Thế giới đóng tàu thương mại tại Trung Quốc là đang ‘nuôi’ Hải quân Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhu cầu toàn cầu về tàu thương mại đang giúp Hải quân Trung Quốc phát triển. Hàng tỷ USD trong các hợp đồng đóng tàu mà nước ngoài ký với Trung Quốc có thể được Bắc Kinh sử dụng để trang bị, hiện đại hóa các tàu chiến mới.

Theo báo cáo mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - tổ chức tư vấn của Mỹ chuyên về an ninh quốc gia, 4 nhà máy đóng tàu lớn, chịu trách nhiệm đóng tàu cho Hải quân Trung Quốc, mỗi năm thu về hàng tỷ USD đầu tư thương mại nước ngoài và chuyển giao công nghệ.

Báo cáo cho biết: “Hệ sinh thái kinh doanh mờ ám của Trung Quốc không minh bạch về dòng vốn trong ngành đóng tàu của họ; nhưng bằng chứng sẵn có chỉ ra rằng lợi nhuận thu về từ các đơn đặt hàng của nước ngoài có thể bù đắp một phần chi phí nâng cấp Hải quân Trung Quốc”.

Có được điều này là nhờ chiến lược hợp nhất quân sự - dân sự (MCF) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). MCF ưu tiên phát triển các sản phẩm thương mại, công nghệ và nghiên cứu phục vụ đồng thời cả mục đích dân sự và quân sự.

Với MCF, các công ty đóng tàu hàng đầu thuộc nhà nước Trung Quốc có thể sử dụng lợi nhuận từ hợp đồng quốc tế để đẩy nhanh các dự án quân sự, chẳng hạn như mở rộng đội tàu sân bay của ĐCSTQ.

CSSC vừa đóng tàu thương mại cho thế giới, vừa phục vụ Hải quân Trung Quốc

Báo cáo lấy ví dụ về Tổng công ty Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC) - đơn vị chuyên đóng tàu hải quân, phát triển vũ khí và các thiết bị an ninh quốc gia khác cho chế độ. Đồng thời, chỉ riêng CSSC đã chiếm 21,5% thị trường đóng tàu thế giới, là doanh nghiệp khổng lồ kiểm soát hơn 100 công ty con.

Năm 2020, Mỹ đã đưa CSSC vào danh sách đen đầu tư; tuy nhiên, như các con số đã cho thấy, điều này hầu như không làm giảm nhu cầu đóng tàu ở Trung Quốc của các nước khác.

Ví dụ về CSSC đã thể hiện rõ vị trí quan trọng của Trung Quốc trong thị trường đóng tàu toàn cầu. Năm 2020, Trung Quốc cung cấp hơn 40% tổng số tàu buôn trên thế giới. Vị trí thứ hai thuộc về Hàn Quốc với 31,5% và thứ ba là Nhật Bản với 22,2%.

Phần còn lại của thế giới cộng lại chỉ cung cấp chưa đến 8% tổng số tàu thương mại cung cấp ra thị trường.

Các nền dân chủ cần cảnh giác trước khi đổ tiền vào xưởng tàu của Trung Quốc

Báo cáo của CSIS nhấn mạnh, chính các xưởng đóng tàu được sử dụng để sản xuất tàu buôn cho thế giới cũng được dùng để giúp hải quân Trung Quốc phát triển mạnh mẽ hơn.

Bốn nhà máy đóng tàu gồm Đại Liên, Giang Nam, Hudong-Zhonghua và Huangpu Wenchong đã nhận được hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây. Các công ty hàng đầu đến từ Pháp và thậm chí cả Đài Loan đã ký hợp đồng để đóng nhiều tàu thương mại tại đây. Liệu họ có biết bốn nhà máy này cũng là nơi sản xuất tàu chiến của Trung Quốc?

Báo cáo tiết lộ, một con tàu của Pháp từng được đóng tại cùng ụ tàu vốn đang sản xuất hàng không mẫu hạm mới nhất và tiên tiến nhất của Trung Quốc. Hình ảnh vệ tinh gần đây cũng cho thấy một tàu container thương mại của Tập đoàn Hàng hải Evergreen của Đài Loan cũng được đóng gần đó.

Vụ việc làm dấy lên lo ngại rằng tập đoàn vận tải biển hàng đầu của Đài Loan về cơ bản đang gián tiếp nâng cao năng lực xâm chiếm Đài Loan của Trung Quốc.

“Nhiều người ở Đài Bắc phải ngạc nhiên rằng công ty vận tải biển hàng đầu của Đài Loan đang đổ tiền vào kho quỹ của các nhà máy đóng tàu chiến cho Hải quân Trung Quốc”, trích báo cáo.

“Do sự thiếu minh bạch của CSSC và vai trò trung tâm của nó trong việc hỗ trợ PLAN [Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân], các công ty nước ngoài nên thận trọng hơn khi hợp tác với CSSC và các công ty đóng tàu khác của Trung Quốc. Đối với các nền dân chủ, đặc biệt là các nền dân chủ vốn đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ phía Trung Quốc, điều này là rất đáng lo ngại. Chúng là mối đe dọa hữu hình đối với an ninh quốc gia”.

Tổ chức CSIS phát hiện Evergreen đã mua tổng cộng 44 tàu từ Trung Quốc trong giai đoạn 2018-2022. Chỉ có 2 đơn đặt hàng trong số đó được thực hiện bởi các nhà máy đóng tàu không sản xuất tàu chiến cho Hải quân Trung Quốc.

Các hợp đồng của Evergreen với CSSC chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Báo cáo của CSIS cho thấy từ năm 2019 đến 2021, bốn nhà máy đóng tàu lớn (đã kể trên) của Trung Quốc nhận được 211 đơn đặt hàng để đóng các tàu thương mại, với khoảng 64% trong số đó đến từ nước ngoài.

Do vậy, báo cáo cảnh báo rằng nhu cầu toàn cầu về tàu thương mại có khả năng thúc đẩy đáng kể sự phát triển của Hải quân Trung Quốc vào thời điểm mà phương Tây ngày càng mâu thuẫn với chế độ cộng sản.

Báo cáo cũng nói rằng hai nhà đóng tàu lớn khác của thế giới là Hàn Quốc và Nhật Bản là “các nền dân chủ đang phát triển mạnh”. Do vậy, CSIS khuyến nghị các nhà lập pháp ở Washington nên tìm cách đưa các hợp đồng đóng tàu quốc tế ra khỏi Trung Quốc và đẩy vào các xã hội dân chủ hơn ở Thái Bình Dương, như Hàn Quốc và Nhật Bản.

CSIS nói thêm, sự thay đổi sẽ không diễn ra dễ dàng hay ngay lập tức. Trong ngắn hạn sẽ phát sinh các vấn đề về năng lực. Nhưng về lâu dài, đây là bước đi cần thiết, đặc biệt đối với an ninh quốc gia của các nước.

Chi Anh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Thế giới đóng tàu thương mại tại Trung Quốc là đang ‘nuôi’ Hải quân Trung Quốc