Tăng trưởng kinh tế Mỹ quý IV giảm nhẹ xuống còn 2,9%

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cho dù ghi nhận mức sụt giảm so với quý III, thông tin tăng trưởng kinh tế Mỹ quý IV cũng đã làm giảm bớt nỗi lo suy thoái. Tuy nhiên các dấu hiệu đáng báo động vẫn còn đó.

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,9% trong quý IV, giảm từ mức 3,2% trong quý III, theo Cục Phân tích Kinh tế (BEA).

Tốc độ tăng trưởng GDP trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2022 cao hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế là 2,6% nhưng thấp hơn ước tính mô hình GDPNow của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta là 3,5%.

Dữ liệu BEA cho thấy GDP tăng là do sự gia tăng đầu tư hàng tồn kho tư nhân (1,46%), đầu tư cố định phi dân cư (0,7%), chi tiêu của người tiêu dùng (1,42%) và chi tiêu của chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương (0,64%). Điều này đã giúp bù đắp sự sụt giảm trong đầu tư cố định dân cư (-1,2%) và xuất khẩu (-0,15%).

Tốc độ tăng trưởng GDP thực cho năm 2022 là 2,1%, giảm so với mức 5,9% cho giai đoạn năm 2021.

Các số liệu bổ sung nhấn mạnh rằng thu nhập cá nhân khi chưa điều chỉnh theo lạm phát đã tăng 9,9% lên 311 tỷ USD trong quý IV, dẫn dắt bởi lương thưởng cao hơn, phúc lợi của chính phủ và thu nhập từ lãi cá nhân.

Thu nhập cá nhân khả dụng thực tế tăng 3,3%, trong khi tỷ lệ tiết kiệm cá nhân tăng lên 2,9%.

Về mặt lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) đạt 5,5%, giảm từ mức 5,7% khi tính theo năm. BEA lưu ý rằng chỉ số giá PCE cốt lõi, không bao gồm các lĩnh vực năng lượng và thực phẩm dễ biến động, đã tăng 4,7%, “bằng với mức tăng từ quý IV năm 2020 đến quý IV năm 2021”.

Hai ước tính GDP quý IV tiếp theo sẽ được công bố vào ngày 23/02 và ngày 30/03.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ quý IV giảm nhẹ xuống 2,9%
Người mua sắm đi bộ qua trung tâm mua sắm The Grove trong mùa mua sắm nghỉ lễ, ba ngày trước Giáng sinh, vào ngày 22/12/2022 tại Los Angeles, California, Mỹ. (Ảnh: Mario Tama/Getty Images)

Phản ứng

GDP quý IV đã làm giảm bớt nỗi lo suy thoái.

Theo ông Ryan Young, nhà kinh tế cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh (CEI), ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chiến dịch chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ “sẽ không gây ra suy thoái kinh tế”.

“Những gì chúng ta đang thấy là màn thứ ba của câu chuyện kinh tế COVID”, ông nói trong một tuyên bố. “Nền kinh tế chủ yếu ở trạng thái tốt khi bước vào COVID. Sau đó, sự quá mức trong chi tiêu và tiền tệ của Washington đã làm tăng lạm phát trong một thời gian. Bây giờ chúng ta đang đi ra phía bên kia. Bởi vì nền kinh tế đã ở trạng thái tốt trước COVID, không có khủng hoảng tài chính hay bong bóng nhà đất, nên thật hợp lý khi nó đang phục hồi tốt sau cú sốc COVID”.

Nhưng ông John Leer, nhà kinh tế trưởng tại Morning Consult, gợi ý rằng nhu cầu của người tiêu dùng đang duy trì quỹ đạo đi xuống và đầu tư kinh doanh có thể sẽ chậm lại trong các quý tới, “làm tăng xác suất suy thoái trong năm nay”.

Rủi ro suy thoái tổng thể “tiếp tục tăng cao và nhiều dấu hiệu cảnh báo kinh điển vẫn còn cần xem xét”, ông Nick Reece, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Merk Investments, cho biết. Nhưng có thể có một kịch bản khác là “sự chậm lại nhẹ nhàng”.

“Một giả thuyết cần xem xét: chúng ta có thể đang trong tình trạng chậm lại nhẹ nhàng [về tăng trưởng kinh tế] khi các loại hoạt động kinh tế vĩ mô (thu nhập, chi tiêu, sản xuất và việc làm) trải qua những sự thu hẹp nhẹ, tạm thời, nhưng với nhịp điệu không đồng bộ, thiếu độ sâu, sự lan tỏa, và sự kéo dài mang tính tự củng cố của một cuộc suy thoái thực sự”, ông nói.

Hướng tới quý đầu tiên năm 2023, CEIC GDP Nowcast dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 0,4%.

Conference Board dự đoán rằng Mỹ sẽ phải chịu đựng ba quý liên tiếp tăng trưởng GDP thực âm bắt đầu từ quý này.

“Tuy nhiên, đợt suy thoái này sẽ tương đối nhẹ và ngắn, và tăng trưởng sẽ phục hồi vào năm 2024 khi lạm phát tiếp tục giảm và Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ”, The Conference Board cho biết trong một báo cáo.

Đối với năm nay, S&P Global dự báo tốc độ tăng trưởng GDP là -0,1% vào năm 2023.

Các thị trường tài chính có rất ít phản ứng với số liệu GDP mới nhất. Ví dụ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 0,61% trong ngày 26/01. Chỉ số S&P 500 và Chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 1,1% và 1,76%.

Thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ chủ yếu vẫn thể hiện sự tích cực trong ngày, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn tăng khoảng 4 điểm cơ bản, lên khoảng 3,5%.

Chỉ số USD (DXY), đo lường đồng USD so với rổ tiền tệ, tăng 0,5% lên 102,15, từ mức mở cửa 101,58.

Các thông tin kinh tế khác

Trong một dữ liệu kinh tế khác vào ngày 26/01, Cục Điều tra đã báo cáo rằng các đơn đặt hàng lâu bền đã tăng 5,6% trong tháng 12/2022, tăng từ mức giảm 1,7% vào tháng 11/2022. Số liệu cũng vượt qua ước tính 2,5% của thị trường.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống còn 186.000 trong tuần kết thúc vào ngày 21/01, giảm từ 192.000 trong tuần trước, theo Bộ Lao động Mỹ. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp kéo dài tăng lên 1,675 triệu.

Chỉ số Hoạt động quốc gia Chicago Fed đạt -0,49 vào tháng 12/2022. Ngoài ra, các cuộc khảo sát về Sản xuất và Tổng hợp của Ngân hàng Fed tại Kansas lần lượt là -4 và -1.

Vào ngày 27/01, dữ liệu chi tiêu và thu nhập cá nhân cho tháng 12/2022 sẽ được công bố. Chỉ số Tâm lý người tiêu dùng cuối cùng của Đại học Michigan cho tháng 1 cũng sẽ được công bố.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tăng trưởng kinh tế Mỹ quý IV giảm nhẹ xuống còn 2,9%