Tổng thống Biden: Khủng hoảng ngân hàng Mỹ vẫn chưa kết thúc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định rằng, cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ vẫn chưa kết thúc và có khả năng ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn nữa trong tương lai.

Tổng thống Biden tin rằng những sóng gió gần đây làm rung chuyển lĩnh vực tài chính vẫn chưa kết thúc. Do đó, chính quyền của ông đã sẵn sàng ban hành các cải cách pháp lý bổ sung để giải quyết bất kỳ mối quan ngại tiềm ẩn nào trong tương lai.

Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Ngân hàng Signature (SB), hai trong số các ngân hàng lớn nhất của Mỹ, đã phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về vận hành và đã bị chính quyền đóng cửa vào đầu tháng này. Bên ngoài Hoa Kỳ, các tổ chức lớn như Credit Suisse và Deutsche Bank cũng thừa nhận rằng họ đang gặp khó khăn về thanh khoản.

Tuy vậy, Tổng thống Biden vẫn ca ngợi chính quyền của ông về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp trong cuộc khủng hoảng ngân hàng, điều này làm dấy lên lo ngại về một vụ sụp đổ tài chính lớn tương tự như cuộc khủng hoảng xảy ra vào năm 2008.

Phát biểu với báo giới trước khi rời tiểu bang Bắc Carolina để quay về Nhà Trắng hôm 28/3, ông Biden cho biết: "Chúng tôi đã làm những gì cần làm. Tôi thấy tự tin rằng mọi thứ đang dần ổn định. Thị trường đang phản ứng (với các biện pháp được đưa ra)”.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cho hay, ông cũng nhận ra rằng ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với những sóng gió tiếp theo, và chính phủ của ông hiện vẫn đang giám sát chặt chẽ mọi động thái liên quan.

"[Những bất ổn trong ngành ngân hàng] vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi vẫn đang theo dõi rất chặt chẽ. Tôi cho rằng đội ngũ của tôi đã xử lý rất tốt cho đến nay. Thay vì hành động vội vã, tôi nghĩ hãy để mọi thứ diễn ra theo cách của chúng".

Trong tháng này, các nhà quản lý Hoa Kỳ đã đóng cửa Signature Bank và SVB do lo ngại về khả năng thanh toán của họ. Cả hai ngân hàng này đều phục vụ một lượng lớn khách hàng sử dụng tiền điện tử.

Trước sự sụp đổ của hai ngân hàng nêu trên hồi giữa tháng 3, Tổng thống Biden đã có bài phát biểu đầu tiên và khẳng định rằng hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ là "an toàn".

"Người Mỹ có thể tin tưởng rằng hệ thống ngân hàng an toàn. Tiền gửi của mọi người vẫn còn đó đó khi họ cần", ông Biden phát biểu trên truyền hình từ Nhà Trắng ngày 13/3, sau vụ sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Ngân hàng Signature.

Tổng thống Mỹ cam kết vụ việc sẽ không đụng đến tiền thuế của người dân mà sẽ từ bảo hiểm tiền gửi mà các ngân hàng đã đóng.

Chính quyền Mỹ đã làm rõ lập trường buộc những người có liên quan chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng. Ông Biden cho biết một khi các cơ quan chức năng tiếp quản, những người điều hành các ngân hàng sẽ bị sa thải.

Và trong khi những người gửi tiền sẽ không chịu tổn thất, các nhà đầu tư phải chấp nhận thiệt hại.

"Họ biết rõ khi mạo hiểm và khi rủi ro không được đền đáp, các nhà đầu tư sẽ mất tiền. Đó là cách chủ nghĩa tư bản hoạt động", hãng tin AFP dẫn lời ông Biden.

Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Joe Biden mới đây tiếp tục ca ngợi cách chính quyền của ông xử lý khủng hoảng ngân hàng. Ông cho rằng hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn đang ở trong tình trạng tốt, mặc dù sẽ mất một thời gian để thị trường ổn định trở lại.

Trong cuộc họp báo hôm thứ 6 (24/03) ở Ottawa (Canada), ông Biden nói: “Tôi cho rằng chúng tôi đã làm khá… tốt. Tiền tiết kiệm của người dân vẫn được bảo vệ”.

Phát biểu cùng với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, ông Biden tuyên bố rằng trong khi Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đang bảo vệ an toàn cho các khoản tiền gửi dưới 250.000 USD, cơ quan này vẫn có thể đảm bảo cho các khoản tiền gửi vượt quá số tiền trên mà không khiến người nộp thuế Mỹ phải tốn thêm chi phí.

Kể từ khi Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) có trụ sở tại California sụp đổ, ông Biden mới chỉ đưa ra một vài nhận xét về cuộc khủng hoảng ngân hàng. Sự sụp đổ của SVB và Ngân hàng Signature đã làm dấy lên nhiều lo ngại nghiêm trọng về sức mạnh và sự ổn định của hệ thống ngân hàng tại Mỹ và trên toàn cầu.

“Các ngân hàng đang ở trong tình trạng khá tốt”, ông Biden tiếp tục khẳng định. Ông trấn an rằng nếu bất ổn tiếp tục xảy ra, chính quyền của ông sẽ yêu cầu FDIC sử dụng quyền lực của mình để đảm bảo an toàn cho các khoản tiền gửi trên 250.000 USD.

Ông Biden đã đưa ra những nhận xét này trong chuyến công du chính thức đầu tiên tới Canada. Tại đây, ông đã có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Trudeau và phát biểu trước Quốc hội Canada.

Bất chấp những lời trấn an của Tổng thống Mỹ, một số ngân hàng Mỹ vẫn đang “run rẩy”. First Republic Bank, một trong 15 ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ, đã chứng kiến ​​cổ phiếu của mình bốc hơi gần 90% trong 30 ngày qua.

Tập đoàn Credit Suisse Group AG - một ngân hàng chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính, trụ sở tại Zurich, Thụy Sĩ - gần đây cũng đã gặp phải những vấn đề nghiêm trọng. Credit Suisse sau đó đã được tổ chức ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, UBS Group, mua lại với giá hơn 3 tỷ USD.

Trong khi đó, Bitcoin (BTC) đã tăng vọt lên 28.500 USD kể từ tháng 6/2022.

Huyền Anh tổng hợp

Kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Tổng thống Biden: Khủng hoảng ngân hàng Mỹ vẫn chưa kết thúc