Trái phiếu doanh nghiệp: Cơ hội hay 'bom nổ chậm'?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù khả năng phát hành TPDN của hầu hết các doanh nghiệp trong nền kinh tế thực đều hết sức khó khăn do thị trường TPDN thiếu minh bạch, thiếu các hãng xếp hạng tín nhiệm độc lập đáng tin cậy, rủi ro lớn hơn thuộc về người mua trái phiếu… Nhưng ngạc nhiên là TPDN lại là thị trường tăng trưởng khá bất chấp nhiều yếu tố bất lợi. 

6 tháng đầu năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) duy trì đà tăng trưởng, ghi nhận một số kết quả tích cực. Nửa cuối năm 2021, nhu cầu TPDN được dự báo tiếp tục ở mức cao.

Cách giải thích phổ biến cho hiện tượng này là có thể việc tiếp cận vốn tín dụng giá rẻ của các ngân hàng không dễ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều ngân hàng thương mại đã chạm tới giới hạn trần tín dụng mà Ngân hàng nhà nước cấp cho.

Việc phát hành TPDN luôn khiến doanh nghiệp phải trả mức lãi suất cao hơn lãi suất đi vay ngân hàng. Trong thực tế, khả năng phát hành TPDN của hầu hết các doanh nghiệp trong nền kinh tế thực đều hết sức khó khăn do thị trường TPDN thiếu minh bạch, thiếu các hãng xếp hạng tín nhiệm độc lập đáng tin cậy, rủi ro lớn hơn thuộc về người mua trái phiếu… Nhưng ngạc nhiên là TPDN lại là thị trường tăng trưởng khá bất chấp nhiều yếu tố bất lợi.

Dù bị siết, trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng trưởng mạnh

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2021, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ là 168.702 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành chiếm tới 40,2% tổng khối lượng phát hành.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản ít huy động vốn qua trái phiếu hơn, chỉ chiếm 13,2% tổng khối lượng phát hành. Tổng khối lượng huy động trái phiếu của nhóm này giảm tới 55,5% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi suất phát hành bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 7,9%/năm, giảm 1,6%/năm so với mức 9,5% cùng kỳ năm 2020.

Xét cơ cấu theo nhà đầu tư, công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, chiếm 44,4% tổng khối lượng phát hành. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường sơ cấp chiếm 5,7% khối lượng phát hành, giảm mạnh so với tỷ trọng 12,68% nhà đầu tư cá nhân năm 2020.

Các chuyên gia cho rằng, diễn biến nửa đầu năm 2021 trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng sau khi có các văn bản pháp luật mới được ban hành để hoàn thiện hơn khung pháp lý cho thị trường trái phiếu. Trong đó, Nghị định 153 đưa ra những nguyên tắc khá đầy đủ đối với tổ chức phát hành, theo đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ.

Nhu cầu phát hành trái phiếu đang rất cao

Sang quý 3/2021, các chuyên gia cũng nhận định, nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp vẫn cao với lãi suất khó giảm. Dù lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp nằm trong xu hướng giảm từ quý 3/2020 đến nay, nhưng rất nhỏ so với mức giảm mạnh của lãi suất tiền gửi tại ngân hàng.

Hiện chênh lệch giữa lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiền gửi giữ ở mức cao giúp thị trường trái phiếu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021.

Ngoài ra, thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn khá dồi dào và Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần 4. Do đó, lãi suất tiền gửi có thể vẫn giữ ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ vào cuối năm 2021, lợi tức từ trái phiếu doanh nghiệp vẫn hấp dẫn so với kênh đầu tư tiền gửi.

Đồng thời, hạn mức tín dụng của các ngân hàng thương mại, dù mới được nới room nhưng vẫn còn ở mức thấp so với cùng kỳ và thấp hơn đề xuất của các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn tín dụng giá rẻ của các ngân hàng không dễ đối với các doanh nghiệp không nằm trong các nhóm ngành được ưu tiên hoặc bị hạn chế về tài sản đảm bảo như các doanh nghiệp bất động sản.

Vì vậy, theo các chuyên gia, nhu cầu huy động vốn vay qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn cao và lãi suất phát hành bình quân sẽ vẫn dao động quanh mức khoảng 10%/năm.

nợ xấu của hệ thống NHTM trong nước luôn xuất phát từ nợ xấu của tín dụng dành cho bất động sản. (Ảnh: Getty Images)
Hiện chênh lệch giữa lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiền gửi giữ ở mức cao giúp thị trường trái phiếu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021. (Ảnh: Getty Images)

'Bom nổ chậm' ở trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính vừa phát đi cảnh báo về bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khuyên nhà đầu tư cẩn trọng mua trái phiếu qua ngân hàng và công ty chứng khoán...

Trong thời điểm các kênh đầu tư khó khăn, trái phiếu doanh nghiệp là kênh hút vốn hấp dẫn với cả doanh nghiệp phát hành lẫn nhà đầu tư. Nói với phóng viên VnEconomy, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia lý giải “lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn “neo” ở mức thấp, nhưng lãi suất cho vay vẫn cao, dẫn đến nhiều doanh nghiệp không vay được vốn của ngân hàng, buộc phải phát hành trái phiếu. Mặt bằng lãi suất chủ yếu từ 12-14%/năm, nhưng có lúc lên đến 20%/năm.

Ngoài ra, “hiện ngân hàng kiểm soát vay chặt chẽ hơn, về mục đích sử dụng vốn, quy trình, thủ tục, giấy tờ. Chính vì vậy, những doanh nghiệp khởi nghiệp, vừa và nhỏ không có tài sản đảm bảo để thế chấp, đều không có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng.

Tốt nhất, mượn con đường phát hành trái phiếu để huy động vốn, vừa không bị kiểm soát mục đích sử dụng vốn, vừa có kỳ hạn dài hơn. Thủ tục lại không quá phức tạp như phía ngân hàng, đặc biệt không cần tài sản thế chấp, hoặc tài sản thế chấp không bị kiểm tra ngặt nghèo”, ông Nghĩa phân tích.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, từ ngày 01/01/2023, khi chào bán trái phiếu phải bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với những đợt phát hành có có giá trị lớn, là giải pháp “cứu cánh” nhà đầu tư cá nhân không chuyên.

Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Nghĩa, tại Việt Nam, rất khó xin được giấy phép về đánh giá tín nhiệm. “Đánh giá tín nhiệm chưa chắc dám công bố, vì sợ doanh nghiệp kiện tụng, khiếu nại, đổ lỗi những khó khăn của mình do tổ chức đánh giá tín nhiệm gây ra”. Ngoài ra, không phải doanh nghiệp nào cũng cởi mở, sẵn sàng công bố thông tin, trong khi pháp lý thì chưa bắt buộc. Đây chính là lỗ hổng mà các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính kém có thể dùi vào, gây rủi ro cho các nhà đầu tư thiếu thông tin.

Giống như thời kỳ đầu, các doanh nghiệp mới niêm yết trên sàn, hay lo sợ bị đánh giá về sức khỏe tài chính, lo lắng liệu thang đo có chuẩn hay không, thông tin minh bạch, độc lập không, hay lại “chân trong, chân ngoài”. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải cân đối giữa chi phí tuân thủ, chi phí trả cho đánh giá độc lập, chi phí “phơi bày” cho công chúng sức khỏe tài chính của họ.

‘Cuộc chơi’ TPDN đang nằm trong tay các ngân hàng và giới chủ bất động sản

Cập nhật từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong tháng 6/2021, có 92 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 53.773 tỷ đồng.

Trong tháng 6, có khoảng 72,4% khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm, chủ yếu thuộc các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán. Trong nhóm trái phiếu bất động sản, 19,4% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm.

Nhóm các ngân hàng thương mại vẫn dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 68.113 tỷ đồng.

Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo kỳ hạn và theo nhóm ngành trong 6 tháng đầu năm. Nguồn. Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).
Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo kỳ hạn và theo nhóm ngành trong 6 tháng đầu năm. Nguồn. Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).

Nhóm bất động sản xếp vị trí thứ 2 với tổng khối lượng phát hành 61.988 tỷ đồng.

Tính riêng tháng 6 vừa qua, lãi suất phát hành đối với nhóm ngành bất động sản dao động trong khoảng 8,5-12,5%/năm. Đối với nhóm ngân hàng, không phải trái phiếu tăng vốn cấp 2, dao động trong khoảng 3- 4,2%/năm.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho biết: “Lãi suất cao gắn liền với rủi ro cao. Các nhà đầu tư phải thận trọng, phải có thông tin minh bạch từ phía nhà phát hành.

Đồng thời, lưu ý sự mập mờ khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu phân phối thông qua một ngân hàng thương mại, bởi nhiều người mua trái phiếu nhầm tưởng là được ngân hàng bảo lãnh. Các ngân hàng chỉ bán hộ, không phải bảo lãnh, bởi Ngân hàng trung ương kiểm soát rất chặt chẽ ngân hàng thương mại bảo lãnh cho trái phiếu doanh nghiệp”.

Tâm Chính



BÀI CHỌN LỌC

Trái phiếu doanh nghiệp: Cơ hội hay 'bom nổ chậm'?