Thương hiệu nhái bùng nổ, Nga ngày càng bị cô lập

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các thương hiệu quốc tế rời khỏi Nga đã được thế chỗ bởi các thương hiệu nhái bản địa. Việc nhái thương hiệu như vậy đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng tại Nga hiện nay, hiện tượng này lại mang một ý nghĩa khác.

Thương hiệu nhái phát triển mạnh tại Nga

Sự rời đi ồ ạt của các thương hiệu quốc tế ở Liên bang Nga đã tạo cơ hội cho sự xuất hiện của những thương hiệu bắt chước giả mạo, cố gắng san lấp khoảng trống của tư bản phương Tây bằng cách duy trì cảm giác quen thuộc với những thay đổi tinh vi đối với các thương hiệu nước ngoài đã nổi tiếng.

Khi McDonald's dừng các hoạt động ở Nga vào ngày 08/03 sau một thời gian bị phản ứng dữ dội trong những tuần đầu của chiến tranh, các cơ sở của công ty này đã nhanh chóng được thay thế bởi một đối thủ cạnh tranh bản địa của Nga có tên là "Uncle Vanya", một thương hiệu đã sửa những mái vòm bằng vàng mang tính biểu tượng của McDonald's thành hình đại diện của ký tự Kirin “В”, để tạo thành âm “v” trong “Vanya”.

Đã có tiền lệ cho các thương hiệu nhái như vậy trong khu vực dưới tầm ảnh hưởng của Nga, phát triển mạnh ở các vùng lãnh thổ ly khai thân Nga là Donetsk và Luhansk sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ cắt đứt hoạt động kinh doanh của phương Tây đối với khu vực này vào năm 2014. Các thương hiệu như Crimean Fried Chicken và Starducks Coffee nổi lên ở các vùng lãnh thổ tranh chấp, báo trước sự xuất hiện của những thương hiệu bắt chước tương tự ở vùng trung tâm của Nga.

Các nhãn hiệu giả mạo không chỉ xuất hiện tại Nga

Hiện tượng này, một hậu quả kì quái của việc rút lui của các doanh nghiệp Mỹ, không phải chỉ xảy ra tại Nga trong các cuộc xung đột của nước này với Ukraine. Trên khắp thế giới, lĩnh vực xuất khẩu tiêu dùng của Mỹ vẫn rất đáng chú ý ngay cả khi đã rời đi. Các công ty địa phương cố gắng thay thế các thương hiệu toàn cầu phổ biến bằng các thương hiệu nhái lại địa phương, thường dẫn đến những kết quả kỳ lạ và khó nghe.

Là một trong số ít quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Mỹ, Iran không xa lạ gì với hàng nhái lại từ các thương hiệu Mỹ, vốn sinh sôi nảy nở khắp Tehran và các trung tâm đô thị lớn khác. Lợi dụng những nguyên âm tuyệt vời của tiếng Ba Tư, các thương hiệu như Pizza Hat, Mash Donald’s và Raees Coffee (bắt chước Starbucks) là các hình ảnh quen thuộc với người dân Iran, vốn ít tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp Mỹ.

Ở Trung Quốc, những thương hiệu nhái như vậy phổ biến đến mức chúng mang một ý nghĩa văn hóa đáng kể trên phạm vi rộng. Từ “山寨” (shanzhai), theo nghĩa đen mô tả một pháo đài trên núi nhưng thường dùng để chỉ các sản phẩm bắt chước hoặc nhái, đã trở nên phổ biến kể từ cuộc cải cách kinh tế của Đặng Tiểu Bình. Những nhãn hiệu nhái như vậy xuất hiện ở khắp nơi, có thể là do việc nhái lại đơn thuần hoặc việc cố ý nhại lại. Từ “shanzhai” đã được tiểu thuyết gia Dư Hoa (Yu Hua) chọn làm một trong mười từ nói về đặc điểm của Trung Quốc hiện đại trong loạt bài tiểu luận của ông có tên: Trung Quốc trong Mười Từ.

Hiện tượng này có lẽ xuất hiện kỳ lạ nhất ở Đông Nam Á, nơi mà những thương hiệu nhái lại phương Tây như vậy thường có liên quan một cách bất ngờ với một nhân vật lịch sử của thế kỷ 20. Ở Thái Lan, một thương hiệu nhái của Kentucky Fried Chicken đã thay thế hình ảnh mang tính biểu tượng của Đại tá Sanders bằng hình ảnh minh họa khuôn mặt khó coi của Adolf Hitler, gây ra phản ứng dữ dội thú vị trên các phương tiện truyền thông phương Tây (nhà hàng vốn được gọi đơn giản là “Hitler”, đã được đổi tên sau những chỉ trích).

Vì nhiều lý do tương tự dẫn đến việc các doanh nghiệp Mỹ và đa quốc gia không thể kiểm soát thị trường ở những khu vực này trên thế giới, rất khó để các tập đoàn này kiện ra tòa những hành vi bắt chước như vậy. Những rào cản pháp lý là đặc biệt phức tạp nếu Mỹ không duy trì quan hệ ngoại giao với quốc gia này, chẳng hạn như trường hợp với Iran, hoặc nếu quan hệ ngoại giao đang vấp phải những vấn đề quan trọng hơn nhiều, như trường hợp của Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Các nhãn hiệu giả mạo là dấu hiệu cho thấy Nga đang bị cô lập

Những nhãn hiệu giả mạo như vậy có thể gây khó nghe, kỳ lạ hoặc gây buồn cười trong con mắt của người phương Tây, vốn không quen với việc nhìn thấy những nhãn hiệu quen thuộc như vậy được tái hiện trong một bối cảnh văn hóa hoàn toàn xa lạ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những hàng nhái như vậy mang ý nghĩa đặc biệt đối với nước Nga, quốc gia nơi các thương hiệu phương Tây từng được coi là sự báo trước một trật tự kinh tế mới cho đất nước của Tolstoy và Tchaikovsky.

Ở Nga, việc thay thế các thương hiệu Mỹ bằng hàng nhái bản địa chỉ là một dấu hiệu nữa cho thấy quốc gia này đang bị cô lập khỏi cộng đồng kinh tế toàn cầu. Khi cửa hàng McDonald’s đầu tiên khai trương tại Moscow dưới thời Mikhail Gorbachev vào năm 1990, nó được coi là dấu hiệu của sự thay đổi, báo hiệu thời kì đơn cực và cái gọi là sự kết thúc của lịch sử.

Nhưng lịch sử có xu hướng thay đổi, và Nga đã chọn một con đường khác, vì những hoài nghi sâu sắc về văn hóa và khuynh hướng chuyên quyền của Vladimir Putin đã khiến việc liên minh với phương Tây là không thể đối với quốc gia Slav này. Trong khi nước Nga mới không phải là Liên Xô về mặt ý thức hệ, và khi nước này đã bị tước đoạt phần lớn quyền lực trước đây do việc mất 14 nước cộng hòa nhỏ hơn thuộc Liên Xô, nước này vẫn xa rời chủ nghĩa tư bản Mỹ.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thương hiệu nhái bùng nổ, Nga ngày càng bị cô lập