Thách thức của Fintech đối với quản lý nhà nước, Ngân hàng Thương mại và người tiêu dùng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cùng với làn sóng công nghệ 4.0, sự xuất hiện của các sản phẩm tài chính công nghệ và doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đó - FINTECH - đã thách thức mô hình, tư duy kinh doanh của các định chế tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và yêu cầu đổi mới khuôn khổ pháp lý quốc gia về quản lý và giám sát đối với khu vực này…

Khái niệm cuộc cách mạng công nghệ (CMCN) lần thứ tư lần đầu tiên được đề cập trong bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao được chính phủ Đức thông qua vào năm 2012. Theo GS. Klaus Schwab, chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, CMCN lần thứ tư là một thuật ngữ bao gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo. Cuộc CMCN lần thứ tư được định nghĩa là “một cụm thuật ngữ cho các công nghệ và khái niệm của tổ chức trong chuỗi giá trị” đi cùng với hệ thống vật lý trong không gian ảo, Internet kết nối vạn vật (IoT) và Internet của các dịch vụ (IoS).

Bản chất của cuộc cách mạng 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Nền tảng vượt trội của CMCN 4.0 là số liệu lớn (big data), nó nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo.

Đối với hệ thống tài chính - ngân hàng, sự xuất hiện của CMCN 4.0 đã tạo ra các sản phẩm dịch vụ tài chính công nghệ: từ khâu thẩm định, thanh toán, nguồn vốn cho vay tới kênh truyền dẫn vốn đều sáng tạo theo phương thức mới trên nền tảng dữ liệu lớn và công nghệ tối ưu hóa thông tin cung - cầu. Fintech thay đổi đặc tính của dịch vụ, cách thức cung cấp sản phẩm, làm xuất hiện nhiều sản phẩm dịch vụ tài chính mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, chẳng hạn như cho vay ngang hàng - P2P lending trên các ứng dụng công nghệ, thanh toán ví điện tử, thanh toán bù trừ,...

Không chỉ vậy, sự xuất hiện của tiền kỹ thuật số cùng với làn sóng công nghệ 4.0 - vốn nằm ngoài hệ thống quản lý nhà nước của các Ngân hàng Trung ương các quốc gia - đã thúc đẩy giao dịch ngầm, đầu cơ không thể kiểm soát. Trước sự trỗi dậy không thể kiểm soát của tiền kỹ thuật số với quá nhiều rủi ro qua thanh toán, rửa tiền, huy động vốn đa cấp qua công cụ này, Ngân hàng trung ương các nước bắt đầu nghĩ đến việc chính thức kiểm soát và sở hữu tiền kỹ thuật số thay cho tiền giấy.

Bởi vậy, phạm vi rủi ro của ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung sẽ có sự thay đổi nhất định do có sự tham gia của công nghệ 4.0 trong hệ thống dưới dạng thức sản phẩm, dịch vụ tài chính mới và mô hình kinh doanh mới trong ngành. Những thay đổi này đương nhiên sẽ khiến rủi ro của hệ thống phát sinh mặc dù chính nó cũng mang đến cơ hội cho khách hàng, ngân hàng, hệ thống và cả cơ quan giám sát.

Rủi ro với người gửi tiền và người tiêu dùng dịch vụ tài chính công nghệ

Rủi ro với khách hàng chính là nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân, bảo mật thông tin tài chính khách hàng. Thực tế, các vụ việc rò rỉ thông tin khách hàng trong nước và quốc tế ngày một lớn. Khác với các sản phẩm khác, khi khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính bị rò rỉ thông tin tài khoản, thông tin cá nhân, thì họ phải đối mặt với rủi ro mất tiền trong tài khoản trực tiếp hoặc gián tiếp (qua lừa đảo tài chính).

Hầu hết các ứng dụng Fintech đều xử lý và khai thác dữ liệu điện toán đám mây trong khi khuôn khổ pháp lý của Việt Nam chưa có quy định về lưu trữ, bảo mật, khai thác dữ liệu theo phương thức này. Thêm vào đó, chính sách, cơ chế bảo vệ quyền lợi người gửi tiền trong hệ thống Ngân hàng Thương mại (NHTM) của Việt Nam còn nhiều hạn chế trong khi thiếu vắng các công ty đánh giá tín nhiệm ngân hàng, doanh nghiệp uy tín và chuyên nghiệp, làm gia tăng thêm rủi ro cho cả người gửi tiền và người tiêu dùng dịch vụ tài chính trong hệ thống.

Thách thức của Fintech với các Ngân hàng Thương mại và định chế tài chính:

  • Rủi ro thay đổi chiến lược kinh doanh do công nghệ mới tạo ra sản phẩm dịch vụ tài chính mới và mô hình kinh doanh mới;
  • Rủi ro hoạt động yêu cầu quản trị với đối tác là bên thứ ba gia tăng (bên cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ 4.0…), cũng như các ngân hàng tăng cường tương tác với nhau trong hệ thống nên rủi ro hoạt động và quản trị cũng gia tăng;
  • Rủi ro không gian mạng và rủi ro tuân thủ có thể phát sinh trong trường hợp ngân hàng không bảo vệ được quyền lợi khách hàng, bảo mật thông tin khách hàng theo yêu cầu của khuôn khổ pháp lý;
  • Rủi ro rửa tiền có thể phát sinh và cần có biện pháp giám sát cẩn trọng;
  • Rủi ro thanh khoản và rủi ro tín dụng đối với các sản phẩm dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ 4.0, ví dụ như các sản phẩm của Fintech.

Thách thức với các Ngân hàng Trung ương

Ngân hàng Trung ương có mục tiêu chính là ổn định thị trường tiền tệ thông qua các chính sách tiền tệ, sử dụng các công cụ bơm hút tiền, điều hòa dòng vốn. Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã làm xuất hiện các phương tiện thanh toán mới trên phạm vi toàn cầu, bản thân các phương tiện thanh toán mới qua đồng tiền kỹ thuật số (như bitcoin) còn trở thành công cụ đầu cơ. Điều này sẽ tạo ra thách thức mới cho Ngân hàng Trung ương vì công cụ quản trị chính sách tiền tệ có thể không còn hữu hiệu:

  • Tiền kỹ thuật số trở thành một phương tiện thanh toán nhưng lại nằm ngoài tầm kiểm soát của các Ngân hàng Trung ương. Thanh toán ngoại tệ không biên giới và khó kiểm soát có thể dẫn đến các rủi ro tỷ giá, rủi ro thanh khoản ngoại tệ...
  • Đồng tiền kỹ thuật số cũng có thể trở thành một công cụ để rửa tiền khó kiểm soát bởi giao dịch ảo có thể diễn ra.
  • Do là một sản phẩm đầu cơ, bản thân tiền kỹ thuật số không nằm trong kiểm soát rủi ro của bất cứ hệ thống nào, không có giá trị hữu hình, nên giá trị đồng tiền kỹ thuật số trồi sụt thất thường, rủi ro với nhà đầu cơ là rất lớn, tạo ra các xáo động lớn về xã hội.

Thách thức với cơ quan giám sát tài chính

Các cơ quan giám sát có chức năng chính là giám sát phát hiện sớm rủi ro, ngăn ngừa hoặc giảm thiểu rủi ro nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính và bảo vệ người gửi tiền. Bởi vậy, với sự xuất hiện của làn sóng công nghệ 4.0, các cơ quan giám sát đối diện với các thách thức sau:

  • Giám sát được quy mô, tra soát được giao dịch liên quan đến đầu tư, đầu cơ và thanh toán bằng công nghệ tiền kỹ thuật số từ các tài khoản cá nhân, tổ chức trong nước.
  • Sự xuất hiện các mô hình kinh doanh mới và sản phẩm tài chính mới cũng tạo thêm thách thức cho các cơ quan giám sát trong việc bổ sung thêm các đối tượng này vào trong danh mục cần thiết phải giám sát rủi ro; thiết kế các công cụ đo lường rủi ro cho đối tượng này (rủi ro nội tại trong hoạt động của đối tượng, rủi ro chéo với các định chế, tổ chức khác, rủi ro lây nhiễm với các khu vực khác của nền kinh tế): chỉ tiêu đo lường, ngưỡng, các công cụ cảnh báo...

Trên thực tế, sự xuất hiện của Fintech đã làm thay đổi diện mạo của hệ thống tài chính trên toàn cầu. Đã có rất nhiều các cuộc thảo luận trên khắp thế giới, từ cấp quản lý nhà nước cho tới định chế và chuyên gia ngành, về thách thức, rủi ro và khuôn khổ chính sách phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro mà Fintech mang lại. Tuy nhiên cho tới nay, khuôn khổ quản lý và giám sát nhà nước cho Fintech ở hầu hết các quốc gia mới dừng lại ở các chương trình thử nghiệm, ví dụ như ở Hàn Quốc. Thậm chí, một số Ngân hàng Trung ương cho biết “rất lo lắng về Fintech” nhưng chưa có bất kỳ một chương trình quản lý giám sát toàn diện nào cho Fintech.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Thách thức của Fintech đối với quản lý nhà nước, Ngân hàng Thương mại và người tiêu dùng