Thăm dò ý kiến của Reuters: Lạm phát cao trên khắp toàn cầu còn lâu mới kết thúc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc thăm dò ý kiến của Reuters với các nhà kinh tế học, các nhà quản lý cho thấy lạm phát toàn cầu sẽ duy trì ở mức cao, lỳ lợm trong thời gian dài và chính sách tiền tệ sẽ phải đảo chiều nhanh hơn để ngăn chặn rủi ro này. Dù vậy, chính sách tiền tệ thắt chặt cũng sẽ không giải quyết nguyên nhân căn bản của tình trạng lạm phát tồi tệ này.

Các cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, chu kỳ lạm phát cao trên toàn cầu còn lâu mới kết thúc. Đáng lưu ý hơn, các chuyên gia cho rằng ngay cả khi việc thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực cũng không thể khắc phục lạm phát. Áp lực giá cả chỉ có thể giảm xuống khi các nút thắt và mảnh vỡ của chuỗi cung ứng toàn cầu mới được tháo gỡ và hàn gắn.

Lạm phát ở hầu hết các quốc gia đã tăng lên mức cao nhất trong vài thập kỷ qua, được thúc đẩy bởi sự phục hồi trong hoạt động kinh tế và sự gia tăng căng thẳng của sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên khắp toàn cầu.

Trong khi các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát sẽ giảm trong năm nay với các dấu hiệu giảm bớt cú sốc về nguồn cung, thì việc Nga xâm lược Ukraine và Trung Quốc phong toả khắc nghiệt Thượng Hải, Bắc Kinh vì Covid-19 khiến các nhà kinh tế không còn lạc quan.

Phân tích dữ liệu lạm phát toàn cầu và Chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCPI) của Cục Dự trữ Liên bang New York, đo lường sự biến dạng nguồn cung, cho thấy có mối tương quan chặt chẽ hơn giữa gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát so với trước đại dịch, đặc biệt là ở Anh, khu vực đồng tiền chung châu Âu và Hoa Kỳ.

Nhưng vì có một độ trễ đáng kể nên mặc dù GSCPI tăng lên mức cao nhất vào quý 4/2021, thì lạm phát vẫn còn vài tháng nữa mới đạt đỉnh.

Rủi ro địa chính trị trên toàn cầu gia tăng đã làm cho việc dự đoán lạm phát trở thành một thách thức lớn hơn đối với các nhà kinh tế học; hầu hết đã liên tục phải thay đổi dự báo về lạm phát của mình, dự báo sau cao hơn dự báo trước.

Brendan McKenna, nhà kinh tế quốc tế tại Wells Fargo cho biết: “Tôi không nghĩ rằng sự gián đoạn chuỗi cung ứng được phản ánh đầy đủ trong một số dự báo lạm phát và đó có lẽ là lý do tại sao chúng ta có thể thấy lạm phát dự báo tăng cao hơn trong những tháng tới”.

"Các ngân hàng và thậm chí các ngân hàng trung ương đã không thực sự đánh giá đầy đủ về sự gián đoạn chuỗi cung ứng mà chúng tôi đã thấy năm ngoái và có thể tiếp tục chứng kiến ​​trong năm nay, một phần là do cuộc chiến Nga- Ukraine”, nhà kinh tế McKenna cho biết.

Dự báo lạm phát của 46 nền kinh tế được thăm dò ý kiến ​​trong năm nay cao hơn trung bình 3,9 điểm phần trăm so với cuối năm 2020 - thời điểm lần đầu tiên dự báo lạm phát cho năm 2022 được tìm kiếm.

Đối với năm 2023, các dự báo đã tăng trung bình 1,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó hồi cuối năm 2021. Đi cùng với các dự báo tăng liên tục trong năm qua, có khả năng dự báo về lạm phát còn tiếp tục phải điều chỉnh theo hướng tăng thêm.

Ông Willy Shih, giáo sư thực hành quản lý tại Trường Kinh doanh Harvard và một chuyên gia về chuỗi cung ứng cho biết:

“Có một một độ trễ trong tất cả các chuỗi cung ứng này tùy thuộc vào việc bạn đi ngược dòng bao xa, nhưng bạn sẽ không cảm nhận được điều đó cho đến nhiều tuần hoặc đôi khi vài tháng sau đó”.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tác động của chúng đối với lạm phát phần lớn vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương, tuy nhiên nhiều ngân hàng đã bắt đầu rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng để kiểm soát lạm phát tăng cao như Fed của Mỹ, Ngân hàng Trung ương Anh (BOA), Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển.

Vấn đề phức tạp hơn, các nhà hoạch định chính sách phải giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao trong khi nguy cơ suy thoái kinh tế rình rập. Trong một số trường hợp, suy thoái kinh tế sẽ kéo dài. Hiện tượng không mong muốn này được các nhà kinh tế gọi là 'đình đốn - lạm phát', gọi tắt là 'đình - lạm'.

Ông Elwin de Groot, người đứng đầu chiến lược vĩ mô tại Rabobank, cho biết: “Lạm phát có xu hướng là một kẻ giết người chậm chạp… Có thể mất thêm một chút thời gian trước khi nó thực sự dẫn đến sự phá hủy nhu cầu và sau đó tăng trưởng kinh tế bắt đầu chậm lại”.

Thanh Đoàn

(Theo The Epoch Times)



BÀI CHỌN LỌC

Thăm dò ý kiến của Reuters: Lạm phát cao trên khắp toàn cầu còn lâu mới kết thúc