Tiểu thương Hà Nội: Nửa mừng, nửa lo ngày kinh doanh trở lại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau gần 1 tháng đóng cửa, khi nhận được thông tin, nhiều hàng quán tại Hà Nội đã thức xuyên đêm để dọn dẹp và chuẩn bị bán hàng. Trong buổi sáng nay, các quán bán đồ ăn sáng như bún, phở, bánh mì... đón nhận lượng khách khá đông. Nhưng không phải ai cũng yên tâm ngay khi nghe tin mở cửa. Và để sống sót qua thời gian dại dịch, còn nhiều lắm những khó khăn mà những tiểu thương sẽ phải vượt qua...

Tối 21/6 vừa qua, UBND TP.Hà Nội ban hành công văn hỏa tốc cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn uống trong nhà từ 0h ngày 22/6.

Các tiểu thương hồ hởi đón khách trở lại

Sáng 22/6, khác với quang cảnh vắng vẻ như trong thời gian giãn cách phòng dịch, nhiều cửa hàng ăn uống, quán cà phê khu vực phố cổ nụ cười lại hiện hữu trên gương mặt của chủ các cửa hàng. Dọc các con phố, rất nhiều cửa hàng thức đêm để lau dọn, rửa sạch sẽ bàn ghế háo hức chờ tới ngày mai được mở cửa đón khách trở lại.

Anh Lê Tiến Linh (25 tuổi), chủ quán cà phê số 100 phố Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, từ 20h tối sau khi biết được thông tin TP cho phép mở cửa đón khách trở lại, anh cùng nhân viên của mình tất bật lau chùi bàn ghế, đồ pha chế cũng như quét dọn lại quán để ngày mai đón khách.

"Thời gian vừa rồi thực hiện theo chỉ đạo của TP thì quán minh chỉ bán mang về do đó lượng khách giảm rất là nhiều nên hôm nay sau khi theo dõi thông tin và biết được ngày mai được mở cửa trở lại thì chúng tôi rất là vui mừng.

Do có kinh nghiệm phòng dịch từ những đợt trước do đó quán cũng không phải chuẩn bị gì nhiều chỉ có lau chùi lại bàn ghế, làm sạch không gian của quán để sáng mai đón khách thôi", anh Linh chia sẻ.

Cùng tâm trạng vui mừng như anh Linh, chị Trần Thị Diệu Hoa (chủ quán bún bò Huế số 10 phố Đinh Liệt) đang huy động hết các thành viên trong gia đình cũng như anh em họ hàng sang phụ giúp rửa bàn ghế, lau dọn gian bếp để chuẩn bị đón khách trở lại.

Chị Hoa cho biết, ngày mai (22/6) tuy quán của gia đình chị vẫn chưa thể mở trở lại do phải dành thời gian chuẩn bị nguyên liệu nấu nướng, nhưng gia đình phấn khởi quá nên quyết định dọn dẹp ngay sau khi TP có văn bản cho phép hàng quán mở cửa trở lại.

"Thời gian qua những cửa hàng kinh doanh ăn uống như chúng tôi phải đối mặt với nhiều khó khăn”, “Tối nay sau khi theo dõi thông tin được phép mở cửa đón khách trở lại thì mọi người trong nhà rất là vui nên là bắt tay vào dọn dẹp luôn. Ngày mai có thể quán của chúng tôi chưa thể mở cửa ngay nhưng được mở cửa trở lại thế này cũng rất là phấn khởi rồi", chị Hoa chia sẻ.

Những mối lo...

Nhưng không phải ai cũng yên tâm ngay khi nghe tin mở cửa. Việc các ngành dịch vụ bị ngừng trệ khiến cho người lao động khốn đốn nhưng việc mở cửa hoạt động lại cũng không dễ dàng.

Anh Quân, chủ chuỗi cửa hàng và nhà máy sản xuất kem Goofoo Gelato, dù cũng phấn khích trước thông tin mở cửa của Hà Nội nhưng sau 3 lần đóng - mở, anh cho rằng, trước và sau khi hoạt động trở lại, khách hàng sẽ không nhiều do ngại dịch.

Bên cạnh đó, việc tìm cách vận hành bộ máy trơn tru, kéo khách hàng trở lại sau dịch cũng là bài toán khó với người kinh doanh. "Sau một thời gian nghỉ dài thì nhân sự của nhà hàng, quán sẽ bị xáo trộn và người mua đã có những thói quen tiêu dùng mới nên có thể nhà hàng sẽ mất đi một lượng khách", Hoàng Tùng, CEO của Pizza Home lưu ý. Ví dụ, dịch bệnh đã khiến khách hàng hình thành thói quen "ăn ở nhà" thay vì "ăn tiệm" như trước.

Nếu như các hàng quán ăn uống mở cửa từ rất sớm thì một số quán cắt tóc gội đầu lại khá “im lìm” trong ngày đầu mở cửa trở lại. Theo một số chủ cửa hàng thì dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng thường đông khách vào buổi trưa hoặc cuối tuần. Ngoài ra, thời tiết nắng nóng nên mọi người ngại ra khỏi nhà.

Anh Lâm Thao, chủ Salon tóc ở Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trước đây, sớm nhất thì cũng phải 8 giờ sáng bên anh mới bắt đầu mở cửa. Tuy nhiên,sáng nay, ngày đầu được mở trở lại anh mở sớm hơn 1 tiếng vì háo hức.

“Riêng tiền thuê mặt bằng của bên tôi đã khoảng 30 triệu đồng, chưa kể hàng chục nhân viên làm việc nữa nhưng gần 1 tháng qua không làm ngày nào. Cửa hàng đóng, thi thoảng mới có một vài người khách quen gọi đến nhà cắt tóc giúp, còn lại không có doanh thu”, anh Lâm Thao chia sẻ.

Cũng theo anh Thao, Salon tóc của anh trước đây có gần 10 người nhưng sáng nay anh mới gọi 6 thợ đến làm việc. Tuy nhiên, đến 9h sáng thì mới có 3 khách đến cắt tóc.

“Thời tiết nắng nóng cùng với thói quen ở nhà để đề phòng dịch bệnh đã khiến lượng khách đến sử dụng các dịch vụ không được như mong đợi. Tình hình này lại ngày càng khó khăn, tôi chỉ mong dịch bệnh sớm chấm dứt để mọi thứ sớm trở lại bình thường như trước kia”, anh Thao cho hay.

Một quán cà phê trên đường Tô Hiệu. (Ảnh: Flickr)
Một quán cà phê trên đường Tô Hiệu. (Ảnh: Flickr)

Nhu cầu tiết kiệm khi dịch bệnh kéo dài cũng làm thay đổi hành vi tiêu dùng của khách. Cô Nhung, một người bán đồ trẻ em, mở thêm cả tiệm cắt tóc ở Phúc Xá (Ba Đình) đã phải đóng cửa thời gian qua, cũng lo lắng: "Giờ có mở ra cũng chỉ được vài ngày đầu thôi. Chị em nhớ tiệm thì đến, xong dừng tất, có kiếm được đâu mà tiêu nhiều. Dịch thì chưa biết lúc nào kết thúc".

Quán phở của chị Liên ở Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) trước đây chỉ mở phục vụ khách buổi tối nhưng hôm nay chị cũng mở cửa cả ngày để đón khách. Chị cho hay, trước đây, quán phở của chị mở bán vào cuối giờ chiều, chỉ bán cho khách ăn đêm. Tuy nhiên, sau lệnh đóng cửa tạm thời, chị phải đóng cửa và đăng ký bán hàng mang về qua các app đặt hàng trực tuyến để đảm bảo doanh thu.

“Tôi thuê 2 nhân viên, tiền công vẫn phải đảm bảo cho các em ấy chứ giờ cho nghỉ việc thì sau mình không tìm được người. Vì thế, phải túc tắc bán online, mỗi ngày cũng chỉ được khoảng 40-50 bát. Hôm nay được mở cửa trở lại, tôi cũng thử bán ban ngày xem sao nhưng xem chừng vắng lắm”, chị Liên nói.

Theo chị Liên, hơn 20 năm làm hàng phở nhưng càng ngày làm ăn càng khó bởi hàng quán mọc ra ngày càng nhiều, sự cạnh tranh lớn nhưng khách thì lại không có, thêm dịch bệnh lại càng khó khăn hơn. Thay vì thuê đông nhân viên như ngày trước thì hiện tại, chị chỉ thuê 2 người chính và thuê thêm phụ việc theo giờ để cắt giảm chi phí.

Cần có sự chuẩn bị, chuyển đổi để sống sót qua những lần giãn cách xã hội

Theo Vnexpress, qua 4 đợt dịch, trải qua những giây phút nguy hiểm khi dòng tiền âm liên tục khiến anh nhiều doanh nghiệp và các hộ tiểu thương hiểu rằng phải cải tiến và chuyển dịch mạnh mẽ mô hình kinh doanh.

Anh Tùng, chủ của chuỗi cửa hàng Pizza Home cho biết, hiện nay anh đã đã cắt bỏ các mặt bằng bán hàng không hiệu quả, đồng thời chuyển lên các ứng dụng giao đồ ăn cũng như tập trung dịch vụ giao tận nhà. "Cửa hàng phải bán cả online – offline", anh nói và nhấn mạnh "Kế hoạch dài hơi là phải luôn đi hai chân và chuẩn bị cho các tình huống xấu nhất, kể cả phải đóng cửa tiếp".

Với chuỗi cửa hàng và nhà máy sản xuất kem Goofoo Gelato, nhờ chuyển đổi sang mô hình bán online các dòng kem đóng hộp có sẵn, anh Quân cho biết "may vẫn trụ được". Người đàn ông này vì von, việc làm ăn của mình, dù giống cái xe chết máy liên tục khi cứ phải đóng rồi lại mở cửa hàng, vẫn lết được chứ không trượt dốc.

Ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công nói rằng thời gian tới nên có thêm các chính sách ưu tiên cho những người lao động phi chính thức tại các thành phố lớn, địa phương bùng dịch. Họ là những người thường xuyên phải tiếp xúc bên ngoài để mưu sinh. Đây là những đối tượng yếu thế, không có khả năng chống chịu trong khủng hoảng, tạo rủi ro cao cho chính bản thân và cộng đồng.

Mộc Trà



BÀI CHỌN LỌC

Tiểu thương Hà Nội: Nửa mừng, nửa lo ngày kinh doanh trở lại