Trò quản lý bịp bợm đang dần chấm dứt tại Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong những năm qua, Mỹ đã phát triển một đội ngũ những nhà quản lý hoàn toàn không đóng góp gì cho công ty, không ngừng tạo ra những mớ hỗn độn và kiếm được mức lương khổng lồ bằng việc giả vờ giám sát mọi thứ. Tuy nhiên, sự thay đổi về điều kiện kinh tế khiến sự hợp lý và tỉnh táo đang dần trở lại.

Khi tôi 15 tuổi, tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời khi làm việc tại một nhà hàng cá địa phương. Tôi là một người phụ giúp cho bồi bàn kiêm người rửa bát đĩa và đã vô cùng tự hào về công việc của mình. Cọ rửa và lau bàn là một công việc với trách nhiệm to lớn. Để lại dầu mỡ và những thứ dính trên đĩa và ghế là một cách chắc chắn để xua đuổi khách hàng. Tôi rất phấn khích khi được giao nhiệm vụ.

Kiểu sếp tốt nhất

Một ngày nọ, người sếp đến và kiểm tra nhà bếp. Ông ấy thấy rằng phần thép dưới bồn rửa chén khá bẩn. Tôi và đồng nghiệp của tôi đã sai lầm khi bỏ qua phần đó của bồn rửa. Ông ấy vớ lấy một chiếc bàn chải cứng với một ít bột tẩy Clorox rồi quỳ xuống bắt đầu kỳ cọ và giải thích. Ngay khi bắt đầu, ông ấy đã không thể dừng lại và đã làm điều này trong 30 phút trong khi những người còn lại trong chúng tôi bận rộn với những công việc khác.

Chúng tôi không bao giờ bỏ bê mặt dưới của bồn rửa nữa.

Tuyệt vời. Một sự tôn trọng lớn. Đó là kiểu nhà quản lý mà tôi ưa thích. Ông ấy cũng tình cờ là chủ sở hữu.

Quả thật, ông ấy có thể thực hiện hầu hết các công việc trong nhà bếp một cách hiệu quả và tỉ mỉ hơn bất kỳ nhân viên nào. Ngày hôm đó tôi đã nhận ra vai trò của mình là gì. Tôi ở đó để làm những gì ông ấy sẽ làm nếu ông ấy không có những nhiệm vụ khác mà trong đó ông ấy là một chuyên gia giỏi hơn. Đây chính xác là kiểu sếp tốt nhất: một người cực kỳ quan tâm đến những chi tiết cơ bản trong hoạt động của doanh nghiệp, sẵn sàng làm bất cứ điều gì.

Tôi đã được nhắc lại về điều này vào ngày hôm qua khi tôi ghé thăm cửa hàng tạp hóa Halal yêu thích của mình chuyên về thực phẩm cho nhóm dân số chủ yếu đến từ khu vực Trung Đông. Người chủ là người quản lý và người quản lý cũng là nhân viên chính. Khi tôi bước vào, ông ấy đang lau sàn nhà. Ông ấy đặt cây lau nhà xuống và chạy đến quầy để tính tiền một vài gia vị mà tôi định mua.

Đây là loại hình doanh nghiệp sẽ phát triển tốt trong thời đại của chúng ta. Đó là bởi vì ban quản lý được kết hợp với đội ngũ nhân viên và không có ai làm việc ở đó mà không thực sự làm những việc có giá trị. Mọi người đều cần thiết. Và hạnh phúc.

Thực trạng tại công ty Mỹ

Trò quản lý bịp bợm đang dần chấm dứt tại Mỹ
Logo Google bằng gỗ được treo tại một gian hàng tại lễ hội xã hội kỹ thuật số Re:publica năm 2022 vào ngày 09/06/2022 tại Berlin, Đức. (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

Điều đó không đúng với các công ty Mỹ hiện nay. Không một chút nào. Đây là nơi mà họ tưởng tượng rằng có thứ gọi là “quản lý” mà hoàn toàn không liên quan đến công việc của công ty. Nếu bạn đọc bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào về quản lý, bạn cũng sẽ phát hiện ra điều này. Đó là một thế giới tưởng tượng trong đó có những nhà hoạch định và những kẻ độc tài và những người bên dưới họ theo trật tự phân hạng, những người thực hiện mệnh lệnh của họ mặc dù cấp quản lý không thể thực hiện hoặc thậm chí mô tả công việc đang được thực hiện một cách thành thạo.

Trong cuộc đời nghề nghiệp của tôi, tôi gặp ngày càng nhiều những người này, những cá nhân tưởng tượng rằng kỹ năng của họ hoàn toàn nằm ở việc chịu trách nhiệm quản lý mà không thực sự có năng lực để làm bất cứ điều gì khác. Thực sự, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp một doanh nghiệp lẽ ra sẽ hoạt động tốt hơn rất nhiều nếu không có họ nhưng nguồn lực vẫn còn đó và vì vậy họ vẫn tiếp tục công việc của mình và không ngừng tạo ra những mớ hỗn độn đáng kinh ngạc.

Có một người mà tôi biết chỉ có một kỹ năng duy nhất: lập bảng tính cho nhân viên mà ông ấy giám sát. Mỗi nhân viên có một bảng tính khổng lồ về những việc họ phải làm. Công việc của ông ấy, như ông ấy thấy, là đảm bảo rằng tất cả họ đều làm những việc mà ông ấy nói họ nên làm trong khuôn khổ thời gian theo ông ấy nói. Ông ấy không thể tự mình làm những việc đó và cũng không biết giá trị của chúng. Nhưng ông ấy sẽ không chấp nhận sự phản kháng từ bất cứ ai. Ông ấy tự nhốt mình trong phòng với mớ bảng tính của mình. Đó là tất cả những gì ông ấy làm. Ông là một người quản lý. Mọi người đều biết ông ấy là người thừa nhưng không ai có thể làm gì được vì ông ấy có một kỹ năng khác: thuyết phục cấp trên của mình rằng ông ấy chịu trách nhiệm cho mọi thành tựu trong bộ phận của mình. Và vâng, ông ấy bị nhiều người căm ghét.

Điều này sẽ không tồn tại được lâu trong bất kỳ công ty nào tốt hoạt động trong điều kiện thị trường bình thường. Nhưng các điều kiện thị trường bình thường không phải là đặc trưng của ngành công nghiệp, chứ đừng nói gì đến khu vực phi lợi nhuận, ở hầu hết các nơi trên thế giới trong hơn một thập kỷ rưỡi trở lên vừa qua.

Có một lý do khiến bộ truyện tranh Dilbert trở nên nổi tiếng như vậy. Nó mô tả tốt thực tế kinh hoàng này. Ngoài ra, có lý do khiến các chương trình như “The Office” (Công sở) trở nên nổi tiếng. Nó trưng bày một mô hình thu nhỏ về đời sống nghề nghiệp ngày nay của rất nhiều nhân viên.

Cắt giảm

Trò quản lý bịp bợm đang dần chấm dứt tại Mỹ
Một chiếc điện thoại di động hiển thị ảnh của Elon Musk được đặt trên màn hình máy tính có đầy các biểu tượng Twitter ở Washington, DC, Mỹ, vào ngày 05/08/2022. (Ảnh: SAMUEL CORUM/AFP qua Getty Images)

Đúng như dự đoán, nhiều công ty đã mở rộng trong quá trình ứng phó với đại dịch và trước đó đang cắt giảm nhân viên. Và đó không chỉ là một nhân viên ngẫu nhiên. Chính tầng lớp quản lý đang bị cắt giảm - ban quản lý và bộ máy quan liêu khổng lồ bao quanh chúng. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chính phủ mà còn ảnh hưởng đến một lượng lớn tổ chức trong khu vực tư nhân.

Chắc chắn là hiện nay có rất nhiều công việc đăng tuyển dành cho những người biết cách làm những việc thực sự và cần phải làm. Nhưng trong giới thượng lưu không làm gì cả và chỉ nhìn chằm chằm vào màn hình, những người kiếm được mức lương khổng lồ khi giả vờ giám sát mọi thứ, thì việc kiếm và giữ công việc ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Các bộ phận nhân sự đang được thanh lọc và Chúa biết rằng có sự dư thừa ở đó. Nhưng tình trạng đó cũng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực không quan trọng khác của công ty, từ tiếp thị đến bộ phận công bằng xã hội đến bộ phận truyền thông. Một vài trong số những điều này là cần thiết nhưng chính tầng lớp bên trên mới là vấn đề.

Công ty tiết kiệm được chi phí lao động không chỉ bởi vì thanh lọc những tầng lớp này. Những gì các công ty phát hiện ra là việc loại bỏ toàn bộ các tầng lớp nhân sự thực sự cải thiện hoạt động. Khi ông Elon Musk loại bỏ 4 trong số 5 nhân viên khỏi Twitter, trước sự sửng sốt và kinh ngạc tột độ, cả thế giới doanh nghiệp đã được theo dõi kết quả. Điều đã xảy ra là Twitter trở nên tốt hơn. Đây là một thông điệp nghiêm túc.

FedEx đã nghe thấy thông điệp đó. Nó đang loại bỏ hàng chục nghìn người, trong đó có 10% vị trí quản lý và giám đốc. Cuối cùng, điều khiến công ty này thực sự hoạt động hiệu quả chính là những người làm việc: xây dựng và vận hành công nghệ, lái xe tải, lái máy bay, và thực sự nhận các gói hàng và giao chúng. Thật đáng kinh ngạc, thường xảy ra trường hợp những người bảo nhân viên phải làm gì lại không thể tự mình làm những công việc này.

Xu hướng đang tấn công toàn bộ giới tinh hoa của công ty trong lĩnh vực công nghệ, tài chính và truyền thông: Goldman Sachs, Salesforce, Coinbase, Meta/Facebook, Microsoft, CNN, The New York Times, Alphabet/Google, Amazon, PayPal, Spotify, Wayfair, Vox, Newell, và tất cả những công ty còn lại, một làn sóng chưa có hồi kết. Đây sẽ là năm mà lớp bọt dư thừa được tách ra khỏi đỉnh, để các công ty có thể tồn tại.

Xu hướng tương tự cũng ảnh hưởng đến việc đăng tuyển việc làm. Trong lĩnh vực giải trí và du lịch - nhà hàng - khách sạn, nơi mọi người thực sự làm việc và có kỹ năng, cơ hội đang tăng lên. Nhưng trong các dịch vụ kinh doanh chuyên nghiệp, chúng đang giảm.

Trò quản lý bịp bợm đang dần chấm dứt tại Mỹ
Biểu đồ so sánh lượng đăng tuyển việc làm. Đường màu xanh lá cây: lượng đăng tuyển trong ngành Dịch vụ Kinh doanh và Chuyên nghiệp. Đường màu đỏ: lượng đăng tuyển trong ngành Giải trí và Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn. Cột bên trái: lượng đăng tuyển tính theo đơn vị nghìn. (Dữ liệu: Dữ liệu kinh tế Cục dự trữ liên bang [FRED], St. Louis Fed; Biểu đồ: Jeffrey A. Tucker)

Gánh chịu hậu quả

Khi Fed bắt đầu tăng lãi suất, toàn bộ bài toán tài chính và kinh tế bắt đầu thay đổi. Chính sách mới đã đảo ngược 15 năm lãi suất 0%, thứ đã làm biến dạng ở quy mô khổng lồ cơ cấu sản xuất và cung cấp cho các công ty có tính mạo hiểm cao nhiều vốn hơn nhiều so với trong điều kiện thị trường tự do bình thường.

Kết quả là một thảm họa kinh tế và văn hóa dần dần được phát triển khi các công ty mở rộng không giới hạn dựa trên định giá cổ phiếu cao và dòng vốn đầu tư mạo hiểm dường như vô tận. Tất cả dường như là ma thuật. Không còn áp lực về các con số kế toán và sự giám sát của cổ đông, các lớp quản lý đã phình to ra.

​​Sự viển vông thay thế cho tính thực tế và các nhiệm vụ xã hội ngớ ngẩn thay thế các chỉ số lợi nhuận cơ bản. Đó cũng là thời kỳ mà các gói phúc lợi việc làm phát triển theo những cách điên rồ. Không giới hạn thời gian nghỉ! Thời gian cho gia đình! Yoga miễn phí! Bác sĩ tâm lý cho tất cả! Cụm từ “cân bằng giữa công việc và cuộc sống” dễ dàng được thốt ra từ miệng của toàn bộ giới quản lý ưu tú, đơn giản như một cái cớ để ngày càng làm việc ít đi.

Bằng cách nào đó họ không phải gánh chịu hậu quả, cho đến gần đây. May mắn thay, tình trạng này đang dần biến mất khi khu vực công nghiệp tìm đường quay trở lại với sự hợp lý và tỉnh táo. Có cả một hoặc hai thế hệ người lao động có thể phải tìm đường trở lại với đạo đức làm việc và những kỹ năng thực tế, điều đó nghe có vẻ khó tin đối với một lượng lớn chuyên gia đầy uy tín. Đối với những người đã được lợi rất nhiều trong thời gian phong tỏa, và sống nhờ vào sơ yếu lý lịch và khả năng lừa được những người sếp của họ, những người mà chính họ cũng đang sống trong dối trá, thì thực tế cuối cùng cũng bắt đầu hiện diện.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

 

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Trò quản lý bịp bợm đang dần chấm dứt tại Mỹ