Phần 4: Trung Quốc đại sụp đổ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với việc sụt giảm hiệu suất trong hơn 1 hoặc 2 quý.

Nền kinh tế Trung Quốc đã gặp khó khăn sâu sắc trước cả khi đại dịch virus bùng phát trên toàn cầu. Thuế quan trong thương chiến đã làm xuất khẩu bị giảm, và các chuỗi cung ứng đang rời khỏi Trung Quốc. Nhưng bây giờ triển vọng kinh tế nhìn chung yếu hơn so với nhiều thập kỷ trước. Đây có thể là quý tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc Cách mạng Văn hóa năm 1976, với sự sụt giảm thực về GDP trong quý 1.

Tất nhiên, bất chấp đại dịch, Bắc Kinh đã khẳng định rằng họ sẽ đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2020. Nhưng điều đó không thực tế. Thậm chí không rõ là Trung Quốc đã thực sự vượt qua đại dịch hay chưa. Mọi người vẫn có thể nhìn thấy hàng đoàn người xếp hàng ở các bệnh viện và danh sách các thuê bao di động gần đây trên China Mobile cho thấy số người dùng giảm đến 21 triệu thuê bao so với ba tháng trước khi đại dịch bắt đầu.

Tương lai gần có thể thật thảm khốc

Tất nhiên, không có nền kinh tế nào được chuẩn bị cho đại dịch toàn cầu, và tất cả các quốc gia vẫn sẽ phải tiếp tục gặp thách thức nghiêm trọng do virus Corona Vũ Hán bùng phát và những hậu quả của nó. Tuy nhiên sự yếu kém cố hữu trong nền kinh tế Trung Quốc khiến quốc gia này đặc biệt dễ bị tổn thương cả trên phương diện suy thoái kinh tế do đại dịch cũng như sự thay đổi trong mô hình thương mại toàn cầu với động thái rời khỏi Trung Quốc đang diễn ra hiện nay. Sự phụ thuộc này càng tồi tệ hơn do nhu cầu trong nước đang đứng bên bờ vực.

Hậu quả là, các trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc như chi tiêu tiêu dùng và bất động sản cũng như xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài đang bị lung lay, thậm chí là đang suy sụp ngay trước mắt Bắc Kinh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thuộc các lĩnh vực cung ứng có lợi nhuận cao ví dụ dược phẩm và y tế sẽ rời khỏi Trung Quốc, chuyển trở về Hoa Kỳ sớm nhất có thể.

Tiêu dùng giảm mạnh năm 2020

Trụ cột quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc chính là nhu cầu nội địa, chiếm 57,8% tăng trưởng kinh tế của đất nước năm 2019. Trong quý đầu năm 2019, tiêu dùng chiếm 2/3 tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Nhưng năm nay sức tiêu dùng suy giảm rất mạnh do đại dịch, tăng trưởng yếu và mất việc làm.

Việc phong tỏa và đóng cửa nhà máy do dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc sẽ làm giảm thu nhập. Chi tiêu tiêu dùng đã bị ảnh hưởng nặng nề. Không có gì ngạc nhiên khi 64,4% người Trung Quốc nói rằng họ sẽ “kiềm chế” hơn trong việc chi tiêu trong dài hạn, trong khi 12,6% khác nói rằng họ sẽ cắt giảm chi tiêu.

Tổng hợp lại, 77% người tiêu dùng chấp nhận cách thức chi tiêu dè dặt hơn. Con số này có vẻ còn nhiều hơn nữa khi giá thực phẩm cao hơn dự kiến ​​do tình trạng thiếu thịt lợn vì sốt lợn châu Phi (ASF).

Lợi nhuận và giá bất động sản đang suy sụp

Chi tiêu tiêu dùng và phát triển bất động sản (BĐS) là hai động lực lớn nhất của nền kinh tế trong 5 năm qua. Cả hai đều đang trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng.

Giảm chi tiêu tiêu dùng trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường bất động sản Trung Quốc. Tập đoàn Evergrande, một trong những công ty phát triển bất động sản lớn nhất của Trung Quốc đã tuyên bố thu nhập hàng năm của họ giảm 50%. Lý do là phải giảm giá triệt để bất động sản nhà ở để tăng cầu cho thị trường này.

Nhưng Evergrande không phải là tập đoàn phát triển bất động sản duy nhất đang giảm giá “khủng”. Sunac China Holdings, Sinic Holdings và Country Garden cũng đang phải chào bán cho người mua kèm theo các điều khoản ưu đãi đặc biệt, ví dụ như người mua được đơn phương hủy hợp đồng trong vòng 30 ngày kể từ khi mua hàng - tất cả để nhằm lôi kéo người tiêu dùng ký kết hợp đồng.

Phân khúc căn hộ chung cư còn khó khăn hơn nhiều. Cầu căn hộ chung cư chính là động lực phát triển dự án BĐS mới. Nhưng cầu phân khúc này đang giảm mạnh trong bối cảnh một lượng lớn các nhà phát triển bất động sản đang có nguy cơ vỡ nợ đối với các khoản nợ bằng USD hoặc họ đã mất khả năng thanh toán.

Tháng 2, Bloomberg đã báo cáo rằng số liệu tài chính của 30 nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc cho thấy doanh số của họ đã sụt giảm 33% so với năm trước.

Đây là sự suy giảm mạnh nhất trong vòng 6 năm qua.

Xuất khẩu suy giảm mạnh nhưng ‘Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến’

Xuất khẩu ròng đóng góp 11% tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2019. Tuy nhiên, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc không có xuất khẩu ròng, thâm hụt thương mại trong 2 tháng đầu năm lên tới 7,1 tỷ USD chỉ là kết quả ngắn hạn của đại dịch. Với cú sốc tổng cung và tổng cầu của kinh tế toàn cầu, xu hướng giảm thiểu phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc cho thấy xuất khẩu cả năm 2020 của Trung Quốc sẽ không sáng sủa.

Mặc dù Bắc Kinh hy vọng sẽ tăng cường xuất khẩu để giúp thúc đẩy nền kinh tế, nhưng nhu cầu toàn cầu giảm khiến hy vọng này khó thành hiện thực. “Điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra đối với xuất khẩu và các chuỗi cung ứng”, ông Larry Hu, trưởng ban kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Capital nói.

Thặng dư thương mại giảm cho thấy thương mại sẽ đóng góp ít hơn cho tăng trưởng kinh tế và tác động tiêu cực tới tăng trưởng có thể lớn hơn người ta nghĩ. Điều tồi tệ nhất sẽ đến sau đó, khi nhu cầu của các quốc gia khác đối với xuất khẩu Trung Quốc giảm xuống.

Đầu tư nước ngoài đang giảm

Trong hai tháng đầu năm 2020, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đã giảm 8,6% so với năm trước, xuống còn 19,26 tỷ USD. Sự sụt giảm đầy kịch tính này hầu hết là do đại dịch bùng phát.

Mặc dù chính quyền Trung quốc ra sức định hướng dư luận về “hết dịch” và “kinh tế Trung Quốc đang khôi phục mạnh mẽ”, FDI không thể trở lại mức cũ vì những lý do khác. Nếu không phải do thông tin sai lệch thì việc dời sản xuất ra khỏi ​​Trung Quốc đã tăng tốc như sự bùng phát virus Corona Vũ Hán. Các nhà máy trong chuỗi cung ứng và việc làm sẽ không trở lại Trung Quốc sớm.

Hơn nữa, thế giới đang trở nên ít tin tưởng hơn vào Trung Quốc, vì ai cũng biết tội lỗi của Trung Quốc trong đại dịch và thế giới đã hiểu rõ hơn. Bắc Kinh biết rằng có vẻ không thuận lợi như trong thời kỳ tiền đại dịch, điều này giải thích cho việc ĐCSTQ tung ra chiến dịch tuyên truyền trong tuyệt vọng để đổ lỗi và làm chệch hướng dư luận.

Một suy tính trong tầm tay

Dễ hiểu, phản ứng của Bắc Kinh trước những sự việc này là bơm hàng trăm tỷ đô la để kích thích nền kinh tế. Nhưng việc tháo vòng kìm kẹp cho nền kinh tế đã nằm ngoài khả năng của chính quyền ĐCSTQ.

Nhiều tiền đổ vào kích thích tăng trưởng hơn cũng khó có thể đạt hiệu quả như trước vì nhu cầu tiêu dùng yếu cả trong nước và quốc tế. Quan trọng hơn, niềm tin tiêu dùng và niềm tin kinh doanh suy giảm mạnh mẽ đang chứng minh những “tuyên truyền” và “đổ lỗi” của Bắc Kinh về dịch bệnh đã không hiệu quả. Bắc Kinh cũng có thể phải đối mặt với một tương lai tăng trưởng 2% GDP hoặc thậm chí ít hơn.

Đại dịch đã bộc lộ vô vàn điểm yếu của nền kinh tế tư bản ăn thịt người của Trung Quốc, một nền kinh tế có thể sẽ không còn bị bưng bít bởi các số liệu thống kê giả, bị che giấu bởi các kích thích kinh tế lớn, được mớm tiền bằng các dự án bất động sản không hiệu quả, hoặc được vá víu bằng nợ ba bên, đầu tư nước ngoài và trộm cắp công nghệ.

Thủy Tiên

Theo The Epoch Times

Tác giả: James Gorrie là một nhà văn và diễn giả ở Nam California. Ông là tác giả cuốn “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc”.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Phần 4: Trung Quốc đại sụp đổ?