Tìm hiểu về Vay ngang hàng (P2P Lending) và đề xuất triển khai theo quy mô tăng dần

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mô hình cho vay ngang hàng (Peer to peer - P2P Lending) đã và đang phát triển nhanh tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, góp phần mở rộng quy mô cung ứng dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, mô hình này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro tiềm tàng cho các bên tham gia nếu như không được quản lý, vận hành tốt...

Gốc gác của thuật ngữ P2P (ngang hàng) đến từ đâu?

P2P là thuật ngữ chỉ xuất hiện khi mạng máy tính ra đời. Nếu tìm kiếm trên Google với từ khóa “P2P là gì” thì chúng ta sẽ thấy kết quả đầu tiên là bài viết trên Wikipedia, viết rằng P2P là nói về mạng máy tính ngang hàng, nơi mà các nút mạng phân tán có vai trò đồng đẳng, chia sẻ năng lực tính toán mà không phụ thuộc vào máy chủ.

Như vậy, nói đến các dịch vụ/ứng dụng liên quan tới P2P, chúng ta mặc định nói đến các dịch vụ/ứng dụng vận hành trên nền tảng mạng Internet, có chức năng kết nối, chia sẻ giữa các cá nhân có vai trò đồng đẳng đang tham gia hoạt động trên nền tảng mạng lưới đó.

P2P Lending (vay ngang hàng) là gì?

Vay mượn lẫn nhau là một hình thức đã có từ ngàn đời xưa. Về bản chất, đây chính là hoạt động được coi là “P2P” bởi người vay và người cho vay có vai trò đồng đẳng, thậm chí là có thể hoán đổi vai trò; tức lúc tôi cần tiền, tôi là người vay anh, còn trong những lúc khác, tôi có thể là người cho anh vay. Trong các hoạt động vay mượn này, không hề có sự tham gia của ngân hàng hay các tổ chức tài chính. Đơn giản là các cá nhân này (Peer) chỉ vay mượn trực tiếp (to) từ các cá nhân khác (Peer).

Mặc dù vậy, các hoạt động vay mượn lẫn nhau ở thời kỳ đó vẫn không được gọi là P2P Lending. Đơn giản là vì thuật ngữ vay ngang hàng (P2P Lending) chỉ xuất hiện và được sử dụng phổ biến khi có sự tham gia của mạng máy tính. Ở một thời điểm nào đó, một người A cần tiền, thông báo trên mạng máy tính và ngay lập tức có người B chuyển tiền cho vay. Mọi việc diễn ra tự động, không có ai đó đứng ra hút tiền vào rồi mới giải ngân ra. Không có tổ chức tài chính, không có ngân hàng hút tiền. Mọi việc chỉ là giao dịch giữa tài khoản cá nhân này tới tài khoản cá nhân khác thông qua mạng máy tính.

Như vậy, cốt lõi của P2P (ngang hàng) là các hoạt động vay mượn của các cá nhân với nhau, diễn ra trên mạng máy tính. Chính từ nguồn gốc và yếu tố mấu chốt này mà các khái niệm sinh ra sau này liên quan đến P2P như P2P Lending cũng cần phải hiểu theo góc nhìn từ gốc rễ, cơ bản này.

P2P Lending trên thế giới

P2P Lending bắt nguồn từ Anh năm 2005 (Zopa) và nhanh chóng lan mạnh sang Mỹ năm 2007 (Lending Club) và thực sự bùng nổ khi Trung Quốc tham gia cuộc chơi với số lượng công ty lên tới hàng nghìn. Đến năm 2017, tổng giải ngân chảy qua các công ty P2P Trung Quốc đã đạt đến 192 tỷ USD. Tuy nhiên, do sử dụng nhiều hình thức biến tướng, không phải là P2P đích thực, dẫn đến không kiểm soát được thị trường, Trung Quốc đã trải qua cuộc đại phẫu mạnh khiến cho số lượng các công ty có thể tồn tại chỉ còn khoảng vài chục. Ở Đông Nam Á, P2P Lending xuất hiện ở nhiều quốc gia như Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Thailand và Việt Nam.

P2P Lending tại Việt Nam

Trước khi P2P Lending có mặt và trở nên tương đối phổ biến tại Vietnam, phải nhắc đến sự có mặt của làn sóng P2P trong các lĩnh vực như chia sẻ xe (Uber, Grab), căn hộ (Airbnb) góp phần gia tăng nhận thức của người dân và sự quan tâm của các cấp quản lý về loại hình mới mẻ này. Trước xu thế tất yếu của các loại hình dịch vụ dựa trên nguyên lý P2P, chính phủ luôn rất quan tâm và mong muốn có thể vừa kiểm soát tốt, vừa hỗ trợ cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của các loại hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ. Xét riêng về P2P Lending, tính đến đầu năm 2019, bức tranh về P2P Lending ở Vietnam hiện đang bao gồm những vấn đề dưới đây.

Những bất cập chung:

  • Hiện vẫn chưa có các văn bản pháp lý quy định rõ ràng về loại hình kinh doanh dịch vụ P2P. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, đơn vị được giao chủ trì nghiên cứu và quản lý về lĩnh vực này, từ quý 2/2019, sẽ cấp phép cho một số công ty hoạt động thí điểm, theo đó các công ty hoạt động theo mô hình P2P có thể sẽ là công ty hoạt động có điều kiện.
  • Sau khi sụp đổ ở Trung Quốc, nhiều công ty ở quốc gia này đang tìm cách xâm nhập thị trường P2P Lending ở Việt Nam theo nhiều mô hình biến tướng khác nhau, gây nguy cơ làm méo mó thị trường P2P Lending đích thực, dẫn đến nhiều nguy cơ, hệ lụy cho nền kinh tế.
  • Một số đơn vị đang lợi dụng câu chữ, từ ngữ, khoác bóng mô hình P2P nhưng thực tế là cho vay nặng lãi trá hình. Có nhiều kiểu trá hình, nhưng điển hình nhất là huy động vốn của các nhà đầu tư, hứa hẹn lãi suất cao, rồi lấy tiền người sau trả cho người trước (mô hình Ponzi). Kiểu trá hình thông dụng tiếp theo là công ty P2P tự đứng ra cho vay với lãi suất rất cao, hoạt động như một tổ chức tài chính cho vay nặng lãi…

Những điểm sáng:

  • Với quan điểm kiến tạo và hỗ trợ, chính phủ hiện đang quan tâm sát sao và mong muốn thúc đẩy, đồng thời sớm kiểm soát tốt thị trường P2P Lending.
  • Hiện đã có các công ty công nghệ của người Việt và do người Việt xây dựng các mô hình P2P Lending triển khai theo mô hình kết nối thông tin giữa người vay và người cho vay tiêu biểu như Tima, Mofin, Vaymuon và HuyDong. Trong số 4 công ty nêu trên thì các công ty như Mofin, Vaymuon và HuyDong được xem như các đội tiên phong trong việc hướng tới một mô hình P2P Lending tín chấp 100% vận hành online. Đơn vị còn lại là Tima thì vẫn còn nhiều thủ tục gặp gỡ trực tiếp giữa nhà đầu tư và người vay, và mô hình còn đang lai ghép giữa tín chấp và thế chấp.

Nhận xét và kiến nghị

Nền kinh tế chia sẻ và vận hành online trực tuyến hiện đang là xu thế tất yếu. Với góc nhìn và định nghĩa về P2P Lending (vay ngang hàng qua mạng Internet) như trên, bức tranh về P2P Lending tại Việt Nam đang có nhiều điểm sáng và có dấu hiệu khởi sắc.

Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ từ các đơn vị triển khai theo mô hình P2P Lending nguyên thủy (cá nhân với cá nhân), triển khai theo lộ trình, đi từ nhỏ đến lớn, dễ giám sát, dễ quản lý, cả về dòng tiền lẫn thông tin người vay và người cho vay. Một số công ty P2P Lending tại Việt Nam như nêu ở trên hiện cũng đang triển khai theo lộ trình tuần tự này, triển khai từ mô hình cho vay tín chấp với số tiền nhỏ nhất (Ví dụ với Mofin hiện đang cung cấp có 2 dịch vụ là hỗ trợ cho vay P2P khoản vay 3 triệu với sinh viên và 5 triệu với người đi làm).

Đỗ Ngọc Minh

Mời quý độc giả xem bài gốc tại đây: https://voer.edu.vn/m/tim-hieu-ve-vay-ngang-hang-p2p-lending-va-de-xuat-trien-khai-theo-quy-mo-tang-dan/75304574

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Tìm hiểu về Vay ngang hàng (P2P Lending) và đề xuất triển khai theo quy mô tăng dần