Tình cảnh éo le của những người mua phải nhà xây dựng dang dở tại Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu chuyện của họ khiến người ngoài phải ứa nước mắt. Thị trường nhà đất yếu kém và việc thiếu vốn khiến các dự án bất động sản vẫn bị đình chỉ.

Một nhóm người mua nhà đã chờ đợi cả thập kỷ để được sống trong những ngôi nhà mà họ đã trả tiền thế chấp nhưng vẫn chưa hoàn thành cho đến thời điểm hiện tại.

Mặc dù không có tiện ích, họ đã chuyển đến các căn hộ chưa hoàn thành của mình ở thành phố Thanh Đảo, thuộc tỉnh ven biển Sơn Đông, vào đầu tháng này.

“Chúng tôi chỉ muốn sống trong chính ngôi nhà của mình. Chúng tôi muốn về nhà”, họ nói với phiên bản tiếng Trung của The Epoch Times vào ngày 11/05.

Họ nói rằng họ sẽ ở lại cho đến khi chính quyền địa phương giải quyết vấn đề của họ.

Dừng xây dựng

Dự án Tongtai Mansion được rao bán trên thị trường dưới dạng một dự án bất động sản trên giấy tờ vào tháng 11/2013. Việc xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 30/10/2015.

Tuy nhiên, hoạt động xây dựng đã dừng lại do tranh chấp tài chính giữa nhà phát triển bất động sản và nhà xây dựng.

Các vụ kiện và đấu giá đã diễn ra từ năm 2017 đến năm 2020. Theo nhiều bài báo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc, thị trường nhà đất yếu kém và tình trạng thiếu vốn đã khiến dự án bị đình chỉ cho đến ngày nay.

Những người mua nhà, khao khát chuyển đến ở, muốn trả thêm tiền để căn hộ của họ được hoàn thiện, nhưng chính quyền địa phương đã từ chối lời đề nghị.

Những người mua nhà cho biết, các nhà chức trách đã không giúp đỡ và không can thiệp để thúc đẩy nhà phát triển và nhà xây dựng tiếp tục việc xây dựng.

Tình cảnh éo le của những người mua phải nhà dang dở ở Trung Quốc
Các tòa nhà chung cư đang xây dựng dở dang tại khu phát triển Health Valley của China Evergrande Group ở ngoại ô Nam Kinh, Trung Quốc, vào ngày 22/10/2021. (Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg qua Getty Images)

Không rời khỏi nhà

Vào ngày 01/05, những người mua nhà đã tự giải quyết vấn đề. Khoảng 40 người quyết định chuyển đến các căn hộ chưa hoàn thiện của họ và mang theo một số đồ đạc - mặc dù nhà vẫn không có nước hoặc điện. Một số sơn những bức tường còn dang dở và lắp các tấm nhựa lên cửa sổ.

Ông Wang, một chủ nhà, nói: “Không có cửa ra vào, không có cửa sổ; chúng tôi đã tự lát nền".

Gia đình ông ở căn số sáu trong tòa nhà đầu tiên ở lối vào của khu phức hợp. Một số gia đình chuyển đến tầng ba, bốn, năm, sáu và tám.

Ngày hôm sau, sau khi các chủ nhà chuyển đến, chính quyền địa phương đã lắp một cổng ở lối vào của khu phức hợp và cử cảnh sát đến để đưa họ ra ngoài.

Nhưng người dân đã từ chối rời khỏi nhà.

“Chúng tôi là nông dân và công nhân với các khoản thế chấp hàng tháng khoảng 3.000 CNY [nhân dân tệ] đến 4.000 CNY (khoảng 430 USD đến 570 USD), và chúng tôi cũng đang trả tiền thuê nhà”, ông Wang nói.

Ông đã chia sẻ về khó khăn tài chính của gia đình mình. “Chúng tôi đã cắt giảm chi phí thực phẩm và sinh hoạt hàng ngày ở mức độ tối đa”.

Bà Liu và chồng đã mua một căn hộ cho cậu con trai 20 tuổi của họ. Bà ấy nói: “Đã 10 năm rồi; con trai tôi năm nay 30 tuổi. Nó chia tay vợ chưa cưới vì căn hộ này. Chúng tôi đã trải qua rất nhiều”.

Ông Li cho biết, một số người đã mua các căn hộ này cho cha mẹ già của họ, nhưng một số người đã qua đời.

Ông cho biết, một người mua ở độ tuổi 60 đã đưa người mẹ 90 tuổi của ông đến địa điểm này chỉ vài ngày trước. Bà tự hỏi liệu căn hộ có được hoàn thành khi bà vẫn còn sống hay không. “Nhiều người đã xúc động rơi nước mắt trước những lời nói của bà ấy", ông Li nói.

Bà Liu đã cố gắng thương lượng với ngân hàng của mình để tạm dừng các khoản thanh toán thế chấp, nhưng ngân hàng sẽ tăng gấp đôi lãi suất và phí trả chậm.

Bà cho biết, những người mua nhà không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục trả các khoản thế chấp và dọn đến ở tại những căn hộ chưa hoàn thành của họ là cách duy nhất để bảo vệ quyền lợi.

Nhiều dự án nhà bị đình trệ

Kể từ nửa cuối năm 2022, thị trường bất động sản Trung Quốc bị tác động bởi tình trạng kinh tế trì trệ do các biện pháp phong tỏa do đại dịch COVID-19 và việc các nhà phát triển bất động sản cạn tiền khi Bắc Kinh siết chặt quy định với các khoản nợ vượt mức.

Nhiều dự án nhà ở bị đình trệ, người mua nhà buộc phải ở trong những căn hộ chưa hoàn thiện, chẳng hạn như ở Thượng Hải và thành phố Quế Lâm ở miền Nam Trung Quốc.

Báo cáo mới nhất của Công ty Thông tin Bất động sản Trung Quốc cho biết có 290 dự án chưa hoàn thành ở 32 thành phố; tổng diện tích xây dựng 45,32 triệu mét vuông vẫn chưa được hoàn thiện và khoảng 408.000 đơn vị nhà ở vẫn chưa hoàn thành.

Trong số 290 dự án dở dang, chỉ có 21,37% dự án được tiếp tục hoàn thiện với quy mô đầy đủ, và 35,17% chứng kiến hoạt động xây dựng gián đoạn tính đến cuối năm 2022.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tình cảnh éo le của những người mua phải nhà xây dựng dang dở tại Trung Quốc