Tin xấu cho Trung Quốc: Máy bay ‘cây nhà lá vườn’ C919 đắt gấp 2 lần dự kiến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giá bán của C919 từng được mong đợi chỉ bằng một nửa giá của các đối thủ như Airbus A320 hoặc Boeing 737. Tuy vậy, lợi thế cạnh tranh đó đã không thành hiện thực.

Vào giữa tháng 5/2022, chiếc C919 thương mại đầu tiên của Trung Quốc đã có chuyến bay đầu tiên. Đây là tin tốt cho ước mơ trở thành nhà chế tạo máy bay phản lực chở khách đẳng cấp thế giới của Trung Quốc.

Tin xấu là, nó sẽ rất đắt. Giá thành rẻ từng được cho là điểm hấp dẫn duy nhất của C919. Nhưng giờ đây, một chiếc C919 có thể đắt ngang với một chiếc Airbus A320 hoặc một chiếc Boeing 737.

Rất khó để có được chất lượng cao với chi phí thấp. Trở lại những năm 1990, cơ quan vũ trụ Mỹ NASA theo đuổi triết lý “rẻ hơn, tốt hơn, nhanh hơn”. Triết lý này tồn tại được một thời gian. Đến khi NASA đề ra các mục tiêu tham vọng hơn thì cách tiếp cận này gặp phải nhiều vấn đề, bao gồm một số thất bại ‘ngoạn mục’ trên các chuyến bay đến sao Hỏa.

Bạn thường có thể có hai nhưng không thể có cả ba: “Tốt hơn” và “nhanh hơn” thường không đi kèm “rẻ hơn”.

Trên thực tế, “rẻ hơn” luôn là điều khó đạt được nhất, như điều mà người Trung Quốc đang nhận ra với C919.

5 điểm dở của máy bay ‘cây nhà lá vườn’ Trung Quốc C919

Lên kế hoạch vào năm 2008, C919 là loại máy bay phản lực thân hẹp có sức chứa 160 hành khách - điều này khiến nó được xếp hạng cùng loại với Boeing 737 và Airbus A320. Năm 2012, tập đoàn hàng không dân dụng COMAC của Trung Quốc dự đoán rằng C919 sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2014 và bắt đầu ra thị trường vào năm 2016.

Trên thực tế, C919 đã không thể cất cánh cho đến năm 2017. Cùng với đó, 5 năm sau, C919 vẫn chưa được Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) chứng nhận đủ khả năng bay. Trên thực tế, nó cần hàng trăm, có lẽ hàng nghìn, giờ bay thử nghiệm nữa trước khi có thể nhận được chứng chỉ CAAC. Ngay cả khi đó, chứng nhận của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA), điều cần thiết nếu Trung Quốc muốn bán máy bay ra nước ngoài, vẫn còn rất xa vời.

C919 đã tiêu tốn của Trung Quốc hơn 20 tỷ USD và chỉ bắt đầu được sản xuất một cách hạn chế vào cuối năm 2021.

Máy bay cây nhà lá vườn C919 của Trung Quốc đắt gấp 2 lần dự kiến
Mô hình chiếc máy bay C919 của Tập đoàn Máy bay Thương mại COMAC (Trung Quốc) được trưng bày tại Singapore Airshow, tại Trung tâm Triển lãm Changi, Singapore, ngày 06/02/2018. COMAC đang nhắm đến các thị trường ở châu Á và châu Phi. (Ảnh: Seong Joon Cho / Bloomberg qua Getty Images)

Hơn nữa, C919 không có bước tiến nào đáng kể so với các máy bay cùng loại. Theo chuyên gia hàng không Richard Aboulafia, "không có điểm đặc sắc nào về mặt công nghệ ở chiếc máy bay này." Nó không có công nghệ mới, cũng không tiết kiệm nhiên liệu hơn các đối thủ cạnh tranh.

Tuy nhiên, COMAC đã tuyên bố C919 là một thành công lớn. COMAC tự hào khi đã nhận được hơn 1.000 cam kết mua hàng. Tuy vậy, trong đó chỉ có khoảng 300 đơn đặt hàng cho chiếc máy bay này, số còn lại là các quyền chọn.

Ngoài ra, tất cả đơn đặt hàng đều đến từ các hãng hàng không Trung Quốc, các ngân hàng Trung Quốc và các công ty cho thuê. COMAC đã không bán được bất kỳ chiếc C919 nào cho các hãng hàng không nước ngoài. Có thể thấy, Bắc Kinh đang hỗ trợ mạnh mẽ không chỉ các hãng hàng không Trung Quốc mà còn cả các tổ chức tài chính lớn thuộc nhà nước để chống đỡ cho C919.

Về giá cả, theo tờ Straits Times của Singapore, C919 dự kiến ​​sẽ có giá khoảng 100 triệu USD mỗi chiếc, ngang với các đối thủ cạnh tranh. Ban đầu, người ta tin rằng nó sẽ được chào bán với giá khoảng 50 triệu USD - rẻ hơn một nửa so với Airbus A320 hay Boeing 737.

Theo Straits Times, China Eastern Airlines có kế hoạch mua 38 chiếc C919 với tổng giá trị 4,38 tỷ USD, tương đương với 115 triệu USD cho mỗi chiếc máy bay. Trong khi đó, phiên bản mới nhất của Airbus A320 có giá khoảng 111 triệu USD và Boeing 737 MAX có giá khoảng 117 triệu USD.

Cuối cùng, tuy mang nhãn “Made in China”, C919 phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp phương Tây. C919 phải sử dụng các thành phần và hệ thống phụ quan trọng của nước ngoài, bao gồm thiết bị điện tử hàng không, thiết bị hạ cánh, vỏ bọc các bộ phận, hệ thống điều khiển chuyến bay và quan trọng nhất là động cơ phản lực. Khoảng 60% các nhà cung cấp nước ngoài này là các công ty của Mỹ, chẳng hạn như General Electric, Honeywell và Eaton.

Trên thực tế, người ta ước tính rằng chỉ 25% tổng giá trị của C919 là của Trung Quốc - đến từ việc sản xuất thân và cánh, cũng như lắp ráp cuối cùng.

C919 không thể cạnh tranh ở thị trường nước ngoài

Trung Quốc thực sự mong mỏi máy bay phản lực thương mại C919 được coi là một hàng hóa cơ bản; tức là một sản phẩm mà hầu như không có sự khác biệt lớn giữa các sản phẩm cạnh tranh, ví dụ như cà phê, đồng (kim loại) hay thuốc kê đơn.

Đặc trưng của hàng hóa cơ bản là được sản xuất bởi công nghệ tiêu chuẩn hóa và mang các thuộc tính chung, các ví dụ khác như thiết bị điện tử tiêu dùng hoặc máy bay phản lực chở khách thân hẹp. Do đó, tất cả đều tương đương nhau; vậy nên, các quyết định mua hàng thường được đưa ra dựa trên giá cả.

Nhưng Trung Quốc đang mất lợi thế về giá, và cùng với đó là động cơ để các bên đưa ra quyết định mua C919 khi so sánh với Airbus A320 hoặc Boeing 737.

Đồng thời, điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả hàng hóa cơ bản đều giống nhau. Có cà phê ngon, cà phê dở và cà phê tệ. Điều này cũng tương tự với máy bay thương mại. An toàn và độ tin cậy, cũng như sự thoải mái, là những yếu tố cũng cần xem xét đến.

Như chúng ta đều biết Trung Quốc có ‘danh tiếng’ như thế nào về chất lượng. Hãy nhớ lại vào năm 2008, hợp chất hóa học melamine đã được tìm thấy trong sữa bột trẻ em của Trung Quốc. Cũng nên nhớ rằng C919 vẫn chưa được CAAC hoặc FAA chứng nhận đủ tiêu chuẩn bay.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Richard A. Bitzinger là nhà phân tích độc lập về bảo mật quốc tế. Ông từng là thành viên cấp cao của Chương trình Chuyển đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore; ông cũng từng đảm nhiệm nhiều công việc trong chính phủ Mỹ và tại nhiều tổ chức tư vấn khác nhau. Nghiên cứu của ông tập trung vào các vấn đề an ninh và quốc phòng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc quân sự và các vấn đề về hiện đại hóa quân đội và phổ biến vũ khí trong khu vực.

Chi Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Tin xấu cho Trung Quốc: Máy bay ‘cây nhà lá vườn’ C919 đắt gấp 2 lần dự kiến