Thị trường chứng khoán Việt đã miễn nhiễm với virus Vũ Hán hay không còn sợ “bẫy margin”?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Làn sóng coronavirus bất ngờ tấn công Việt Nam trong một tuần qua, xuất hiện vào đúng thời điểm mà thị trường chứng khoán (TTCK) đỏ lửa suốt 10 ngày trước đó. Nhưng bất ngờ là TTCK Việt dường đã “kháng” lại virus này. Vậy đâu là nguyên nhân khiến thị trường suy giảm trong 10 ngày qua, liệu có hay không một cái bẫy margin cần tháo gỡ?

Sau 10 ngày TTCK dập dình xu hướng lao dốc, thậm chí ở rơi tự do suốt 4 ngày giao dịch liên tiếp (25-28/01/2021), VNindex mất 186,4 điểm, ước tính vốn hóa trên thị trường cổ phiếu mất khoảng 20 tỷ USD. Ngày 28/01/2021 cũng trở thành điểm đáy trong đợt suy giảm vừa qua, trùng khớp đó là ngày mà virus Vũ Hán quay trở lại Việt Nam với 02 ca được phát hiện lây nhiễm trong cộng đồng. Nhưng ngay sau ngày 28/1, TTCK Việt đã trên đà phục hồi sớm hơn dự kiến.

TTCK Việt miễn nhiễm với virus Vũ Hán?

Đây không phải lần đầu TTCK Việt Nam “kháng” lại Covid-19, dòng tiền kỷ lục đổ vào TTCK, đặc biệt từ các nhà đầu tư cá nhân, đã khiến thị trường không còn bận tâm tới virus Vũ Hán kể từ sau đợt tạo đáy hồi tháng 3/2020. Trong năm 2020, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 393.659 tài khoản, con số kỷ lục từ trước tới nay và nhiều hơn 205.013 tài khoản so với năm 2019 tăng tới 109%.

Biến động của VNINDEX 1/2020 - 3/2/2021, duy trì xu hướng tăng dù thị trường vừa chứng kiến đợt hoảng loạn nhưng đã sớm phục hồi (Nguồn Trading Economics)
Biến động của VNINDEX 1/2020 - 3/2/2021, duy trì xu hướng tăng dù thị trường vừa chứng kiến đợt hoảng loạn nhưng đã sớm phục hồi (Nguồn Trading Economics)

Nguồn tiền tiết kiệm từ dân cư đổ vào chứng khoán trong bối cảnh nền kinh tế thực ảm đạm, nhiều ngành đình đốn, co hẹp sản xuất nên không thể đầu tư dài hạn. Ngoài ra, chính sách “tiền giá rẻ” khắp toàn cầu cũng tạo lợi thế cho các thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam, nơi mà các dòng vốn ngoại tìm kiếm lợi nhuận từ chênh lệch lợi suất.

Thực tế, năm 2020, TTCK Việt đã trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực Châu Á, thậm chí là toàn cầu (trường hợp chỉ số chứng khoán HNX tăng tới 90% trong năm 2020). Không chỉ tốc độ tăng về giá và chỉ số, trong năm tồi tệ nhất của lịch sử vì bệnh dịch này, TTCK Việt chứng kiến nhiều kỷ lục về thanh khoản.

Và rất nhanh, sau 10 ngày lao dốc không rõ nguyên nhân, bất chấp lây nhiễm virus Vũ Hán quay trở lại mạnh mẽ hơn trong cộng đồng khiến nhiều nhà máy, trường học và thành phố bị phong toả, TTCK tăng mạnh trở lại. Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 03/2/2021, chỉ số VNINDEX trên HOSE đạt 1096 điểm, tăng 20.20 điểm, tương ứng với 1,88% trong ngày; sàn HNX tăng tới 3,5 điểm, tương ứng 1,65% (so với phiên giao dịch trước), đạt 219 điểm.

Phải chăng TTCK Việt đã “kháng” hoàn toàn với virus Vũ Hán hay bởi vì đứng sau sự hoảng loạn hoặc phục hồi của thị trường còn có nhiều nguyên nhân khác?

Nguyên nhân khiến TTCK Việt lao dốc suốt 10 ngày qua

Thứ nhất, TTCK Việt phản ứng đồng thuận với diễn biến của Phố Wall và TTCK Châu Á. Chốt phiên giao dịch 27-1, các chỉ số chứng khoán chính của thị trường chứng khoán Mỹ đều bị giảm điểm mạnh. Trong đó chỉ số Dow Jones đóng cửa giảm 2,05%, S&P 500 mất 2,57%, Nasdaq rớt 2,61%. Đây cũng là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 10-2020 của chứng khoán Mỹ.

Song song đó, ở khu vực châu Á chứng khoán cũng "đỏ lửa" khi các sàn lớn Nikkei (Nhật Bản), Shanghai (Trung Quốc), HSI (Hong Kong) đều giảm lần lượt 1,19%, 1,48% và 2,14%.

Thứ hai, lo ngại bong bóng chứng khoán và chốt lời trước Tết Nguyên đán. Theo giới tài chính quốc tế, nguyên nhân suy giảm trên TTCK Mỹ và Châu Á trong giai đoạn này đến từ việc nhà đầu tư lo lắng về mức định giá của các cổ phiếu đang quá cao, dễ rơi vào tình trạng rủi ro nếu tiếp tục mua vào.

Tại Việt Nam, bong bóng giá cổ phiếu được nhiều chuyên gia cho rằng chưa thực sự hình thành do giá bình quân P/E quanh mức 20 lần; đây chưa phải là mức tạo nên bong bóng giá cổ phiếu trên TTCK để tạo nên các đổ vỡ hay hoảng loạn (theo dữ liệu lịch sử).

Dù vậy, trước sức khoẻ ngày một yếu đi của khu vực doanh nghiệp và một tương lai không chắc chắn về đại dịch và các hậu quả của nó cũng đủ để chứng minh rằng giá chứng khoán đang ở mức đánh đổi cao với rủi ro. Các nhà đầu tư cần cân nhắc đến bản chất tài chính chứ không phải là xu hướng tạo nên bởi dòng tiền dư thừa quá mức tại Việt Nam cũng như khắp toàn cầu hiện nay.

Thứ ba, hệ thống công nghệ trục trặc của sàn HOSE cộng hưởng với nỗi lo cắt margin của các công ty chứng khoán đã tạo tâm lý bất an cho nhà đầu tư. Đương nhiên, sự bất an này là dấu hiệu cảnh báo sớm rằng các tài khoản cá nhân sử dụng margin (vay tiền của các công ty chứng khoán với tài sản đảm bảo là cổ phiếu đang nắm giữ trong tài khoản để tiếp tục đầu tư mới) lớn. Việc các công ty chứng khoán cắt giảm margin sẽ tạo thế ép các nhà đầu tư phải bán ra để đảm bảo yêu cầu về margin hoặc đơn giản là nỗi lo thị trường không được chống đỡ bởi vay nợ từ dòng tiền giá rẻ cũng khiến nhà đầu tư bán tháo.

Thứ tư, Biển Đông dậy sóng có ‘tình cờ’ tác động tới chỉ số chứng khoán Việt trong 10 ngày ảm đạm vừa qua?

Trong tuần cuối cùng của tháng 1/2021, chứng khoán Châu Á đỏ lửa sau cú ngã ngoạn mục của Phố Wall trước GameStop. Tạp chí Phố Wall cho rằng một trong những nguyên nhân khiến TTCK Châu Á đỏ lửa trong tuần đó là do các bất ổn gia tăng trên Biển Đông và eo biển Đài Loan, những vùng địa chính trị chiến lược của Châu Á.

Chính quyền Biden dường như đã kích hoạt bất ổn thêm eo biển Đài Loan và vấn đề Biển Đông. Không thể chối cãi rằng kể từ khi ông Biden bước chân vào Nhà trắng, Trung Quốc ngày một hung hăng hơn trên Biển đông. Các tuyên bố tập trận, đơn phương cho phép mình nổ súng trên vùng biển tự do quốc tế của Trung Quốc đã khiến căng thẳng địa chính trị leo thang lên một tầng cao mới, bất ổn hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, số phận bấp bênh của eo biển Đài Loan tại Châu Á cũng dấy lên lo ngại một cuộc chiến thực sự kéo dài tại khu vực này.

Trong các sàn giao dịch chứng khoán Châu Á, rơi sâu nhất trong tuần cuối cùng của tháng Giêng năm 2021 là thị trường chứng khoán Việt Nam; chỉ số VNindex mất tới 9,44% sau một tuần sóng gió, trong khi HNX mất tới 10,79%. Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam dường như chịu tác động mạnh nhất bởi căng thẳng địa chính trị trên Biển Đông. Đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc kéo dài hết bờ biển Việt Nam nên biến động trên Biển Đông tác liên quan mật thiết tới an ninh - kinh tế của Việt Nam. Đây cũng là câu trả lời khá lô-gic và khó phủ nhận.

Câu hỏi đặt ra là: Những gì liệt kê ở trên đã phải là nguyên nhân chính dẫn tới 10 ngày ảm đạm trên TTCK Việt hay chưa? Chắc chắn 4 nguyên nhân ở trên chưa thể làm thỏa mãn các nhà đầu tư sành sỏi, các chuyên gia kinh tế giàu kinh nghiệm và am hiểu TTCK Việt. Chúng ta còn một câu hỏi ngỏ: Có hay không một cái ‘bẫy margin’ trên TTCK Việt Nam?

‘Bẫy margin’ là gì và ai là kẻ đặt bẫy để hưởng lợi?

“Cá mập” dường như không chỉ là khái niệm dành cho các tài phiệt tài chính của Phố Wall, cá mập cũng tồn tại ở những TTCK mới nổi, còn nhỏ bé và trình độ thị trường thấp như Việt Nam. Bởi thế, sự liên kết của các “cá mập” có thể tạo ra “bẫy Margin” đánh vào các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Điều này gợi cho chúng ta nhớ tới câu chuyện của GameStop, khi các nhà đầu tư nhỏ của Phố Wall liên kết chiến đấu với các quỹ khổng lồ ở đây khiến các cá mập Phố Wall chịu tổn thất tới 19 tỷ USD cho riêng mã chứng khoán GameStop mà họ nắm giữ.

Nhưng ở Việt Nam, các nhà đầu tư cá nhân vừa qua có thể là kẻ bị động và chịu tổn thất lớn trong hai tuần qua do vướng vào “bẫy margin” (nếu nó thật sự tồn tại) trên TTCK.

Theo Govalue.vn, “margin (hay giao dịch ký quỹ) là 1 thuật ngữ thông dụng được sử dụng trong đầu tư chứng khoán, đề cập đến việc nhà đầu tư có thể sử dụng khoản vay từ công ty chứng khoán để mua thêm cổ phiếu và sử dụng chính những cổ phiếu này để đảm bảo cho khoản vay.” Nói cách khác, margin là công cụ vay tiền từ chính các công ty chứng khoán, sử dụng tài sản đảm bảo là cổ phiếu đang nắm giữ, để tiếp tục đầu tư chứng khoán bằng tiền vay (sử dụng đòn bẩy tài chính).

Bất cứ nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức nào đều ít nhất một lần sử dụng dịch vụ margin. Margin là con dao hai lưỡi, khi thị trường hoặc cổ phiếu tăng trưởng tốt, margin là đòn bẩy tích cực. Ngược trở lại, khi thị trường hoặc cổ phiếu đầu tư sử dụng margin giảm giá/ lao dốc, lỗ của nhà đầu tư là lỗ kép; margin lúc này là lưỡi dao phản chủ. Khoản lỗ kép này do: lỗ do giá giảm, do lãi phải trả cho margin và lỗ vì nhà đầu tư buộc phải bán cổ phiếu đang nắm giữ tại thời điểm không mong muốn.

Nhưng điều gì xảy ra khi chính các công ty cho vay margin lại đồng thời là những ông lớn được phép tự doanh trên TTCK? Liệu các ông lớn này có sử dụng công cụ margin mà mình đang cấp cho khách hàng để ép khách hàng phải bán tháo cổ phiếu và tạo nên hoảng loạn thị trường?

Đáng tiếc, câu trả lời là: CÓ (!)

Điều này hoàn toàn xảy ra nếu các công ty chứng khoán đồng loạt cấu kết với nhau hạ tỷ lệ margin cho vay. Để đảm bảo tỷ lệ margin này, theo hợp đồng với các điều khoản mà nhà đầu tư các nhân đã ký với các công ty chứng khoán cấp margin cho họ, các nhà đầu tư buộc phải bán non cổ phiếu mà họ đang nắm giữ để đảm bảo tỷ lệ margin theo quy định. Nếu không bán, họ sẽ bị phạt hoặc công ty chứng khoán (người cấp margin) cho họ được quyền can thiệp bán non vào tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư đó.

Chưa có bằng chứng hoặc bất kỳ một cơ quan quản lý nhà nước xác nhận có hay không bẫy margin trên TTCK Việt Nam cho tới giờ này. Nhưng sự hoảng loạn của nhà đầu tư trước thông tin các công ty chứng khoán đồng loạt cắt giảm tỷ lệ Margin trong làn sóng hạ giá cổ phiếu trong 10 ngày lịch sử vừa qua đã được thảo luận tại nhiều diễn đàn, nhiều chuyên gia đã lên tiếng phủ nhận rằng không nên lo về việc các công ty chứng khoán cắt giảm margin và rằng sự sụt giảm của TTCK là vì nhiều nguyên nhân khác (như đề cập ở trên).

Và điều này có nghĩa, tâm lý thị trường lo sợ trước cái bẫy margin là có thật. Nó chứng minh rằng việc các công ty chứng khoán (các ông lớn trên TTCK Việt) hoàn toàn có thể tạo ra “cái bẫy margin” để hưởng lợi vì họ có thể vừa cho vay bằng công cụ margin lại vừa tự doanh. Đây chính là lỗ hổng pháp lý, các công ty chứng khoán trên TTCK Việt đã “được phép” vi phạm trầm trọng nguyên tắc “xung đột lợi ích”, đây luôn là nguyên nhân khiến rủi ro đạo đức sinh sôi nảy nở nhanh.

Gỡ ‘bẫy margin’ hoặc ‘bẫy tâm lý margin’

Các cơ quan quản lý nhà nước cần để tâm đến việc gỡ bỏ “bẫy margin” dù nó đã tồn tại hay chưa vì ít nhất việc này cũng không tạo ra tâm lý bất tín vào thị trường và các hoảng loạn thị trường không đáng có.

Chuyên gia tài chính Huy Khoa đã gợi ý giải pháp quản lý nhà nước trong việc gỡ “bẫy margin”. Các giải pháp này ít nhất sẽ khởi tác dụng gỡ “bẫy tâm lý margin” cho thị trường chứng khoán còn non trẻ và nhiều bất cập của Việt Nam.

Thứ nhất, luôn kiểm tra giám sát tỷ lệ margin (margin chui) tại các công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty chứng khoán nhỏ đảm bảo tuân thủ theo quy định của UBCKNN.

Thứ hai, luật hoá việc thẩm định, đánh giá trần và tỷ lệ margin được phép trong danh mục theo định kỳ và đặc biệt không cho phép bất kỳ sự thay đổi nào trong kỳ. Điều này sẽ giúp bảo vệ nhà đầu tư sử dụng dịch vụ margin của công ty chứng khoán cũng như nâng cao trách nhiệm của chính các công ty chứng khoán trong việc thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, định giá, đưa mức trần cho vay đối với từng loại cổ phiếu trong danh mục margin, tương tự như một món vay tại ngân hàng... thay vì tự để thị trường thả nổi định giá các cổ phiếu đó.

Cuối cùng, cần tách bạch vai trò của công ty chứng khoán: Môi giới, tư vấn, dịch vụ bảo lãnh với vai trò đầu tư kinh doanh chứng khoán để tránh sự xung đột lợi ích giữa công ty và chính các khách hàng mà mình phục vụ. Vai trò tự doanh chứng khoán nên chuyển về quỹ đầu tư độc lập.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Thị trường chứng khoán Việt đã miễn nhiễm với virus Vũ Hán hay không còn sợ “bẫy margin”?