Trung Quốc đang 'chảy máu' dòng vốn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong ba năm COVID-19, dòng tiền chảy vào Trung Quốc mạnh mẽ trong khi dòng tiền chảy ra là không có. Tuy nhiên, xu hướng này đang có dấu hiệu đảo chiều.

Trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2019, Trung Quốc đã phải đối mặt với tình trạng “chảy máu” dòng vốn. Bắt đầu từ năm 2020, các hạn chế từ chính sách Zero-COVID của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khiến dòng vốn khó có thể chảy ra khỏi Trung Quốc. Trong năm 2020 và 2021, khi toàn thế giới đang phong tỏa, thì Trung Quốc lại tăng cường xuất khẩu, tạo ra thặng dư thương mại và khiến dòng vốn chảy vào của Trung Quốc lớn hơn dòng vốn chảy ra.

Xu hướng đảo chiều

Tuy nhiên vào quý IV năm 2022 vừa qua, Trung Quốc lần đầu tiên chứng kiến dòng vốn chảy ra lớn hơn chảy vào.

Một trong những nguồn vốn nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc đến từ hoạt động xuất khẩu. Xuất khẩu của Trung Quốc đã sụt giảm trong quý IV năm 2022; xuất khẩu tháng 12/2022 giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Càng ngày càng có nhiều các công - te - nơ xuất khẩu bị chất đống ở bến cảng Trung Quốc. Ở một số nơi, người ta phải xếp 6 - 7 công ten nơ chồng lên nhau. Chính quyền Bắc Kinh nói rằng tình trạng này chỉ là do “thị trường có sự điều chỉnh", chứ không phải do xuất khẩu suy giảm. Tuy nhiên số liệu cho thấy, trong hai tháng đầu tiên của năm 2023, xuất khẩu Trung quốc đã giảm 6 - 7%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc cũng giảm sâu trong năm 2022. Trong lúc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, nhiều nhà đầu tư đã rút vốn ra khỏi thị trường Trung Quốc để đầu tư vào Mỹ. Chính sách zero-COVID ngặt nghèo đã gây ra nhiều rủi ro khó lường cho môi trường kinh doanh ở Trung quốc. Tăng trưởng GDP năm 2022 đã giảm từ hai chữ số xuống chỉ còn 3%, trong khi giá nhân công lại tăng vọt. Điều này làm các nhà sản xuất nước ngoài không còn mấy hứng thú đối với thị trường Trung Quốc.

Trung Quốc đang rời xa lĩnh vực sản xuất giá rẻ, với mức lương nhân công trung bình tăng lên hơn 12.000 USD (khoảng 281 triệu VND). Con số này gấp 3 lần so với lương nhân công Việt Nam và Indonesia, và gấp 5 lần so với Ấn Độ.

Bất lợi chồng bất lợi, chẳng lạ gì khi nhiều công ty nước ngoài muốn rút chân ra khỏi Trung Quốc để kiếm tìm những thị trường màu mỡ hơn.

Trung Quốc đang 'chảy máu' dòng vốn
Các kỹ thuật viên người Indonesia làm việc trên một dây chuyền lắp ráp dòng xe BMW 7 series mới ở Jakarta, vào ngày 30 tháng 11 năm 2016. (Ảnh Bay Ismoyo/AFP Getty Images)

Số liệu cho thấy vốn đầu tư FDI Greenfield* vào Trung Quốc trong năm 2022 giảm 50% so với năm 2019. Tỷ lệ các thương vụ sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (M&A) ở Trung Quốc giảm đáng kể. Dòng vốn FDI ở tất cả các ngành hàng của Trung Quốc sụt giảm; FDI liên quan đến du lịch Inbound (đón khách từ nước ngoài vào nước) giảm 78%, trong khi FDI trong ngành thực phẩm và ngành dịch vụ tài chính giảm 63%.

Hiện tại, các nhà đầu tư đang chuyển hướng sang ưu ái những nước Châu Á khác như Ấn độ, Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Dòng vốn FDI vào các nước châu Á -Thái Bình Dương dự kiến ​​sẽ tăng 30% trong năm 2023, và Ấn Độ hiện đang trở thành quốc gia đứng thứ ba trong danh sách các quốc gia thu hút nhiều vốn FDI nhất thế giới.

Trong khi đó, Trung Quốc đang chật vật với cảnh “Tiền vào thì ít, tiền ra thì nhiều". Việc bãi bỏ chính sách zero-COVID cho phép người dân Trung Quốc đi du lịch, du học, công tác ở nước ngoài, tạo điều kiện cho họ mang tiền sang các quốc gia khác. Đồng thời, một số người giàu ở Trung Quốc cũng có kế hoạch sang Singapore sinh sống. Lý do có thể là vì chất lượng giáo dục ở Singapore tốt hơn, tương lai con em của họ được đảm bảo hơn, mức thuế thấp hơn; hoặc cũng có thể là vì họ bất đồng quan điểm với đường lối phát triển của ông Tập Cận Bình. Giờ đây, cả Trung Quốc và Singapore đều đã mở cửa, nên xu hướng di cư sang Singapore sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn.

Tính đến năm 2023, vốn đầu tư FDI vào Trung Quốc vẫn tăng, hầu hết nguồn vốn đổ vào ngành sản xuất công nghệ cao. Tuy nhiên, niềm tin doanh nghiệp vẫn thấp. Lợi nhuận của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc trong năm 2022 trung bình giảm 10%. Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc cho biết, các công ty nước ngoài chưa rút khỏi thị trường Trung Quốc ngay lập tức, song họ đang cô lập hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, và chuyển các khoản đầu tư mới sang các nước Châu Á khác.

Vốn đầu tư từ Đài Loan vào Trung quốc hiện đã giảm xuống mức thấp kỷ lục khi so sánh trong vòng 3 năm trở lại đây. Căng thẳng chính trị leo thang giữa hai nước này khiến dòng vốn đó không chắc có trở lại như trước. Lệnh cấm chip của Mỹ cũng buộc các công ty ở Mỹ phải chuyển ít nhất một phần hoạt động sản xuất của họ sang các quốc gia không bị áp lệnh cấm.

Năm 2022, giới đầu tư ngoại đã bán tháo nhiều cổ phiếu Trung Quốc mà họ đang nắm giữ. Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đã tìm nhiều cách để thu hút các nhà đầu tư, một trong những cách đó tổ chức roadshow (chương trình lưu động quảng bá sản phẩm, thương hiệu) ở nước ngoài. Hồi đầu năm, chính quyền Thanh Đảo đã tổ chức roadshow ở Tokyo. Vào tháng 1, xuất hiện những dấu hiệu tích cực khi các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu Trung Quốc với lượng kỷ lục.

Trái ngược với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu chính phủ Trung Quốc lại không có dấu hiệu phục hồi. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã liên tục giữ lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế đang chật vật; song, chính quyết định này, cùng với việc Fed tăng lãi suất, đã khiến trái phiếu chính phủ Trung Quốc kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Số liệu cho thấy, các nhà đầu tư ngoại đã bán tháo 15% số trái phiếu chính phủ Trung Quốc trong năm 2022, và đang tiếp tục thoái vốn khỏi kênh đầu tư này trong năm 2023.

Để “cứu vớt” tình trạng “chảy máu dòng vốn", Chính phủ Bắc Kinh đã có biện pháp. Theo đó, các bên môi giới bị cấm mở tài khoản mới, thứ có thể giúp khách hàng đầu tư vào cổ phiếu nước ngoài. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc đã ban hành các quy định nhằm ngăn chặn “các hoạt động kinh doanh chứng khoán xuyên biên giới bất hợp pháp”, đối phó với một trong những lỗ hổng cuối cùng có thể giúp người dân chuyển tiền ra nước ngoài.

Dù các quan chức Trung Quốc chưa hề chính thức công bố bất kỳ sự thay đổi chính sách nào, nhiều khách hàng cá nhân người Trung Quốc, cũng như người nước ngoài, đã gặp phải khó khăn khi muốn rút hoặc chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng Trung Quốc. Nhà đầu tư chuyên nghiệp Mark Mobius phàn nàn rằng ông không thể rút tiền từ tài khoản HSBC ở Thượng Hải của mình.

Chính quyền Trung Quốc khẳng định rằng nền kinh tế nước này đang trên đà khôi phục, và đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2023 là 5%. Nhưng đối mặt với lãi suất cho vay thấp của các ngân hàng Trung Quốc, liệu còn có nhà đầu tư nước ngoài nào hứng thú với thị trường trái phiếu Trung Quốc hay không? Trong khi đó, sụt giảm xuất khẩu sẽ hạn chế nguồn tiền chảy vào Trung Quốc. Bắc Kinh đang hạn chế dòng vốn chảy ra, và khiến Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn với tư cách là điểm đến FDI.

Chú thích:

* Green-Field Investment (hay đầu tư GI) là một hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong đó công ty mẹ lập ra một công ty con ở một quốc gia khác, xây dựng các hoạt động của mình ngay từ đầu.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của NTDVN.

Theo The Epoch Times

Ngọc Hạ biên dịch

Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc).



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đang 'chảy máu' dòng vốn