‘Thịnh vượng chung’ có đang ‘tiến quân’ vào Hong Kong? Quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai ở Hong Kong liệu còn được bảo vệ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo nhiều nguồn tin, kể từ giữa tháng 9/2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu gây áp lực lên các nhà phát triển bất động sản (BĐS) Hong Kong. Bắc Kinh không còn muốn đất đai ở Hong Kong bị kiểm soát gần như độc quyền bởi một vài nhà phát triển BĐS tư nhân lớn có quan hệ với gia tộc Giang Trạch Dân.

Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra khẩu hiệu "thịnh vượng chung", các phương tiện truyền thông ủng hộ chế độ Bắc Kinh ở Hong Kong đã đăng tải nhiều bài báo nói rằng "thịnh vượng chung" cũng có thể được áp dụng ở Hong Kong trong "kỷ nguyên mới". Mặc dù quyền sở hữu tư nhân và quyền sở hữu đối với đất đai ở Hong Kong được Luật Cơ bản Hong Kong (Hong Kong Basic Law) bảo vệ, nhưng ĐCSTQ hiện đang tăng cường kiểm soát Hong Kong về mọi mặt. Nhiều người cho rằng, ĐCSTQ cuối cùng sẽ sửa đổi Luật Cơ bản Hong Kong để toàn quyền kiểm soát đặc khu hành chính này.

Dưới đây là quan điểm của tiến sĩ Tạ Điền, Giáo sư Kinh doanh tại Đại học Nam Carolina Aiken, Hoa Kỳ, chuyên gia kinh tế nghiên cứu về Trung Quốc.

‘Thịnh vượng chung’ là lời nói dối nhất quán của ĐCSTQ

Ông Tạ Điền cho biết, 72 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (1/10/1949 - 1/10/2021) cũng là 72 năm ĐCSTQ lãnh đạo Trung Quốc. Nhiều người đang bàn tán về việc liệu ĐCSTQ có thể vượt qua ngưỡng 73 tuổi hay không. Theo quan niệm của người Trung Quốc, 73 và 84 là hai mốc ‘tuổi hạn’. Ông Tạ Điền nhắc lại chuyện chính quyền Cộng sản Liên Xô đã tan rã ở tuổi 74 (tròn 73 năm cai trị Liên Xô cũ).

ĐCSTQ đã ban hành một loạt chính sách hạn chế các doanh nghiệp thương mại, hạn chế quyền tự do của người dân, chặn Internet; đồng thời sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để giám sát toàn diện cả lời nói và việc làm của người dân Trung Quốc.

Chỉ 2 tuần ngắn ngủi sau lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình, 73 tập đoàn kinh tế hàng đầu Trung Quốc đại lục vội vã cam kết đầu tư vào chương trình “Thịnh vượng chung”. (Ảnh: Lintao Zhang / Getty Images)

Chúng ta biết rằng từ khi bắt đầu thành lập, các chế độ cộng sản đều sử dụng thuật ngữ "thịnh vượng chung"; các cuộc cách mạng vô sản đều lấy điều này làm khẩu hiệu. Sau này, cái gọi là thịnh vượng chung của ĐCSTQ, hay nền kinh tế kế hoạch, không còn khả thi nữa, ĐCSTQ phải đưa ra các chính sách kinh tế tư bản để tạm thời xoa dịu nền kinh tế Trung Quốc. Trong quá trình thực hiện chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung Quốc, các chức sắc của ĐCSTQ là những người thu được nhiều lợi ích nhất.

Giờ đây, nền kinh tế đã đình trệ, ĐCSTQ lại dùng ‘thịnh vượng chung’ để tịch thu tài sản của các doanh nghiệp tư nhân. Các ông lớn tư nhân hiện đang phải lần lượt bày tỏ ‘lòng trung thành’ với Đảng và đã ‘tự nguyện cống hiến’ hàng trăm tỷ NDT cho Đảng. Và ‘thịnh vượng chung’ rất có thể được mở rộng sang Hong Kong.

ĐCSTQ về cơ bản đã xâm nhập chính trị và kiểm soát dư luận ở Hong Kong

Theo ông Tạ Điền, ĐCSTQ đã hoạt động ở Hong Kong trong một thời gian dài, kể từ khi Hong Kong và đại lục thống nhất vào năm 1997. Đã hơn một năm kể từ ngày 30/06/2020 Bắc Kinh ban hành Luật An ninh Quốc gia tại Hong Kong, vùng đất thuộc địa cũ của Anh đã mất dần những thuộc tính căn bản của một thành phố tự do, và đang tiến dần đến một chế độ toàn trị. Trên thực tế, ĐCSTQ đang thực hiện một cuộc tiếp quản toàn diện nhằm lật đổ chế độ tự do ở Hong Kong. Hiện ĐCSTQ đã thành công trong việc thao túng chính quyền Hong Kong, loại bỏ quyền lực của các nhà hoạt động dân chủ, và đang nhắm tới kiểm soát nền kinh tế Hong Kong.

thời đại cách mạng, không có bạo dân chỉ có bạo chính
Vào ngày 12/6/2019, khi bản dự thảo sửa đổi lần thứ hai của Dự luật dẫn độ của Hội đồng Lập pháp Hong Kong xuất hiện, đông đảo người dân Hong Kong đã tham gia biểu tình bãi thị, bãi khóa, và bãi công để phản đối. (Ảnh: Da Pang Wei / Kanzhongguo)

Ở Hong Kong hiện nay vẫn còn một số ‘tên tuổi lớn’ chưa hoàn toàn chịu sự kiểm soát của ĐCSTQ, chẳng hạn như các ông trùm ngành BĐS. Đây thực sự là những người giàu có cuối cùng, và ĐCSTQ rõ ràng đang nhắm mục tiêu vào họ.

Quá trình phát triển BĐS ở Hong Kong diễn ra như thế nào?

Một số phương tiện truyền thông ủng hộ cộng sản ở nước ngoài thường dẫn lời các học giả Hong Kong chỉ ra rằng, quỹ đất ở Hong Kong rất eo hẹp và giá nhà ở quá cao. Do vậy, chính quyền Bắc Kinh cần điều phối nguồn cung đất ở Hong Kong.

Theo ông Tạ Điền, giá nhà Hong Kong luôn ở mức cao bởi kinh tế Hong Kong luôn phát triển tốt. “Một nền kinh tế tốt, [người dân có] thu nhập tốt, và dòng tiền tốt sẽ duy trì giá nhà ở cao”. Trên thực tế, Hong Kong trước năm 1949 có địa vị kinh tế kém xa Thượng Hải lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sau khi Đảng Cộng sản cai quản đại lục, rất nhiều doanh nhân từ Thượng Hải, Chiết Giang, Ninh Ba đã đến Hong Kong, họ mang theo vốn và nguồn nhân lực. Người Anh cũng đã để lại một hệ thống quản trị và cơ sở hạ tầng rất tốt. Sau này, Hong Kong phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế, cảng miễn thuế, cảng trung chuyển,... với các hoạt động thương mại tự do.

Tất nhiên, Hong Kong phát triển cũng có phần nhờ vào Trung Quốc đại lục. Nhiều nguồn vốn từ đại lục đã đổ vào Hong Kong, hỗ trợ BĐS Hong Kong. Trong những năm qua, ngày càng có nhiều quỹ đầu tư từ Trung Quốc đại lục đến Hong Kong.

Hong Kong cũng là nơi trung chuyển các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc đến phần còn lại của thế giới.

Các gia đình chính trị hàng đầu của Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền vào bất động sản Hong Kong. (Ảnh: Pixabay)
Các gia đình chính trị hàng đầu của Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền vào bất động sản Hong Kong. (Ảnh: Pixabay)

Sự phát triển của Hong Kong, quá trình kinh tế cất cánh và giá đất tăng, đã tạo ra một số lượng lớn các công ty BĐS, trong đó có 4 tập đoàn lớn nhất gồm: Sun Hung Kai, CK Asset, Henderson Land, và New World Development. Các chức sắc của ĐCSTQ cũng sở hữu nhiều nhà đất ở Hong Kong.

Tuy nhiên, địa vị của Hong Kong như một trung tâm tài chính về cơ bản hiện không còn tồn tại nữa. Đồng đô la Hong Kong (HKD) đang dần bị phá hủy bởi ĐCSTQ, và nó sẽ ngày càng giống đồng NDT.

Hong Kong cần sự hậu thuẫn kinh tế của đại lục?

Phát triển BĐS là ngành công nghiệp tư nhân lớn nhất ở Hong Kong. Người dân Hong Kong thực sự không còn ngành công nghiệp nào khác. Các ngành sản xuất hiện đã bị thu hẹp. Các hoạt động vận chuyển và trung chuyển cũng đang dần ít đi. Ngành tài chính cũng mất dần vị thế. Và giờ thì ngành du lịch cũng không phát triển.

Trong hoàn cảnh này, nếu thị trường nhà ở Hong Kong không có hỗ trợ kinh tế từ đại lục, và nếu Mỹ coi Hong Kong là một phần của Trung Quốc đại lục, thì Hong Kong sẽ mất hoàn toàn lợi thế kinh tế, và giá nhà ở Hong Kong chắc chắn sẽ trượt dốc.

Theo ông Tạ Điền, Trung Quốc hiện đang đối mặt với rất nhiều vấn đề kinh tế lớn: Cắt điện, suy thoái kinh tế, Evergrande ở trên bờ vực phá sản,... Bắc Kinh quá bận rộn và cũng không đủ khả năng để hỗ trợ BĐS Hong Kong. Trên thực tế, những doanh nhân như ông Lý Gia Thành (Li Ka-shing), một người bạn ‘tri kỷ’ của Giang Trạch Dân, đã nhìn ra điều này, và đã ‘khôn ngoan’ chuyển một lượng lớn tài sản ra khỏi đại lục và Hong Kong.

Liệu ĐCSTQ có chấm dứt tư nhân hóa đất đai của Hong Kong?

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính từng phát biểu, vấn đề nhà ở của Hong Kong liên quan đến lịch sử và quá trình phát triển của Hong Kong. Rất khó để giải quyết vấn đề này; phải có thời gian mới giải quyết được. Có bài báo đã phân tích rằng, lời của ông Hàn có ý tứ sâu xa.

Ôn Tạ Điền cho hay, nếu theo cái gọi là một quốc gia - hai chế độ thì các quyền sở hữu tài sản của các nhà phát triển BĐS Hong Kong phải được bảo vệ. Mặc dù ĐCSTQ đã can thiệp vào hầu hết các khía cạnh của nền kinh tế Hong kong, nhưng 4 công ty BĐS lớn ở Hong Kong là một thế lực mà ĐCSTQ chưa hoàn toàn kiểm soát được. Tuy nhiên, ĐCSTQ rõ ràng là không hài lòng với điều này. Họ sẽ không cho phép bất kỳ ai ngoài tầm kiểm soát của họ sở hữu một lượng lớn tài sản và có tiếng nói lớn trong xã hội.

Một khu chung cu cũ ở Hong Kong. (Ảnh: ISAAC LAWRENCE/AFP qua Getty Images)

Điều đó có nghĩa là ĐCSTQ có thể sẽ sửa đổi Luật cơ bản của Hong Kong; và điều này tất nhiên sẽ không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Nhưng như chúng ta có thể thấy, chính quyền Hong Kong, Bộ Chính trị Hong Kong, các tòa án tư pháp, và Hội đồng Lập pháp Hong Kong đang dần dần bị ĐCSTQ xâm nhập và kiểm soát.

Hiện ở Hong Kong có người đề xuất rằng, vì Hong Kong đã thống nhất với Trung Quốc đại lục nên họ không còn muốn một quốc gia - hai chế độ. Họ muốn một quốc gia - một hệ thống; hoặc thay đổi sang một hệ thống khác. Lời hứa 50 năm không thay đổi của ĐCSTQ đã không còn, vì vậy họ chỉ đơn giản là muốn xé bỏ hệ thống hiện tại. Sau đó, quá trình tư nhân hóa ở Hong Kong sẽ kết thúc. Theo ông Tạ Điền, đây không phải là chuyện viển vông, đối với người Hong Kong, đây thực sự là một mối nguy hiểm có thật.

Số phận nào đang chờ đợi những ông trùm BĐS Hong Kong?

Theo ông Tạ Điền, ĐCSTQ có nhiều cách khác nhau để tác động đến các nhà phát triển BĐS Hong Kong. Chẳng hạn như gây áp lực khiến họ sợ hãi, sau đó họ sẽ ‘tự nguyện’ hợp tác với chính quyền Hong Kong. Những ông lớn BĐS này có thể ‘hiến đất’, trả lại tài sản cho xã hội, giống như Jack Ma - ông chủ của Alibaba, và Mã Hóa Đằng (Pony Ma) - ông chủ của Tencent ở đại lục. Các ông lớn này sau đó cũng sẽ tham gia vào việc khuyến khích các nhà phát triển BĐS khác, cũng như các doanh nghiệp khác, cùng làm như vậy.

Ở Hong Kong hiện tại, một số trí thức đã bỏ đi; nhiều tổ chức chính trị và tổ chức phi lợi nhuận đã giải thể. Đột nhiên ĐCSTQ không thích người này hay nhóm này, thì họ sẽ phải dần biến mất.

Tuy nhiên, ông Tạ Điền đánh giá Hong Kong vẫn khác với đại lục, người Hong Kong khác với người đại lục. Đã có hàng triệu người từ Trung Quốc chạy sang Hong Kong, và họ chắc chắn nhận biết được bản chất của ĐCSTQ. Chỉ là hiện tại, họ đang sống rải rác ở nhiều khu vực, như là vỡ ra thành nhiều mảnh. ĐCSTQ có thể kiểm soát Hong Kong, nhưng không thể chinh phục được trái tim của người dân Hong Kong.

Ông Tạ Điền cho biết thêm, ông hy vọng rằng, trước khi ĐCSTQ toàn trị Hong Kong, ĐCSTQ sẽ sụp đổ. Ông đánh giá ĐCSTQ sẽ khó mà vượt qua ngưỡng 73 tuổi. Nếu ĐCSTQ sụp đổ thì đây không chỉ là điều tốt nhất dành cho người dân Hong Kong, dành cho người dân Trung Quốc đại lục, mà là cho cả toàn thế giới.

Bài viết thể hiện quan điểm của tiến sĩ Tạ Điền (Frank Tian Xie) và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Chi Anh

Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

‘Thịnh vượng chung’ có đang ‘tiến quân’ vào Hong Kong? Quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai ở Hong Kong liệu còn được bảo vệ?