Tổng thống Biden chưa bao giờ lạc quan hơn về nước Mỹ bất chấp khủng hoảng kinh tế cận kề

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nước Mỹ liên tiếp đón nhận các tin tức xấu trong thị trường tài chính và nền kinh tế. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về đợt suy thoái kinh tế sắp diễn ra. Giữa lúc đó, Tổng thống Biden lên tiếng trấn an người dân về kinh tế Mỹ, và tiếp tục phủ nhận đã gây ra tình hình lạm phát hiện tại. Vài ngày trước đó, ông Biden thậm chí còn bày tỏ chưa bao giờ lạc quan về nước Mỹ hơn hiện nay.

Ông Biden cho rằng chưa chắc sẽ xảy ra suy thoái kinh tế

Tổng thống Biden ngày 16/06 cho biết nền kinh tế vẫn có thể tránh khỏi suy thoái.

“Trước hết, điều đó không phải là không thể tránh khỏi,” ông Biden nói, đề cập đến việc nhiều chuyên gia nói rằng một cuộc suy thoái đang gần kề. “Thứ hai, chúng ta đang có điều kiện tốt hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới để vượt qua cuộc khủng hoảng lạm phát này”, ông nói thêm.

Ông Biden đã đưa ra những phát biểu trên khi nói chuyện với Associated Press trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi.

Đảng Dân chủ thường tránh các phóng viên, đặc biệt là đối với các cuộc phỏng vấn trực tiếp.

Chính quyền của Biden đã cố gắng chống lại lạm phát khi giá khí đốt, thực phẩm và các sản phẩm cốt lõi khác tăng đột biến.

Ông Biden cho rằng người Mỹ không nên nghe theo những cảnh báo từ các nhà kinh tế về một cuộc suy thoái tiềm tàng.

“Họ không nên tin vào một lời cảnh báo,” ông nói. “Họ chỉ nên nói: ‘Hãy xem. Hãy xem cái nào là chính xác'".

Cảnh báo về suy thoái của nhiều chuyên gia

Nhiều chuyên gia tin rằng một cuộc suy thoái có thể sẽ sớm dễ dàng xảy ra. Ông Larry Summers, Bộ trưởng Tài chính thời Obama, cho biết Mỹ đã có thể sẽ bước vào thời kỳ suy thoái vào năm 2023. Ông David Brat, hiệu trưởng Trường Kinh doanh Đại học Liberty, cho biết “bạn sẽ thấy một cuộc suy thoái”. Ông Peter Atwater, một cựu giám đốc quỹ đầu cơ, cho biết nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu suy thoái.

Ông Biden chưa bao giờ lạc quan hơn về nước Mỹ

Trước đó, trong cuộc họp của Liên đoàn Lao động Mỹ và Đại hội các tổ chức công nghiệp (AFL-CIO) tại Philadelphia vào thứ 3 (14/06), Tổng thống Joe Biden đã cố gắng tạo ra cái nhìn tích cực về nền kinh tế. Tổng thống đã sử dụng bài phát biểu để nói về Đảng Cộng hòa như là một mối đe dọa đối với lương hưu, chăm sóc sức khỏe và nền kinh tế nói chung, đồng thời bày tỏ sự lạc quan của mình rằng nền kinh tế sẽ cải thiện trong tương lai.

Tổng thống Biden chưa bao giờ lạc quan hơn về nước Mỹ bất chấp khủng hoảng kinh tế cận kề
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị Lập hiến 4 năm 1 lần AFL - CIO lần thứ 29 tại Trung tâm Hội nghị Pennsylvania ở Philadelphia vào ngày 14/06/2022. (Ảnh: NICHOLAS KAMM / AFP qua Getty Images)

“Tôi thực sự tin rằng chúng ta đã đạt được tiến bộ phi thường thông qua việc đặt ra một nền tảng mới cho nền kinh tế của chúng ta, điều này sẽ trở nên rõ ràng khi lạm phát toàn cầu bắt đầu giảm xuống”, Tổng thống nói.

Đối với những người quan sát hay hoài nghi, nhận xét của Tổng thống là một nỗ lực nhằm khiến mọi người coi lạm phát gia tăng như một vấn đề toàn cầu không liên quan đến các chính sách của Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên, mức lạm phát ở Mỹ cao hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển lớn khác. Lạm phát hàng năm ở Mỹ là 4,7% vào năm ngoái, nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong nhóm G7. Tại Vương quốc Anh, giá cả tăng đã tăng với tốc độ hàng năm là 2,5%.

Theo báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất tại Mỹ, lạm phát đã tăng vọt 8,6% trong tháng 5 - cho thấy giá cả đang tăng tốc trở lại.

Tuy nhiên, bất chấp lạm phát gia tăng và thị trường chứng khoán lao dốc, ông Biden khẳng định rằng nền kinh tế đang trên đà cải thiện trong tương lai gần.

“Tôi chưa bao giờ lạc quan về nước Mỹ hơn hiện nay. Tôi thực sự có ý đó”, ông Biden nói thêm.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen gần đây đã thừa nhận rằng bà và Tòa Bạch Ốc đã sai lầm khi dự đoán rằng lạm phát sẽ chậm lại trong năm nay. Có lẽ thật khó để người dân Mỹ có thể tin vào lời của Tổng thống Biden trong lần này.

Tổng thống Mỹ phủ nhận việc đã gây ra lạm phát

Tình hình hiện nay một phần bắt nguồn từ hàng nghìn tỷ USD mà chính quyền đã chi tiêu trong đại dịch, bao gồm cả dự luật 1,9 nghìn tỷ USD mà đảng Dân chủ đã thông qua ở Quốc hội và ông Biden đã ký vào năm 2021, theo một số chuyên gia. Ông Biden đã đổ lỗi cho cuộc chiến Nga - Ukraine và các hành động khác của Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhân tố chính gây ra tình hình hiện nay.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 16/06 với AP, ông Biden cho biết kế hoạch chi tiêu có thể có "tác động nhỏ đến lạm phát" nhưng "ý tưởng cho rằng nó gây ra lạm phát thật kỳ quái". Trước đây, ông từng nói rằng dự luật đã dẫn đến "một vấn đề thực sự" vì không có đủ hàng hóa để mọi người có thể mua do các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Ông Biden cũng đáp trả những lời chỉ trích rằng tình hình kinh tế hiện nay là do lỗi của ông ta.

“Nếu đó là lỗi của tôi, vậy tại sao lạm phát cũng tăng cao ở mọi quốc gia công nghiệp lớn khác trên thế giới? Bạn có tự hỏi mình điều đó?”, ông nói.

Phản ứng với phát biểu của ông Biden

Hạ nghị sĩ Kevin Brady (bang Texas), đảng viên Cộng hòa hàng đầu trong Ủy ban Hạ viện về Cách thức và Phương tiện, nằm trong số các nhà lập pháp phản ứng với bình luận mới đây của ông Biden.

“Đáng tiếc là, do việc chi tiêu liều lĩnh thúc đẩy lạm phát của chính quyền Biden, các cuộc tấn công vào ngành năng lượng Mỹ và đàn áp khủng hoảng người lao động — tất cả đều đã bị bác bỏ và phủ nhận — #BidenRecession [Khủng hoảng Biden] là không thể tránh khỏi”, ông Brady viết trên Twitter.

Tình hình căng thẳng trong lĩnh vực tài chính

Trong khi ông Biden khẳng định những điều tích cực về nền kinh tế, các nhà phân tích tài chính lại có suy nghĩ hoàn toàn ngược lại.

Trên thực tế, nền kinh tế đang tràn ngập những tin xấu về lạm phát, việc Fed tăng lãi suất, giá năng lượng tăng cao, khủng hoảng lương thực cận kề, thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ lửa.

Hôm thứ 3 (14/06), giám đốc quỹ đầu cơ Leon Cooperman, người dự đoán rằng một cuộc suy thoái sẽ đến vào năm 2023, nói với CNBC rằng S&P 500 sẽ vẫn còn giảm nhiều. Ông Cooperman nói rằng thị trường có thể giảm tới 40% và cổ phiếu không có khả năng sớm quay lại thời kỳ thị trường tăng giá [thời kỳ có mức tăng khoảng 20%].

Chỉ số S&P 500 đã giảm 21% (được coi là thị trường giảm) khi đóng cửa vào thứ 2 (13/06), giảm xuống 3.761 từ mức đỉnh 4.800 vào tháng 1 năm nay. Trong tuần vừa qua, chỉ số này tiếp tục giảm điểm, dừng ở mức 3.674 khi đóng cửa vào hôm thứ 6 (17/06). Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones cũng lần đầu tiên rơi xuống dưới mức 30.000 tính từ tháng 01/2021, và dừng ở mức 29.888 vào lúc đóng cửa hôm thứ 6 (17/06), mất 18% so với mức đỉnh 36.799 vào tháng 1 năm nay.

Tổng thống Biden chưa bao giờ lạc quan hơn về nước Mỹ bất chấp khủng hoảng kinh tế cận kề
Các nhà giao dịch làm việc trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào ngày 14/06/ 2022 tại thành phố New York. Thị trường đang rơi vào thời kỳ suy giảm giữa những lo ngại về khủng hoảng. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)

“Quan điểm cơ bản của tôi là mức 4.800 của chỉ số S&P có thể sẽ là mức cao nhất trong một thời gian [ý nói thị trường sẽ khó tăng lên lại và sẽ tiếp tục giảm]”, ông Cooperman nói. “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ phải trải qua một thời gian dài với lợi nhuận thấp khi chúng ta cố gắng điều chỉnh tình hình”.

Trong một bài phân tích cho Reuters, ông Lewis Krauskopf cũng lập luận rằng, với lịch sử là tham chiếu, hành động của thị trường “có thể cho thấy một cuộc suy thoái đang sắp xảy ra”.

Ông Krauskopf viết: “Chín trong số 12 thị trường giảm điểm [giảm khoảng 20%] xảy ra kể từ năm 1948 đã đi kèm với suy thoái”, ông Krauskopf viết, và nói thêm rằng suy thoái có thể bắt đầu sớm nhất là vào tháng 8.

Cùng với sự lao dốc của thị trường chứng khoán, thị trường tiền điện tử cũng đang khủng hoảng. Tuần qua, giá Bitcoin cũng liên tục giảm, xuống dưới mức 20.000 USD, mức giá thấp nhất kể từ tháng 12/2020.

Ngoài ra, tính theo mức giá đóng cửa thứ 6 (10/06/2022), năm siêu ngân hàng Mỹ, những ngân hàng cốt lõi của hệ thống tài chính Mỹ, đã mất hơn 300 tỷ vốn hóa thị trường sau 1 năm. Tệ hơn, các ngân hàng này nắm giữ một lượng phái sinh khổng lồ so với tổng tài sản của họ, và chiếm 85% lượng phái sinh Mỹ. Tổng lượng tài sản phái sinh toàn nước Mỹ gấp hơn chục lần GDP của nước này. Các siêu ngân hàng đang đánh một cách bạc rất lớn với thị trường này.

Lợi suất trái phiếu ngắn hạn và dài hạn (5 năm và 10 năm) của Mỹ đảo chiều, cho thấy dấu hiệu rõ ràng báo hiệu về suy thoái và khủng hoảng tài chính.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Biden chưa bao giờ lạc quan hơn về nước Mỹ bất chấp khủng hoảng kinh tế cận kề