Thụy Sỹ sẵn sàng bơm thanh khoản cho Credit Suisse, tránh kịch bản khủng hoảng bùng phát ở châu Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho Credit Suisse sau khi cổ phiếu của ngân hàng này giảm tới 30% và dẫn đầu một cuộc bán tháo cổ phiếu ngân hàng châu Âu và Mỹ.

Trong một tuyên bố chung với cơ quan giám sát tài chính Thuỵ Sỹ FINMA vào tối thứ Tư (15/3), Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ ra sức trấn an nhà đầu tư về sức khoẻ của Credit Suise, nói rằng “chưa có dấu hiệu nào cho thấy lây lan rủi ro trực tiếp từ khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ sang các định chế tài chính ở Thuỵ Sỹ”.

Cùng ngày, các Giám đốc điều hành của Credit Suisse đã có cuộc hội đàm với đại diện của SNB và FINMA, sau khi vốn chủ sở hữu và trái phiếu của ngân hàng này giảm giá trị sau sự sụp đổ của ba ngân hàng Mỹ hồi tuần trước, theo hãng tin Financial Times.

“Credit Suisse đáp ứng các yêu cầu về vốn và thanh khoản áp dụng đối với các ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống. Ngoài ra, Credit Suisse có thể tiếp cận thanh khoản từ SNB trong trường hợp cần thiết", đại diện SNB và Finma cho biết trong một tuyên bố.

Vụ sập SVB theo sau vụ đổ vỡ ngân hàng tiền ảo Silvergate Bank và vụ sụp đổ một ngân hàng khác là Signature Bank. Hai vụ việc này đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo dữ dội mấy ngày qua. Trước những diễn biến này, Bộ Tài chính Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố các biện pháp khẩn cấp nhằm tăng cường thanh khoản trong hệ thống. Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như chưa đủ để xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư.

Ngày 15/3, tâm điểm chú ý đã dịch chuyển từ Mỹ sang châu Âu, khi giá cổ phiếu Credit Suisse giảm mạnh sau khi chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út, ngân hàng đã mua 10% cổ phần của Credit Suisse vào năm ngoái và trở thành cổ đông lớn nhất của Credit Suisse, tuyên bố rằng họ không thể cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho nhà băng này vì vấn đề pháp lý.

Trong những năm gần đây, ngân hàng này đã phải hứng chịu một loạt vụ bê bối, bao gồm khoản lỗ giao dịch lớn nhất trong lịch sử 167 năm sau sự sụp đổ của Archegos Capital và vụ phá sản của Greensill Capital - công ty giúp Credit Suisse quản lý các quỹ đầu tư trị giá 10 tỷ USD.

Trong phiên giao dịch hôm 15/3, cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm xuống 24,2%, kéo giá trị thị trường của công ty xuống dưới 7 tỷ SFr (7,6 tỷ USD). Chỉ vài tháng trước, cổ phiếu của ngân hàng này đã huy động được 4 tỷ SFr (4,3 tỷ USD) vốn, trong năm nay đã giảm 39% và giảm 85% trong hai năm qua.

Theo một nguồn thạo tin, các nhà phân tích cho rằng nếu tình hình của Credit Suisse xấu đi, khả năng cao là ngân hàng này sẽ được bán lại cho ngân hàng đối thủ. Việc SNB bơm vốn cổ phần cũng có thể xảy ra vì nó cho phép Credit Suisse khắc phục các vấn đề của chính mình bằng cách bán cổ phần thiểu số trong các ngân hàng bán lẻ và sử dụng số tiền thu được để tái cấu trúc phần còn lại của tập đoàn.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại JPMorgan cho biết khó có khả năng Credit Suisse phá sản vì ngân hàng này có tầm quan trọng then chốt đối với nền kinh tế Thụy Sỹ, cũng như vị thế là một "trung tâm tài chính toàn cầu" của Zurich.

Ông Octavio Marenzi, nhà phân tích tại Opimas, cho biết: “[SNB] và chính phủ Thụy Sỹ nhận thức rất rõ rằng sự thất bại của Credit Suisse hoặc thậm chí bất kỳ tổn thất nào của những chủ sở hữu tiền gửi sẽ hủy hoại danh tiếng của Thụy Sỹ với tư cách là một trung tâm tài chính toàn cầu".

Sau thông báo của các cơ quan quản lý, chứng khoán lưu ký của Credit Suisse tại Mỹ đã tăng trở lại. Đáp lại, Credit Suisse đã “hoan nghênh tuyên bố hỗ trợ” từ các cơ quan quản lý.

Đại diện của Bộ Tài chính Mỹ cho biết cơ quan này đang theo dõi tình hình ở Credit Suisse và liên lạc chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên toàn cầu. Giới thạo tin ở Mỹ nói rằng, các ngân hàng lớn của nước này đã kiểm soát mức độ liên đới đến Credit Suisse trong những tháng gần đây và xem rủi ro liên quan tới nhà băng Thuỵ Sỹ ở thời điểm này là vẫn trong tầm kiểm soát.

Sự sụt giảm cổ phiếu của Credit Suisse đã châm ngòi cho một đợt bán tháo cổ phiếu ngân hàng ở châu Âu và Mỹ, vốn đang quay cuồng trong tuần này sau vụ sập của ngân hàng SVB.

Khi được hỏi trên đài Bloomberg TV rằng liệu Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út có sẵn sàng cấp vốn cho Credit Suisse nếu có lời kêu gọi bổ sung vốn chủ sở hữu hay không, ông Ammar Al Khudairy, Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Ả Rập Xê Út cho biết ông không có kế hoạch đầu tư thêm vào ngân hàng.

Ông nói rằng việc sở hữu hơn 10% cổ phần của Credit Suisse sẽ dẫn đến các yêu cầu pháp lý không mong muốn, mặc dù ông khẳng định rằng ông ủng hộ kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng Credit Suisse và ông không cho rằng ngân hàng này cần bơm thêm vốn.

Credit Suisse hôm thứ Ba (14/3) tiết lộ rằng kiểm toán viên của họ đã xác định được “những điểm yếu quan trọng” trong báo cáo tài chính của những năm trước. Đó là lý do dẫn đến việc ngân hàng này thường trì hoãn công bố báo cáo thường niên của mình.

Reuters: Vàng tăng hơn 1% khi khủng hoảng Credit Suisse ảnh hưởng đến khẩu vị rủi ro

Giá vàng tăng hơn 1% lên mức đóng cửa cao nhất kể từ đầu tháng 2/2023 vào ngày 15/3, khi một cuộc khủng hoảng mới trong lĩnh vực ngân hàng khiến nhà đầu tư hướng đến tính trú ẩn an toàn của vàng thỏi, theo hãng tin Reuters.

Giá vàng giao ngay đã tăng 1,2% lên 1.924,63 USD/ounce vào lúc 11 giờ 56 phút sáng theo giờ địa phương. Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 1,1% lên 1.931,30 USD.

Các cổ phiếu ngân hàng Châu Âu đã phải chịu áp lực trở lại, trong bối cảnh cổ phiếu Credit Suisse trượt dốc sau khi nhà đầu tư lớn nhất của ngân hàng cho biết họ không thể cung cấp thêm hỗ trợ tài chính.

Ông Phillip Streible, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tại Blue Line Futures, nhận định: “Đó hoàn toàn là một giao dịch trú ẩn an toàn. Có rất nhiều lo ngại về Credit Suisse và hiện các ngân hàng châu Âu đang thực sự chịu khá nhiều áp lực. Vì vậy, đó hoàn toàn là sự dịch chuyển dòng tiền đến kênh an toàn”.

Cổ phiếu các ngân hàng châu Âu lại chịu áp lực, với cổ phiếu Credit Suisse lao dốc sau khi nhà đầu tư lớn nhất của ngân hàng này cho biết sẽ không thể cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho ngân hàng Thụy Sỹ.

“Mọi người đang chuyển đến trái phiếu Chính phủ Mỹ, vàng, bạc và đồng USD. Họ đang rút khỏi các tài sản rủi ro hơn như chứng khoán Mỹ và các kim loại nhạy cảm với tình hình kinh tế như đồng, bạch kim và paladi”, ông Streible nói.

Thanh Hải tổng hợp

Kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Thụy Sỹ sẵn sàng bơm thanh khoản cho Credit Suisse, tránh kịch bản khủng hoảng bùng phát ở châu Âu