Thổ Nhĩ Kỳ: Khủng hoảng tiền tệ được ‘thiết kế’ bởi Tổng thống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào cuộc khủng hoảng tiền tệ được thiết kế bởi chính sách của Tổng thống đương nhiệm, hãng tin Reuters đưa ra nhận định sau khi số liệu lạm phát của nền kinh tế này đã tăng cao nhất trong hai thập kỷ qua, giá trị tiền tệ lao dốc theo chiều thẳng đứng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2021 của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng vọt tới 36,08% (so cùng kỳ 2020); mức tăng cao nhất trong 19 năm qua, theo số liệu cung cấp bởi Trading Economics. Tốc độ tăng CPI của tháng 12 lên tới gần 50% so với tốc độ tăng CPI cùng một tháng trước đó. Chỉ trong một tháng, CPI đã có một bước tiến hiếm hoi lên mức hai con số ở mức 13,58%. Tính chung cả năm, lạm phát đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 31,88% vào tháng 12/2021.

Đi kèm với lạm phát, đồng tiền nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ lira đã rơi tự do sau khi Ngân hàng Trung ương quốc gia này tiếp tục cắt giảm lãi suất bất chấp lạm phát. Quyết định của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ được thúc đẩy bởi sự ủng hộ ‘kiên định’ của Tổng thống Tayyip Erdogan. Ông Erdogan tin rằng cắt giảm lãi suất là nhằm ưu tiên xuất khẩu hơn là ổn định tiền tệ.

Chỉ số giá tiêu dùng của Thổ Nhĩ Kỳ tháng 12/2021 đã tăng tới 36,08%, cao nhất trong 2 thập kỷ. Giá trị đồng nội tệ lira lao dốc. (Nguồn: Trading Economics)

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 44% giá trị trong năm 2021. Hôm qua, ngày 3/1/2021, giá trị đồng nội tệ của quốc gia này so với đồng USD đã giảm thêm 4% xuống 13,7.

Một nhà kinh tế dự báo rằng lạm phát có thể lên tới 50% vào mùa xuân trừ khi định hướng của chính sách tiền tệ ngay lập tức bị đảo ngược, theo Reuters.

Ozlem Derici Sengul, đối tác sáng lập của Spinn Consulting tại Istanbul, cho biết lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ đạt 40-50% vào tháng 3/2022. Và do vậy, lương tối thiểu cũng phải tăng ít nhất 50%, theo Reuters.

2021 cũng là năm tồi tệ nhất đối với đồng lira trong gần hai thập kỷ; trong khi CPI hàng năm là mức cao nhất kể từ lần đạt 37,0% vào tháng 9/2002 - hai tháng trước khi Đảng AK của Tổng thống Erdogan lần đầu tiên nhậm chức.

Ông Erdogan tự coi mình là kẻ thù của lãi suất, đã đại tu ban lãnh đạo Ngân hàng Trung ương trong năm 2021.

Sau khi đại tu, Ngân hàng Trung ương nước này đã kiên trì hơn với chính sách của Tổng thống. Kết quả là sự gia tăng chóng mặt của CPI, tốc độ giảm giá nhanh chóng của đồng lira đã khiến thu nhập hộ tiêu dùng cạn kiệt. Lạm phát cao luôn là công cụ tước đoạt tài sản hộ gia đình mạnh nhất. Khu vực hộ gia đình của Thổ Nhĩ Kỳ đã phải cắt giảm mạnh chi tiêu.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ ngụ ý rằng lạm phát là do chi phí đẩy (chi phí đầu vào sản xuất tăng mạnh vì đứt gãy nguồn cung). Với lý do này, dường như lạm phát là tất yếu và Ngân hàng Trung ương sẽ không can thiệp.

Phản ánh giá nhập khẩu tăng vọt, chỉ số giá sản xuất tháng 12 tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng 19,08% so với tháng trước và 79,89% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá giao thông hàng năm tăng 53,66% trong khi nhóm thực phẩm và đồ uống tăng 43,8%, số liệu CPI cho thấy.

Tình hình kinh tế bất ổn cũng tác động đến các cuộc thăm dò dư luận về uy tín của Tổng thống Erdogan trước cuộc bầu cử khó khăn dự kiến ​​diễn ra không muộn hơn giữa năm 2023.

Trà Nguyễn

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Thổ Nhĩ Kỳ: Khủng hoảng tiền tệ được ‘thiết kế’ bởi Tổng thống