Trung quốc đang chuyển dần từ chủ nghĩa trọng thương sang chủ nghĩa quân phiệt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong khi kinh tế Trung Quốc đang trượt dốc, sự hung hăng của nước này đang ngày càng gia tăng. Do những yếu tố nội tại cũng như những thay đổi tới từ bên ngoài, Trung Quốc đang mất dần những động lực phát triển kinh tế. Cùng lúc đó, ĐCSTQ gia tăng các hoạt động quân phiệt nhằm che dấu các bất ổn trong nội bộ đất nước, và nhằm làm suy yếu quyền lực của Mỹ.

Giọng điệu ngoại giao của Trung Quốc và các mối quan hệ quốc tế của nước này đã thay đổi rõ rệt kể từ năm 2019. Một số yếu tố đang thúc đẩy những thay đổi này trong mối quan hệ của Trung Quốc với thế giới. Chúng bao gồm những thay đổi trong môi trường kinh tế và chính trị toàn cầu, cũng như các yếu tố mang tính nội tại khác. Những điều đó đều đang thúc đẩy các luận điệu và hành vi quân phiệt mới xuất hiện của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Kiểm soát chính trị quan trọng hơn tăng trưởng kinh tế

Vài năm qua đã chứng kiến ​​việc ông Tập Cận Bình loại bỏ mọi thách thức tiềm ẩn một cách có hệ thống ở Trung Quốc - dù là về chính trị, kinh tế hay văn hóa. Quá trình đó không chỉ làm suy giảm tinh thần và năng lượng của quốc gia này, mà còn làm biến dạng bầu không khí trong nội bộ Trung Quốc, với một cấp độ sợ hãi và nghi ngờ mới.

Sự hoang tưởng chính trị này trong giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đi kèm với vai trò được mở rộng của ĐCSTQ. Đặc biệt, ĐCSTQ đang gia tăng sự phối hợp giữa các doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp tư nhân. Điều đó sẽ không nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế, mà chỉ làm sâu sắc thêm sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp.

Trung quốc đang chuyển dần từ chủ nghĩa trọng thương sang chủ nghĩa quân phiệt
Một màn hình hiển thị tin tức về nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang có bài phát biểu trong hội nghị thượng đỉnh Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng phái chính trị thế giới, khi mọi người đi bộ bên ngoài một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh vào ngày 07/07/2021. (Ảnh: Jade Gao / AFP qua Getty Images)

Nhưng những biện pháp như vậy có thể được coi là cần thiết đối với một cấu trúc chính trị vốn đã không ổn định. Không có thách thức dù thực tế hoặc tưởng tượng nào, hoặc ảnh hưởng trái chiều nào có thể được chấp nhận do chúng đều tác động xấu tới nhà lãnh đạo duy nhất của Đảng và đất nước, ông Tập. Do đó, trong một quá trình đi ngược lại một chính sách đã tồn tại từ lâu, quyền kiểm soát chính trị đối với các công ty công nghệ lớn mạnh và các công ty độc lập với lợi huận cao là quan trọng hơn vấn đề tăng trưởng kinh tế và đổi mới.

Các cuộc phiêu lưu đối ngoại che giấu cho bất ổn nội bộ

Bằng cách tập trung quyền lực cho bản thân nhiều hơn bất kỳ người cầm quyền nào kể từ thời Mao Trạch Đông, ông Tập đã trở thành trung tâm của hầu như toàn bộ đời sống tại Trung Quốc. Sự tập trung quyền lực vào một người như vậy tạo cơ sở cho một loạt các quyết định thiếu sáng suốt.

Tệ hơn nữa, nó tạo ra các chuỗi những hành vi thất thường, vì các quyết định yếu kém được “sửa chữa” bằng những phản ứng thái quá hoặc các quyết định yếu kém khác, tạo nên bởi nhân cách, sự hoang tưởng, kiến ​​thức không đầy đủ và sự thiếu cân nhắc. Liệu có “cố vấn” nào sẵn sàng đặt ra nghi vấn về những phán xét của một người vẫn tiêu diệt những người cản đường ông ta?

Hậu quả của cấu trúc cai trị như vậy là sự bất ổn gia tăng trong nội bộ. Như chúng ta đang thấy, sự bất ổn bên trong đang được chuyển hóa thành sự gia tăng các cuộc phiêu lưu về đối ngoại. Các động cơ là có thể dự đoán trước được và mang tính ích kỷ. Chúng được quảng cáo là cần thiết để chống lại một kẻ xâm lược nước ngoài lâu đời hoặc do tưởng tượng ra hoặc nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Nhưng điều cơ bản là chúng giúp đoàn kết đất nước, loại bỏ những lời chỉ trích trong nội bộ ĐCSTQ, và chuyển hướng sự chú ý của người dân khỏi một danh sách dài ngày càng gia tăng về những thất bại trong chính sách đối ngoại và đối nội.

Kinh tế thế giới đang tách rời khỏi Trung Quốc

Nhiều sai lầm về chính sách đã khiến thế giới tách rời khỏi Trung Quốc. Ta vẫn còn nhớ các chính sách kinh tế cứng rắn của ĐCSTQ, thuế quan một chiều, bẫy nợ của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, và hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ cuối cùng đã bắt đầu khiến Bắc Kinh phải chịu hậu quả dưới thời chính quyền Trump. Các công ty phương Tây hoạt động ở Trung Quốc trong nhiều năm đã bắt đầu trở lại quê nhà và chuyển hoạt động sản xuất sang các nước gần hơn để giảm thiểu các vấn đề về chi phí vận chuyển, trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ và chi phí nhân công tăng cao ở Trung Quốc.

Sau đó, từ năm 2019 đến năm 2021, COVID-19 và tác động kinh tế tàn khốc của nó đã tàn phá toàn thế giới. Các cuộc phong tỏa quốc gia ở nhiều nơi trên thế giới và tổn thất kinh tế ngày càng gia tăng khiến cộng đồng quốc tế nhìn Bắc Kinh và ĐCSTQ với sự nghi ngờ sâu sắc và thậm chí là ghê tởm (do cách Trung Quốc xử lý sự bùng phát của đại dịch).

Trung quốc đang chuyển dần từ chủ nghĩa trọng thương sang chủ nghĩa quân phiệt
Các nhân viên đang làm việc trên dây chuyền lắp ráp tại nhà máy ô tô thứ ba của Dongfeng Honda ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc vào ngày 27/11/2019. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Nhưng chính sự ủng hộ kiên định và “không giới hạn” của Trung Quốc đối với cuộc xâm lược tàn khốc của Nga đối với Ukraine, thứ vẫn đang tiếp diễn đến ngày hôm nay, đã kích hoạt một cuộc tháo chạy ồ ạt của các công ty phương Tây khỏi Trung Quốc. Dễ đoán là, nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng - và sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng - từ những thiệt hại trong khu vực kinh tế này. Cùng lúc đó, những đợt phong tỏa trong chính sách “zero-Covid” của Bắc Kinh đã khiến những khó khăn kinh tế của Trung Quốc tăng lên gấp bội.

Trượt dốc về kinh tế

Các yếu tố trực tiếp dẫn đến sự vươn lên nhanh chóng trở thành một cường quốc kinh tế của Trung Quốc không còn mạnh mẽ như trước nữa. Như tờ The Atlantic đã chỉ ra vào năm ngoái, các con số cho thấy điều đó.

Bài báo cho biết: “Từ năm 2007 đến năm 2019, tốc độ tăng trưởng đã giảm hơn một nửa, năng suất giảm hơn 10% và tổng nợ tăng gấp tám lần".

Hơn nữa, dân số già của Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình suy giảm kinh tế. “Chỉ riêng từ năm 2020 đến năm 2035, Trung Quốc sẽ mất đi 70 triệu người trưởng thành trong độ tuổi lao động và có thêm 130 triệu người cao tuổi”, theo The Atlantic.

Sự suy yếu của Mỹ khuyến khích Trung Quốc gây hấn

Sự hung hăng của Bắc Kinh cũng là kết quả của các điều kiện bên ngoài. Cụ thể, sự yếu kém của Mỹ trên trường thế giới đã được thể hiện rõ trong suốt thời kỳ của chính quyền Biden. Kết quả là, nó đã khuyến khích các luận điệu hiếu chiến của Bắc Kinh đối với Mỹ và các quốc gia khác.

Việc Mỹ rút lui khỏi Afghanistan theo cách thức tồi tệ và bi thảm không chỉ làm giảm uy tín của sức mạnh Mỹ mà còn để lại một khoảng trống quyền lực. Trung Quốc (và Nga) - đối thủ chính của Mỹ - rất vui mừng lấp đầy khoảng trống đó.

Trung quốc đang chuyển dần từ chủ nghĩa trọng thương sang chủ nghĩa quân phiệt
Hành khách lên máy bay C-17 của Không quân Mỹ trong cuộc sơ tán khỏi Afghanistan tại Sân bay Quốc tế Hamid Karzai ở Kabul, Afghanistan, vào ngày 24/08/2021. (Sĩ quan Donald R. Allen / Lực lượng Không quân Mỹ tại Châu Âu - Châu Phi qua Getty Images)

Hơn nữa, trong cuộc chiến Ukraine, Mỹ đang chỉ đạo từ phía sau. Chính quyền Biden đã cho thấy rằng họ không thể áp đặt ý chí của mình hoặc ảnh hưởng một cách mạnh mẽ đến các chính sách của Bắc Kinh hoặc Moscow. Kết quả là, hành vi của Trung Quốc tỏ ra ngày càng hiếu chiến trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Trung Quốc sẽ còn gia tăng hành động quân phiệt trong khu vực

Chủ nghĩa quân phiệt của ĐCSTQ không chỉ được thể hiện trong các cuộc xâm nhập gần như hàng ngày vào không phận Đài Loan bằng máy bay chiến đấu của Quân Giải phóng Nhân dân, mà còn ở việc chế độ này mở rộng một cách toàn diện các luận điệu gây chiến và hoạt động hải quân trên khắp khu vực.

Lời đe dọa tấn công hạt nhân nhằm vào Australia vì nước này xúc tiến việc trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân chỉ là một trong nhiều luận điệu leo thang căng thẳng của Bắc Kinh. Hoạt động củng cố hải quân đang diễn ra của Trung Quốc đang cho phép nước này mở rộng khả năng đe dọa bằng hải quân đến tận Nhật Bản. Mới gần đây, Trung Quốc đã bao vây quần đảo Nhật Bản để đáp trả một tranh chấp hàng hải.

Khi điều kiện kinh tế của Trung Quốc xấu đi, Bắc Kinh sẽ hành động mạnh bạo hơn, đặc biệt là trong khu vực xung quanh nước này. ĐCSTQ chắc chắn muốn làm suy giảm quyền lực và ý chí chính trị của Mỹ. Ngoài ra, chính quyền Bắc Kinh hẳn cũng muốn che dấu sự bất ổn nội bộ ngày càng gia tăng, điều mà giới lãnh đạo ĐCSTQ đang tạo ra.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo James Gorrie - The Epoch Times

Tác giả James R. Gorrie sống tại Nam California. Ông cũng là tác giả của cuốn sách The China Crisis (Cuộc khủng hoảng Trung Quốc) và của nhiều bài đăng trên blog: TheBananaRepublican.com.



BÀI CHỌN LỌC

Trung quốc đang chuyển dần từ chủ nghĩa trọng thương sang chủ nghĩa quân phiệt