Thị trường sụt giảm trên toàn thế giới do lo ngại về sự bùng phát Coronavirus gây chết người lan rộng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Washington - Sự bùng nổ của chủng Coronavirus mới ở Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời làm biến động thị trường chứng khoán và giá dầu toàn cầu...

Dịch bệnh Coronavirus bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc và lan rộng khắp đất nước dự kiến ​​sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vì sự hoảng loạn đã đè nặng lên du lịch, tiêu dùng và sản xuất, cũng như nhiều lĩnh vực đời sống xã hội khác của quốc gia đông dân nhất thế giới này...

Virus này cũng đã lan sang các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, càng làm cho các nhà đầu tư náo loạn hơn.

Nỗi sợ hãi và khủng hoảng đang ngày càng leo thang...

Nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn đang ngày càng "leo thang" đã khiến các thị trường chứng khoán lớn sụt giảm vào ngày 27 tháng 1, dẫn đầu là du lịch, hàng hóa xa xỉ và các lĩnh vực khai thác. Chỉ số London FTSE 100 giảm 2,3% trong khi chỉ số DAX của Đức giảm 2,6%. Cổ phiếu của Hoa Kỳ cũng mất điểm vào đầu tuần với chỉ số Dow Jones và S & P 500 giảm khoảng 1,6%.

Mặc dù tại thời điểm viết bài này, các thị trường đã có một số phục hồi, nhưng sự lan truyền nhanh của virus vẫn là một mối lo ngại lớn đối với các nhà đầu tư.

Giá dầu cũng sụt giảm do lo ngại về cú sốc tiêu cực đối với nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, Jerome Powell, phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp chính sách hai ngày của Ngân hàng Trung ương vào ngày 29 tháng 01 rằng: “Đây là vấn đề rất nghiêm trọng”.

Ông nói: “Chúng tôi đang theo dõi rất sát tình hình”. “Rõ ràng sẽ có ảnh hưởng trong tương lai gần đối với sản lượng các ngành kinh tế, dịch vụ của Trung Quốc, và một số nước láng giềng”, ông dự đoán.

Sự bùng phát của Coronavirus xảy ra khi nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chậm nhất trong gần ba thập kỷ. Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã gây thiệt hại cho xuất khẩu của nước này vào năm 2019. Và những rắc rối kinh tế của Trung Quốc có thể nghiêm trọng hơn so với dữ liệu chính thức.

'Điều này tương tự như thảm họa Chernobyl'...

Theo các nhà kinh tế, sự không chắc chắn về quy mô và thời gian xảy ra vụ dịch sẽ ảnh hưởng đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, vì nó sẽ làm tổn thương niềm tin của các doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời dẫn đến sự sụt giảm trong các hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng...

Gordon Chang, học giả và chuyên gia về Trung Quốc nói với Thời báo Đại Kỷ Nguyên rằng: “Về mặt này, điều này giống như thảm họa Chernobyl” - đề cập đến vụ tai nạn hạt nhân từng xảy ra ở Liên Xô năm 1986.

Ông nói thêm “Nếu sự khủng hoảng vẫn tiếp diễn cho đến tháng Tư hoặc tháng Năm, nó sẽ có “ảnh hưởng rất lớn” đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay.

Theo ông Chang, cuộc khủng hoảng sẽ có một số hiệu ứng lan truyền ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác, nhưng sự tác động sẽ không đáng sợ như tại Trung Quốc.

Ông Chang cũng lưu ý: sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán, phản ứng của các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc sẽ được thấy rõ hơn.

Các quan chức Trung Quốc đã kéo dài kỳ nghỉ trên khắp đất nước thêm ba ngày - đến ngày 2 tháng 2 - nhằm nỗ lực giữ chân công dân ở nhà và ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này. Tuy nhiên, sự không chắc chắn vẫn còn khi số lượng và sự lây lan theo địa lý của các trường hợp viêm phổi được xác nhận tiếp tục gia tăng mạnh.

Ông Chang nói: “Tất nhiên, chính phủ Trung Quốc đang cố gắng kích thích nền kinh tế thông qua các biện pháp nhân tạo khác nhau, sẽ có tác dụng giảm nhẹ tạm thời”, ngoài ra những nỗ lực này sẽ không giúp ích gì nhiều “vì điều này sẽ làm mất niềm tin ở Trung Quốc.

Ông nói thêm.“Nếu điều này không được kiểm soát nhanh chóng, các nhà máy sẽ rời khỏi Trung Quốc”.

Theo báo cáo của CNBC, các nhà sản xuất ô tô, bao gồm: GM, Honda và Nissan, có các hành động quan trọng ở Vũ Hán, một số nhà máy đã bắt đầu rút nhân viên của họ khỏi khu vực Vũ Hán.

Nhiều công ty dự kiến ​​sẽ đình chỉ hoạt động tại Trung Quốc

Chuỗi cà phê Starbucks thông báo rằng: họ đã đóng cửa hơn 2.000 cửa hàng, trong đó có một nửa số cửa hàng của họ đóng cửa tại Trung Quốc do vụ dịch coronavirus.

Hầu hết các trường hợp mang bệnh được xác nhận trong vụ dịch Coronavirus vừa qua tập trung ở tỉnh Hồ Bắc. Nằm ở trung tâm Trung Quốc, tỉnh này là một trung tâm vận chuyển và sản xuất quan trọng của đất nước - Hồ Bắc đại diện cho 4 phần trăm GDP quốc gia năm 2018, theo Morgan Stanley.

Dịch bệnh Coronavirus tác động xấu đến tiêu dùng và du lịch

Kỳ nghỉ tết Nguyên Đán thường là thời kỳ bùng nổ của tiêu dùng và du lịch, nhưng sự bùng phát dịch bệnh đang có tác động đáng kể đến cả chi tiêu của người tiêu dùng và du lịch. Người tiêu dùng Trung Quốc đang tránh các khu vực đông đúc.

Du lịch nước ngoài đến Trung Quốc cũng đã chậm lại đáng kể. Nhiều quốc gia đã bắt đầu cắt giảm các chuyến bay đến Trung Quốc, trong đó British Airlines đã tạm dừng các chuyến bay hàng ngày đến Bắc Kinh và Thượng Hải. Các hãng hàng không Hoa Kỳ cũng đã đình chỉ một số chuyến bay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Theo Michael Binetti, nhà phân tích bán lẻ tại Credit Suisse, “yếu tố sợ hãi” ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường do mức độ phủ sóng truyền thông tăng lên.

Ông viết trong một báo cáo: các cổ phiếu bán lẻ của Hoa Kỳ có giao dịch đáng kể ở Trung Quốc như Nike (mã niêm yết: NKE) và Estée Lauder (EL) có thể bị giảm từ 3 đến 5% thu nhập trên mỗi cổ phiếu.

Nhiều nhà phân tích đang so sánh sự bùng phát của Coronavirus với dịch SARS năm 2003 từng làm náo loạn thị trường và nền kinh tế châu Á.

Ông Andrew Andrew Tilton, nhà kinh tế, trưởng khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Goldman Sachs, cho biết trong một báo cáo: “Trong khi mức độ nghiêm trọng của tác động kinh tế là không được biết, nếu nó giống mô hình của các sự kiện đã từng xảy ra trong lịch sử, nó có thể tồn tại trong một thời gian ngắn”.

Trong trường hợp SARS và các vụ dịch khác xảy ra gần đây, sự sụt giảm thường xảy ra 1 - 3 tháng sau vụ dịch.

Theo kinh nghiệm từ các dịch bệnh trước đây, Goldman Sachs ước tính rằng chi tiêu liên quan đến du lịch, như trang sức và chi tiêu tùy ý, hàng may mặc và đồ gia dụng,v.v.. ở Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan dễ bị ảnh hưởng nhất bởi các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, các nhà hàng, chuỗi bán lẻ và cửa hàng bách hóa có thể sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự bùng phát dịch.

Theo báo cáo của Morgan Stanley, các sự cố trong quá khứ cho thấy tác động kinh tế của các bệnh truyền nhiễm có xu hướng kéo dài từ một đến hai qúy.

Báo cáo cho biết, các nghiên cứu từ các học viện, các cơ quan quốc tế và mô hình kinh tế lượng của Morgan Stanley, cho thấy tác động của SARS đối với tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc là khoảng một điểm phần trăm.

Dịch bệnh Coronavirus ảnh hưởng đến giá dầu

Sự bùng phát dịch cũng gây ra biến động giá dầu. Các nhà phân tích cho biết thị trường nhiên liệu máy bay sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chủ tịch Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Mohamed Arkab nói với các phóng viên vào ngày 27 tháng 1 rằng: Cho đến nay, ông kỳ vọng ​​sự bùng phát của Coronavirus sẽ ít ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ toàn cầu. Ông nói thêm rằng các nhà sản xuất dầu đã sẵn sàng phản ứng với bất kỳ sự phát triển mới nào.

Phil Flynn, một nhà phân tích năng lượng cao cấp của Tập đoàn Price Futures tại Chicago, cho rằng: phản ứng của OPEC là một sự lạc quan thái quá.

Flynn viết: “Điểm mấu chốt trong vấn đề dầu lửa là chúng ta chưa bao giờ thấy một sự phong tỏa lớn như thế này. Máy bay và tàu hỏa không di chuyển, và các nhà máy đóng cửa, sẽ gây ra một ảnh hưởng tồi tệ đối với nhu cầu năng lượng trong lịch sử”.

Thùy Trang (biên dịch)
- Theo The Epoch Times.

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Thị trường sụt giảm trên toàn thế giới do lo ngại về sự bùng phát Coronavirus gây chết người lan rộng