Trung Quốc đang đảo ngược các thành tựu kinh tế của chính mình

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đang quay lưng lại với những cải cách đã giúp đất nước này tăng trưởng và phát triển. Điều đó sẽ gây hậu quả vượt ra ngoài biên giới đại lục.

“Phép màu” kinh tế của Trung Quốc thực ra không thần kỳ đến vậy. Trên thực tế, việc tăng trưởng cao của đất nước trong 40 năm qua là một thắng lợi của các nguyên tắc kinh tế cơ bản: Khi nhà nước nhường chỗ cho thị trường, doanh nghiệp tư nhân và thương mại phát triển, tăng trưởng nhanh và thu nhập tăng.

Tuy nhiên, bài học đơn giản này dường như không còn giá trị đối với ông Tập Cận Bình. Nhà lãnh đạo Trung Quốc này đang bác bỏ chính sách đã được thử nghiệm trong nhiều thập kỷ bằng cách tái khẳng định quyền lực của Đảng Cộng sản (ĐCS) trong nền kinh tế và chuyển hướng kinh doanh của Trung Quốc hướng vào bên trong. Thật vậy, đối mặt với sự thù địch ngày càng leo thang ở Washington, sự xoay trục của ông Tập dường như đang tăng tốc - với những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với sự phát triển của nền kinh tế của Trung Quốc và mối quan hệ của nước này với thế giới.

Đúng là trên hình thức ông Tập không hoàn toàn bỏ rơi là doanh nghiệp tự do và thương mại tự do. Vào tháng 11, ông nói trong hội nghị thượng đỉnh G20 rằng chương trình nghị sự kinh tế mới của Trung Quốc “hoàn toàn không phải là một chính sách đóng cửa” và “sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho thế giới hưởng lợi từ sự phát triển chất lượng cao của Trung Quốc”. Bắc Kinh gần đây cũng đã tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, một hiệp ước gồm 15 quốc gia tạo nên một khối thương mại với khoảng một phần ba dân số thế giới. Ông Hua Chunying, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ca ngợi đây là “sự cam kết đối với thương mại tự do và hệ thống thương mại đa phương”.

Nhưng bức tranh trông còn u ám hơn nhiều nếu bạn là Jack Ma, đại doanh nhân công nghệ của Trung Quốc. Các cơ quan quản lý đã loại bỏ đợt chào bán công khai lần đầu kỷ lục của gã khổng lồ fintech của Ma, Ant Group, chỉ hai ngày trước khi ra mắt vào tháng 11 trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông. Lý do chính thức mà họ đưa ra là môi trường pháp lý bị thay đổi, nhưng có nhiều nghi vấn rằng chính quyền Trung Quốc đang trừng phạt ông Ma vì chỉ trích sự giám sát của họ đối với ngành tài chính. Ông Tập được cho là đã tự mình thực hiện cuộc gọi . (Bắc Kinh sau đó đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền đối với một doanh nghiệp khác của ông Ma, công ty thương mại điện tử Alibaba Group). Vài ngày sau, một doanh nhân nổi tiếng khác, ông Sun Dawu, cũng bị bắt giữ vì đã "gây ra những cuộc cãi vã và làm gián đoạn sản xuất", và chính phủ đã tịch thu công ty nông nghiệp của ông. Ông Sun, người đôi khi chỉ trích chính phủ, có thể đã bị nhắm tới vì tranh chấp đất đai với một trang trại quốc doanh.

Ông Jerome Cohen, một chuyên gia lâu năm về luật pháp Trung Quốc, đã tỏ ra lo lắng trên blog của mình rằng những hành động này có thể báo hiệu “một chiến dịch tập trung mới nhằm kiềm chế quyền lực chính trị và kinh tế của các doanh nhân tư nhân lớn, những người từ chối tuân theo đường lối trung ương của Đảng về mọi mặt”. Điều đó đúng dựa trên những nỗ lực của ông Tập trong việc siết chặt doanh nghiệp tư nhân. Trong một tài liệu được ban hành vào tháng 9, ĐCS Trung Quốc cho biết họ đang nhằm đến việc “hướng dẫn” các công ty tư nhân “khám phá việc thành lập một hệ thống doanh nghiệp hiện đại với đặc điểm Trung Quốc”. "Ý kiến" của đảng là các cán bộ của đảng phải có ảnh hưởng nhiều hơn đến các quyết định quản lý của các công ty tư nhân, để đảm bảo rằng họ tuân thủ chặt chẽ đường lối chính xác, do nhà nước xác định.

Mọi thứ không nên xảy ra theo cách này. Đặng Tiểu Bình, một trong những người tiền nhiệm của ông Tập, người đã phát động các cải cách ủng hộ thị trường nổi tiếng hiện nay của Trung Quốc vào cuối những năm 1970, hiểu rằng đất nước nghèo khổ vì bị nhà nước Cộng sản bóp nghẹt và cắt đứt với thế giới. Ông Đặng và những người kế nhiệm của ông đã dần dần dỡ bỏ các kiểm soát đối với khu vực đầu tư tư nhân, thương mại và kinh doanh nước ngoài. Không bị quản lý bởi các nhà hoạch định nhà nước hống hách, năng lượng kinh doanh của Trung Quốc, trộn với vốn và công nghệ nhập khẩu, đã tạo ra một sự bùng nổ về tăng trưởng và khiến Trung Quốc trở nên giàu có.

Khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, ban đầu dường như ông đang đi theo con đường cải cách rất tốt. Vào cuối năm 2013, một hội nghị toàn thể của Đảng Cộng sản đã ban hành một bản kế hoạch kinh tế trong đó nhiều nhà kinh tế và doanh nhân tin rằng sẽ có sự thay đổi lớn. Và sự thay đổi đã đến, không giống như họ mong đợi.

Mặc dù ông Tập thỉnh thoảng thực hiện các cải cách thị trường - ví dụ, lĩnh vực tài chính đã được mở cửa rộng rãi hơn cho các nhà đầu tư và công ty nước ngoài - nhìn chung, ông đã thể hiện sự ưu tiên đối với sự giúp đỡ rất rõ ràng của nhà nước. Chính quyền của ông đã hỗ trợ tài chính cho một loạt các ngành công nghệ cao, bao gồm cả vi mạch và ô tô điện. Ông Nicholas Lardy, một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, lưu ý rằng các doanh nghiệp nhà nước đang ngốn một tỷ lệ lớn hơn các nguồn lực quan trọng, chẳng hạn như các khoản vay ngân hàng, trong khi tỷ trọng sản lượng quốc gia do các công ty tư nhân tạo ra không còn mở rộng khi nó đã từng có. “Sự bùng nổ của khu vực tư nhân đã kết thúc”, ông nhận định.

Có lẽ ông Tập tin rằng các ngành công nghiệp được nhà nước hỗ trợ là quá quan trọng, vì vậy không nên giao quyền chi phối chúng cho các lực lượng thị trường tự do khó dự đoán. Có lẽ ông ấy nghĩ rằng một vai trò quan trọng hơn đối với nhà nước có thể giúp ông giữ vững quyền lực trong Đảng và Chính phủ. “Ông ấy muốn kiểm soát nhiều hơn và nghĩ rằng có một khu vực doanh nghiệp nhà nước lớn là một yếu tố để đạt được điều đó”, Lardy giải thích.

Ông Tập cũng có thể đã bị thúc đẩy bởi sự sợ hãi và ngờ vực. Kể từ thời Đặng Tiểu Bình, câu thần chú của các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Bắc Kinh là “cải cách và mở cửa”, nhấn mạnh sự hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, ông Tập muốn hạn chế sự hội nhập đó, hoặc ít nhất là tham gia với thế giới rộng lớn hơn theo những điều kiện khác nhau. Tất nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ bán cho bạn mọi thứ và vui vẻ lấy tiền của bạn. Nhưng ông Tập mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nước khác, đặc biệt là những đối thủ tiềm tàng như Mỹ. Từ quan điểm của Bắc Kinh, các hạn chế của chính quyền Trump về việc bán công nghệ cho gã khổng lồ viễn thông Huawei Technologies và các thực thể khác của Trung Quốc đã cho thấy những nguy hiểm do dựa quá nhiều vào những tổ chức nước ngoài không đáng tin cậy, và ông Tập dự định đảm bảo rằng bước tiến của Trung Quốc không thể bị can nhiễu bởi các chính trị gia ở Washington hoặc các nơi khác.

Vì vậy, các ưu tiên của ông Tập đã hướng vào trong. “Ông ta đang cảm thấy bị bao vây”, James McGregor, chủ tịch chi nhánh Trung Quốc của công ty tư vấn APCO Worldwide, cho biết. Các quan chức Trung Quốc “đang loại bỏ tất cả các lỗ hổng đối với thế giới bên ngoài hoặc giảm thiểu chúng hết mức có thể”.

Chiến lược mới của ông Tập, cái mà ông gọi là “lưu thông kép”, chia thế giới quan kinh tế của Bắc Kinh ra làm hai - một đặt trọng tâm trong nước vào việc các công ty ở Trung Quốc sản xuất đồ cho người tiêu dùng Trung Quốc và một chiến lược quốc tế nhằm trao đổi giữa nước này với bên ngoài. Khái niệm này sẽ hoạt động như thế nào trong thực tế không hoàn toàn rõ ràng, nhưng nó báo hiệu một sự thay đổi trong quan hệ kinh tế của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Bắc Kinh trước đây đã kết hợp cải cách trong nước và toàn cầu hóa thành một động lực phát triển mạnh mẽ. Giờ đây, nó đang ám chỉ về sự căng thẳng gia tăng trong việc củng cố nền kinh tế trong nước để hỗ trợ Trung Quốc chống lại một môi trường toàn cầu không chắc chắn và tiềm ẩn nhiều mối lo về sự thù địch hơn.

Ở một số khía cạnh nhất định, đây có thể không phải là một điều xấu: Trong nhiều năm, các nhà kinh tế đã nói với Bắc Kinh rằng tăng trưởng của nền kinh tế sẽ lành mạnh hơn nếu phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước hơn là đầu tư hoặc xuất khẩu. Nhưng sự thay đổi này cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ tham gia vào thương mại và đầu tư nước ngoài theo những cách khác nhau để hỗ trợ chương trình nghị sự này. Nói cách khác, Trung Quốc sẽ mở cửa kinh doanh — nếu doanh nghiệp đó giúp bảo vệ lợi ích của chính họ.

Điều này phù hợp với một trong những mục tiêu khác của ông Tập, đó là tự cung tự cấp. Ông tin rằng Trung Quốc nên sản xuất các sản phẩm thay thế tự chế cho các sản phẩm chủ chốt hiện được mua từ nước ngoài - đặc biệt là vi mạch và các công nghệ quan trọng khác. Để bảo vệ an ninh quốc gia, Trung Quốc cần các chuỗi cung ứng “độc lập, có thể kiểm soát, an toàn và đáng tin cậy”, ông Tập nói trong một bài phát biểu hồi tháng 4, với “ít nhất một nguồn thay thế cho các sản phẩm chính và các kênh cung ứng, để tạo ra một hệ thống dự phòng công nghiệp cần thiết”. Bản địa hóa công nghệ đã là tham vọng lâu đời của Trung Quốc, nhưng những người theo dõi Trung Quốc cho rằng ông Tập đã đưa kế hoạch đó vào kế hoạch siêu phát triển.

Việc tái thiết nền kinh tế của ông Tập dường như đã bắt đầu vận hành. Chính phủ của ông đang chuẩn bị một hệ thống "điểm tín nhiệm xã hội doanh nghiệp" , song song với một hệ thống được thiết kế cho công dân Trung Quốc. Về lý thuyết, nó phải kiềm chế những doanh nghiệp gây ô nhiễm, gian lận thuế và những kẻ vô lại khác của nền kinh tế. Trên thực tế, nó được coi là một công cụ nhà nước khác để xâm nhập vào lĩnh vực quản lý tư nhân. Ông Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, nói với tôi rằng “các ông chủ của chính phủ có ý thức mạnh mẽ rằng họ vẫn chưa thực sự kiểm soát được các doanh nghiệp tư nhân”. Tất cả những điều này tạo nên một cuộc thử nghiệm lớn về kiểu phát triển do nhà nước chỉ đạo chưa từng thấy kể từ thời Mao Trạch Đông.

Các nhà kinh tế được đào tạo cổ điển cau mày trước chương trình của ông Tập. Họ cảm thấy ông ấy chỉ đánh dấu vào từng ô những việc không nên làm để thúc đẩy thu nhập và đổi mới. Tuy nhiên, chúng ta không nên ngay lập tức loại bỏ kế hoạch của ông ấy vì nó chắc chắn sẽ thất bại. Là một thị trường khổng lồ với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc có thể phát triển các công ty địa phương với quy mô và phạm vi hoạt động mà không cần bận tâm nhiều đến thế giới bên ngoài. (Công ty Ant của Jack Ma là một ví dụ điển hình). Nếu các chương trình này mà hiệu quả thì có lẽ, các nhà kinh tế có thể phải viết lại sách giáo khoa của họ.

Tuy nhiên, việc triển khai nó lại hàm chứa những đầy rủi ro. Bằng cách ủng hộ khu vực nhà nước, ông Tập đang đưa tiền và tài năng quý giá vào các doanh nghiệp chính phủ nổi tiếng cồng kềnh và kém hiệu quả thay vì các doanh nghiệp tư nhân nhanh nhẹn và sáng tạo hơn nhiều. Tác động tiêu cực thể hiện ở năng suất kém một cách thảm hại - một thảm họa đối với một xã hội già cỗi vẫn đang cố gắng theo kịp các quốc gia giàu nhất - và nợ nần chồng chất, hiện nay gần gấp ba lần quy mô sản lượng quốc gia.

Trong một báo cáo tháng 10, Julian Evans-Pritchard, một nhà kinh tế học tại công ty nghiên cứu Capital Economics, đã gọi tự cung tự cấp là nguyên nhân dẫn đến “thất bại kèm thất bại” đối với nền kinh tế Trung Quốc, bởi vì nó chuyển các nguồn lực từ các mục đích năng suất hơn và buộc các công ty phải chọn nhà cung cấp vì lý do chính trị chứ không phải là kinh tế. Ông viết: “Theo đuổi sự tự cung tự cấp vẫn có thể hợp lý như một hình thức bảo hiểm chống lại sự chia rẽ tích cực của Mỹ và các đồng minh”. “Nhưng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tốt hơn nếu ngay từ đầu không sử dụng sự bảo hiểm như vậy”.

Ông Tập dường như đang đặt cược vào khoản bảo hiểm và điều đó có ý nghĩa rất lớn đối với chính quyền Biden sắp tới. Rõ ràng, ông Tập đang chuẩn bị cho cuộc xung đột kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bằng cách cố gắng ngăn chặn Trung Quốc khỏi các biện pháp mà Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể sử dụng để chống lại ông. Tuy nhiên, khi làm như vậy, ông cũng đang định vị lại nền kinh tế Trung Quốc trên thế giới.

Mỹ đã từng sai lầm khi ủng hộ các cải cách kinh tế của Bắc Kinh dựa trên hy vọng rằng khi Trung Quốc ngày càng giàu có, mọi người sẽ được hưởng lợi từ sự thịnh vượng và an ninh lớn hơn của nước này. Nhưng ngay cả khi ông Tập thành công trong việc sản xuất nhiều hơn để thay thế những gì Trung Quốc mua từ thế giới, ông cũng sẽ làm suy yếu nền tảng kinh tế cần thiết cho khả năng tiếp tục bành trướng, can thiệp khắp nơi với một chế độ độc tài tàn bạo. Ông Tập cho rằng ông đang che chắn cho Trung Quốc chống lại sự cô lập. Thay vào đó, chính ông ta có thể lại là nguyên nhân gây ra nó.

Bài viết của tác giả MICHAEL SCHUMAN. Ông cũng là tác giả của cuốn sách Siêu năng lực bị gián đoạn: Lịch sử thế giới của Trung Quốc và Điều kỳ diệu: Câu chuyện sử thi về hành trình tìm kiếm sự giàu có của châu Á .

Đức Duy

Nguồn:

https://www.theatlantic.com/international/archive/2021/01/xi-jinping-china-economy-jack-ma/617552/?utm_source=twitter&utm_medium=social&utm_campaign=share

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc đang đảo ngược các thành tựu kinh tế của chính mình