Tiếp nối Mỹ và Anh, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển tăng lãi suất để ngăn ngừa lạm phát

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lạm phát tăng cao, nhanh và cứng đầu đến mức ngân hàng trung ương khắp toàn cầu buộc phải thay đổi chính sách lãi suất để ngăn chặn đà tăng của nó. Nối gót Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển đã nâng lãi suất chính sách để đối phó với lạm phát tăng cao nhất trong hơn 3 thập kỷ qua. Kỷ nguyên tiền rẻ có thể sớm kết thúc vì lạm phát.

Ngân hàng trung ương của Thụy Điển hôm thứ Năm tuần trước đã tăng lãi suất cơ bản từ 0 lên 0,25%, với lý do mức lạm phát ở nước này đã cao nhất kể từ những năm 1990.

Ngân hàng trung ương Thuỵ Điển, một trong những ngân hàng trung ương lâu đời nhất thế giới, cho biết đã có “những biến động lớn bất thường về lạm phát ở Thụy Điển”. Sự gia tăng lạm phát đã diễn ra từ năm ngoái “phần lớn là do giá năng lượng tăng nhanh”. Chỉ số Giá tiêu dùng tháng 3/2022 của Thuỵ Điển ở mức 6,1%.

Lạm phát của Thuỵ Điển đã tăng cao nhất trong 32 năm qua, cao hơn thời điểm kinh tế khủng hoảng 2008 - 2009 (Nguồn: ảnh chụp màn hình Trading Economics ngày 1/5/2022).

“Kể từ đầu năm, lạm phát không bao gồm năng lượng cũng đã tăng nhanh chóng và cao hơn đáng kể so với dự báo của Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển hồi tháng 2/2022", "giá thực phẩm cũng như các dịch vụ đang tăng giá nhanh chóng một cách bất thường”, Ngân hàng trung ương Thuỵ Điển cho biết.

Ngân hàng trung ương cho biết cơ quan này sẽ được tăng dần dần lãi suất cơ bản, dự kiến đạt 2% trong thời gian 3 năm. Quyết định vào thứ Năm tuần trước sẽ được áp dụng bắt đầu từ thứ Tư tuần này, 3/5/2022.

Thụy Điển là một phần của Liên minh Châu Âu nhưng không sử dụng đồng tiền chung EUR, vì vậy chính sách của Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển không phải là một phần của Ngân hàng Trung ương Châu Âu.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có trụ sở tại Frankfurt, Đức, thực hiện chính sách tiền tệ cho 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung EUR vẫn chưa tăng lãi suất. Tuy nhiên, trước rủi ro lạm phát ngày một cao, ECB cho biết cơ quan này sẽ tăng lãi suất “một thời gian sau khi” kết thúc các nỗ lực kích thích đại dịch vào cuối năm nay.

Khu vực đồng EUR đã chứng kiến ​​lạm phát hàng năm (so cùng kỳ) tăng lên 7,4% vào tháng trước, mức cao nhất kể từ khi có số liệu thống kê về lạm phát, bắt đầu vào năm 1997.

Một số ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng Trung ương Anh và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã tăng lãi suất khi lạm phát tăng vọt trên toàn thế giới, do nhu cầu mở rộng trở lại sau đại dịch COVID-19, chính sách tiền rẻ khởi tác dụng tiêu cực sau nhiều thập kỷ, ngoài ra, cuộc chiến của Nga tại Ukraine cũng đang đổ thêm dầu vào lửa 'lạm phát' do giá năng lượng tăng vọt.

Thanh Đoàn

(Theo The Epoch Times)

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Tiếp nối Mỹ và Anh, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển tăng lãi suất để ngăn ngừa lạm phát