Tiếp nối Credit Suisse? Tình trạng của Goldman Sachs đang khiến hệ thống tài chính lo lắng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không chỉ sa thải 3.000 nhân viên, giá trị thị trường của ngân hàng suy giảm mạnh, Goldman Sachs đột nhiên huy động lãi suất tiết kiệm cao gấp 350 lần đối thủ cạnh tranh trực tiếp của họ. Quan trọng hơn, định chế này đang nắm giữ khối lượng phái sinh gần gấp 10 lần tổng tài sản, riêng phái sinh tín dụng đã cao hơn 1,2 lần so với tổng tài sản. Đây là ổ mối ngầm có thể phá hỏng Goldman Sachs trong tương lai...

Lãi suất tiết kiệm gấp 350 lần đối thủ

Ngân hàng trực tuyến Marcus của Goldman Sachs đang đưa ra mức lãi suất cho các tài khoản tiết kiệm của mình là 3,5%/năm, cao gấp 350 lần mức lãi suất mà các đối thủ cạnh tranh của Goldman Sachs là JPMorgan Chase và Bank of America đưa ra. Các ngân hàng này hiện đang hiển thị lãi suất là huy động chỉ ở mức 0,01%/năm.

Marcus là nền tảng ngân hàng trực tuyến được Ngân hàng Goldman Sachs Hoa Kỳ - một ngân hàng được bảo hiểm liên bang hỗ trợ bởi người nộp thuế Hoa Kỳ cung cấp. Nhưng điều mà 99% người Mỹ không biết về Ngân hàng Goldman Sachs Hoa Kỳ là nó là một đơn vị của Goldman Sachs nắm giữ hàng nghìn tỷ USD các công cụ phái sinh.

Phái sinh gấp 9,91 lần tổng tài sản, phái sinh tín dụng nhiều hơn tổng tài sản 110 tỷ USD

Theo báo cáo gần đây nhất từ Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC), Ngân hàng Goldman Sachs Hoa Kỳ có tài sản trị giá 513,9 tỷ USD và 50,97 nghìn tỷ USD chứng khoán phái sinh tính đến ngày 30/9/2022, gấp 9,91 lần tổng tài sản của ngân hàng.

Bản chất của phái sinh là công cụ bảo hiểm rủi ro cho tài sản, hợp đồng triển khai trong tương lai mà một tổ chức nắm giữ. Như vậy, về cơ bản, tổng tài sản phái sinh không nên lớn quá 100% tổng tài sản của một ngân hàng thương mại. Việc nắm giữ lượng phái sinh khổng lồ cho thấy NHTM đó dường như đang đánh bạc kiếm lời trên thị trường này.

Trong quá khứ, cuộc đại khủng hoảng 1929-1933 xảy ra do các NHTM được phép đầu tư. Lúc này, các NHTM đã đánh bạc trên thị trường phái sinh khối lượng lớn; biến phái sinh trở thành thị trường đầu cơ thay vì thị trường bảo hiểm. Sự sụp đổ đã diễn ra thúc đẩy Đạo luật Glass-Steagall ra đời. Đạo luật đã tách bạch hoạt động ngân hàng truyền thống (huy động và cho vay, gọi là NHTM) ra khỏi hoạt động đầu tư. Sau này, Mỹ có các ngân hàng đầu tư, độc lập với NHTM. Bằng việc tách NHTM và NHĐT, các định chế huy động tiền gửi đã không thể đầu tư tập trung rủi ro cao ở các thị trường như BĐS, cổ phiếu hay đánh bạc trên thị trường phái sinh.

Đáng tiếc, năm 1999, dưới thời của Tổng tống Bill Cliton, Đạo luật Glass-Steagall bị huỷ bỏ. Chỉ 10 năm sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 nổ ra. Sai lầm lặp lại khi các định chế tài chính nhận tiền gửi đánh bạc quá mức trên thị trường phái sinh. Lý do các định chế mua nhiều phái sinh không chỉ là đánh bạc mà còn là bảo hiểm cho các khoản nợ BĐS, được trộn lẫn, đóng gói và bán lại trên thị trường mua bán nợ.

Rủi ro nhất trong các công cụ phái sinh là phái sinh tín dụng. Loại công cụ phái sinh tín dụng này đã làm sụp đổ nền kinh tế Mỹ năm 2008 và làm Goldman Sachs sụp đổ nếu không có những gói cứu trợ bởi NHTW Mỹ là Fed khi đó. Hiện tịa, Goldman Sachs đang nắm khối phái sinh tín dụng lên tới 623,6 tỷ USD, nhiều hơn 110 tỷ USD so với tổng tài sản của ngân hàng này.

Điều này có thể giúp giải thích tại sao Goldman Sachs đưa ra mức lãi suất cao gấp 350 lần so với các đối thủ cạnh tranh để thu hút tiền gửi và củng cố cơ sở vốn của mình.

Sa thải 3.000 nhân viên

Goldman đã được dự báo từ lâu là gặp nhiều rắc rối. Ngân hàng đầu tư đã tuyên bố sa thải một lượng lớn nhân viên đầu tháng Giêng. Ngày 9/1, Reuters chạy dòng tiêu đề: “Goldman Sachs sẵn sàng cho đợt sa thải lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính”, lưu ý rằng “hơn 3.000 nhân viên sẽ bị sa thải…”. Ngân hàng đã cắt giảm khoảng 6,5% lực lượng lao động của mình và cảnh báo rằng có thể định chế này có thể sẽ phải sa thải nhiều hơn nữa.

Goldman có 49.100 nhân viên vào cuối quý 3/2022.

"Nếu mọi thứ không tốt hơn trong quý đầu tiên, chúng tôi sẽ có nhiều thay đổi hơn", nhà tư vấn bồi thường Alan Johnson cho biết. “Bạn không thể để những người đắt giá này ngồi đây mà không có gì để làm”.

Một trong những nguồn tin cho biết việc sa thải có thể ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận chính của ngân hàng nhưng sẽ tập trung vào nhánh ngân hàng đầu tư của Goldman Sachs. Các ngân hàng ở Phố Wall đã phải chịu sự suy giảm nghiêm trọng trong hoạt động giao dịch của công ty do thị trường tài chính toàn cầu biến động.

Các nguồn tin cho biết hàng trăm việc làm cũng có khả năng bị cắt giảm khỏi mảng kinh doanh tiêu dùng của Goldman Sachs, Marcus, sau khi ngân hàng này thu hẹp hoạt động ở những mảng kinh doanh thua lỗ.

Goldman đổ lỗi cho việc cắt giảm phần lớn nhân công là do thiếu giao dịch vào năm 2022. Tiền thu được từ các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) giảm 94%. Lực lượng lao động của Goldman cũng được coi là tương đối dồi dào vì ngân hàng đã tuyển dụng rầm rộ trong thời kỳ đại dịch khi lúc đó tiền đang rẻ và nhiều giao dịch.

Financial Times: 'Goldman Sachs đã mất đi sự vênh váo của mình'

8 ngày sau khi tuyên bố sa thải, Goldman thông báo rằng lợi nhuận hàng quý của họ đã giảm 66% so với năm trước và thu nhập trên mỗi cổ phiếu chỉ đạt 3,32 USD; thấp hơn 39% so với mức ước tính là 5,48 USD. Năm ngoái, Goldman đã lỗ 344 triệu USD do thua lỗ tín dụng. Năm nay, con số đó đã tăng lên gần gấp ba lần, ở mức 972 triệu USD.

Có vẻ như mọi thứ đang trở nên đắt đỏ hơn ở Goldman. Ngay cả việc điều hành công ty cũng tốn kém hơn, do chi phí hoạt động tăng 11% so với cùng kỳ.

Mười ngày sau, công ty đã thông báo trong một hồ sơ pháp lý rằng Chủ tịch và Giám đốc điều hành của họ, ông David Solomon, sẽ nhận được khoản bồi thường ít hơn 29% so với năm trước; vẫn là một khoản tiền lên tới 25 triệu USD.

Goldman cũng đang bị miêu tả tiêu cực trên các tạp chí kinh doanh. Vào thứ Bảy (4/2), Bill Cohan đã đưa tin trên Financial Times rằng “Goldman Sachs đã mất đi sự vênh váo của mình. Giá trị thị trường của ngân hàng đầu tư 154 tuổi đáng kính này ở mức 121 tỷ USD, hiện thấp hơn 42 tỷ USD so với đối thủ lâu năm Morgan Stanley. Goldman đã từng là ngân hàng có giá trị hơn thế trong nhiều năm”.

Đang dần kiệt sức và bị tố gian lận với thẻ tín dụng Apple

Bên cạnh hoạt động kinh doanh tiền gửi, vốn đã thu hút được 100 tỷ USD (cho đến nay đây là hoạt động mang lại lớn nhuận lớn nhất cho Goldman Sachs), thành công lớn nhất của ngân hàng này là Thẻ Apple.

Điều ít được biết đến hơn là Goldman đã giành được tài khoản Apple một phần vì họ đã đồng ý với các điều khoản mà các công ty phát hành thẻ có uy tín khác sẽ không đồng ý. Sau khi một người kỳ cựu trong ngành thẻ tín dụng tên là Scott Young gia nhập Goldman vào năm 2017, ông đã rất kinh ngạc trước các yếu tố phiến diện trong thỏa thuận với Apple, theo những người am hiểu vấn đề.

Bộ sưu tập các doanh nghiệp của Goldman, được gọi là Giải pháp nền tảng, đã lỗ hơn 1,2 tỷ USD trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2022 và chủ yếu là do các khoản dự phòng rủi ro cho vay. Nó chủ yếu được gắn với Thẻ Apple, theo Business Insider.

Goldman đã chi rất nhiều tiền để giúp ra mắt Thẻ Apple và các dịch vụ tiêu dùng khác của nó. Một báo cáo từ năm 2019 tiết lộ ngân hàng đã chi khoảng 1,3 tỷ USD cho các dịch vụ tiêu dùng của mình và được cho là đã chi khoảng 350 USD để có được khách hàng Thẻ Apple mới.

Do các lợi ích của Thẻ Apple chẳng hạn như miễn phí và lãi suất cạnh tranh, các nhà phân tích tin rằng "Danh mục Thẻ Apple có thể tạo ra doanh thu thấp hơn và đối mặt với mức lỗ cao hơn so với mức trung bình của ngành".

Goldman Sachs cũng đang giải quyết một vấn đề lớn với thẻ tín dụng Apple của mình. Ngày 4/8/2022, Goldman Sachs đã tiết lộ thông tin sau khi nộp báo cáo hàng quý (10-Q) cho Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái:

“Công ty đang hợp tác với Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng liên quan đến cuộc điều tra về các hoạt động quản lý tài khoản thẻ tín dụng của Ngân hàng GS Hoa Kỳ, bao gồm việc áp dụng hoàn tiền, ghi có các khoản thanh toán không phù hợp, giải quyết lỗi thanh toán, quảng cáo và báo cáo tín dụng văn phòng”.

Hóa ra, có hàng trăm khiếu nại của người sử dụng thẻ tín dụng Apple do Goldman Sachs cung cấp được gửi đến Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng. Các chủ thẻ tín dụng Apple cáo buộc bị Goldman Sachs đưa vào địa ngục trần gian khi các khoản phí gian lận đã được thực hiện trên thẻ tín dụng Apple của họ và hàng loạt vấn đề khác nữa.

Thuỷ Tiên

NGUỒN TIN THAM KHẢO

  1. https://www.sgtreport.com/2023/02/there-are-very-strange-things-going-on-at-goldman-sachs/
  2. https://www.thestreet.com/banking/goldman-sachs-had-a-miserable-quarter-but-wider-market-destruction-may-be-coming#:~:text=Goldman%20blamed%20its%20cuts%20largely,cheap%20and%20deals%20were%20plentiful.
  3. https://www.reuters.com/business/finance/goldman-sachs-start-cutting-thousands-jobs-midweek-sources-2023-01-09/
  4. https://www.nytimes.com/2023/01/13/business/goldman-sachs-david-solomon-ceo.html
  5. https://www.businessinsider.com/latest-goldman-sachs-news-2019-5
  6. https://appleinsider-com.translate.goog/articles/23/01/13/goldman-lost-12-billion-in-2022-mostly-because-of-apple-card?_x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=wapp



BÀI CHỌN LỌC

Tiếp nối Credit Suisse? Tình trạng của Goldman Sachs đang khiến hệ thống tài chính lo lắng