Thuế quan đối với Trung Quốc: Mỹ có tiếp tục chiến lược của ông Trump?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Wall Street Journal, Đại diện thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai cho biết Mỹ vẫn kiên quyết áp dụng thuế quan và các công cụ khác để đấu tranh với các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, bao gồm trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời sẽ có sự phối hợp với các nước đồng minh để cô lập Bắc Kinh và tập trung vào vấn đề công nghệ hơn là thâm hụt thương mại.

Trong một cuộc phỏng vấn lần đầu tiên với báo chí kể từ khi được Thượng viện xác nhận, bà Tai cho biết bà hiểu rằng thuế quan có thể có tác động xấu đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, nhưng cũng nhận thấy quan điểm của một số người rằng thuế giúp bảo vệ các công ty khỏi sự cạnh tranh từ nước ngoài được trợ cấp, và việc cắt giảm thuế quan có thể gây tổn hại cho nền kinh tế trừ khi sự thay đổi được “truyền đạt đúng cách để các tác nhân trong nền kinh tế có thể điều chỉnh được”.

Bà Katherine Tai, người được ông Biden đề cử để lên thay Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, đã tỏ giọng diều hâu trước Trung Quốc trong một bài phát biểu trong tháng này: “Chúng ta đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ một Trung Quốc đang lớn mạnh và đầy tham vọng”, “Một Trung Quốc với nền kinh tế được định hướng bởi các nhà hoạch định trung ương, những người không chịu sức ép của đa nguyên chính trị, bầu cử dân chủ hay ý kiến người dân.”

Bà Tai đã được nhất trí xác nhận vào vị trí này vào ngày 17 tháng 3 vừa qua, trở thành người phụ nữ da màu và là người Mỹ gốc Á đầu tiên giữ chức trưởng đoàn đàm phán thương mại của quốc gia này.

Bà Tai sinh ra tại bang Connecticut, có cha mẹ là công dân Mỹ gốc Đài Loan. Sau đó, bà theo học tại Đại học Yale và Trường Luật thuộc Đại học Harvard. Bà thông thạo tiếng Quan Thoại và từng giảng dạy tiếng Anh tại Đại học Sun Yat-sen (Quảng Châu, Trung Quốc) với tư cách là nghiên cứu sinh của Đại học Yale những năm 1990.

Giới quan sát cho rằng bà Tai sẽ có đủ gan dạ và bản lĩnh để đối đầu với Trung Quốc. Nhưng bà có thể thực hiện nó theo một cách khác so với chính quyền Donald Trump: dưới sự bảo trợ của các tổ chức đa phương và cùng với các đối tác.

Ông Stephen Olson, chuyên gia nghiên cứu tại Quỹ Hinrich có trụ sở tại Hồng Kông và là nhà đàm phán thương mại Mỹ, đã viết trong một bài bình luận trực tuyến: "Bà Tai sẽ hoàn toàn thoải mái trong việc gây hấn với Trung Quốc khi cần thiết".

Dưới thời chính quyền Trump, Mỹ áp thuế lên khoảng 370 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc hàng năm, tương đương khoảng 75% giá trị xuất khẩu sang Mỹ, Thời báo phố wall đưa tin. Các mức thuế này được đưa ra như một phần của cuộc chiến thương mại với mục tiêu thuyết phục Trung Quốc dỡ bỏ các rào cản thương mại.

Đáp lại, Trung Quốc áp thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, giảng dạy chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Trường sau đại học Keller về quản lý, nhận định rằng Tổng thống Biden ‘đang đi đúng hướng’ và ‘dù muốn hay không ông cũng không thể đảo ngược chiến tranh thương mại của ông Trump’.

“Việc ông Biden có gỡ bỏ các rào cản thương mại hay không sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc, tốc độ họ cải cách và thay đổi chính sách”, ông Raoul Leering, nhà phân tích thương mại toàn cầu của ING, được AP dẫn lời nói.

Chính quyền Biden nhìn nhận rằng các hành vi thương mại cưỡng ép và bất công của Trung Quốc đã ‘làm hại người lao động Mỹ, đe dọa lợi thế công nghệ của Mỹ, làm suy yếu khả năng chịu đựng của chuỗi cung ứng và làm tổn hại lợi ích quốc gia của Mỹ’.

Lê Minh

Theo The Hill



BÀI CHỌN LỌC

Thuế quan đối với Trung Quốc: Mỹ có tiếp tục chiến lược của ông Trump?