Thái Lan vượt Việt Nam trong hưởng lợi từ thương chiến?

Giúp NTDVN sửa lỗi

CNBC hôm 4/11 vừa qua đã trích dẫn nhận định của chuyên gia Standard Chartered khẳng định rằng: Thái Lan chứ không phải Việt Nam, đã đón đầu rất tốt nguồn lực FDI dịch chuyển do thương chiến. Trước đó nhiều tháng, Bloomberg cũng đăng bài phân tích nghi ngờ về khả năng hưởng lợi từ thương chiến của Việt Nam, dù Việt Nam luôn được kỳ vọng là nền kinh tế có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến chưa có hồi kết này...

Ngày 4/11 vừa qua, CNBC trích dẫn ý kiến của chuyên gia kinh tế MacDonnell (thuộc Standard Chartered) cho biết: Thái Lan thành công trong việc hấp dẫn các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển dịch sản xuất vào nước này thay vì Việt Nam. Kết quả là đồng Bạt Thái không mất giá và dự trữ ngoại hối của Thái tăng thêm 20 tỷ USD, đạt 220 tỷ USD.

Thái Lan ra gói chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài nhằm tăng cơ hội hưởng lợi từ thương chiến

Những kết quả khả quan về thu hút vốn FDI, ổn định tiền tệ trong nước của Thái Lan là kết quả của chiến lược dài hạn và tham vọng của chính phủ nhằm tăng cơ hội hưởng lợi từ thương chiến, thay vì chịu tổn thất do cầu quốc tế suy giảm. Thái Lan cũng không giấu giếm mục tiêu cạnh tranh với Việt Nam - nền kinh tế được dự báo là có khả năng hưởng lợi lớn nhất từ thương chiến.

Tháng 9 vừa qua, Thái Lan tuyên bố gói chính sách kêu gọi đầu tư nước ngoài gồm: (i) Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm đầu tiên cho các khoản đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư thực tế 1 tỷ baht (tương đương 32,61 triệu USD) trở lên từ nay cho tới hết 2020; (ii) Chính phủ Thái Lan hỗ trợ chi phí đào tạo nhân lực, chi phí tuyển dụng; (iii) Chính sách ưu đãi, hỗ trợ gấp đôi so với các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất tự động; (iv) Thủ tướng Thái Lan chủ trì Ủy ban khuyến khích đầu tư, với cam kết mạnh mẽ rằng sẽ lắng nghe, phối hợp với doanh nghiệp FDI, đảm bảo các dự án FDI sớm vận hành hiệu quả, đặc biệt ưu tiên các dự án lớn.

Trước đó, chính phủ nước này cũng đã cung cấp cho các công ty trong Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 13 năm, và tối thiểu là giảm 50% thuế trong 5 năm. Hiện tại, thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%. Thái Lan không giấu giếm việc nước này muốn cạnh tranh với Việt Nam trong việc thiết kế chương trình “tái định cư” hấp dẫn cho các doanh nghiệp FDI tốt muốn chạy khỏi Trung Quốc vì thương chiến. Theo Asian Nikkei Review, tính đến giữa tháng 8 năm nay, đã có hơn 50 doanh nghiệp đã và đang di dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế nhập khẩu của Mỹ trong thương chiến Mỹ - Trung.

Sáu tháng đầu năm dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam cao gấp 4 lần Thái Lan

Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, ổn định hơn Thái Lan cả về quy mô và tốc độ tăng trong hơn 1 năm qua. Trong 6 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Thái Lan chỉ đạt tổng cộng 4,8 tỷ USD. Trong khi đó, tính hết 6 tháng, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là 18,74 tỷ USD, cao gần gấp 4 lần so với Thái Lan.

Đầu tư vào Thái Lan
Hình: Đầu tư vốn FDI vào Việt Nam và Thái Lan 01/2019 - 11/2019

- Nguồn: Trading Economics.

Vốn đăng ký, dự án FDI trong 10 tháng đầu năm 2019
Vốn đăng ký, dự án FDI trong 10 tháng đầu năm 2019

-Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài.

Dù có nhiều lợi thế nhưng phản ứng chính sách của Việt Nam thực tế khá chậm, nên có thể đã và sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội trong thương chiến…

Thực tế, chính sách khuyến khích đầu tư FDI của Việt Nam về thuế, ưu đãi tiếp cận nguồn lực đất đai đã khá cạnh tranh so với các nền kinh tế trong khu vực. Ngoài ra, Việt Nam còn có ưu thế về vị trí địa lý, lịch sử tăng trưởng kinh tế cao và khá ổn định so với các nền kinh tế khác trong khu vực suốt hơn một thập kỷ qua. Đây là lý do Việt Nam luôn đứng đầu danh sách các nền kinh tế có cơ hội hưởng lợi lớn nhất từ thương chiến Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, để đón dòng vốn FDI tốt và tránh các rủi ro thương chiến, phản ứng chính sách của Việt Nam thực tế khá chậm so với kỳ vọng. Ví dụ, chính sách chống lẩn thuế - tránh thuế hiện vẫn còn trong quá trình dự thảo, chưa được luật hóa, đã để lại nhiều lỗ hổng cho các doanh nghiệp Trung Quốc lẩn thuế - tránh thuế. Cơ chế giám sát chặt chẽ dòng hàng hóa lẩn thuế - tránh thuế còn yếu và lỏng lẻo. Cơ chế chọn lọc nguồn vốn FDI, cơ chế kiểm tra giám sát bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh thiếu liêm chính, công khai và minh bạch... Bởi vậy, sự chậm trễ trong phản ứng chính sách này đã và có thể tiếp tục tạo ra hai rủi ro lớn: (i) Việt Nam có nguy cơ bị áp thuế chống lẩn thuế - tránh thuế cho hàng hóa xuất xứ Việt Nam; (ii) Nguồn FDI thu hút vào Việt Nam có chất lượng kém: công nghệ lạc hậu, gây hại môi trường.

Với Việt Nam, cơ hội lớn nhất trong thương chiến Mỹ - Trung chính là đổi mới thể chế mạnh mẽ để thu hút dòng vốn FDI tốt nhất cũng như tăng cường nội lực khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Tuy nhiên sự chậm chạp trong phản ứng chính sách và đổi mới thể chế khiến Việt Nam mất đi nhiều cơ hội. Bởi vậy, dù nhận định của chuyên gia kinh tế MacDonnell thuộc Standard Chartered về việc: “Việt Nam còn xa mới trở thành nước hưởng lợi từ thương chiến” chưa hoàn toàn thuyết phục, nhưng là cảnh báo không sớm để Việt Nam có thể nghiêm túc nhìn lại và thay đổi chính mình.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Thái Lan vượt Việt Nam trong hưởng lợi từ thương chiến?