Trái phiếu AT1 là gì? Vì sao nó bị 'xoá sổ' trong vụ phá sản của Credit Suisse?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các trái chủ, chủ yếu là các quỹ đầu tư, những người nắm giữ trái phiếu bổ sung vốn cấp 1 (AT1) cho Credit Suisse, đang làm việc với các hãng luật để phát đơn kiện, đòi lại quyền lợi tài sản cho khoản trái phiếu vốn cấp 1 bị xoá sổ của họ sau khi chính phủ ép bán tháo Credit Suisse cho đối thủ UBS.

Theo nguồn tin từ Reuters, các luật sư từ Thụy Sĩ, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đang nói chuyện với các trái chủ nắm giữ trái phiếu bổ sung vào vốn cấp 1 (AT1) của Credit Suisse, những người hiện đang bị mất trắng khoản đầu tư này sau thoả thuận mua lại Credit Suisse của UBS.

Vốn cấp 1 là nguồn vốn nòng cốt, đại diện cho mức độ an toàn vốn của ngân hàng. Về cơ bản, vốn cấp 1 chính là nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng đó; bao gồm vốn điều lệ, lợi nhuận để lại, các quỹ dự phòng (trích lập từ lợi nhuận để lại trước khi tính thuế).

Vậy trái phiếu bổ sung vốn cấp 1 là gì?

Tỷ lệ Vốn cấp 1/Tài sản có rủi ro là một trong các tiêu chí an toàn của ngân hàng thương mại. Nếu tỷ lệ này không đạt mức yêu cầu của cơ quan chức năng thì tức là rủi ro (do thiếu bộ đệm vốn) của ngân hàng đó là lớn, ngân hàng đó có thể bị hạn chế hoạt động hoặc chịu sự giám sát đặc biệt nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn này.

Do vậy, khi rơi vào trường hợp là tỷ lệ Vốn cấp 1/Tổng tài sản có rủi ro không đạt yêu cầu của cơ quan quản lý, Credit Suisse đã phải huy động vốn cấp 1. Trường hợp này Credit Suisse đã không huy động vốn cổ phần, mà sử dụng công cụ trái phiếu bổ sung vốn cấp 1 (AT1).

Trái phiếu, suy cho cùng là loại giấy nhận nợ, có kỳ hạn. Dù là dòng vốn dài hạn, đáp ứng yêu cầu về Vốn cấp 1 theo định nghĩa của NHTW Thuỵ Sỹ (SNB), thì cũng là khoản nợ dài hạn, không phải là vốn góp từ cổ đông, không phải vốn chủ sở hữu.

Nhưng tóm lại, một ngân hàng phải phát hành trái phiếu để bổ sung vào vốn cấp 1 mà không phải là phát hành thêm cổ phần hay tăng vốn điều lệ theo con đường truyền thống cho thấy đây là một ngân hàng có vấn đề. Rủi ro của những người tham gia đầu tư vào trái phiếu bổ sung vốn cổ phần cấp 1 đã cao hơn. Dù vậy, rất có thể danh tiếng ngành ngân hàng Thuỵ Sĩ và niềm tin được Chính phủ Thuỵ Sỹ cứu trợ sau vụ giải cứu UBS hồi năm 2008 (bằng tiền ngân sách) đã khiến các nhà đầu tư trở nên mạo hiểm hơn.

Lý do xoá sổ trái phiếu AT1 của Credit Suisse

Trái phiếu AT1 còn được gọi là “trái phiếu chuyển đổi dự phòng” hoặc “CoCos”. Chúng được tạo ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 như một cách để các ngân hàng thất bại bù vào khoản vốn cấp 1 bị mất mát, khiến tỷ lệ Vốn cấp 1/Tài sản có rủi ro không đạt chuẩn an toàn.

Như vậy, rõ ràng đầu tư vào Trái phiếu AT1 là cá cược với rủi ro. Nếu ngân hàng gặp rắc rối, như trường hợp của Credit Suisse, thì loại trái phiếu này lập tức chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu hoặc được ghi giảm hoàn toàn (tức là ngân hàng không có trách nhiệm phải trả nợ).

Bởi vì rủi ro cao, nên AT1 được trả lợi tức cao hơn bất kỳ loại trái phiếu nào khác trên thị trường do những người đi vay có xếp hạng tín nhiệm tương tự phát hành. Do vậy, AT1 trở nên phổ biến với các nhà đầu tư tổ chức.

Theo Reuters, ở Thụy Sĩ, các điều khoản của trái phiếu quy định rằng trong quá trình tái cơ cấu, cơ quan giám sát tài chính không có nghĩa vụ tuân thủ hệ thống phân cấp cấu trúc vốn truyền thống, đó là lý do khiến các trái chủ AT1 của Credit Suisse bị thiệt hại như mô tả ở trên.

Điều kiện mua Credit Suisse: AT1 của Credit Suisse bị bỏ rơi

Trong cuộc họp 3 bên gồm phía chính quyền Thuỵ Sỹ, Ngân hàng đối thủ UBS và Credit Suisse vào hôm Chủ Nhật (trước giờ thị trường chứng khoán Châu Á mở cửa), trước sức ép dòng tiền gửi tháo chạy ồ ạt, sức ép từ chính quyền Thuỵ Sỹ, Credit Suisse buộc phải bán lại cho UBS.

Theo Financial Times tiết lộ từ nguồn tin nội bộ, UBS không hào hứng với vụ sáp nhập này, họ hoàn toàn không có kế hoạch cho nó. Tuy nhiên, một sói già Phố Wall khác là BlackRock lại hết sức quan tâm với việc mua lại Credit Suisse.

Vấn đề ở chỗ, Ngân hàng Nhà nước Thuỵ Sỹ (SNB), chính quyền Thuỵ Sỹ không muốn một sói già Phố Wall thâu tóm Credit Suisse; vì danh tiếng ngành ngân hàng hàng trăm năm của quốc gia này, vì an ninh tài chính quốc gia, vì rất nhiều lý do...

Kết quả là UBS, dưới sự hậu thuẫn của chính quyền Thuỵ Sỹ, chỉ trong một đêm, đã thống nhất việc mua lại Credit Suisse với giá 3,2 tỷ USD kèm theo điều kiện: (i) tiếp cận được khoản vay hỗ thanh khoản 100 tỷ franc Thuỵ Sỹ (SFr) tương đương với 107,6 tỷ USD từ SNB; (ii) được nhà nước Thuỵ Sỹ đảm bảo bù lỗ 9 tỷ SFr (9,67 tỷ USD), trong đó UBS sẽ từ chịu khoản lỗ luỹ kế tới 5 tỷ SFr đầu tiên; (iii) toàn bộ khoản trái phiếu bổ sung vốn cấp 1 của Credit Suisse là 16 tỷ SFr (17,19 tỷ USD) bị xoá sổ; tức là không nằm trong trách nhiệm nợ của UBS sau khi mua lại Credit Suisse.

Việc bỏ rơi các trái chủ trong khi bảo vệ quyền lợi của cổ đông đi trái với thông lệ xử lý nợ, xử lý phá sản quốc tế. Thông thường, khi thanh lý tài sản và xử lý nợ, cổ đông là người cuối cùng trong danh sách (cùng với chủ nợ) được bảo vệ quyền lợi. Các chủ nợ luôn được ưu tiên trả nợ đầu tiên.

Theo Financial Times, quy mô trái phiếu bổ sung vốn cấp 1 tại thị trường tài chính châu Âu vào khoảng 250 tỷ USD.

Nỗi lo sợ 250 tỷ USD thành rác đã khiến cổ phiếu ngành ngân hàng châu Âu sụt giảm.

Những nạn nhân trái phiếu vốn cấp 1 của Credit Suisse là ai?

Như mô tả ở trên, AT1 là rủi ro, rất rủi ro. Nó không phải là sản phẩm tài chính truyền thống, mà là thứ tạo ra để vá víu lại lỗ hổng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Đáng lẽ, khi các NHTM không đạt chuẩn Vốn cấp 1/Tổng tài sản có rủi ro thì họ nên bị phá sản hoặc nên bị giám sát đặc biệt hoặc giả không được hoạt động ở phạm vi rộng nữa; ít nhất, họ phải thu hẹp tài sản có rủi ro trước khi hoạt động trở lại.

Nhưng rốt cuộc, thứ gọi là AT1 được sáng tạo ra.

Những người tham gia vào cuộc chơi là những tổ chức chuyên nghiệp, hơn ai hết, họ hiểu rủi ro của trái phiếu AT1 này.

Các quỹ được quản lý bởi Lazard Freres Gestion, PIMCO và GAM Investments nằm trong danh sách những tổ chức mất trắng vì nắm giữ AT1 nhiều nhất của Credit Suisse, theo dữ liệu cung cấp bởi Morningstar, dẫn nguồn bởi Reuters.

Dữ liệu của Morningstar cho thấy quỹ PIMCO có 3,49% trong tổng số 5,66 tỷ euro (6,06 tỷ USD) Quỹ Chứng khoán Vốn GIS trong trái phiếu Credit Suisse AT1.

Lazard Freres Gestion có 7,4% trong quỹ Lazard Capital Fi SRI trị giá 1,45 tỷ euro được phân bổ cho khoản nợ AT1 của Credit Suisse.

Như vậy, việc xoá sổ 17 tỷ USD trái phiếu AT1 có thể dẫn tới thua lỗ, thậm chí phá sản của nhiều quỹ đầu tư nhỏ khác khắp châu Âu, chưa kể làm tê liệt hoàn toàn thị trường trái phiếu AT1; ít nhất trong một quãng thời gian nữa.

Cuộc giải cứu Credit Suisse đã gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường châu Âu. Giá trái phiếu của các ngân hàng chịu áp lực khi các nhà đầu tư từ bỏ hoặc lo lắng rủi ro tiềm ẩn khi nắm giữ trái phiếu AT1.

Theo một bài báo của Reuters, các trái chủ nắm giữ AT1 đang tập hợp lại và nói chuyện với các hãng luật để cứu vãn tổn thất này.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Trái phiếu AT1 là gì? Vì sao nó bị 'xoá sổ' trong vụ phá sản của Credit Suisse?