Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Nóng nhưng phập phồng nguy cơ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 ở các quốc gia lân cận, nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng trưởng trở lại khá ấn tượng, thuộc top đầu thế giới. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế phập phồng nguy cơ khi chủ yếu dựa vào đầu tư công, rất không bền vững và không hiệu quả, chưa kể các rủi ro nợ xấu, bong bóng giá tài sản của thị trường trong nước.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam được mọi tổ chức kinh tế quốc tế và trong nước dự báo tăng mạnh trở lại nhưng trên nền tảng tăng trưởng kinh tế thấp năm 2020 và bao quanh bởi rất nhiều rủi ro địa chính trị, rủi ro tài chính thế giới. Thêm vào đó, rủi ro nợ xấu, bong bóng giá tài sản và sự bùng phát trở lại của đại dịch trong nước có thể phá tan mọi kỳ vọng và có thể đảo ngược mọi kết quả dự báo tích cực này.

Sẽ tăng trưởng mạnh nếu không phải đóng cửa kinh tế vì Covid

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo thường niên ngày 28/4 có tên Triển vọng phát triển châu Á, trong đó dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,7% trong năm nay bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 ở các quốc gia lân cận. Tốc độ tăng trưởng sẽ đạt 7% trong năm 2022.

Các chuyên gia ADB nhận định rằng sự hồi phục tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là nhờ thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2, tăng đầu tư và mở rộng thương mại.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng vừa nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2021 lên mức 6-6,3%.

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng vừa công bố kết quả đánh giá chỉ số môi trường kinh doanh (Business Climate Index - BCI) quý 1 năm 2021 của Việt Nam đạt 73,9%, tăng đến 47% trong 12 tháng qua và là điểm số cao nhất được ghi nhận kể từ quý 3-2019, trước khi đại dịch COVID-19 tấn công hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu.

Trong khi đó, theo một bảng xếp hạng mới của Bloomberg, hãng tin này xếp Việt Nam tăng 4 bậc trong danh sách các nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt nhất hậu Covid-19 nhờ các biện pháp chống dịch hiệu quả. Bloomberg dự báo kinh tế Việt Nam năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng 7,3%.

Trước đó, Fitch Ratings dự báo GDP năm 2021 vẫn có thể tăng trưởng 7,5%, bất chấp dịch có thể bùng phát trở lại. Đây là tốc độ tăng trưởng cao hơn đáng kể so với mức 2,91% của GDP năm 2020.

Các chuyên gia kinh tế Oxford Economics cũng cho rằng, việc đạt thành tích tốt trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã giúp đà phục hồi về nhu cầu nội địa tại Việt Nam không bị gián đoạn.

Thậm chí, Đơn vị phân tích kinh tế (EIU) thuộc tạp chí The Economist còn nhận định rằng, Việt Nam đã trở thành một điểm đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) tại châu Á, vượt qua cả Trung Quốc và Ấn Độ, một "trung tâm mới cho sản xuất giá rẻ trong chuỗi cung ứng châu Á".

Báo cáo của EIU cho rằng những yếu tố giúp Việt Nam cạnh tranh tốt hơn các quốc gia khác nằm ở lực lượng lao động giá rẻ đông đảo, sự nở rộ của các hiệp định thương mại tự do (FTA), cũng như các ưu đãi mà Chính phủ Việt Nam dành cho doanh nghiệp ngoại đầu tư cơ sở sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại đây.

Tờ báo Anh Strifeblog mới đây cũng đăng bài nhận định cho rằng, Việt Nam đang vươn lên với tư cách một cường quốc tầm trung, đặc biệt trong lĩnh vực chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển công nghệ 5G.

Hồi cuối tháng 3 năm nay, Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm hai bậc với Việt Nam lên “tích cực” cũng là điều chưa có tiền lệ kể từ đại dịch Covid-19.

Phập phồng nguy cơ

Có thể thấy rằng, các chuyên gia kinh tế đều chung một nhận định rằng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh là nhờ phần lớn vào việc Việt Nam đã thành công trong việc khống chế đại dịch Covid-19, với hiệu quả được xem là thuộc top cao nhất thế giới, nhờ các biện pháp truy tìm nguồn bệnh nhanh và quy mô lớn cũng như khả năng huy động toàn xã hội chung sức chống dịch…

Theo Forbes, trong những năm gần đây, nhiều tập đoàn lớn như Nike, Adidas và Samsung đã chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc và đầu tư vào Việt Nam, do chi phí sản xuất của Trung Quốc ngày càng tăng và chiến tranh thương mại với Mỹ.

Đó là những điều kiện khách quan giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài và kích thích kinh tế trong nước phát triển. Tuy nhiên, điều kiện khách quan dù có tốt thì cũng chỉ là điều kiện bên ngoài, sự tăng trưởng nội tại nhờ vào các chính sách kinh tế hiệu quả, các biện pháp hạn chế rủi ro và một môi trường kinh doanh thông thoáng mới lâu dài và đi vào thực chất. Vì xét cho cùng, điều kiện khách quan có thể rất sớm qua đi, khi “sóng thủy triều” đầu tư rút đi, còn lại sẽ là một cảnh tan hoang tiêu điều hay hoành tráng đẹp đẽ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của chúng ta trong thời điểm hiện tại.

Dưới đây là một số lưu ý đối với kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này:

Lạm phát và bong bóng bất động sản

Trong một đánh giá gần đây, Forbes cho rằng, sự tăng trưởng không tưởng của thị trường bất động sản Việt Nam chứng tỏ khả năng phục hồi trong thời kỳ đại dịch.

Thực ra, không chỉ Việt Nam, mà một loạt các quốc gia châu Á khác đang được hưởng lợi từ các gói kích thích của các chính phủ. Khi các gói kích thích được giải ngân, một lượng lớn tiền được bơm ra ngoài thị trường, trong điều kiện các nền kinh tế lớn đóng cửa vì COVID-19, thị trường ở các nước này không thể hấp thụ hết và phải chảy sang các nền kinh tế đang phát triển khác. Việt Nam là một điểm đến như vậy, nhất là khi trong điều kiện xã hội nước ta tương đối ổn định trước diễn biến của đại dịch, thì mức độ tài chính tập trung vào Việt Nam còn dồi dào hơn bao giờ hết.

Trung Quốc âm mưu dẫn đầu về các lĩnh vực kinh tế trên thế giới (Ảnh Getty)
Hiển nhiên, khi dòng vốn quá lớn và quá dồi dào, ngành sản xuất không thể ngay lập tức hấp thụ hết, nó sẽ chuyển sang tiêu dùng và đầu cơ, đặc biệt là đầu cơ vào bất động sản, đó là lý do của những cơn sốt đất lan rộng trong thời gian gần đây. (Ảnh Getty)

Hiển nhiên, khi dòng vốn quá lớn và quá dồi dào, ngành sản xuất không thể ngay lập tức hấp thụ hết, nó sẽ chuyển sang tiêu dùng và đầu cơ, đặc biệt là đầu cơ vào bất động sản, đó là lý do của những cơn sốt đất lan rộng trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, đầu tư tư nhân trong nước phục hồi nhanh chóng, tiêu dùng nội địa tăng mạnh và giá cả hàng hóa tăng mạnh… có thể đẩy lạm phát đi lên. Dự kiến lạm phát trong năm nay sẽ lên 3,8% trong năm nay và 4% trong năm 2022.

Vì vậy, điều kiện tiên quyết là tín dụng cần được dẫn hướng tốt vào các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất định hướng xuất khẩu.

Thị trường xuất nhập khẩu cần đa dạng hóa

Theo VERP, Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trong một môi trường kinh tế thế giới bất trắc. Sự tái bùng phát của Covid-19 tại nhiều nước tiếp tục kéo dài thời gian đứt gãy của chuỗi cung ứng trong năm 2021 khiến sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng yếu hơn.

Để tránh những tác động tiêu cực của việc gián đoạn chuỗi cung ứng, Việt Nam cần tiếp cận đến nhiều nguồn cung cấp hàng hóa khác nhau để tránh bị phụ thuộc vào một vài thị trường cố định, đặc biệt là đa dạng nguồn cung cấp nguyên vật liệu đầu vào để tránh gián đoạn sản xuất.

Thay vì tập trung sản xuất để phục vụ xuất khẩu cho một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật, EU,… việc khai thác các thị trường nhỏ hơn nhưng tiêu chuẩn “dễ thở” hơn, đặc biệt là mức độ tắc nghẽn của chuỗi cung ứng thấp hơn hoặc đang khan hiếm hàng hóa do đại dịch cũng cần được cân nhắc.

Ông Jeounghoon Kang, giám đốc 3M Việt Nam cũng cảnh báo rằng những thay đổi trong chính sách thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam còn khá phức tạp. Ngoài việc các chính sách hỗ trợ cần được triển khai nhanh và kịp thời hơn nữa, ông cho rằng Chính phủ Việt Nam không nên chỉ dồn hỗ trợ thành một gói lớn.

Vì phía trước còn nhiều bất định, "cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh một cách bền vững, cũng như thông tin kịp thời... để doanh nghiệp bắt kịp cơ hội tiếp cận và đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp", ông Kang nhấn mạnh.

Về điểm này, 3M kiến nghị Việt Nam "củng cố các nguyên tắc kế toán nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu càng nhanh càng tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng và quá trình cổ phần hóa diễn ra thuận lợi".

Tăng trưởng bằng đầu tư công - tầm nhìn ngắn và hạn hẹp

Tăng trưởng năm 2020 chủ yếu nhờ tăng đầu tư công. Tuy nhiên tăng trưởng bằng đầu tư cơ sở hạ tầng luôn là tầm nhìn ngắn và hạn hẹp, chỉ có tác dụng trong kích thích kinh tế trong các giai đoạn đặc biệt khó khăn như Covid-19 vừa qua. Không thể không phủ nhận rằng đầu tư công của Việt Nam luôn thiếu hiệu quả và do vậy sẽ tạo thêm gánh nặng nợ cho tương lai.

Năm 2021, sức bật của khu vực kinh tế FDI và kinh tế ngoài quốc doanh dường như chưa khả thi. Theo kế hoạch của Quốc hội và chính phủ mới, đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn là động lực lớn nhất cho tăng trưởng của năm 2021. Cả nước như một công trình lớn với rất nhiều dự án sân bay, cầu, cảng, logistic, khu công nghiệp, đường xác và đô thị.

Trong báo cáo gần đây của ADB, tổ chức này khuyến nghị Việt Nam phải thận trọng với các yếu tố rủi ro như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng còn chậm, hiệu quả quản lý thấp. Bên cạnh đó là là rủi ro của hệ thống ngân hàng. Hệ thống này tuy được củng cố nhưng còn dễ tổn thương. Việt Nam cũng phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI và sự thiếu tự chủ về công nghệ cũng như nguyên liệu trong khu vực sản xuất kinh doanh.

Hiện tại, số lượng dự án đầu tư nước ngoài tăng mạnh nhưng số vốn đăng ký lại giảm mạnh cho thấy quy mô đầu tư của các dự án đầu tư nước ngoài ngày càng nhỏ. Nguyên nhân chính là do năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn kém do vướng mắc thể chế, trong đó có việc chậm phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các vướng mắc trong đầu tư tư nhân, thực hiện các hợp đồng công tư. Nếu Chính phủ không gỡ được các nút thắt này thì sẽ khó bảo đảm cho tăng trưởng cao hơn mà còn ảnh hưởng tới suy giảm tăng trưởng trong thời gian tới.

Ngoài ra, cần lưu ý không thu hút hợp tác ở các lĩnh vực đang dư thừa công suất vì chiến tranh thương mại, dự án được thẩm lậu công nghệ từ nước khác sang Việt Nam hay dự án ở một số lĩnh vực nhạy cảm năng lượng, cảng biển, đường sắt, an ninh quốc phòng.

Tâm Chính



BÀI CHỌN LỌC

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam: Nóng nhưng phập phồng nguy cơ