Tăng trưởng GDP Việt Nam quý III/2020 dù khả quan vẫn thấp nhất trong 10 năm trở lại đây

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tăng trưởng tốt nhất là khu vực công nghiệp và xây dựng. Đây cũng là khu vực có tỷ lệ đóng góp cao nhất vào GDP. Điều này phản ánh tăng trưởng kinh tế quý 3 phần nào được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư công và nền kinh tế còn nhiều rủi ro do độ mở quá lớn, phụ thuộc vào lực cầu thế giới…

GDP 9 tháng đầu năm 2020 tăng 2,12%; là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Tuy nhiên, đây là mức tăng khả quan trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán diễn biến phức tạp. Tăng trưởng tốt nhất là khu vực công nghiệp và xây dựng. Đây cũng là khu vực có tỷ lệ đóng góp cao nhất vào GDP. Điều này phản ánh tăng trưởng kinh tế quý 3 phần nào được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư công.

Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 1,65%; chỉ cao hơn mức tăng 0,02% và 0,91% của 9 tháng đầu năm 2016 và năm 2019 trong giai đoạn 2011-2020; đóng góp 0,19 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm 2020 tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2020; đóng góp 0,91 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%; thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020; đóng góp 1,02 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 5,35%; làm giảm 0,32 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Trong những tháng đầu năm 2020, dịch viêm phổi Vũ Hán gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong 9 tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011-2020. Nhưng vẫn tồn tại một số ngành có mức tăng trưởng khá như bán buôn và bán lẻ; tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước; các ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,68%.

Xuất khẩu vẫn duy trì mức tăng trưởng dương, trong khi nhập khẩu giảm nhẹ giúp Việt Nam có thặng dư thương mại lên tới 16,99 tỷ USD

Cụ thể, trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2020 ước tính đạt 27,5 tỷ USD; giảm 0,7% so với tháng 8/2020. So với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2020 tăng 18%.

Đáng mứng là kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước khi đạt 71,83 tỷ USD; tăng mạnh 20,2% và chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD (giảm 2,9%), chiếm 64,6%.

Về nhập khẩu, tính chung 9 tháng năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 185,87 tỷ USD (giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019); trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 82,35 tỷ USD (tăng 4,7%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 103,52 tỷ USD (giảm 4,8%).

Nhờ xuất khẩu tăng trong khi nhập khẩu giảm, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 9/2020 ước tính xuất siêu 16,99 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2020 (cùng kỳ năm 2019 xuất siêu 7,27 tỷ USD).

Theo báo cáo của Fitch Solutions, kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi; tăng trưởng đạt 2,6% vào năm 2020.

Trong một diễn biến khác, đánh giá độc lập của Fitch Rating khá lạc quan về kinh tế Việt Nam trong mối tương quan với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới. Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 2,6% năm 2020 và lên tới 8,2% vào năm 2021.

Mặc dù đưa ra mức dự báo lạc quan, nhưng tổ chức này vẫn cảnh báo nhiều rủi ro có thể kéo giảm mức dự báo này. Theo tổ chức này, với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào lực cầu từ thị trường quốc tế, vốn đang gặp khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh. Do đó, đà phục hồi ngành sản xuất của Việt Nam dự báo vẫn sẽ chậm lại.

Đáng chú ý, theo đánh giá của Fitch Ratings, ngành hàng không của Việt Nam sẽ có tốc độ phục hồi nhanh nhất Đông Nam Á. Theo đó, dự báo lượng vận chuyển hành khách trung bình của Việt Nam đạt khoảng 55% mức cơ sở năm 2020 và 90% vào năm 2021. So với các quốc gia khác, hàng không Việt Nam phục hồi nhanh hơn nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh.

Trà Nguyễn

Theo TTCK và Fitch Ratings



BÀI CHỌN LỌC

Tăng trưởng GDP Việt Nam quý III/2020 dù khả quan vẫn thấp nhất trong 10 năm trở lại đây