Thâm hụt thương mại Hàn Quốc tháng 01/2022 đạt mức kỷ lục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thâm hụt thương mại tháng 01/2022 của Hàn Quốc đã đạt mức cao nhất trong 56 năm. Diễn biến kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc tác động rất lớn đến thương mại của Hàn Quốc.

Thâm hụt thương mại Hàn Quốc đạt mức cao nhất trong 56 năm

Mặc dù xuất khẩu ngày càng tăng, thâm hụt thương mại tháng 1/2022 của Hàn Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 56 năm. Các chuyên gia tin rằng đây có thể là tín hiệu của một nền kinh tế Hàn Quốc phát triển kém lạc quan vào năm 2022.

​​Theo dữ liệu do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc công bố vào ngày 01/02, xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 1 đã tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 55,32 tỷ USD.

Tuy nhiên, con số này thấp hơn so với mức tăng trong nhập khẩu khi nhập khẩu tăng 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 60,21 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại của Hàn Quốc vào tháng 12/2021 là 590 triệu USD. Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Hàn Quốc nhập siêu trong 2 tháng liên tiếp. Bên cạnh đó, mức thâm hụt thương mại 4,89 tỷ USD trong tháng 1 là mức cao nhất kể từ khi giới chức Hàn Quốc bắt đầu tổng hợp số liệu thống kê thương mại vào năm 1966.

Trong bài xã luận “Thâm hụt thương mại kỷ lục” đăng bởi The Korea Times vào ngày 03/02, bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc tuyên bố rằng thâm hụt thương mại trong tháng 1 là do “các yếu tố mùa vụ tạm thời như giá năng lượng tăng nhanh cùng với nhu cầu [sử dụng năng lượng] cao trong mùa đông".

Dữ liệu bổ sung được Bộ này công bố trong bài “Thâm hụt thương mại kỷ lục của Hàn Quốc gây lo ngại thất thoát vốn”, đăng trên The Korea Economic Daily, cho thấy giá Dầu thô Dubai, một trong những tiêu chuẩn chính để đánh giá giá dầu, tăng 51,8% so với tháng 1 năm ngoái. Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng và giá than lần lượt tăng 337,8% và 153,8%.

Thâm hụt thương mại của Hàn Quốc sẽ kéo dài

Khác với nhận định của bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, các chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố gây ra thâm hụt và chính phủ nên chủ động trong các biện pháp kinh tế của mình.

Ông Jung Sik Kim, giáo sư danh dự của Trường Kinh tế tại Đại học Yonsei, nói với hãng thông tấn Yonhap rằng không nên quá lạc quan, vì “phần lớn tăng trưởng giá trị xuất khẩu là do đơn giá hàng hóa tăng chứ không phải do sự gia tăng về khối lượng xuất khẩu”.

Giáo sư kinh tế Dong Keun Cho tại Đại học Myongji, nói với Epoch Times tiếng Trung rằng các yếu tố như xung đột Mỹ-Trung kéo dài, biến thể Covid-19 và căng thẳng Nga-Ukraine đã ảnh hưởng xấu đến thương mại toàn cầu.

Ông nói: “Nhiều khả năng, thâm hụt thương mại của Hàn Quốc sẽ khó [đảo chiều] trở thành thặng dư, do Mỹ có thể tăng lãi suất và đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc - Trung Quốc - đang giảm tốc nền kinh tế. Chính phủ nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và thực hiện các biện pháp đối phó như đa dạng hóa nhập khẩu, phát triển các nguồn năng lượng thay thế và dự trữ chiến lược, v.v”.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, mặc dù xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng đều đặn trong 15 tháng liên tục kể từ tháng 11/2020, tốc độ tăng xuất khẩu đang chậm lại trong những tháng gần đây.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm từ 31,9% trong tháng 11/2021 xuống còn 15,2% trong tháng 1 vừa qua.

Thương mại Hàn Quốc phụ thuộc vào Trung Quốc và Mỹ

Số liệu xuất khẩu vào năm ngoái cho thấy Trung Quốc và Mỹ chiếm 40% giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc, lần lượt là 25,2% và 14,8%.

Với việc 2 nước này là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, những biến động trong nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ hai thế giới sẽ được phản ánh qua giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc; đặc biệt là sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Mỹ và Trung Quốc trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới vào tháng 10/2021.

Hơn nữa, vì sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên trên bán đảo, Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu thô để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu cốt lõi, chẳng hạn như chất bán dẫn, hóa dầu và ô tô.

Theo số liệu thống kê được công bố trên tờ Aju Business Daily bởi Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc, Hàn Quốc có tỷ lệ thương mại với Trung Quốc trên GDP là 29,3% trong các lĩnh vực như phụ tùng, linh kiện và nguyên liệu.

Cũng cần lưu ý rằng Viện Nghiên cứu Hyundai đã dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc sẽ giảm 0,5% cho mỗi phần trăm sụt giảm trong tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Thâm hụt thương mại Hàn Quốc tháng 01/2022 đạt mức kỷ lục