Triển vọng kinh tế của Trung Quốc đang xấu đi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự sụt giảm giá trị của các công ty công nghệ, hay sự biến mất của một tỷ phú có lẽ mới chỉ là sự bắt đầu. Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi con đường phát triển thù địch với phương Tây, và rủi ro trong môi trường đầu tư ở Trung Quốc đang gia tăng.

Ba công ty công nghệ Trung Quốc vào ngày 21/02 đã mất 33 tỷ USD giá trị trong giao dịch chứng khoán tại Mỹ. Tập đoàn Alibaba, JD.com và PDD Holdings đang gặp khó khăn hơn trong việc mở rộng ra quốc tế và do đó đã chuyển sang cạnh tranh khốc liệt với nhau để giành giật thị trường nội địa, điều có thể sẽ làm giảm giá cổ phiếu và lợi nhuận của họ.

Trong vài tháng qua, Bắc Kinh đã ra hiệu về sự chấm dứt cuộc đàn áp công nghệ, hủy bỏ lệnh phong tỏa kéo dài ba năm do COVID và tuyên bố tại Davos sẽ mở cửa đất nước trở lại cho kinh doanh. Tuy nhiên, buổi lễ ăn mừng dành cho các nhà đầu tư vẫn mang tính cảnh giác, ngắn ngủi và theo sau đó là sự nôn nao khó chịu.

Các nhà đầu tư nước ngoài rút lui khỏi Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đàn áp các doanh nghiệp công nghệ thành công nhất của đất nước và các nhà lãnh đạo của họ, đáng chú ý nhất là sự biến mất của Jack Ma vào năm 2020. Chế độ này đã hủy bỏ đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant Group, một sự kiện được dự kiến là béo bở nhất thế giới với hơn 34 tỷ USD tiền chào bán cổ phiếu. Didi, công ty gọi xe hàng đầu của Trung Quốc, đã IPO tại Mỹ vào năm 2021 với giá 4,4 tỷ USD. Vài ngày sau, Bắc Kinh đã cấm ứng dụng của họ. Công ty đã bị hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán New York, mất khoảng 70% giá trị và bị Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) điều tra.

Giờ đây, sau tất cả những lần lừa đảo các nhà đầu tư quốc tế, Bắc Kinh lại đang cố gắng lôi kéo dòng tiền nước ngoài thông qua các đợt IPO, nhưng vẫn không đưa ra sự đảm bảo về các hình thức sở hữu của cổ đông và các biện pháp bảo vệ doanh nghiệp mạnh mẽ khỏi thuế, quy định quá mức và việc giam giữ tùy tiện ban lãnh đạo công ty.

Trong tháng này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dường như đã làm biến mất một tỷ phú công nghệ khổng lồ khác tên là Bao Fan. Không có cáo buộc công khai nào, nhưng tội danh có thể có đối với ông Bao Fan nằm ở nỗ lực gần đây để chuyển một số tài sản của ông đến văn phòng gia đình ở Singapore từ Trung Quốc.

Triển vọng kinh tế của Trung Quốc đang xấu đi
Các nhà giao dịch làm việc trên sàn giao dịch chứng khoán New York khi giá chào bán lần đầu (IPO) của Tập đoàn Alibaba được quyết định, tại thành phố New York, vào ngày 19/09/2014. (Ảnh: Andrew Burton/Getty Images)

Khi người nước ngoài đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc, họ thường làm như vậy dưới sự kiểm soát quy định ngày càng chặt chẽ và các mô hình sở hữu đặc biệt (Variable interest entities - VIE), một “mạng nhện của các nghĩa vụ hợp đồng” không thực sự trao quyền sở hữu trong công ty Trung Quốc, theo Financial Times. Các nhà đầu tư đã mua các VIE của Trung Quốc trị giá khoảng 2 nghìn tỷ USD, nghĩ rằng họ sở hữu thứ gì đó hơn là một mong ước và lời hứa, thứ phụ thuộc vào sở thích được duy trì của Bắc Kinh đối với các nhà tư bản nước ngoài. Cuối cùng, họ có rất ít sự bảo vệ của pháp luật - chế độ Trung Quốc được cai trị bằng quyền lực cá nhân của ông Tập Cận Bình hơn là các nguyên tắc thị trường đã được thiết lập.

Ngoài ra, SEC đã không đạt được sự tuân thủ báo cáo từ các công ty Trung Quốc trong nhiều năm. Các công ty kế toán - chẳng hạn như KPMG, PwC, Deloitte và EY - hiện (điều mới có được gần đây) phải có quyền truy cập vào sổ sách của các công ty Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ, nếu không các công ty này sẽ bị hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch của Mỹ.

Nhưng việc thực sự có được dữ liệu đòi hỏi áp lực chưa từng có và liên tục từ chính quyền Mỹ. Một báo cáo vào ngày 22/02 tiết lộ rằng Bắc Kinh đang nói với các công ty nhà nước của mình rằng họ nên để các hợp đồng với các công ty Big Four (các công ty kiểm toán trên) này hết hạn. Đó là một điểm báo không tích cực đối với ngay cả các công ty không thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc.

Con đường thù địch

Khi ĐCSTQ tiếp tục đi theo con đường thù địch của mình, các biện pháp đối phó kinh tế đang gia tăng. Bằng chứng về xu hướng này thể hiện rõ ràng nhất trong nỗ lực của ông Tập Cận Bình nhằm tìm cách bảo về nền kinh tế Trung Quốc bằng cách rời xa đồng USD và vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Vào ngày 23/02, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã cảnh báo Bắc Kinh rằng bất kỳ sự giúp đỡ nào mà nước này dành cho Nga trong việc “trốn tránh các biện pháp trừng phạt có hệ thống” sẽ dẫn đến “hậu quả nghiêm trọng”. Những hậu quả như vậy có thể liên quan đến các biện pháp trừng phạt thứ cấp và tăng cường kiểm soát xuất khẩu. Về lâu dài, việc Bắc Kinh ủng hộ cuộc xâm lược Ukraine của Moscow cũng có thể dẫn đến việc tăng thuế quan.

Lời kêu gọi của Bắc Kinh về “đối thoại và đàm phán” giữa Nga và Ukraine, được đưa tin vào tuần trước, không nên được coi là một bước tiến. Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin sẽ sử dụng các cuộc đàm phán để củng cố các cuộc chinh phục của ông ta ở Crimea và Donbas, trao quyền cho ông ta để chinh phục thêm sau này. Việc nhân nhượng cho ông Putin khuyến khích và hợp pháp hóa các cuộc chinh phục, bao gồm cả việc chinh phục Đài Loan của Trung Quốc.

Việc Tập Cận Bình đang tích cực lên kế hoạch đi theo con đường thù địch được thể hiện qua những nỗ lực của ông nhằm định hướng lại nền kinh tế Trung Quốc hướng tới người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, con đường chuyển đổi đó vấp phải nhiều vấn đề, vì hầu hết hàng xuất khẩu của Trung Quốc hiện đang đi đến Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Không quốc gia nào trong số này có thiện cảm với sự cai trị của ông Tập, và tất cả có thể liên kết với nhau để gia tăng các biện pháp trừng phạt.

Do đó, những rủi ro cơ bản trong môi trường đầu tư của Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn. Ông Tập đang xiềng xích nền kinh tế bằng hình thức quản lý tập trung lạc hậu, đồng thời cố gắng lợi dụng nó để giúp ĐCSTQ lên kế hoạch tiếp quản Đài Loan vào năm 2049 và thực hiện mục tiêu đầy tham vọng một cách nguy hiểm là bá quyền toàn cầu.

Ít nhất thì cả hai đều là những mục tiêu khó đạt được đối với Bắc Kinh. Chúng kéo theo sự suy kiệt lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc và rủi ro gia tăng đối với sự ổn định chính trị và kinh tế của Đông Á và hơn thế nữa.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).



BÀI CHỌN LỌC

Triển vọng kinh tế của Trung Quốc đang xấu đi