này, nhưng đi kèm với đó là một cái giá rất đắt.

Vào tháng Hai, Bắc Kinh khuyến khích các công ty khôi phục hoạt động khi họ lo ngại về sự suy thoái kinh tế. Nhưng các nhà phân tích cho rằng tốc độ phục hồi trong những tháng tới sẽ bị hạn chế rất nhiều bởi những bất lợi đến từ thị trường nước ngoài.

Virus Corona Vũ Hán đã lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới, dẫn tới sự đóng cửa chưa từng thấy ở nhiều quốc gia, gây ra sự tàn phá dọc theo chuỗi cung ứng toàn cầu và làm tổn thương nghiêm trọng nhu cầu ở nước ngoài, làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm nay.

CHINA-ECONOMY-MANUFACTURING
Các công nhân đang làm việc trên một dây chuyền sản xuất pin tại một nhà máy ở Hoài Bắc, An Huy, Trung Quốc, vào ngày 30 tháng 3 năm 2020. (STR / AFP qua Getty Images)

“Trung Quốc vẫn phải đối mặt với hai thách thức khủng khiếp: sự sụt giảm nhu cầu nước ngoài do đại dịch, và mối đe dọa đang gia tăng của làn sóng virus thứ hai”, các chuyên gia kinh tế của Nomura cho biết, nói thêm rằng hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng đang giảm dần.

Vào thứ Ba, dữ liệu hải quan cho thấy sự sụt giảm trong xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đã được cải thiện phần nào trong tháng 3, nhưng các nhà phân tích cho rằng triển vọng chung vẫn còn khá ảm đạm khi đại dịch đã khiến hoạt động kinh doanh của các đối tác thương mại lớn của Bắc Kinh bị bế tắc.

Cuộc khủng hoảng sức khỏe đã giáng một đòn đặc biệt nặng nề vào khu vực tư nhân của đất nước, vốn là bộ phận có năng suất cao nhất của nền kinh tế và là nguồn tạo việc làm chủ chốt.

Các công ty nhỏ thuộc sở hữu tư nhân đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn tiền nghiêm trọng để có thể vượt qua giai đoạn suy thoái kéo dài này. Rất nhiều trong số họ đã phải sa thải nhân viên hoặc đóng cửa doanh nghiệp.

Các nhà phân tích dự kiến ​​gần 30 triệu việc làm sẽ bị mất trong năm nay do sự phục hồi công việc thất thường và sự sụt giảm nhu cầu toàn cầu, vượt xa hơn 20 triệu người bị sa thải trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-09.

“Lo sợ kéo dài về virus và sự không chắc chắn về mất việc làm có nghĩa là mọi người vẫn đang rất thận trọng. Chúng tôi dự đoán tiêu dùng hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong nhiều tháng tới, và chỉ thấy sự phục hồi dần dần từ quý II trở đi”, ông Louis Kuijs, nhà kinh tế tại Oxford Economics cho biết.

CHINA-ECONOMY
Một tiểu thương bán thịt trong một khu chợ ở Thẩm Dương, Liêu Ninh, Trung Quốc, vào ngày 10 tháng 4 năm 2020. (STR / AFP qua Getty Images)

Nhiều bước kích thích hơn đang được cân nhắc

Cú sốc tăng trưởng âm đã thúc đẩy một loạt các phản ứng chính sách tiền tệ từ ngân hàng trung ương, nhưng cho đến nay việc nới lỏng của họ vẫn tiết chế hơn nhiều so với hồi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các nguồn tin nói với Reuters rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ tăng cường chính sách nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế nhưng sẽ không đi theo con đường cắt giảm lãi suất hay nới lỏng định lượng mạnh tay như của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, do họ cần chú ý đến rủi ro thị trường bất động sản và nợ.

Các nhà phân tích dự kiến ​​PBOC sẽ giảm thêm 100 điểm cơ bản (bps) trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) và hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm 35 điểm cơ bản xuống còn 3,70% vào cuối năm 2020.

Cuộc thăm dò cũng dự đoán lãi suất tiền gửi cơ bản sẽ giảm xuống còn 1,25% từ mức hiện tại là 1,50%. PBOC đã giữ nguyên lãi suất tiền gửi cơ bản không đổi ở mức 1,5% kể từ tháng 10/2015.

Chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc (CPI) năm 2020 có thể sẽ tăng 3,3% so với năm trước, tăng nhanh từ mức 2,9% trong năm 2019, cũng theo cuộc thăm dò.

Thanh Hương

Theo Reuters



BÀI CHỌN LỌC

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2020 sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 44 năm qua do tác động của viêm phổi Vũ Hán