'Tên trộm' lạm phát vẫn tiếp tục hoành hành tại Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người dân Mỹ đã được xoa dịu trong 18 tháng qua rằng lạm phát là không quá tệ, nhưng tình hình thực tế vẫn tiếp tục xấu. Vẫn còn một chặng đường dài trước khi lạm phát được kiểm soát. Thảm họa này có nguyên nhân từ các chính sách công tồi tệ và đáng lẽ có thể hoàn toàn được ngăn ngừa.

Liệu giới truyền thông có thể ngừng tuyên bố rằng lạm phát Mỹ đang “hạ nhiệt” được không? Mọi thứ đang trở nên lố bịch. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,1% so với một năm trước. Điều đó thật khủng khiếp. Vâng, không khủng khiếp như tháng trước nhưng hãy xem xét tình hình một cách chi tiết. Đồ ăn ở nhà tăng 10% và đồ ăn ở nhà hàng tăng 12%. Dầu nhiên liệu tăng 65,7%! Dịch vụ vận tải tăng 14,2%.

Cứ thế, và mỗi tháng khi chúng ta nhận được báo cáo, tâm điểm lạm phát thay đổi từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Quan điểm cho rằng lạm phát đang hạ nhiệt chủ yếu dựa trên công thức tính trọng số, thứ tạo ra con số cuối cùng. Đây không phải là tình cảnh mà chúng ta đang chứng kiến ​​lạm phát dần dần biến mất. Bạn có thể thấy quy mô của vấn đề bằng cách nhìn vào cái gọi là tốc độ tăng giá ít biến động trong 14 năm. Dữ liệu này phản ánh thành phần ít thay đổi trong chỉ số giá tổng thể, thứ ít bị biến động theo các sự thay đổi nhất thời của thị trường.

'Tên trộm' lạm phát vẫn tiếp tục hoành hành tại Mỹ
Biểu đồ: Chỉ số giá tiêu dùng ít biến động loại trừ thực phẩm và năng lượng. Cột bên trái: % thay đổi so với 1 năm trước. (Dữ liệu: Dữ liệu kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang [FRED], St. Louis Fed; Biểu đồ: Jeffrey A. Tucker)

Đây là sự cướp bóc đối với người dân Mỹ. Việc tên trộm đánh cắp trọn vẹn một bộ đồ ăn bằng bạc vào tháng trước nhưng tháng này lại để lại chiếc thìa tráng miệng rõ ràng không phải là một sự cải thiện và không phải là một lý do để không khóa cửa. Họ đã nói với người dân Mỹ trong 18 tháng qua rằng vấn đề không quá tệ và người dân nên ngừng phàn nàn về nó. Nhưng tình hình vẫn tiếp tục xấu. Lạm phát đã ngấm vào nền kinh tế và rõ ràng là còn một chặng đường dài phía trước trước khi nó được chặn lại.

Tất cả điều này đều có tác động mang tính tàn phá đối với ngân sách của các cá nhân. Trên thực tế, chúng ta đang thấy một thảm họa đang hình thành. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân chỉ là 2,3%. Chúng ta chưa bao giờ thấy điều gì tồi tệ như vậy trong toàn bộ thời kỳ hậu chiến nhưng điều này khó có thể gây bất ngờ. Tại sao phải tiết kiệm tiền khi nó có nghĩa là mất hơn 5% mỗi năm? Và kết hợp với nợ thẻ tín dụng tăng vọt với lãi suất đang ở mức 20% và thậm chí cao hơn trong các chương trình điển hình. Điều này là hoàn toàn không bền vững. Phải có một giải pháp nào đó.

'Tên trộm' lạm phát vẫn tiếp tục hoành hành tại Mỹ
Biểu đồ tỷ lệ tiết kiệm và vay nợ tiêu dùng. Đường màu xanh: Tỷ lệ tiết kiệm, tính theo %, thước đo ở bên trái. Đường màu đỏ: Vay nợ tiêu dùng trong thẻ tín dụng và các chương trình tín dụng quay vòng ở tất cả các ngân hàng thương mại, tính theo % thay đổi so với một năm trước, thước đo nằm ở bên phải. (Dữ liệu: Dữ liệu kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang [FRED], St. Louis Fed; Biểu đồ: Jeffrey A. Tucker)

Lần cuối cùng chúng ta gặp phải sự mất giá như vậy là 40 năm trước và nó kéo dài tận 5 năm trước khi được giải quyết. Đợt xử lý lạm phát đó yêu cầu lãi suất quỹ liên bang rơi vào trong phạm vi hai chữ số. Tình hình lãi suất quỹ liên bang bây giờ khác xa như vậy. Việc người dân cầu xin Fed ngừng thắt chặt chính sách vì sợ rằng toàn bộ nền kinh tế Mỹ sẽ bị suy thoái là hoàn toàn ngớ ngẩn. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nghiêm túc - và tình hình có vẻ là như vậy vào lúc này - thì còn một chặng đường rất dài trước khi tên trộm lạm phát dừng lại.

Đối với tôi, một thẻ # với xu hướng tốt nhằm chống lại lạm phát có thể là #stopthesteal (ngăn chặn việc ăn cắp).

Kỷ nguyên lạm phát bắt đầu

Kỷ nguyên lạm phát mới nhất bắt đầu vào tháng 03/2020, khi Fed đưa ra quyết định định mệnh nhằm đáp ứng bất kỳ và tất cả các khoản chi tiêu của Quốc hội Mỹ dưới danh nghĩa kiểm soát virus. Quốc hội Mỹ phê duyệt chi tiêu từ nợ, Bộ Ngân khố Mỹ phát hành khoản nợ và hỗ trợ nó bằng niềm tin và sự tín nhiệm đối với chính phủ Mỹ, và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bận rộn đẩy nó vào bảng cân đối kế toán, mua tất cả bằng tiền mới được tạo ra.

Mọi thứ có vẻ ổn trong một thời gian. Thật vậy, tình hình còn hơn cả ổn! Chi phiếu đã bay ra khỏi Tòa Bạch Ốc vào thẳng tài khoản ngân hàng của các cá nhân và doanh nghiệp. Thật là một thế giới trong mơ! Không có việc làm, không có năng suất làm việc, nhưng thu nhập thực tế vẫn tăng vọt. Tiết kiệm cũng vậy. Và hàng triệu người đã trả hết nợ thẻ tín dụng, mua tiền mã hóa, duy trì hoạt động của các dịch vụ giao hàng ở mức tối đa và các dịch vụ phát trực tuyến đã chứng kiến lợi nhuận của họ tăng vọt.

Mọi thứ không hấp dẫn như thế đối với những đứa trẻ không được đến trường học và đối với hàng triệu doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Nhân sự trong những ngành không thể dựa vào thứ ma thuật trực tuyến - không có ứng dụng nào có thể cắt tóc hay làm móng cho bạn - cảm thấy vô cùng chán nản và tìm đến thực phẩm và những thứ khác, những thứ khiến họ bị tăng cân.

Những ngày tháng đó cũng chứng kiến ​​nỗ lực đảo ngược chính sách của Fed, khi mà các vấn đề về bảng cân đối kế toán có từ năm 2008 cuối cùng cũng được tìm cách xử lý. Trong 14 năm, Fed đã giữ lãi suất quỹ liên bang ở mức lãi suất dưới 0%. Điều đó đồng nghĩa với một sự trừng phạt nặng nề đối với bất kỳ ai muốn tiết kiệm tiền và gây ra một cuộc tranh giành điên cuồng để kiếm được lợi nhuận. Họ tìm thấy mức lợi nhuận mơ ước trong các khoản đầu tư mang tính đầu cơ quá mức vào truyền thông và công nghệ, những ngành đã trở nên phình to vượt quá bất kỳ quy mô bền vững hợp lý nào.

Và cùng với đó là một đặc điểm kỳ lạ của các doanh nghiệp có lãi trong những ngày đó. Họ có lãi đến mức họ có thể ngừng quan tâm đến lợi nhuận! Thay vào đó, các công ty Mỹ đã chuyển mối quan tâm của mình từ việc phục vụ khách hàng và cổ đông sang những thứ ngoại lai về quản lý và tài chính hết sức kỳ lạ như ESG, DEI, cũng như hoạt động gián điệp và kiểm duyệt phục vụ chính phủ liên bang. Bàn tay nhàn rỗi của họ thực sự đang làm công việc của quỷ dữ.

Chắc chắn là có một mối quan hệ giữa đợt bùng nổ kinh doanh kéo dài này, thứ được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tài trợ, và sự trỗi dậy của hệ tư tưởng thức tỉnh. Đây chính xác là cách các công ty Mỹ hướng tới hệ tư tưởng cánh tả trong khi từ bỏ sự gắn bó truyền thống của mình với xu hướng doanh nghiệp tự do kiểu cũ. Đây là lý do khiến đảng Dân Chủ nhận được một lượng lớn hỗ trợ từ cộng đồng doanh nghiệp. Điều này đã được chứng tỏ là một thảm họa đối với văn hóa và chính trị Mỹ.

Những tiết lộ qua vụ Twitter

Nếu bạn xem qua tất cả những thứ được tiết lộ về Twitter 1.0, bạn sẽ thấy bản chất của vấn đề. Ông David Stockman đã chỉ ra rằng những đứa trẻ ranh có đặc quyền từng điều hành Twitter là những người không quan tâm đến lợi nhuận. Mối quan tâm duy nhất của họ là kiểm duyệt thông tin dựa trên hệ tư tưởng chính trị theo cách không bị phát hiện. Và điều này hoàn toàn đi ngược lại với những lời hứa của CEO và các nhân viên của Twitter khi tuyên thệ. Họ đã thề trong các phiên điều trần rằng không có chuyện gì như vậy xảy ra. Bây giờ chúng ta đang phát hiện ra rằng đó là điều chủ yếu đang diễn ra! Đây cũng là lý do tại sao ông Elon Musk có thể sa thải 4 trên 5 nhân sự và khiến nền tảng này trở nên tốt hơn bao giờ hết.

Twitter chỉ là một ví dụ nhưng nó thể hiện điểm mấu chốt của vấn đề. Một thế giới của tiền dễ là một thế giới không có sự kiềm chế, trong đó mọi hệ tư tưởng ngớ ngẩn đều có thể bay cao. Fed nỗ lực khắc phục vấn đề này vào năm 2019 nhưng đã đảo ngược hướng đi để hỗ trợ việc ứng phó với đại dịch. Tất nhiên, kết quả duy nhất của việc đó là thời gian phong tỏa được kéo dài: khi bạn trợ cấp một thứ gì đó, bạn sẽ nhận được nhiều hơn và lâu hơn thứ đó.

Một thảm họa có thể được ngăn ngừa

'Tên trộm' lạm phát vẫn tiếp tục hoành hành tại Mỹ
Tiến sĩ Ben S. Bernanke nhận Giải thưởng Sveriges Riksbank về Khoa học Kinh tế năm 2022 nhằm tưởng nhớ Alfred Nobel từ Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển trong Lễ trao giải Nobel tại Phòng hòa nhạc Stockholm vào ngày 10/12/2022 ở Stockholm, Thụy Điển. (Ảnh: Pascal Le Segretain/Getty Images)

Bài học rút ra: đây hoàn toàn là một thảm họa có thể ngăn ngừa được. Không có virus và thảm họa tự nhiên nào khiến tiền của bạn bị cướp đi. Đó là tác động trực tiếp của chính sách công tồi tệ. Nó bắt đầu dưới sự lãnh đạo của ông Ben Bernanke [cựu Chủ tịch Fed], người đã đoạt giải Nobel cho những nỗ lực của mình. Bộ máy tiền tệ tại Fed hiện đang bị buộc phải tìm cách khắc phục nhưng họ còn lâu mới giải quyết được vấn đề. Cuối cùng, các biện pháp phản ứng trước đại dịch có thể sẽ cắt giảm một phần tư hoặc nhiều hơn trong mỗi USD.

Mặt tích cực duy nhất là ta đang chứng kiến các khu vực phình to của các gã khổng lồ công nghệ và khổng lồ truyền thông bị thu hẹp. Hiện tại, người Mỹ có thể phát hiện ra nhiều thứ đáng phẫn nộ hơn đã diễn ra tại các công ty này và cách tất cả họ hợp tác với chính phủ để ngăn chặn quyền riêng tư và quyền ngôn luận. Người dân có đang tức giận không? Họ thực sự nên phải tức giận.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Cát Duyên biên dịch

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

'Tên trộm' lạm phát vẫn tiếp tục hoành hành tại Mỹ