Tăng trưởng lao dốc, Trung Quốc buộc phải thay đổi thái độ nới lỏng tín dụng BĐS

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mắc kẹt vì suy yếu tăng trưởng, quan chức và ngân hàng Trung Quốc thay đổi thái độ với tín dụng bất động sản (BĐS). Các ngân hàng thương mại phát đi thông điệp mở rộng hạn mức tín dụng, nới lỏng điều kiện cho vay tín dụng BĐS với cả doanh nghiệp phát triển BĐS và hộ gia đình cần mua nhà để ở.

Tăng trưởng GDP quý 3 vừa qua ở Trung Quốc đã giảm xuống 4,9%, mức thấp nhất trong một năm qua sau đại dịch. Nếu đã điều chỉnh yếu tố mùa vụ tăng trưởng GDP quý 3 của nền kinh tế này chỉ còn 0,2%, thấp thứ hai kể từ khi Trung Quốc công bố số liệu này.

Lao dốc tăng trưởng xảy ra sau khi Trung Quốc quyết tâm đảo ngược sân chơi trên thị trường BĐS, vốn đã phát triển ngoài tầm kiểm soát, trở thành công cụ nợ của các địa phương. Sau một thời gian dài như vậy, nhiều doanh nghiệp BĐS đã biến ngân hàng, chính quyền địa phương thành con tin cho khối nợ khổng lồ của họ. Evergrande là một minh chứng sống động cho nhận định này.

Người dân tập trung trước trụ sở của Evergrande đòi quyền lợi, ảnh chụp hôm 16/9/2021. (NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)

Để siết chặt BĐS, Trung Quốc bắt đầu từ tín dụng BĐS và tới đây sẽ là thuế BĐS. Điều này cần thiết để thay đổi trật tự của thị trường, thay máu và cải tổ ‘tổ ong bò vẽ’ BĐS này. Tuy nhiên, chẳng sai lầm nào trong quá khứ, khi muốn sửa chữa, lại không phải trả giá. Tăng trưởng và ổn định tài chính của Bắc Kinh rõ ràng đang bị trả giá. Và rõ ràng là nền kinh tế này còn rất lâu mới có thể thoát khỏi cái bóng của BĐS.

Thời báo chứng khoán, vào tối ngày 21/10 vừa qua, đăng tải thông tin về việc các ngân hàng, gồm cả một số ngân hàng quốc doanh thông báo sẽ mở rộng hạn mức cho vay, nới lỏng hơn nữa hạn mức tín dụng, điều kiện tín dụng với các doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia vào thị trường BĐS chẳng hạn như rút ngắn thời gian giải ngân, xét duyệt hồ sơ. Các ngân hàng cũng phát đi thông điệp đẩy mạnh cho vay có tài sản thế chấp, đáp ứng nhu cầu vay mua nhà ở của các hộ gia đình. Bằng cách này, áp lực dòng tiền của các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở trong ngành BĐS cũng được giải toả ở một mức nhất định.

Tin này sau đó đã bị xoá trên trang Thời báo chứng khoán sau các bình luận của dân cư mạng rằng hệ thống tài chính có dấu hiệu cho vay tín dụng trở lại với ngành BĐS vì đã quá phụ thuộc vào ngành này, và tăng trưởng đang tạo áp lực khiến các ngân hàng phải tiếp tục nới lỏng điều kiện tín dụng.

Theo một tin tức khác được đưa bởi Brokers China, một ngân hàng cổ phần ở Trung Quốc tuyên bố rằng hạn mức có thể không được tự do hoá hoàn toàn, tức là không được nới lỏng bừa bãi, nhưng đối với các công ty BĐS có đòn bẩy được kiểm soát tốt, các ngân hàng cần phê duyệt và cấp tài khoản một cách bình thường.

Không chỉ các thông tin trên mạng, thực tế ngữ điệu của các cơ quan quản lý cũng đã thay đổi, và có dấu hiệu rõ ràng là buông lỏng kiểm soát đối với các khoản cho vay BĐS.

Ngày 21/10, ông Liu Zhongrui, Vụ trưởng Vụ Thông tin Thống kê và Giám sát Rủi ro của Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp báo do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện tổ chức rằng cần đảm bảo các ngân hàng thực hiện đúng quy định đối với cho vay doanh nghiệp phát triển BĐS, cho vay mua nhà. Các ngân hàng cần phối hợp với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) trong việc thực hiện cho vay BĐS trong điều kiện lãi suất giảm, tỷ lệ thanh khoản giảm.

Điều này có nghĩa các cơ quan chức năng của Trung Quốc không muốn tình trạng cực đoan về siết chặt tín dụng BĐS, mà vẫn cần nới lỏng tín dụng với khu vực này ở mức có thể kiểm soát, chỉ cần không quá rủi ro.

Trước đó, ngày 15/10, tại cuộc họp báo về thống kê dữ liệu tài chính quý III, ông Zou Lan, Vụ trưởng Vụ Thị trường Tài chính của PBOC, cho biết một số tổ chức tài chính đã hiểu nhầm về các quy tắc quản lý tài chính của 30 công ty BĐS thí điểm trong tài trợ tín dụng “cấp 3 và cấp 4”. Việc siết chặt tín dụng là nhắm vào đối tượng trong danh mục ‘hồ sơ đỏ', không phải là dừng cấp tín dụng BĐS mới cho toàn bộ doanh nghiệp phát triển BĐS.

Trước xu hướng trên, một số ý kiến ​​cho rằng kỳ vọng của thị trường đối với các quy định về BĐS sắp thay đổi.

Báo cáo nghiên cứu chứng khoán Anxin cho rằng chính sách BĐS vẫn chưa thay đổi, tuy nhiên, với việc một số công ty BĐS đưa ra kế hoạch thanh lý tài sản để trả nợ, các công ty này có thể thoát khỏi danh sách ‘hồ sơ đỏ’ và thời gian căng thẳng giảm dư nợ BĐS nghiêm trọng nhất cũng sẽ qua đi.

Nới lỏng tín dụng BĐS Trung Quốc rất quan trọng với tăng trưởng bởi nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào kinh tế BĐS, ngân sách của các chính quyền địa phương dựa vào bán đất để tồn tại. Không chỉ vậy, nếu không nới lỏng tín dụng BĐS, các NHTM Trung Quốc có thể đối mặt với tình trạng nợ xấu bùng phát vì giá trị tài sản đảm bảo (phần đa là BĐS) suy giảm, cũng như nợ xấu của doanh nghiệp BĐS dâng lên cao ngoài tầm kiểm soát của họ. Đổ vỡ hệ thống có thể xảy ra.

Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố ngày 18/10, tăng trưởng GDP trong quý 3 giảm xuống còn 4,9%.

Ông Luo Zhiheng, Phó Viện trưởng kiêm Trưởng phòng Phân tích kinh tế vĩ mô của Viện nghiên cứu chứng khoán Yuekai, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với China Business News rằng kể từ khi dịch bùng phát, 2 động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là đầu tư BĐS và xuất khẩu, đều giảm. Điện và hạn chế sản xuất đã dẫn đến cung cầu bị co lại, nguy cơ lạm phát đình trệ tăng cao, đồng thời, đà tăng trưởng nội sinh của kinh tế tiêu dùng và ngành sản xuất công nghiệp chế tạo bị suy giảm khiến tăng trưởng GDP thấp hơn bình thường một cách đáng kể.

Thời báo Chứng khoán đưa tin, số liệu từ CMB International cho thấy dù nhiều công ty BĐS thực hiện các hoạt động khuyến mại trong "Tuần lễ vàng lần thứ 11", tỷ lệ bán hàng tại 10 thành phố lớn vẫn giảm dưới 60% từ tháng 1 - tháng 9, BĐS phát triển đầu tư tăng trưởng ổn định 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vào tháng 9, nó đã giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 0,7% so với đầu năm, điều này có thể cho thấy doanh số bán nhà ở thương mại sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực giảm.

Trà Nguyễn

Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Tăng trưởng lao dốc, Trung Quốc buộc phải thay đổi thái độ nới lỏng tín dụng BĐS