Thương chiến EU - Trung: Đức muốn giảm chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, Thụy Điển cấm Huawei, ZTE khỏi mạng 5G

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau động thái mạnh mẽ của Anh đối với việc thiết lập mạng 5G của tập đoàn Huawei, giờ đây đến lược các nước châu Âu khác là Đức và Thụy Điển tỏ ra cứng rắn; khi Đức yêu cầu các công ty của mình đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc ở châu Á và Thụy Điển cấm Huawei, ZTE khỏi mạng 5G.

Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier đã tuyên bố rằng các công ty Đức nên đa dạng hóa sang các thị trường châu Á khác ngoài Trung Quốc để ít phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng đơn lẻ - vốn thể hiện ra rằng rất dễ bị gián đoạn qua đại dịch viêm phổi Vũ Hán vừa qua.

Đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc

Trong những năm gần đây, thương mại giữa hai cường quốc này đã đưa Trung Quốc trở thành nhà cung cấp “ngoài châu Âu” quan trọng nhất của Đức, và là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ hai của nước này.

Nhưng tại một hội nghị kinh doanh, ông Altmaier cho biết sự bùng phát của đại dịch đã chứng minh rằng các chuỗi cung ứng thường là một chiều và tạo ra sự phụ thuộc.

Ông ám chỉ đến sự bế tắc trong việc cung cấp thiết bị y tế cho thị trường Đức vào mùa xuân, khi Trung Quốc đang ở đỉnh điểm của đại dịch. Vị bộ trưởng cho biết: “Chúng tôi muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình”.

Ông nói, Singapore và Hàn Quốc có thể mang đến những cơ hội đầy hứa hẹn vì họ đã xử lý rất tốt cuộc khủng hoảng sức khỏe do đại dịch gây ra và phục hồi sức mạnh kinh tế từ rất sớm.

Thủ tướng Angela Merkel cũng kêu gọi các công ty Đức đa dạng hóa và giành được các thị trường mới trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, để hưởng lợi từ vai trò kinh tế toàn cầu ngày càng tăng của nước này. Tại hội nghị, bà Merkel cho biết chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực cải thiện các điều kiện khung.

Bà Merkel cho biết hiện nay, khoảng 3/4 xuất khẩu của Đức sang châu Á là đến các nước Đông Á, một nửa trong số đó đến Trung Quốc.

Trong khi sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc được cho là đã tăng tốc trong quý III/2020 lên 4,9%, số liệu GDP chính thức của Trung Quốc luôn được các nhà kinh tế cho là không chính xác, bóp méo và thiếu nhất quán.

Chuyên gia kinh tế Trung Quốc nổi tiếng của Mỹ là Michael Pettis, đã có phân tính rõ ràng vì sao số liệu GDP Trung Quốc luôn sai lệch lớn: “Capital Economics cho biết tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã bị phóng đại khoảng 12% trong 5 năm qua - một con số rất lớn - trong khi Fed San Francisco chấp nhận các con số tổng hợp nhưng cho biết Bắc Kinh đã làm giả dữ liệu".

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven nhận thẻ 5G từ một cánh tay robot trong chuyến thăm của họ tại gian hàng của Ericsson, khi họ tham quan hội chợ công nghệ Hanover Messe sẽ chính thức khai mạc vào ngày 1 tháng 4 năm 2019 tại Hanover, miền bắc nước Đức (Ảnh: JOHN MACDOUGALL / AFP qua Getty Images)  
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven nhận thẻ 5G từ một cánh tay robot trong chuyến thăm của họ tại gian hàng của Ericsson, khi họ tham quan hội chợ công nghệ Hanover Messe sẽ chính thức khai mạc vào ngày 1 tháng 4 năm 2019 tại Hanover, miền bắc nước Đức (Ảnh: JOHN MACDOUGALL / AFP qua Getty Images)

Thụy Điển cấm Huawei, ZTE tham gia mạng 5G sắp ra mắt

Theo Reuters, hôm thứ Ba (ngày 20/10), cơ quan Bưu chính và Viễn thông Thụy Điển (PTS) đã đưa ra quyết định cấm Huawei, ZTE tham gia mạng 5G sắp ra mắt.

Quyết định được đưa ra trước cuộc đấu thầu xây dựng mạng viễn thông của nước này diễn ra vào tháng tới, dựa trên lời khuyên từ các lực lượng vũ trang của đất nước và dịch vụ bảo vệ, trong đó mô tả Trung Quốc là "một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với Thụy Điển".

Trước đó, các chính phủ châu Âu cũng thắt chặt kiểm soát đối với các công ty Trung Quốc xây dựng mạng 5G sau áp lực ngoại giao từ Mỹ - với cáo buộc rằng thiết bị Huawei có thể bị Bắc Kinh sử dụng để phục vụ mục tiêu gián điệp.

Vào tháng 7, Vương quốc Anh đã ra lệnh xóa hoàn toàn thiết bị Huawei khỏi mạng 5G vào năm 2027, trở thành một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên làm như vậy.

Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan có thể được hưởng lợi từ lệnh cấm tại quê nhà.

Tuy nhiên, Ericsson - công ty Thụy Điển và là một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu châu Âu - đã giành được hợp đồng từ cả ba nhà khai thác lớn ở Trung Quốc để cung cấp thiết bị vô tuyến cho mạng 5G. Tập đoàn này có thể gặp rủi ro nếu chính phủ Trung Quốc quyết định trả đũa.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình: “Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Thụy Điển tuân thủ các nguyên tắc thị trường về phát triển mở và cạnh tranh bình đẳng, xem xét lại các quyết định của mình”.

Trong một dấu hiệu tiềm ẩn rằng chính quyền Trung Quốc có thể trả đũa, cơ quan quản lý viễn thông của nước này cũng đã đưa ra một thông báo vào thứ Ba kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn đối với các công ty viễn thông nước ngoài trong nước Trung Quốc.

Trần Đức



BÀI CHỌN LỌC

Thương chiến EU - Trung: Đức muốn giảm chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, Thụy Điển cấm Huawei, ZTE khỏi mạng 5G