Thương lái Trung Quốc sang Việt Nam đặt hàng tôm bơm tạp chất để … mang về

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nạn bơm tạp chất vào tôm mấy năm trước đây là một vấn nạn và đã lắng xuống một thời gian. Nhưng kể từ tháng 4 năm nay, nạn bơm tạp chất vào tôm bùng phát trở lại, thậm chí quy mô lớn hơn trước. Tôm bẩn chủ yếu được xuất qua Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Thậm chí, một số thương lái Trung Quốc còn qua nước ta đặt hàng tôm bơm tạp chất để mang về…

Vào cuối năm 2016, trước nạn bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu hoành hành tại ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2419/QĐ-TTg, chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương vào cuộc để đến cuối năm 2018 phải chấm dứt triệt để tình trạng này.

Một số địa phương còn hạ quyết tâm loại bỏ tôm bẩn bằng biện pháp cứng rắn. Ví dụ như tỉnh Bạc Liêu ban hành chỉ thị rằng nếu trên địa bàn huyện nào bị phát hiện có cơ sở bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu thì chủ tịch UBND huyện đó sẽ bị kỷ luật.

Nhờ quyết liệt như vậy nên tình trạng bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu ở ĐBSCL trong mấy năm nay đã giảm hẳn. Nhiều doanh nghiệp thu mua, sơ chế tôm nguyên liệu không dám làm trái vì lo ngại bị rút giấy phép kinh doanh, thậm chí bị xử lý hình sự.

Liên tiếp phát hiện ‘tôm bẩn’ được tuồn ra thị trường

Tháng 4 năm nay, thanh tra ở Hà Nội đã bắt quả tang một cơ sở đang có hành vi bơm tạp chất vào tôm tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Theo lời khai, tôm sẽ được đưa vào các nhà hàng trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận để tiêu thụ. Cơ sở sơ chế này hoạt động chui tại đây đã nhiều tháng, trung bình mỗi tháng cung cấp cả tấn tôm bơm tạp chất ra thị trường.

Đêm 11/6 năm nay, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Cà Mau kết hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, bắt quả tang một xe tải vận chuyển 1.768 thùng tôm sú với tổng trọng lượng 12.504 kg để đưa đi tiêu thụ. Lô hàng này của bà Châu Thị Thùy Trang, ngụ xã Định Bình, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Qua lấy mẫu kiểm tra, cơ quan chức năng xác định tôm này có chứa tạp chất agar.

Tôm được tiêm tạp chất để làm cho con tôm nặng lên khi bán cho doanh nghiệp chế biến. (Ảnh: Tổng hợp)

Cùng thời điểm này, ông Văn Đình Nhu (ngụ huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) bị UBND tỉnh Cà Mau xử phạt 60 triệu đồng do thu gom 16 kg tôm sú chứa tạp chất và phạt 10 triệu đồng vì không có giấy phép kinh doanh. Ông Nhu được xem là người chuyên thu mua tôm có bơm tạp chất để giao cho các đại lý.

Ngoài việc liên tục bắt quả tang các vụ vận chuyển tôm chứa tạp chất, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều điểm bơm tạp chất với quy mô lớn. Điển hình là mới đây, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang kiểm tra cơ sở của ông Lê Hoài Thanh (xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương), thu giữ 500 kg tôm bơm tạp chất. Tại thời điểm kiểm tra, có khoảng 80 người tham gia bơm tạp chất vào tôm.

‘Tôm bẩn’ đi đâu?

Tạp chất để bơm vào tôm thường là agar hay còn gọi là rau câu. Đây là một hình thức gian lận thương mại, làm cho con tôm nặng lên khi bán cho doanh nghiệp chế biến chứ không ảnh hưởng đến chất lượng thịt tôm. Tuy nhiên, việc làm này đã nhiều lần gây thiệt hại về thương mại xuất khẩu cũng như làm mất lòng tin của nhiều khách hàng lớn không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Theo Người lao động, tỉnh Bạc Liêu có nhiều nhà máy chế biến và sơ chế tôm chuyên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, cũng là địa phương để xảy ra nhiều vụ việc vận chuyển tôm bơm tạp chất bị phát hiện. Ở tỉnh này, nhất là trên địa bàn thị xã Giá Rai, có nhiều nhà máy chế biến tôm do người Việt Nam hợp tác với người Trung Quốc sản xuất. Những nhà máy này thường thu mua tôm nguyên liệu giá cao khiến nhiều công ty chế biến thủy sản xuất khẩu trong vùng không cạnh tranh nổi.

Là người có nhiều kinh nghiệm nuôi tôm ở Bạc Liêu, ông Võ Hồng Ngoãn (ngụ TP Bạc Liêu) khẳng định người dân không bao giờ muốn biến con tôm sạch mình làm ra thành tôm bẩn. Bởi lẽ, nông dân trực tiếp bơm tạp chất vào tôm thì sẽ bị thương lái phát hiện ngay và ép giá. Hành vi bơm tạp chất vào tôm chủ yếu do tư thương và doanh nghiệp làm.

"Lâu lâu chúng ta bắt một vụ, toàn những cơ sở nhỏ lẻ. Muốn chặn đứng phải đánh từ gốc. Không có doanh nghiệp tiêu thụ thì tôm tạp chất bán đi đâu được? Quản lý được từ gốc, từ chính "sân sau", những nhà máy của các ông chủ người Trung Quốc thì nạn này sẽ chấm dứt" - ông Ngoãn quả quyết.

Theo một cán bộ thanh tra ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Bạc Liêu, bơm tạp chất vào tôm là hành vi gian lận thương mại. Đường đi của tôm tạp chất chủ yếu được xuất qua Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch. Thậm chí, bộ phận thương lái Trung Quốc qua nước ta đặt hàng bơm tạp chất để mang về. Từ đó, tình trạng này mới nhức nhối và tái diễn.

"Các địa phương chỉ quản lý được phần ngọn, có mạnh tay tới đâu cũng chỉ bắt được 1-2 vụ là bị đánh động. Sau đó, mọi việc lắng xuống và đâu lại vào đấy, do lợi nhuận quá lớn" - vị cán bộ thanh tra này lý giải.

Cách nhận biết tôm có tạp chất

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết việc bơm tạp chất vào tôm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc vào các phương thức cũng như loại tạp chất được đưa vào tôm.

Các chất được sử dụng để bơm, chích vào tôm thường là rau câu, tinh bột… hoặc có thể là hỗn hợp các chất trên. Các hợp chất này được pha với nước thành các dung dịch sệt để bơm, chích vào tôm. Hoặc sử dụng tôm nhỏ, giá trị thấp xay nhuyễn để bơm vào tôm. Lượng tạp chất tối đa đưa vào tôm có thể lên tới 20%, tức là trong 10kg tôm có thể có tới 2kg tạp chất.

Tạp chất thường được bơm vào phần đầu, thân và đuôi tôm. Có thể nhận biết tôm bơm tạp chất dựa vào những quan sát sau:

Tôm đã bị bơm tạp chất thường có phần đầu bị phù, thậm chí nhô hẳn lên so với thân; nắp mang phồng, ngậm nước.
Tôm bị bơm tạp chất thường có mang cứng, thẳng đơ, phồng căng trong khi mang tôm bình thường phải mềm, phẳng.
Phần vỏ của tôm bơm tạp chất từ đốt 1 hoặc đốt 3 (tính từ đầu xuống đuôi) bị trương phồng, ngậm nước, sờ tay vào thấy nổi vẩy. Đốt thứ 3 bị giãn, thân tôm bị căng, thậm chí căng tròn mất tự nhiên.

Phần đuôi: Dấu hiệu tôm bị bơm tạp chất tại phần đuôi tương đối dễ nhận biết, đó là gai đuôi vểnh, cánh đuôi xòe.

Tôm bị bơm tạp chất, xoang ức đầu có dịch và mùi lạ.

Khi bóc tôm: Bóc vỏ đầu ức, cầm đầu tôm dốc đầu xuống dưới, dùng tay bóc vỏ đầu ức tôm để lộ ra phần thịt đầu. Dùng mũi dao nhọn lật và gạt khối gạch (gan tụy) lên làm lộ xoang đầu ức xem có đọng chất dịch bất thường hay không.

Tôm tự nhiên không có dịch bất thường ở khối gan tụy; xoang ức đầu không có tạp chất, khô ráo, không có dịch nhầy. Nếu tôm bị bơm tạp chất, xoang ức đầu có dịch và mùi lạ.
Ở những thân tôm bị bơm tạp chất, có thể thấy rõ các đốt cơ bị phù nề không tự nhiên. Đối với tôm bị bơm nhiều tạp chất, dùng kim châm vào vị trí bụng hay lưng đốt cơ bị phù nề và lấy tay nặn có thể thấy tạp chất đùn ra.

Ngọc Minh

Kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Thương lái Trung Quốc sang Việt Nam đặt hàng tôm bơm tạp chất để … mang về