Tổn thất do ưu đãi thuế khoảng 7% thu ngân sách nhà nước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chuyên gia về chính sách thuế của tổ chức Oxfam khẳng định sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua đã không song hành với sự gia tăng của tổng thu ngân sách từ thuế. Chuyên gia chính sách thuế nhấn mạnh vào tổn thất kinh tế do ưu đãi thuế tràn lan cho doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn...

Sáng 13/11, tại Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - VERP chủ trì với sự hỗ trợ của Oxfam, các chuyên gia nghiên cứu chính sách thuế của Oxfam đã trình bày một nghiên cứu chỉ ra các bất cân đối và khoảng trống dư địa chính sách thuế mà Việt Nam có thể điều chỉnh.

Tổn thất do ưu đãi thuế khoảng 7% thu ngân sách nhà nước, ưu đãi chủ yếu dành cho doanh nghiệp FDI có quy mô vốn trên 100 tỷ

Trong nhiều năm qua, Việt Nam thực hiện nhiều chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa các vùng, cụ thể như: giảm thuế suất cho doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu, giảm thuế VAT cho các trường hợp cụ thể và miễn giảm thuế thu nhập cá nhân cho các trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên, cho tới nay, Việt Nam chưa từng có một đánh giá độc lập, định kỳ và minh bạch nào về chi phí và hiệu quả thực sự của các dự án ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp.

Đáng nói, đối tượng hưởng ưu đãi thuế, phí ở Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất lớn thuộc khu vực FDI, doanh nghiệp nhà nước.

Theo báo cáo của VERP về chi tiêu thuế tại Việt Nam (khoản ưu đãi thuế của chính phủ đối với nhóm người nộp thuế và nó nằm ngoài mức thuế hoặc hệ thống thuế chuẩn), ngành công nghiệp và xây dựng được hưởng nhiều ưu đãi thuế nhất, ngành nông nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi miễn thuế nhất.

Cũng theo báo cáo này, tổn thất do ưu đãi thuế tương đương với 7% tổng thu ngân sách nhà nước, khoảng 5% tổng chi ngân sách nhà nước. Nhóm doanh nghiệp có tỷ trọng chi tiêu thuế cao (thực chất là được hưởng ưu đãi lớn) có đặc điểm là có nguồn vốn trên 100 tỷ đồng, thuộc ngành công nghiệp và có vốn đầu tư nước ngoài.

Tổn thất do ưu đãi thuế hàng năm tương ứng với số tiền rất lớn lẽ ra có thể dùng cho phát triển y tế

Chuyên gia chính sách thuế của Oxfam, ông Johan Langrerock, cho rằng chính phủ Việt Nam không thể bỏ qua việc tính toán hiệu quả các chính sách ưu đãi thuế này vì chi phí đánh đổi về mặt xã hội là quá lớn. Theo tính toán của OECD, tổn thất doanh thu ngân sách ước tính hàng năm do ưu đãi thuế là 1% GDP, tương đương với 50.000 tỷ đồng. Với số tiền này, Việt Nam có thể đầu tư xây dựng 25 bệnh viện với quy mô 1.000 giường bệnh cho mỗi bệnh viện.

Đáng lưu ý là, khi nguồn ngân sách thu thuế từ các công ty lớn giảm, áp lực đóng thuế VAT của người dân bình thường sẽ tăng lên, hoặc dịch vụ công như y tế hay giáo dục cho người dân sẽ bị cắt giảm.

Về lý thuyết, ưu đãi dựa trên đầu tư hoặc ưu đãi dựa trên lợi nhuận doanh nghiệp mang lại tác động tích cực là thúc đẩy đầu tư, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân (dòng vốn trong và ngoài nước vào sản xuất kinh doanh). Tuy nhiên, nhược điểm của ưu đãi là kém hiệu quả và gia tăng bất bình đẳng. Việc ưu đãi tràn lan cũng thu hẹp cơ sở thu thuế, chính phủ khó dự đoán tác động đối với chi tiêu công, gia tăng mức độ phức tạp của pháp luật quốc gia. Quan trọng hơn, các ưu đãi thuế với doanh nghiệp lớn còn có thể tạo ra tham nhũng và thâu tóm ảnh hưởng bởi các nhóm nhất định.

Ưu đãi thuế có phải là chìa khóa vàng thu hút FDI - Câu trả lời là “Không”

Các chuyên gia chính sách thuế phát biểu tại Diễn đàn tin rằng ưu đãi thuế không phải là chìa khóa vàng thu hút FDI. Lấy dẫn chứng từ một khảo sát gần đây của Grant Thornton về triển vọng đầu tư tại Việt Nam, kết quả khảo sát cho thấy 69% số câu trả lời coi sự gia tăng của thu nhập khả dụng của tầng lớp trung lưu là yếu tố quan trọng nhất để đầu tư vào Việt Nam. 60% số câu trả lời cho rằng tăng trưởng kinh tế cao và ổn định là yếu tố thu hút họ. Chỉ có 13% số câu trả lời coi ưu đãi và trợ cấp của chính phủ là yếu tố quan trọng nhất.

Với thực trạng này, chuyên gia chính sách của Oxfam khuyến nghị chính phủ Việt Nam: (i) loại bỏ một số ưu đãi thuế sau khi thực hiện đánh giá tác động, và (ii) với vai trò là chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam nên bổ sung vấn đề cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN nhằm nâng cao nhận thức và khởi xướng các thảo luận cấp khu vực về chủ đề này. Cả hai hành động này đều nhắm tới việc tăng nguồn thu ngân sách từ thuế một cách công bằng và bình đẳng. Nếu thành công, bất bình đẳng trong xã hội sẽ giảm và chính phủ sẽ có nhiều nguồn lực hơn để đầu tư cho y tế, giáo dục và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt hơn ở Việt Nam.

Trà Nguyễn

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Tổn thất do ưu đãi thuế khoảng 7% thu ngân sách nhà nước