Trái phiếu đặc biệt của Trung Quốc cực kỳ rủi ro đối với các ngân hàng thương mại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch bán 1.000 tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) trái phiếu chính phủ (TPCP) đặc biệt để cấp tiền cho địa phương, ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém nhưng “không làm thâm hụt ngân sách”. Tuy nhiên, bản chất của chính sách này là chỉ định các NHTM lớn mua TPCP đặc biệt, thực chất là lấy khoản tiền dự phòng rủi ro của NHTM để mua TPCP. Chính sách liều lĩnh và giảo hoạt này còn cho thấy Trung Quốc đang thực sự cạn tiền.

Động thái chính sách gần đây nhất của Trung Quốc là tuyên bố chuẩn bị phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ (CNY), tức là khoảng 140 tỷ USD TPCP đặc biệt. Theo thông điệp chính sách mà Bắc Kinh công bố, TPCP đặc biệt này không làm tăng nợ chính phủ (vốn đã rất cao) của nước này, không làm gia tăng thâm hụt ngân sách trong khi vẫn đảm bảo nguồn tiền thực rót cho các địa phương đang khó khăn và nhiều NHTM yếu kém trong hệ thống.

Nhưng thực tế, TPCP đặc biệt Trung Quốc phát hành lần này rất rủi ro cho hệ thống NHTM. Tác dụng duy nhất của khoản nợ lớn mà Bắc Kinh phát hành theo cách này chính là làm đẹp “thành tích” vĩ mô và tạo ảo tưởng rằng khoản nợ 1.000 tỷ CNY không làm giảm dư địa chính sách tiền tệ, tài khóa mà Bắc Kinh đang ra sức “tuyên truyền” là rất dồi dào của họ.

Chính quyền Trung Quốc từng hai lần phát hành TPCP đặc biệt trước đó

Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, Trung Quốc đã bán 270 tỷ CNY TPCP đặc biệt - mức rất lớn tại thời điểm đó - để huy động vốn cho các ngân hàng nhà nước lớn của mình và giúp bù lỗ từ các tài sản kém chất lượng.

Tới năm 2007, Trung Quốc tiếp tục phát hành 1.550 tỷ CNY TPCP đặc biệt để chuyển thành vốn hóa cho China Investment Corporation – Tập đoàn quỹ đầu tư Trung Quốc (CIC). Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu được sử dụng để mua các khoản dự trữ ngoại hối từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOB), và những khoản tiền này sau đó đã được chuyển đến CIC.

Ai là người mua TPCP đặc biệt lần này?

Theo Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng cho Trung Quốc và Bắc Á tại Standard Chartered Bank (HK) Ltd., trái phiếu đặc biệt cuối cùng có thể là một phần của bảng cân đối của PBOC, giống như những gì đã xảy ra trong năm 2007. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng PBOC không thể mua nợ trực tiếp một cách hợp pháp, do đó, một lộ trình khác sẽ phải được sử dụng.

Lộ trình khác chính là PBOC ngầm chỉ định cho các NHTM, các định chế tài chính lớn trong nước phải “tiêu hóa” 1.000 tỷ CNY TPCP đặc biệt này.

TPCP đặc biệt thực chất là chuyển tiền dự phòng rủi ro và dự trữ bắt buộc của NHTM để cấp cho chính quyền chi tiêu

Trong bối cảnh đại dịch kéo dài, huy động khó khăn và nợ xấu tăng cao, thanh khoản ngân hàng cũng bị ảnh hưởng lớn, các NHTM lớn có thể không có sẵn nguồn tiền mặt để hấp thụ hết số lượng TPCP này. Trong trường hợp đó, họ có thể dùng tiền từ dự phòng rủi ro và thậm chí là dự trữ bắt buộc.

Điều này hoàn toàn không phải là suy đoán vô căn cứ.

Với thể chế không độc lập với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như PBOC và hệ thống NHTM không vận hành theo nguyên tắc thị trường, chịu ảnh hưởng lớn bởi các mệnh lệnh hành chính thì điều này dễ dàng diễn ra, giống như những gì chính quyền Bắc Kinh và PBOC vẫn thường làm trong quá khứ. Đổi lại, khi NHTM lớn mua các loại TPCP đặc biệt này, họ có thể dùng chúng để thay thế cho phần dự trữ bắt buộc hoặc dự phòng rủi ro nợ xấu của các NHTM.

Như vậy, bản chất của hành động này là thay vì để tiền, ngoại tệ, vàng hoặc các giấy tờ có giá, đáng tin cậy khác như TPCP Mỹ, ECB,… dự phòng rủi ro trong két, thì tiền dự phòng rủi ro của các NHTM lớn của Trung Quốc lại trở thành TPCP đặc biệt. Tiền từ PBOC sẽ chuyển sang cho chính quyền trung ương, chính quyền trung ương lại dùng tiền này để tài trợ cho thâm hụt ngân sách địa phương, tài trợ cho các NHTM yếu kém...

Nói tóm lại, mặc dù ĐCSTQ tuyên truyền rằng chính sách này sẽ “không làm thâm hụt ngân sách”, nhưng thực chất đó vẫn là một khoản nợ khổng lồ của chính phủ đối với người dân Trung Quốc.

Làm đẹp “thành tích” vĩ mô và tạo ra dư địa chính sách tiền tệ, tài khóa “ảo”

Các nước khác khó có thể học được chính sách này của Trung Quốc trừ Việt Nam, là vì chỉ có ở Trung Quốc và Việt Nam thì ngân hàng trung ương mới hành động theo mệnh lệnh của chính phủ.

Mặt khác, Trung Quốc sử dụng chính sách này để có thể tuyên truyền với thế giới rằng cho tới nay, Trung Quốc vẫn là quốc gia duy nhất có dư địa chính sách dồi dào nhất thế giới, hiệu quả chính sách tiền tệ của Trung Quốc gấp 10 lần Mỹ (trong một tuyên bố so sánh của quan chức Trung Quốc).

Theo PBOC, mỗi 1 đồng CNY bơm vào hệ thống tài chính tạo ra khoản vay ngân hàng gấp 3,5 lần để hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình (trong khi Mỹ đã bơm 1,6 nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính nhưng chỉ tạo ra 500 tỷ USD khoản vay mới). Các khoản vay ngân hàng mới trong quý I/2020 đạt tổng cộng 7,1 nghìn tỷ CNY (tương đương 1,01 nghìn tỷ USD), tăng mạnh từ mức 5,81 nghìn tỷ CNY cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu thống kê của PBOC. Tính đến cuối tháng 3, tổng cung tiền trong nền kinh tế tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 1,3% so với tháng 2 và vượt qua dự báo tăng 8,8% của thị trường.

Việc này là nhằm để Trung Quốc kêu gọi phối hợp chính sách toàn cầu, thúc đẩy giá trị đồng CNY và thúc đẩy các quốc gia khác ký hợp đồng hoán đổi đồng CNY lấy đồng USD với PBOC. Tuy nhiên, nếu thế giới vẫn tin tưởng Trung Quốc thì rất có thể sẽ phải nhận hậu quả đắng cay: việc ký kết hợp đồng hoán đổi ngoại tệ với Trung Quốc chỉ thúc đẩy khủng hoảng ngoại tệ nhanh hơn vì thực chất Trung Quốc đã cạn kiệt chính sách tiền tệ!

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Trái phiếu đặc biệt của Trung Quốc cực kỳ rủi ro đối với các ngân hàng thương mại