Trung Quốc đã đủ động lực chính trị để đánh thuế tất cả các loại hình bất động sản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thứ 7 (23/10), Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc đã cho phép Quốc vụ viện nước này thực hiện cải cách thuế bất động sản (BĐS) ở một số khu vực của Trung Quốc. Động thái này đánh dấu sự chuyển đổi từ gần 2 thập kỷ ‘thai nghén’ sang chính thức thí điểm thuế BĐS ở Trung Quốc.

Theo Tân Hoa xã, Quốc vụ viện Trung Quốc có nhiệm vụ xác định các khu vực thí điểm cụ thể và phương pháp thu thuế BĐS. Chính quyền các khu vực chịu trách nhiệm xây dựng bộ quy tắc thực hiện. Bộ Tài chính và Cục Thuế Trung Quốc sẽ soạn thảo dự thảo "Các biện pháp thí điểm thuế tài sản" theo yêu cầu từ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc.

Bắc Kinh đã có ý tưởng về việc đánh thuế BĐS lần đầu tiên vào năm 2003. Tuy nhiên, điều này đã không thành hiện thực bởi những lo ngại rằng việc đánh thuế sẽ làm giảm nhu cầu về đất đai, làm giảm giá trị BĐS, và tạo nên một thị trường bán tháo.

Năm 2011, các nhà chức trách Trung Quốc tiến hành thử nghiệm thu thuế BĐS ở Thượng Hải và Trùng Khánh, nhằm vào các khu dân cư tư nhân cao cấp, và chỉ áp dụng đối với những người có BĐS thứ hai, với mức từ 0,4% đến 1,2%.

Đến nay, Trung Quốc đã đủ động lực chính trị để chính thức mở rộng thí điểm đánh thuế BĐS trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình đang ra sức thúc đẩy ‘thịnh vượng chung’ nhằm phân phối lại của cải, làm giảm bớt bất bình đẳng giàu - nghèo trong xã hội Trung Quốc.

"Tôi nghĩ rằng, chính quyền trung ương Trung Quốc đã chọn đúng thời điểm bởi cuộc cải tổ chính trị sẽ diễn ra trước và sau Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm tới, vì vậy, việc phản kháng lại chính sách của chính quyền trung ương sẽ là [rủi ro] đối với sự nghiệp của các quan chức địa phương", bà Yue Su, chuyên gia kinh tế trưởng tại Tổ chức tình báo kinh tế Economist (EIU) bình luận.

Theo Wall Street Journal, ông Tập Cận Bình đã bổ nhiệm Phó Thủ tướng Hàn Chính chịu trách nhiệm thúc đẩy thực hiện việc thí điểm thu thuế BĐS. Tuy nhiên, do vấp phải sự phản đối gay gắt từ nhiều bên liên quan, việc thí điểm đã giảm từ 30 thành phố xuống còn 10 thành phố.

Tân Hoa xã cho biết, chính sách thuế mới sẽ áp dụng với cả BĐS nhà ở và không phải nhà ở. Thuế sẽ không áp dụng với đất nông nghiệp thuộc sở hữu hợp pháp và công trình xây dựng trên đó. Người nộp thuế là người giữ quyền sử dụng đất và chủ sở hữu nhà ở. Đề án thí điểm dự kiến kéo dài 5 năm sau khi Quốc vụ viện Trung Quốc công bố các chi tiết.

Kể từ khi thị trường BĐS Trung Quốc được tư nhân hóa và mua bán tự do vào những năm 1990, giá nhà đất Trung Quốc đã tăng vọt lên ít nhất 2.000%. Mặc dù giá BĐS tăng cao đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các ngành liên quan nhưng nó cũng gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Các chủ đầu tư thi nhau vay mượn để phát triển một cách mù quáng. Trong khi đó, những người dân bình thường, đặc biệt là thế hệ trẻ, lại không đủ khả năng mua hay thậm chí là thuê nhà.

Đối với chính quyền Bắc Kinh, việc áp thuế BĐS không chỉ giúp tăng thu ngân sách mà còn giúp giảm giá nhà đất, ngăn chặn tình trạng đầu cơ hoặc tích trữ nhà, đồng thời giảm bớt áp lực mua và thuê nhà của giới trẻ.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), hơn 90% hộ gia đình ở nước này sở hữu ít nhất một BĐS; các ngành liên quan đến BĐS chiếm gần 1/3 tổng sản lượng kinh tế quốc dân. Do vậy, việc đánh thuế BĐS không chỉ làm tăng áp lực kinh tế lên người dân mà cũng thu hẹp tài sản của gia chủ, khiến nhiều người ngại tiêu dùng hoặc không có tiền tiêu dùng, từ đó gây tổn hại đến nền kinh tế Trung Quốc.

Chi Anh

Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đã đủ động lực chính trị để đánh thuế tất cả các loại hình bất động sản