Thủ tướng Canada Trudeau tiếp tục ‘chặn’ Trung Quốc bằng cách từ chối giao dịch mua mỏ vàng ở Bắc Cực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau gần đây đã loại bỏ kế hoạch của công ty khai thác vàng Sơn Đông, Trung Quốc - nhằm mua lại công ty TMAC Resources hiện đang hoạt động khai thác vàng ở Bắc Cực thuộc Canada. Vì có nguy cơ rằng Trung Quốc không chỉ nhắm vào mỏ vàng, mà rất có thể là nhắm vào cơ sở radar cảnh báo tại hành lang Tây Bắc của Canada.

TMAC Resources Inc. sở hữu mỏ vàng Hope Bay ở Nunavut, lãnh thổ phía bắc xa xôi của Canada, hoạt động của công ty có cả một cảng hàng không và các đường bay.

Sơn Đông, công ty sản xuất kim loại có sự hậu thuẫn của nhà nước Trung Quốc, đồng ý mua công ty TMAC Resources có trụ sở tại Toronto với giá khoảng 150 triệu USD vào tháng 5/2020. Tháng 10/2020, TMAC nhận được lệnh rà soát an ninh quốc gia của chính phủ đối với thương vụ này.

Những thợ mỏ người Canada cho biết vào cuối ngày 21/12, theo luật đầu tư của Canada, một sắc lệnh đã được ban hành ngăn không cho Sơn Đông thâu tóm TMAC.

Ngày 22/12, Sơn Đông xác nhận thông tin và viện dẫn quyết định của Ottawa được đưa ra vì "mục đích bảo vệ an ninh quốc gia".

Trong bối cảnh quan hệ giữa Canada và Trung Quốc đang có những xích mích xấu đi khi Canada bắt giữ giám đốc điều hành hàng đầu của Huawei Technologies Co. vào năm 2018 - theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ. Các quan chức trong văn phòng của Thủ tướng Trudeau từ chối bình luận về động thái trên.

Phản ứng của Trung Quốc

Ngày 23/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh: “Canada nên cung cấp một môi trường kinh doanh cởi mở và không phân biệt đối xử cho tất cả các công ty hoạt động tại Canada, bao gồm cả các công ty của Trung Quốc”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Ottawa cho rằng bất kỳ hành động chính trị hóa hợp tác kinh tế nào đều là không đúng. Qua email vào cuối ngày 22/12, một người phát ngôn phía Trung Quốc kêu gọi chính phủ Canada thúc đẩy một thị trường công bằng cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Sophy Lambert-Racine, người phát ngôn của Bộ Công nghiệp Canada nói rằng, với lý do các điều khoản bảo mật của luật đầu tư, bà bị hạn chế giải thích lý do tại sao thương vụ Sơn Đông bị từ chối. Qua email ngày 22/12, bà cho biết: “Canada vẫn mở cửa cho các khoản đầu tư tạo việc làm, tăng trưởng, tiếp cận thương mại toàn cầu và chuỗi giá trị cũng như sự thịnh vượng lâu dài cho người dân Canada, đồng thời cũng cần bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Canada”.

 

Ông Triệu Lập Kiên - phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao (Nguồn ảnh: Getty Images)
Ông Triệu Lập Kiên - phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao chỉ trích việc chính phủ Canada ban hành sắc lệnh ngăn không cho Sơn Đông thâu tóm TMAC. (Nguồn ảnh: Getty Images)

Cổ phiếu của TMAC giảm tới 19%, mức cao nhất trong ngày kể từ tháng 3 và giảm 11% xuống 1,16 đô-la Canada vào ngày 23/12 tại Toronto. Cổ phiếu của TMAC đã giảm 70% trong năm nay.

Các nhà quan sát an ninh cho rằng thương vụ mua bán này có thể là một mối đe dọa đối với Canada vì nó sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với Hành lang Tây Bắc và các cơ sở radar cảnh báo sớm của Canada ở Bắc Cực.

Theo Stephanie Carvin, giáo sư tại Đại học Carleton ở Ottawa và là nhà phân tích tình báo trước kia của chính phủ, chính phủ của Thủ tướng Trudeau từ chối thỏa thuận có thể chưa phải là sự kết thúc.

Bà nói: “Vấn đề khi phải đối phó với các doanh nghiệp sở hữu nhà nước và doanh nghiệp nhà nước 'lớn hàng đầu' Trung Quốc, là khi bạn phải nói không với họ, Trung Quốc sẽ tìm ra những cách khác để lách luật”, và “nếu bạn nói không một lần, điều đó không có nghĩa là họ sẽ không thử lại theo một cách khác nào đó”.

Huawei và Aecon

Bà Carvin nói rằng, với quyết định của Canada - và phản ứng của Bắc Kinh - sẽ được các quốc gia Bắc Cực khác theo dõi chặt chẽ, đồng thời nêu rõ rằng Bộ trưởng Ngoại giao Francois-Philippe Champagne đã có các cuộc gặp với những người đồng cấp Bắc Âu gần đây. “Canada không phải là quốc gia duy nhất gặp khó khăn khi đối phó với Trung Quốc ở khu vực phía bắc. Đan Mạch cũng bày tỏ quan ngại đặc biệt”, bà Carvin trích dẫn các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng của Bắc Kinh ở Greenland.

Hai năm trước, quan hệ giữa Canada và Trung Quốc trở nên xấu đi, khi cảnh sát bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei - bà Mạnh Vãn Châu - tại sân bay ở Vancouver và hiện bị "giam lỏng" ở thành phố ven biển Thái Bình Dương kể từ đó. Ngay sau đó, Trung Quốc đã bỏ tù hai người Canada vì cáo buộc tội gián điệp và ngừng nhập khẩu hàng tỷ USD nông sản của Canada.

Nhưng ngay cả trước khi xảy ra vụ việc của Huawei, Trung Quốc đã cảnh báo sẽ đầu tư “lạnh nhạt” vào Canada sau khi chính phủ của Thủ tướng Trudeau bác bỏ thỏa thuận thâu tóm Tập đoàn xây dựng Aecon Group cũng vì lý do an ninh quốc gia.

Những người 'bạn thân' ngày một cẩn trọng trước các vụ thâu tóm doanh nghiệp của Trung Quốc, vì mối nguy an ninh quốc gia

Lo ngại của chính phủ các quốc gia Châu Âu về an ninh quốc gia và rò rỉ công nghệ khi buông lỏng kiểm soát đầu tư từ Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ trong 4 năm Tổng thống Trump tại vị; một phần nhờ các nỗ lực cảnh báo, thông tin tình báo mà Mỹ cung cấp cho Châu Âu và đồng minh.

Hồi tháng Sáu vừa qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang chuẩn bị các luật mới cứng rắn nhằm ngăn chặn các thương vụ doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm các công ty Anh, đe dọa an ninh quốc gia của nước này. Nhiệm vụ này được đặt ra trước thực trạng làn sóng thâu tóm doanh nghiệp của Anh và EU bởi các doanh nghiệp Trung Quốc, và Anh bắt đầu lắng nghe các cảnh báo của Mỹ về nguy cơ mất an ninh quốc gia khi để Trung Quốc tham gia quá sâu vào thương trường của Anh.

Thêm vào đó, sự tức giận của Anh gia tăng khi Hong Kong bị “đại lục hóa” bởi luật an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Ông Johnson đang xem xét việc bắt buộc các công ty Anh phải công bố các vụ thâu tóm tiềm năng có thể gây rủi ro an ninh cho quốc gia.

Kể từ khi nhậm chức vào ngày 24/7 năm ngoái, ông đã gặp rất nhiều áp lực và chỉ trích về các vấn đề như Brexit, Huawei 5G, quan hệ Anh-Mỹ và chính sách của Trung Quốc. Lập trường của ông thường không rõ ràng và lặp lại giữa các lợi ích chính trị và kinh tế. (Ảnh: Getty)
Động thái này của chính quyền Boris được xem là một "phát súng trực tiếp" vào Bắc Kinh trong bối cảnh các nghị sĩ phe bảo thủ ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của Vương quốc Anh. (Ảnh: Getty)

Động thái này được xem là một "phát súng trực tiếp" vào Bắc Kinh trong bối cảnh các nghị sĩ phe bảo thủ ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của Vương quốc Anh.

Việc này diễn ra chỉ vài ngày sau khi có thông tin rằng chính phủ Anh đang lên kế hoạch tăng cường mối quan hệ với các đối tác tình báo 5 nước đồng minh của Mỹ, nhằm hạn chế hoạt động thâu tóm sở hữu ráo riết của Trung Quốc đối với lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ của Anh.

Không chỉ có Anh, một "bạn thân" của Trung Quốc tại Châu Âu là Đức cũng tăng cường ngăn chặn làn sóng thâu tóm doanh nghiệp có sở hữu công nghệ trọng yếu hoặc có mối quan hệ chặt chẽ với quốc phòng.

Hồi đầu tháng 12/2020, Đức đã chặn việc tiếp quản công ty công nghệ vệ tinh và radar IMST - bởi một công ty con của nhà sản xuất tên lửa vốn bị kiểm soát bởi Bắc Kinh là Tập đoàn Công nghiệp và Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC), do lo ngại về an ninh quốc gia.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Đức và Trung Quốc. Hai quốc gia có quan hệ thương mại rất khăng khít trong thập kỷ qua nhưng căng thẳng gia tăng do cạnh tranh không lành mạnh - do các doanh nghiệp được nhà nước hậu thuẫn và các hạn chế tiếp cận thị trường.

Berlin coi IMST là một nhà cung cấp quan trọng về liên lạc vệ tinh, công nghệ radar và vô tuyến; bí quyết công nghệ của công ty này rất quan trọng đối với an ninh quốc gia Đức, theo tài liệu của chính phủ Đức mà Reuters tiếp cận được.

Tài liệu cho biết chuyên môn của IMST cũng cần thiết cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng trong tương lai, bao gồm cả mạng 5G và 6G.

“IMST cũng là một đối tác quan trọng của Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (DLR). Trong nhiều trường hợp khác nhau, các sản phẩm và dịch vụ của IMST cũng là đối tượng được giao cho các lực lượng vũ trang Bundeswehr”, trích lược nội dung công bố trong tài liệu.

Đức đã "làm chặt hơn" ngưỡng sàng lọc và thậm chí chặn mua cổ phần các công ty Đức từ những nhà đầu tư không phải châu Âu - trong một động thái nhằm chống lại các nỗ lực thâu tóm không mong muốn. Dù không tuyên bố rõ ràng, nhưng động thái này thực chất ngăn chặn làn sóng thâu tóm của các nhà đầu tư Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn trong việc thôn tính các doanh nghiệp có công nghệ, thông tin chiến lược.

Theo các quy định mới, Berlin có thể can thiệp vì lợi ích công cộng nếu một nhà đầu tư ngoài châu Âu mua 10% cổ phần của một công ty. Đây là sự thay đổi lớn của Berlin trước nguy cơ Trung Quốc, vì trước kia, theo luật thì Berlin chỉ can thiệp từ ngưỡng 25% trở lên.

Cho đến nay, chính phủ Đức đã ngăn chặn một số thương vụ hoặc nỗ lực tiếp quản của Trung Quốc, bao gồm đề xuất mua lại nhà sản xuất công cụ Đức Leifeld của Yantai Taihai và đấu thầu của Nhà nước Trung Quốc để mua cổ phần trong nhà điều hành lưới điện 50Hertz của Đức vào năm 2018.

Vào tháng 8/2020, chính phủ đã từ chối đề nghị của Vital Materials Co của Trung Quốc để mua PPM Pure Metals - công ty có một phần doanh thu đến từ quân đội Đức; và việc tham gia của Bắc Kinh trong việc thôn tính công PPM Pure Metals có hại cho an ninh quốc gia Đức, theo Reuters.

May May

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng Canada Trudeau tiếp tục ‘chặn’ Trung Quốc bằng cách từ chối giao dịch mua mỏ vàng ở Bắc Cực