Thâu tóm các cảng chiến lược - Cách ông Tập hiện thực hóa 'Giấc mộng Trung Hoa'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong suốt thập kỷ qua, Trung Quốc đã đầu tư, xây dựng hoặc thuê lại các cảng biển lớn ở hơn 60 quốc gia, không chỉ ở các nước đang phát triển mà còn ở các nước phát triển. Trong số đó có nhiều cảng quan trọng cho thương mại hàng hải cũng như có vị thế hiểm yếu về mặt quân sự. 

Tháng 6/2021, nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển và hậu cần nhà nước lớn nhất Trung Quốc, China Ocean Shipping Company (COSCO), thông báo rằng họ có kế hoạch mua lại cổ phần của Cảng Hamburg. Cảng Hamburg là cảng biển lớn nhất ở Đức, cảng bận rộn thứ ba ở Châu Âu và lớn thứ 15 trên thế giới.

Trước thương vụ Cảng Hamburg, COSCO đã có được quyền kiểm soát Cảng Piraeus của Hy Lạp, Cảng Trieste của Ý, Cảng Valencia của Tây Ban Nha, Cảng Antwerp của Bỉ, và nhiều cảng khác trên khắp Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ.

“Ngày nay, Trung Quốc sở hữu 96 cảng trên khắp thế giới… mang lại cho Bắc Kinh sự thống trị chiến lược mà không cần phải triển khai một binh sĩ, tàu hoặc vũ khí nào”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Robert McFarlane viết cho tờ The Mail như vậy hôm 7/8.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng công khai bày tỏ ý định để Trung Quốc thống trị vận tải biển toàn cầu.

Tờ Tân Hoa xã của nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Tập nói hôm 11/07/2020: “Một cường quốc kinh tế phải là cường quốc hàng hải và mạnh về vận tải biển. Kể từ tháng 11/2012, ông Tập Cận Bình đã sắp xếp lại các cảng trong một phạm vi vô cùng rộng lớn…Ông ấy đã đến thăm các cảng trong và ngoài Trung Quốc.”

Bài báo cho biết, bằng cách kiểm soát và vận hành các cảng trọng yếu trên thế giới, Trung Quốc có thể nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Bài báo còn nói thêm rằng ông Tập sẽ tiếp tục ra lệnh cho ĐCSTQ và các doanh nghiệp của họ xây dựng và vận hành tốt các cảng ở cả Trung Quốc và nước ngoài.

Công nhân tham gia xếp hàng lên tàu tại bến container mới ở cảng Piraeus, Hy Lạp hôm 18/10/2018. (Ảnh: LOUISA GOULIAMAKI / AFP qua Getty Images)

ĐCSTQ tiếp tục mở rộng quyền kiểm soát đối với các cảng toàn cầu thông qua các nhà khai thác cảng, công ty vận tải biển và các nhà đầu tư do nhà nước hậu thuẫn. COSCO đã tuyên bố rằng họ là nhà khai thác cảng lớn nhất trên thế giới.

“Trung Quốc đã là một quốc gia vận tải thực sự”, cơ quan ngôn luận nhà nước của Trung Quốc, Tân Hoa xã đưa tin hôm 11/07/2020. Họ nói rằng Trung Quốc sản xuất nhiều tàu hơn bất kỳ quốc gia nào khác mỗi năm, vận chuyển 26% hàng hóa toàn cầu, nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, và vận hành 15 trong số 20 cảng thông lượng hàng hóa (cargo throughput port) hàng đầu thế giới, trong khi 7 trong số 10 cảng container hàng đầu thế giới là ở Trung Quốc.

“Chúng ta phải có mục tiêu và bản lĩnh để trở thành số một thế giới”, bài báo trích dẫn mệnh lệnh của ông Tập đối với chính quyền hồi tháng 11/2018 tại Thượng Hải.

Là một công ty nhà nước khổng lồ, COSCO giữ vai trò cực kỳ quan trọng nhất trong chiến lược cảng toàn cầu của ĐCSTQ.

Theo trang web của COSCO, công ty quốc doanh này đã đầu tư vào 58 cảng trên khắp Đông Nam Á, Trung Đông, Châu Âu, Nam Mỹ và Địa Trung Hải. Trong số này, 51 cảng dành cho container và có công suất xếp dỡ hàng hóa hàng năm khoảng 129.4 triệu TEU.

Cảng Piraeus ở Hy Lạp là cảng chính mà COSCO khai thác. Đây là cảng lớn nhất ở Hy Lạp và là một trong những cảng lớn nhất ở Châu Âu. Nằm trong Vịnh Saronic trên bờ biển phía Tây của Biển Aegean, cảng này nối liền Địa Trung Hải và Biển Đen, và là một trong những điểm dừng trung chuyển của Kênh đào Suez.

China Merchants Group, một doanh nghiệp nhà nước chủ chốt của Trung Quốc có trụ sở chính tại Hồng Kông, là một nhà đầu tư quan trọng khác cho phép Bắc Kinh mở rộng quyền kiểm soát tới các cảng trên khắp thế giới.

Một nhân viên hải quân Pakistan đứng gác gần một con tàu chở container tại Cảng Gwadar, Pakistan, hôm 04/10/2017. (Ảnh: Amelie Herenstein / AFP qua Getty Images)

Tập đoàn cho biết về hoạt động của mình trên trang web chính thức: “China Merchants Group là nhà đầu tư, phát triển và khai thác cảng hàng đầu thế giới. … Chúng tôi đã triển khai thành công các cảng ở Đông Nam Á, Phi Châu, Châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Đại Dương và các khu vực khác”.

Năm 2017, tập đoàn này đã tiếp quản hoạt động của Cảng quốc tế Hambanthota, cảng lớn thứ hai của Sri Lanka nằm giữa eo biển Malacca và kênh đào Suez, nối liền Châu Á và Châu Âu.

Năm 2018, tập đoàn này cũng chỉ đạo vận chuyển được nhiều hàng hóa nhất tại khu cảng container chính ở Nam Mỹ, Cảng Paranagua - cảng lớn thứ hai của Brazil.

Tập đoàn cho biết: “Chúng tôi đã kiểm soát 68 cảng ở 27 quốc gia (vào cuối năm 2020)”.

ĐCSTQ đang cố gắng kiểm soát nhiều cảng hơn, cả cảng biển và cảng hàng không, trên khắp thế giới, đồng thời hiện đại hóa và triển khai lực lượng hải quân của mình ở các khu vực này. Đây là một phần trong Giấc mộng Trung Hoa của Tập Cận Bình, đài CCTV của nhà nước Trung Quốc ngày 11/7 đưa tin.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thâu tóm các cảng chiến lược - Cách ông Tập hiện thực hóa 'Giấc mộng Trung Hoa'