‘Tê Giác Xám’ (suy thoái kinh tế) đụng độ ‘Thiên Nga Đen’ (dịch virus Corona) - cơn bĩ cực của ngành ngân hàng Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các ngân hàng Trung Quốc, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải “đấu tranh sinh tồn” trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc không hoạt động.

Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp hỗ trợ kinh tế trong những tuần gần đây để thúc đẩy nền kinh tế đang căng thẳng, đình trệ trong nước do sự bùng phát của dịch coronavirus.

Hầu hết các doanh nghiệp và các hoạt động kinh doanh đã tạm ngừng kể từ dịp Tết Nguyên Đán vào cuối tháng 01/2020. Một số doanh nghiệp dự định sẽ bắt đầu hoạt động kinh doanh trở lại từ ngày 10/02, nhưng tình hình dịch bệnh bùng phát có thể sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này suy yếu vào đầu năm 2020.

Trước bối cảnh nền kinh tế hoạt động cầm chừng, ngày 01/02, các nhà quản lý Bắc Kinh đã ban hành lệnh yêu cầu các ngân hàng nhà nước giảm lãi suất và gia hạn thời hạn thanh toán cho các khoản vay, nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đối phó với tình trạng giảm doanh thu do tình hình dịch bệnh.

Hai nhà phân tích hoạt động của Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) xác nhận với kênh Reuters vào ngày 06/02 vừa qua, rằng các nhà quản lý Bắc Kinh đã yêu cầu cộng đồng ngân hàng ở một số thành phố đánh giá tác động của dịch bệnh đối với người vay và nộp báo cáo thường xuyên cho cơ quan quản lý.

Trung Quốc đang đấu tranh để ngăn chặn sự lây lan của virus, và cho đến nay đã ban hành các biện pháp nhằm hạn chế vận chuyển, hủy bỏ các sự kiện đông người và đóng cửa các khu vực không gian công cộng đông đúc. Lượng người lưu thông giảm mạnh khiến mức tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và các doanh nghiệp nhỏ thường là đối tượng đầu tiên gánh chịu hậu quả.

Trên thực tế, thiệt hại kinh tế sẽ rất khốc liệt. Các nhà kinh tế đã không tìm thấy mối tương quan nào khi bắt đầu nhìn lại sự bùng phát của dịch SARS vào năm 2003. Hiện nay, khu vực kinh tế tiêu dùng chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Theo báo cáo của Moody: “Tỷ lệ đóng góp của kinh tế tiêu dùng đã tăng từ mức 47% trong năm 2003 đến 64% trong năm 2019, trên cơ sở kế hoạch trung bình ba năm”.

Các yếu tố khác góp phần làm trầm trọng thêm đợt bùng phát dịch bệnh này là do nó diễn ra vào thời điểm ngay trước dịp lễ quan trọng là Tết Nguyên đán, khi việc đi du lịch và tiêu dùng được chú trọng. Ngoài ra, địa điểm tỉnh Hồ Bắc nơi bùng phát dịch bệnh nằm ở miền trung Trung Quốc, là một trung tâm vận chuyển và sản xuất chính của quốc gia này, dọc theo Vành đai kinh tế sông Dương Tử.

Ngoài ra, vào năm 2003, Trung Quốc đang trong quá trình mở rộng kinh tế vô cùng mạnh mẽ. Mặc dù dịch SARS đã gây ra một “cú sốc” kinh tế nghiêm trọng, tình hình vẫn có thể kiểm soát được do dịch bệnh diễn ra trong thời gian ngắn. Nhưng giờ đây, Coronavirus “tấn công” nền kinh tế Trung Quốc vào đúng lúc mức tăng trưởng kinh tế nước này đang suy yếu, giữa bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và thêm vào đó là những thay đổi trường kỳ về phương thức làm việc của Trung Quốc.

Do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) đang bị ảnh hưởng nặng nề. Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa trên gần 1.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho thấy 34% các doanh nghiệp này chỉ có thể cầm cự trong một tháng hoặc ít hơn với khoản dự phòng mà họ hiện có.

Trong khi đó, theo báo cáo của Caixin, một tạp chí tài chính Trung Quốc, 33% các doanh nghiệp cho biết họ có thể tồn tại trong hai tháng, và 18% các doanh nghiệp cho biết họ có thể tồn tại trong ba tháng.

Các ngân hàng Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tái đầu tư các khoản vay hiện có cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cung cấp các khoản tái cấp vốn cho doanh nghiệp theo các hướng dẫn quy định của Bắc Kinh.

‘Tê Giác Xám’ (suy thoái kinh tế) gặp phải ‘Thiên Nga Đen’ (dịch virus Corona)

Mặc dù các biện pháp nới lỏng tài chính do CBIRC ban hành có ý nghĩa trong trường hợp khẩn cấp, đối với Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong tình thế hiện nay, các biện pháp này chỉ mang lại tác động nhỏ trong việc giảm nhẹ những rủi ro tài chính hệ thống hiện có, cũng như các vấn đề tồn động khác.

“Tê Giác Xám” là một thuật ngữ để miêu tả những rủi ro mà nền kinh tế một quốc gia đã nhận thấy được nhưng thường bị lơ là. Trong khi “Thiên Nga Đen” là hiện tượng kinh tế cực kì hiếm khi xảy ra và không thể dự đoán trước, và chúng có thể mang lại những hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế. Các nhà kinh tế lo sợ nhất là hiện tượng “Thiên Nga Đen” này xảy ra.

Số nợ xấu trên bảng cân đối ngân hàng Trung Quốc là một trong những con “Tê Giác Xám” Trung Quốc. Ngay cả khi vào năm ngoái, các ngân hàng đã phải “vật lộn” với suy thoái kinh tế và nợ xấu, đặc biệt là các ngân hàng vừa và nhỏ ở khu vực phía tây và nông thôn Trung Quốc.

Theo báo cáo của Reuters, vào năm ngoái, CBIRC đã phải đối mặt với một bài toán kinh tế căng thẳng, khi 7,7% các ngân hàng có nguy cơ rất cao, và 13,6% các ngân hàng có nguy cơ cao sẽ không đứng vững được trước các rủi ro kinh tế nhẹ.

Hiện nay, “Tê Giác Xám” của ngành ngân hàng đang gặp khó khăn, cộng thêm sự kiện “Thiên Nga Đen” - sự bùng phát dịch Coronavirus, có thể sẽ dẫn đến “thảm cảnh” cho nền kinh tế Trung Quốc. Mặc dù chính sách nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải tiếp tục cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn, thậm chí là không cần hoàn lại, nhiều doanh nghiệp trong số này không thể đáp ứng hồ sơ quản lý tài chính hoặc quản lý rủi ro để đảm bảo cho việc vay nợ.

Do đó, các biện pháp tạm thời này có thể đều vô ích, trừ khi Coronavirus được chữa khỏi nhanh chóng và các công ty có thể quay trở lại kinh doanh.

Các ngân hàng hiện vẫn tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trong cơn nguy khốn. Tất nhiên, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng dự kiến ​​sẽ hỗ trợ những người cho vay với lãi suất chuẩn thấp và có biện pháp giải cứu nếu cần thiết.

Tuy nhiên, chính sách này sẽ chỉ khiến ngành ngân hàng vốn đã khó khăn thì nay lại càng thêm khốn khó.

Mộc Trà
Theo Theepochtimes



BÀI CHỌN LỌC

‘Tê Giác Xám’ (suy thoái kinh tế) đụng độ ‘Thiên Nga Đen’ (dịch virus Corona) - cơn bĩ cực của ngành ngân hàng Trung Quốc