Trung Quốc biến châu Phi thành 'đế chế thuộc địa' thông qua Vành đai và Con đường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Truyền thông nhà nước Trung Quốc vừa đăng lại câu chuyện cách đây 2 năm về một người đàn ông Trung Quốc được phong làm tộc trưởng ở một quốc gia Phi châu. Câu chuyện này làm dấy lên lo ngại rằng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) - chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) - đang được sử dụng để Trung Quốc mở rộng sang Phi châu.

Kỹ sư người Trung Quốc Kong Tao đã được phong làm thủ lĩnh một bộ lạc ở Nigeria vào ngày 20/04/2019. Ông Tao làm việc ở Nigeria với tư cách là Tổng giám đốc của dự án đường sắt Aduja-Kaduna, theo Sina. Thông tin từ tổ chức Observer Research Foundation cho biết, dự án đã hoàn thành vào năm 2016, và là một trong nhiều dự án cơ sở hạ tầng BRI lớn ở 52 trong số 54 quốc gia Phi châu.

Nhiều dự án BRI đã hoàn thành chỉ nhận được sự ủng hộ ngắn hạn của người dân ở các nước tiếp nhận. Các khoản nợ dài hạn mà chính phủ các nước này không thể trả đã cho phép ĐCSTQ sử dụng đất đai và tài nguyên của các nước đó.

Trung tâm Nghiên cứu PEW vào năm 2020 khảo sát rằng, những người Nigeria sống xung quanh các tuyến đường sắt đã hoàn thành bày tỏ quan điểm ngày càng tích cực về Trung Quốc.

Tuy nhiên, VOA hôm 09/12 đã trích dẫn ý kiến của ông Zheng Yushuo - một học giả tại Đại học Thành phố Hong Kong, người đã đến Phi châu để điều tra tình hình kinh tế và xã hội địa phương - rằng các dự án BRI là nguyên nhân của các món nợ khổng lồ, một loại “bẫy nợ”.

Ông Zheng nói: “Vấn đề hiện tại là các dự án này không tạo ra tiền hoặc thậm chí thua lỗ”. Khi chính phủ không thể trả nợ, ĐCSTQ sẽ thu giữ tài sản dựa trên các hợp đồng đã ký trước đó.

Hôm 05/12, Wall Street Journal đưa tin, theo tình báo Mỹ, ĐCSTQ có kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự thường trực đầu tiên ở Đại Tây Dương tại quốc gia tây Phi nhỏ bé là Cộng hòa Ghi-nê Xích đạo (Equatorial Guinea). Thông tin tình báo cho rằng các tàu chiến Trung Quốc sẽ có khả năng tiếp tế và nghỉ ngơi trên khắp Bờ Đông nước Mỹ trong tương lai.

Ông Lin Tinghui, Phó tổng thư ký của Viện Luật Quốc tế Đài Loan, nói với The Epoch Times tiếng Trung rằng ĐCSTQ tỏ vẻ giúp đỡ Phi châu; nhưng trên thực tế, lục địa này đã trở thành một kiểu “đế chế thuộc địa” mới sau khi những người thống trị Âu châu cũ rút lui.

Vào 6 năm trước, Uganda - một quốc gia đông Phi - đã vay 200 triệu USD từ Trung Quốc trong khuôn khổ dự án BRI để xây dựng lại sân bay duy nhất của họ. Tuy nhiên, Uganda hiện đang phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ. Ông Joel Ssenyonyi, người chủ trì ủy ban điều tra của quốc hội, nói với Reuters hôm 29/11, các điều khoản của khoản vay cho phép ĐCSTQ lấy sân bay trong trường hợp bên kia vỡ nợ. Thỏa thuận cũng yêu cầu bất kỳ hoạt động phân xử nào, bất kỳ hoạt động tòa án nào, phải được tiến hành tại Trung Quốc và theo luật pháp Trung Quốc.

Vào cuối năm 2018, cảng Mombasa ở đông Phi có nguy cơ bị ĐCSTQ tiếp quản sau khi Kenya không thể trả một khoản nợ đường sắt khổng lồ. Ấn bản tiếng Trung của DW News đưa tin hôm 10/06/2021, vào tháng 3, chính phủ Kenya đã tuyên bố rõ rằng, cảng Mombasa sẽ không rơi vào tay ĐCSTQ, ngay cả khi nước này không trả đúng hạn khoản vay hơn 3,2 tỷ USD.

Trung Quốc biến Phi châu thành đế chế thuộc địa thông qua Vành đai và Con đường, BRI là bẫy nợ khổng lồ Trung Quốc tạo ra ở châu Phi
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tham dự lễ khai trương căn cứ quân sự mới của Trung Quốc ở Djibouti, hôm 01/08/2017. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Chiến lược cơ sở hạ tầng toàn cầu của ĐCSTQ cũng mở rộng sang việc thiết lập các căn cứ quân sự ở Phi châu. Vào tháng 07/2017, một căn cứ quân sự của Trung Quốc đã được thành lập ở Djibouti, thuộc vùng Sừng Phi châu. Đây là cơ sở quân sự đầu tiên bên ngoài Trung Quốc. Tướng quân đội Mỹ Stephen Townsend - người giữ chức vụ Tư lệnh thuộc Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ Phi châu - cho biết, Trung Quốc đã mở rộng khu vực hải quân đến gần một cảng nước sâu thương mại do Trung Quốc sở hữu; đồng thời đang tìm kiếm các vị trí khác trên Phi châu để thiết lập căn cứ quân sự, USNI News đưa tin ngày 20/04

Theo AXIOS, Trung Quốc chiếm 82% nợ nước ngoài của Djibouti tính đến cuối năm 2016.

Lê Minh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc biến châu Phi thành 'đế chế thuộc địa' thông qua Vành đai và Con đường